Ông già chợt như nổi máu điên, mặt đỏ phừng phừng, mắt vằn tia máu, hầm hầm nhìn bác Ba Phi như muốn ăn tươi nuốt sống. Í chết mẹ, cha này tưởng mình Việt Cộng đây. Chả mà trút căm thù “muôn đời muôn kiếp không tan “ lên đầu mình thì táng mạng. Trước mắt chả dám chơi ngay cái ly lăm lăm trong tay lên đầu mình chứ chẳng giỡn. Nghĩ vậy bác ré chân vừa định chuồn, ông già đã nắm vạt áo, giữ lại :
“ Định trốn hả ? Cà phê đang uống dở mà…”
Bác Ba Phi lúng túng :
“ Tôi thấy…tôi thấy…ông xúc động quá…nên tôi ngồi không tiện…”
Ong già dịu giọng :
“ Không sao…không sao..ông cứ ngồi đây tôi tâm sự cho nghe nhiều chuyện ly kỳ nữa…”
Bác Ba Phi chối khéo :
“ Tôi …tôi phải về trông nhà, các cháu nó đi làm hết…”
Ong già cười phá :
“ Đừng xạo cha nội…ở bên Mỹ này nhà cửa đều có khoá báo động, bố thằng nào dám đột nhập mà lo. “
“ Nhưng tôi…nhưng tôi…”
Ong già vội vàng :
“ Hiểu rồi, hiểu rồi, ông ngại không muốn nghe chuyện chống cộng chứ gì ? Hèn chi mấy cha trong nước sang đây, mỗi lần thấy cờ vàng ba sọc đỏ với quốc ca Việt Nam Cộng hoà “ Này thanh niên ơi” là cha nào cha nấy bay hồn bạt vía…lấm la lấm lét nhìn quanh coi có công an chìm chụp hình không ? Khổ vậy !”
Bác Ba Phi bực mình :
“ Không phải…không phải chuyện đó…Bên này mấy bác muốn nói gì nói, muốn chửi ai chửi , người trong nước sang đây có nghe theo hay không là tuỳ người ta, xứ sở tự do, ai phải sợ ai ?”
Ong già thấy bác Ba Phi có vẻ căng thẳng, vội đấu dịu :
“ Được rồi, được rồi, ông cứ ngồi xuống đây cà phê với tôi. Thôi vứt ba cái chuyện chính trị đi , đau đầu nhức óc. Tôi với ông nói chuyện chính…em cho zdui dzẻ thôi …”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ Chuyện chính…em. Tôi với ông nhúng một chân trong mồ rồi còn nói chuyện đó ?”
Ong già cười ha hả :
“ Vậy ông không nghe các cụ ta nói “gừng càng già càng cay” à ? “
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Những người già…không đều đó khổ lắm ông ơi…”
Có vẻ như trúng ý mình, ông già reo lên :
“ Trúng lắm …ông nói trúng lắm ... hoàn cảnh tôi vậy đó …Ong biết năm nay tôi nhiêu không ? Sáu “bó “ rưỡi rồi , vậy mà năm kia còn bị sét ái tình đánh mới chết chớ ?”
Bác Ba Phi tròn mắt :
‘ Ong nói thiệt hay giỡn ? Tuổi đó chỉ ham bế cháu thôi, còn gì nữa đâu mà ...sét đánh?”
“ Vậy mới chết ! Năm đó tôi theo một ông bạn HO về nước. Thấy tôi nằm vò võ một mình trong phòng khách sạn cô nhân viên trực phòng thương lắm. Cô ấy cứ quanh quẩn hỏi thăm “gia đình chú đâu. Sao chú buồn thế ?”. Rồi để tôi vui , cô rủ đi chơi Suối Tiên, đi khu du lịch Bình Qưới…Mới đầu còn “ chú chú, cháu cháu” sau ngoảnh đi ngoảnh lại “em em anh anh “ lúc nào chả biết. “
Bác Ba Phi bật cười :
“ Vậy ông sướng bằng tiên rồi còn gì ? Nhưng tuổi tác có chênh lệch quá không ?”
“ Cô ta còn chưa lọt vào tốp U30 nữa kìa ?”
Bác Ba Phi ngớ người :
“ Vậy là sao ? Cô ta nhiêu ?”
“ Thì đã bảo chưa tới 30 mà….Mới …20 tuổi rưỡi thôi…”
“ Chèn đéc ôi…cổ còn thua tuổi con vợ thằng Đậu nhà tôi …”
Ong già cau mặt :
“ Con vợ thằng Đậu là ai ?”
Bác Ba Phi trợn tròn mắt :
“ Ủa người Việt đằng mình mà không biết con vợ thằng Đậu là ai sao ?”
Ong già bực bội :
“ Ong hỏi tôi vợ ông Obama là ai may ra tôi còn biết chớ vợ thằng Ngô, thằng Đậu, thằng Khoai bố ai mà biết !”
Bác Ba Phi ngậm ngùi :
“ Đúng rồi…sang thời hội nhập kinh tế toàn cầu ai còn nhớ những chuyện “miệt vườn” ấy nữa”.
Bác Ba Phi ngập ngừng rồi quả quyết hỏi :
“ Vậy ông có biết bác Ba Phi là ai không ?”
Ong già trợn tròn mắt :
“ Ba Phi hả ? Nghe quen quen ! Phải thằng cha kép độc ngày xưa ở đoàn tuồng Quảng Lạc chuyên đóng vai Trương Phi không ? “
Bác Ba Phi thở hắt ra :
“ Không phải đâu, thằng chả là Ba Phỉ chớ không phải Ba Phi…”
Ong già cười cười :
“ Ba Phỉ với Ba Phi từ thời Khải Định nào rồi, bố ai mà biết . Thôi dẹp chuyện đó , để tôi kể thiên tình sử uất hận của tôi ông nghe!”
Bác Ba Phi ngớ ra :
“ Ong nói gì ? Sao lại tình sử uất hận ? Lại có cả tình hận trong tình yêu nữa kia à ?”
“ Có chớ sao không ? Rượu nồng biến thành dấm chua mấy hồi ? Tôi nói ông nghe, giờ tôi gặp lại con nhỏ đó tôi tạt cho nó một ca axít may ra mới hả giận !”
Bác Ba Phi kêu to :
“ Chèn đéc ơi…các cụ ta nói “một ngày nên ngãi” ông với cổ sống với nhau bao lâu để đến nỗi tình yêu biến thành thù hận vậy ?”
Ong già sầm mặt :
“ Yêu thương gì ? Hoá ra nó lừa tôi ông ạ. Nó chỉ cần cái giấy tôi bảo lãnh nó sang Mỹ thôi. Hai năm trời tôi chạy ngược chạy xuôi, nào xây nhà cho nó dưới quê, nào sắm xe sắm máy, lại còn cho nó đi học Anh văn và vi tính rồi xin cho nó vào làm văn phòng Công ty một anh bạn cũ ở Sàigòn, nghỉ làm khách sạn kẻo vất vả , phức tạp quá…”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Thì đổi lại nó cũng dâng cho ông đời con gái của nó rồi còn gì ? Tính ra thì ông đâu có thiệt ?”
Ong già trợn mắt :
“ Thiệt chớ sao không ? Nguyên cái khoản tôi đầu tư cho nó ở Việt Nam cũng hết cả mấy chục ngàn, rồi tiền giấy tờ bảo lãnh hết mấy ngàn nữa. Vậy mà thời gian hai lượt tôi về Việt Nam sống với nó không được quá hai tháng. Tính ra vậy là quá đắt phải không ông ?”
Bác Ba Phi bật cười :
“ Vậy còn thời gian cổ sang đây làm vợ bác cũng phải tính chớ ?”
Ong già trừng mắt :
“ Nó sang đây có làm vợ tôi được ngày nào ? Vậy mới đau cho tôi chớ ? Mình lo giấy tờ, mua vé máy bay, sắm sửa hành trang cho nó, vậy mà xuống sân bay lại không phải tôi mà thằng khác đón nó mới đau chớ. “
Bác Ba Phi kinh ngạc :
“ Uả ? Sao ly kỳ quá vậy ? Sao bác là chồng cổ lại không đón để thằng khác đón ?”
“ Thì mình đinh ninh nó sẽ đáp xuống đúng ngày giờ theo vé mình mua cho nó, ai ngờ nó đổi vé đi chuyến khác. Thế là y hẹn tôi ra đón thì nó mất hút con mẹ hàng lươn mới hận chớ !”
Bác Ba Phi thông cảm :
“ Rồi sau này có gặp lại nhau nữa không ?”
Ong già nghiến răng trèo trẹo :
“ Có gặp lại…mà gặp trên điện thoại kìa. Nó giở mặt, đổi cả xưng hô : “sorry chú…chú với cháu có duyên mà không có số…lấy cháu chú tổn thọ sớm thì cháu phải tội…”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Sao ông không kiện ra Toà ? Ong có làm hôn thú với cổ kia mà ?”
Ong già giận dữ :
“ Hôn thú là cái mẹ gì ? Ra Toà nó lại bắt chia cả nhà cả xe thì tôi mất cả chì lẫn chài. Thôi đành cứ ngậm đắng nuốt cay ngày đêm thắp nhang nguyền rủa, cầu trời khấn Phật vật cho nó chết đường chết chợ, chết bất đắc kỳ tử, chết không kịp ngáp, chết không nhắm mắt vậy …”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét