Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 43)


                                 
                                     (tiếp theo)

Ông chánh trương chẳng những không bênh vực , bảo vệ lại còn tố cáo cha :
Cái ông ấy ( tức cha Thư) đến là dại. Lại còn không biết nó ( thị Thảo) là ai mà dính vào…Lần đầu nó xin gặp cha còn nài tôi cùng ngồi. Mấy lần sau chả thấy ông ấy lý gì tới mình nữa. Không biết đâm mù con mắt xác thịt thì có ngày hỏng…”
Chủ tịch Mặt trận nhân đó riễu  cha :
“ Da thịt nó như thế, môi mắt nó như thế, thánh năng ngồi gần còn có khi cháy huống hồ là cha…”  
Cứ như thế kẻ tung người hứng, một bên là đại diện nhà thờ, một bên là đại diện chính quyền ra sức bôi bác cha. Tất nhiên việc mấy cô hội hát quyên góp may áo cho cha như vậy là tan , “ thị Thảo phải hoàn lại đôi hoa cho mẹ con  bà Tộ. Các nhà góp tiền mua áo  lễ cũng lần lượt kéo tới đòi tiền về…”. Mọi lời đàm tiếu tất nhiên chĩa cả vào cha xứ làm “ cha Thư khi được  hay mọi chuyện liền đóng cửa buồng ở lì trong đó cả tuần lấy cớ cảm cúm.”. Từ đó,  mỗi lần làm việc với chánh trương, cha xứ gọi thêm người trong ban hành giáo dự ” khỏi mặt đối mặt với ông già nham hiểm quỷ quái…”  .
Cái “sự khó” dường như luôn luôn đuổi theo cha Thư . Cơn ông chưa qua cơn bà đã tới. Một hôm cha Thư nhận được  thông tư của Toà Giám mục chỉ thị các xứ đạo tổ chức “ bách chu niên đức cha Phước  dâng địa phận Tây đàng ngoài trong tay Đức Mẹ ”. Cha Thư tìm tới cha già quản hạt bàn việc tổ chức  không ngờ ông này …bàn lùi  :
Đức cha Phước  là tên gọi Việt Nam , còn tên chính của ngài là Puginier …năm ấy, đức cha lại nhận lời ông Ngạc Nhi * đi làm thông ngôn trong cuộc đàm phán giữa người Pháp với các quan giữ thành. …”
Hoá ra cha già quản hạt lại là “người yêu nước” , ông kết tội cha làm ‘thông ngôn” cho Pháp chiếm thành Hà Nội . Bởi vậy thật bất ngờ, cha già thở ra giọng “địch vận” lôi kéo cha trẻ về “tình yêu  nước” :
“ Mình là người có đạo thì phải nghĩ theo cách nghĩ của hội thánh. Nhưng mình còn là người Việt Nam nữa nên khó…”
Nghe vậy, lẽ ra cha trẻ phải phản ứng, bảo vệ đức tin , không ngờ chỉ “cúi đầu, thầm nghĩ đau đớn :” Vâng, đúng thế, đúng là thế. Người có đạo là người có tội, tội truyền kiếp, tội của tổ tiên…”
Thái độ khiếp nhược  của cha trẻ làm cha già dấn tới :
Đạo của Chúa đến cùng một lúc với giặc giã kéo đến . Các cố đứng trong đám giặc mà truyền đạo . Người theo đạo thì không thể nghĩ đến nước. Đã nghĩ đến nước thì rất khó theo được đạo…”
Nói năng sặc  mùi “ khinh chúa  yêu nước” vậy , ai dám tin là lời lẽ  linh mục già  quản hạt. Choáng váng vì những lời lẽ “báng bổ” phát ra từ miệng cha quản hạt, ông cha trẻ phải thốt lên :
Lậy Chúa, vậy chúng con phải làm gì ? Bất tuân toà giám cũng  có tội như bất tuân chính quyền…”
Cha già quản hạt không những không động viên cha trẻ giữ lấy đức tin mà còn cả gan “chửi xéo” đức Thánh Cha :
Đức Thánh Cha ở chỗ cao xa , Ngài không thể biết hết được  những khổ đau của người dân ở xứ này. Ngài chưa thể biết hết lịch sử truyền giáo ở xứ này …”
Những lễ nghi của nhà thờ thường được quy định chi tiết và thực hiện  tôn nghiêm. Ấy thế mà ông nhà văn cũng biến chuyện đó thành…trò hề. Nguyên cha tổng quản địa phận gửi giấy về các xứ nhắc lại lễ nghi chầu phép lành quy định :” ra đền thờ bái một lần, lên trải khăn thánh, mở cửa nhà chầu bái lần nữa. …”. Cha trẻ hỏi cha già đã đọc giấy quy định chưa, cha lắc đầu  bảo chưa rồi lên giọng khinh khỉnh, coi như chuyện tào lao :” Bái bốn lần hả ? Ừ thì là bốn lần . Chắc là mọi khi cũng bái đủ cả bốn lần…”
Thái độ vừa báng bổ vừa coi thường phép tắc nhà Chúa của cha già làm cha trẻ phải coi ông ta là “ Một ông già đã quá tuổi làm lễ, đã rất hay quên, đã chẳng còn hiểu mình nói gì và sẽ nói những gì…”. Tuy nhiên cha trẻ nhận ngay ra nhận xét thế là sai “ Nhưng…hình như không phải là thế, hoàn toàn không phải là như thế…”
Không phải thế thì hẳn là một lão già quỷ quyệt, nham hiểm khoác áo linh mục phá nhà thờ.Dưới ngòi bút Nguyễn Khải, hai linh mục -  cha già và cha trẻ hiện ra như  hai địch thủ luôn rình rập triệt nhau chứ chẳng phải cùng  “con cái Chúa” hoặc cùng  đấng chăn chiên. Sự thực có thế không ?
Quả đắng tiếp theo cha trẻ phải nhận là ông trùm đạo An Thuận nhân việc toà Giám mục cấp sắc cho lập xứ đạo riêng đã tổ chức quyên góp chè chén linh đình và đổ hết trách nhiệm cho cha trẻ. Rất may được ông chánh trương mật báo, ông cha trẻ đã kịp thời ngăn được việc đầy tai tiếng đó và than trời :”  Ai cũng xấu cả thì tôi biết  san sẻ công việc với ai ? …Cái miệng lưỡi con người ta gian ngoan thật…”
Tuy nhiên bản lĩnh linh mục của cha trẻ thực sự bị thử thách là trong việc thay mặt nhà thờ làm chứng cho một cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng là bộ đội  ở mãi “vùng ngoại  vi Saigòn. Bị thương rồi mới chuyển ra đây…”, chị vợ cũng là cán bộ. Anh bộ đội được nghỉ phép 15 ngày để lấy vợ, khi tới xin cha làm chứng thì đã qua mất 5 ngày, bởi vậy anh rất muốn cha viết giấy “làm chứng “ ngay để hôm sau tổ chức lễ cưới tại nhà thờ. Tuy nhiên, theo luật của hội  thánh , cha vẫn phải hỏi :
“ Hai người đã chịu phép rửa tội tại xứ họ nào ?”
“ Gia đình con vốn ở Lạc Hải , mới về xã được có mươi năm…”
Cha Thư hắng giọng :
“ Vậy chị phải xin với cha chánh xứ ở bên đó tờ chứng đã làm phép rửa tội…Phải đã chịu đủ các phép bí tích từ khi lọt lòng tới tuổi lớn không mới có thể cho chịu phép cưới. Luật lệ của Hội Thánh đã định thế …”
Vậy vẫn còn chưa xong, sau khi đã có hai cái giấy chứng đó rồi thì còn phải dự…khảo kinh nữa. Lúc này “anh bộ đội” mới lên tiếng :
Xin thú thật với cha, cả hai chúng tôi  đều đi công tác đã lâu, kinh bổn chắc là không còn thuộc…”
Cha xứ điềm nhiên :
“ Nên học lại , vốn đã thuộc thì học lại cũng mau chứ ?”
“ Chúng tôi chỉ còn ít ngày phép. Một trăm thứ việc đồn lại trong mấy ngày, xin cha thông cảm cho…” 
Cha xứ vẫn quyết liệt :
Nếu không theo đúng những luật Hội Thánh đã buộc, dẫu làm phép cũng không thành…”
“ Anh bộ đội đưa cặp mắt nhọn nhìn soi mói ông cha đạo từ đầu tới chân như nhìn một giống người xa lạ, trong giọng nói đã có sự thách đố ngấm ngầm . Anh lên giọng :“ Chúng tôi đi chiến đấu không dám kể công với những người ở hậu phương, nhưng ở nơi sống chết mới biết bỏ qua những chuyện vặt vãnh…”
Cha xứ cũng giương mắt nhìn lại :
“ Đối với người có đạo thì hàng ngày xin ơn Chúa, tỏ lòng tin, cậy, mến Chúa là việc hệ trọng nhất…”
Hai người nhìn nhau gằm ghè…
Thật không ở đâu, ngày giữa nhà thờ , lại có thứ con chiên hỗn hào với cha xứ đến vậy . Hơn nữa, anh bộ đội lên giọng riễu cợt :
“ Giả thử chúng tôi đều trúng tuyển qua kỳ khảo thi của cha thì điều kiện tiếp theo có phải là bỏ quân ngũ không ?”
Vậy là anh con chiên mặc áo bộ đội đã không ngần ngại úp lên đầu cha xứ một cái nón cối tổ bố : ép tín đồ đào ngũ, bỏ bộ đội. Và sau cùng, “ anh ta vẫn không rời mắt nhìn ông thầy tu, vành môi trên hơi nhếch lên, cái nhếch môi mới kiêu hãnh làm sao :
“ Chúng tôi vẫn tự hỏi : Sự có mặt của các cha có cho thêm chúng tôi được  cái gì không ? Một câu hỏi đứng đắn đấy. Cha còn trẻ, tôi tin rằng cha có đủ thời gian trả lời…”
Đúng là khiêu khích, phá hoại “chính sách  tín ngưỡng của Đảng, Chính phủ” , vậy mà ông nhà văn lại hạ bút khen :” cái nhếch môi mới kiêu hãnh làm sao…”.
Tuy nhiên, mải mê bôi bác, trách móc nhà  thờ, ông nhà văn quên béng một điều là bất kỳ ‘cuộc chơi” nào cũng có luật của nó. Nếu bài xích nhà thờ dữ dội vậy, thì anh bộ đội với chị cán bộ cứ ra Uỷ ban mà tổ chức đám cưới theo đời sống mới, hà cớ gì phải vào nhà thờ khẩn khoản cha cố “linh động giải quyết” và khi không được thì lập tức giở mặt buông lời riễu cợt mang đầy tính đe doạ, khi muốn nên vợ nên chồng trước mặt đức Chúa Giêsu.

                        (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét