Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Thằng “boi” là thằng gì ?”
“ Gọi là bạn trai nhưng thực ra là bồ. Nó là thằng người Mỹ chính gốc. Mũi lõ, mắt xanh lè. Nó xồng xộc vào chẳng chào hỏi quắp ngay con nhỏ lên xe. Tôi phàn nàn với ông ngoại nó mới nứt mắt đã bồ bịch còn học hành sao ? Ong bảo sang đây nó không cần học chỉ cần tìm chồng để ở lại Mỹ thôi .”
Bác Ba Phi tròn xoe mắt :
“ Con nhỏ này ghê thiệt. Vậy chắc nó phải lấy Việt kiều ?”
Lão già lắc quày quạy :
“ Lúc đầu tôi cũng tưởng vậy. Hoá ra không phải vậy ? Nó nói cháu “cancel” mấy anh Việt kiều, “candy man” thấy mồ tổ …”
“ Ong nói cái gì vậy ? Việt kiều làm sao ?”
Lão già cười hềnh hệch :
“ À…tiếng lóng của tụi nó đó mà…”Candy” là “kẹo”, người “kẹo” tức người keo kiệt ấy mà ?”
Bác Ba Phi trợn mắt :
“ Việt kiều mà “kẹo” ?”
“ Thì nó nói vậy . Nó bảo lấy chồng Mỹ sướng, đẹp trai, biết chiều chuộng, week end đưa vợ đi nhảy nhót, trượt tuyết, party …hơn đứt Việt kiều khó tính , ghen bóng ghen gió, hay bắt bẻ mà lúc nào cũng ra vẻ ta đây .”
“ Nhỏ này ghê gớm thiệt. Ai dậy nó hổng biết ?”
Lão già bật cười :
“ Đời dậy nó chứ ai. Bởi vậy mới nói đứa nào đặt được chân sang Mỹ rồi đâu có muốn quay về Việt Nam …”
Bác Ba Phi cau mặt :
“ Vậy rồi mất gốc hết sao ?”
Lão già lại cười :
“ Cái bác này cổ lỗ sĩ . Gốc gác là cái quỷ gì ? Đến các cụ ta xưa cũng nói “đất lành chim đậu” mà. Bác thấy cái xứ Hiệp chủng quốc này bao gồm tứ xứ Anh, Pháp, Đức, Y rồi Nga, Tàu , Nhật…cả trăm triệu con người có ai coi mình mất “gốc” đâu ? Thay vì nằm nhà ôm lấy cái gốc thì sang đây kiếm thật nhiều tiền gửi về chẳng hơn à ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Nói như ông thì rồi mai kia kéo nhau đi hết cả nước ?”
Lão già phá ra cười :
“ Ay cái dân mình nó vậy. Có khi cứ bị gậy đi ăn mày khắp thế giới còn hơn là cứ ở nhà uýnh nhau lộn bậy…”
Bác Ba Phi chắp tay vái:
“ Ong vừa vừa cái miệng thôi. Ong coi rẻ dân tộc mình quá. Ong đừng quên người Việt Nam dẫu có uýnh nhau lộn bậy nhưng một khi đất nước bị xâm lược nhất định người Việt tứ xứ sẽ đổ về mở hội nghị Diên Hồng bàn chuyện cứu nước ngay…”
Lão già ghé sát tận mặt bác Ba Phi nhìn lom lom rồi cất tiếng cười hả hả :
“ Bác nói vậy làm tôi thích bác rồi đó. Đúng là hôm nay ra ngõ gặp trai vớ ngay được tri âm tri kỷ. Nhất định phải đón bác về nhà giết chó ăn mừng…”
Lão mượn cell phone bác Ba Phi xì xồ vào đó rồi hể hả :
“ Tôi vừa gọi taxi . Hôm nay bác là khách quý nên ta xả láng một phen…”
Lát sau xe ghé tới. Bác Ba Phi đã quen ngồi ô tô, vừa yên vị bác đã “sít beo” và còn giục lão già làm theo khiến lão bật cười :
“ Xem ra bác hội nhập vào Mỹ rồi đó. Tôi ở Mỹ lâu hơn bác nhiều mà mỗi lần lên xe cứ quên hoài , phải nhắc mới nhớ ra …”
Chiếc xe đưa hai người chạy trên freeway về phía Nam , quẹo phải quẹo trái vài ba lượt nữa rồi qua một khu rừng thưa rộng bát ngát. Hoá ra trang trại nơi lão già đang làm thuê cách thành phố tới gần một giờ xe chạy. Xe vào một cổng sắt lớn tự động mở , tiến sâu vào vườn.
Khác với tưởng tượng của bác Ba Phi, tại đây ngoài cái máy làm cỏ, máy cưa, vài ba cái máy lặt vặt rải rác đây đó, còn không có vẻ gì là cơ giới hoá cả . Lão già đưa bác đi xem khu vực trồng chanh, trồng cà chua, hành tây…. rộng bát ngát. Lão giới thiệu :
“ Tôi chỉ trông coi và cắt đặt công việc cho Mễ khi họ tới làm thôi . Cứ mỗi tuần hai lần họ tới làm cỏ, bỏ phân, diệt sâu rầy…”
Lão kéo bác ba Phi vào ngôi nhà lợp tôn, tường gỗ trong có đủ giường, bàn ăn, bếp, tủ chén, tủ lạnh..vừa là phòng ăn, phòng ngủ, tiếp khách và cả phòng tắm nữa. Lão nháy mắt :
“ Anh hùng nhất khoảnh. Một mình một cõi . Sướng chưa ?”
Bác Ba Phi đưa mắt nhìn quanh :
“ Ong ở đây không có hàng xóm láng giềng à ?”
Lão già trợn mắt :
“ ở Mỹ ông quên ba thứ đó đi nha. Đất nó rộng thế này chứ đâu có phải chen vai thích cánh như bên mình. Mà tôi nói bác biết, dù có ở sát tường đi nữa, cũng chẳng có hàng xóm láng tỏi gì hết , mạnh ai nấy sống ?”
“ Vậy rồi tối lửa tắt đèn thì làm sao ?”
Lão già cười hềnh hệch :
“ Gọi điện chớ sao ? Gọi điện cho công ty ga, công ty điện, công ty nước… tụi nó dẫu ở xa tít đâu chẳng thấy nhưng đích thực là hàng xóm của mình đó. Nhấc phone lên ới một câu là nó chạy tới liền, chỉ cần money…moneylà OK ngay…”
Bác Ba Phi ngẩn người :
“ Vậy mình không phải làm đơn ra Phường ?”
Lão già cười phá :
“ Bên này không có Phường khóm con mẹ gì hết. Nói thiệt với bác nha. Kể từ hồi tôi sang đây cả năm trời rồi mà cấm có thấy bất kỳ một thằng Phường, Khóm dòm ngó tới mình. Mọi thứ từ biên lai điện, nước, điện thoại, giấy tính thuế, bảo hiểm…tuốt tuột qua bưu điện hết, chẳng phải tới chầu chực xin xỏ thằng nào, chẳng thấy mặt mũi thằng “cán bộ chính quyền” nào. Cảnh sát cũng vậy , chỉ nhìn thấy nó chạy lui chạy tới ngoài phố chứ động chạm gì tới mình đâu ?”
Bác Ba Phi chau mày nghĩ ngợi rồi lắc đầu :
“Không được…không được…”
Lão già tò mò :
“ Bác nói không được là sao ?”
Bác Ba Phi lên giọng giảng giải :
“ Tôi nói ông nghe…người Việt mình lạ lắm…thời ông cha ta bao giờ cũng phải có trưởng họ, lý trưởng, chánh tổng, trương tuần, sang thời nay phải có Chủ tịch Uỷ ban phường, Bí thư Phường, rồi phụ nữ, thanh niên, mặt trận, công an phường…giờ bỏ hết các cái đó đi tôi e rằng không ổn…”
Lão già trợn mắt :
“ Bỏ hết ba lũ ăn hại đái nát đó ngân sách Nhà nước càng bớt chứ có gì đâu không ổn ?”
Bác Ba Phi trợn mắt :
“ Thì tôi đã nói dân mình kỳ lắm. Nó cần phải có ba cái thứ đó , không có các cái đó xã hội nó lỏng lẻo , con người nó bơ vơ, lạc lõng làm sao đó…”
Lão già phá ra cười :
“ Cái bác này hay nhỉ ? Tự do, thoải mái lại không muốn, cứ muốn gò bó ràng buộc kìa. Tôi thử hỏi bác, một mai ngủ dây, bác thấy biến sạch sành sanh hết cả Uỷ Ban, Đảng uỷ Phường, Mặt trận, thanh niên, phụ nữ, công an Phường thì bác có thấy sung sướng không ?”
Bác ba Phi rụt rè :
“ Tôi sợ …dân mình chưa quen được cái đó…”
“ Chưa quen là sao ?”
“ Thì bao năm nay dân mình quen có người chăn dắt , ngày xưa lý trưởng chánh tổng, ngày nay Uỷ ban, Đảng uỷ…bây giờ bỏ hết cả đi tôi sợ dân nó…buồn…”
Lão già cười phá :
“ Sợ dân nó…buồn. Đúng là quen cái thói nô lệ…”
Bác Ba Phi reo lên :
“ Đúng đó…đúng đó…dân mình quen có người đứng đầu rồi, ngay trong một làng, một xóm, một thôn…”
Lão già quát lên :
“ Thì bây giờ bỏ mẹ cái thằng đứng đầu , bầu người đại diện có văn minh hơn không ?”
Bác Ba Phi lắc quày quạy :
“ Cái đó đâu có được. Đại diện là cái quỷ gì ? Cái gì là cái đại diện. Cái đó các cụ kêu bằng “cá mè một lứa” đó. Phải có người đứng đầu chớ ? “
Lão già cười cay đắng :
“ Tức là giống như đàn cừu phải có “chủ chăn” chớ gì ? Rõ quen cái thói nô lệ…”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Thì dân mình nó vậy mà. Nhưng tôi xin hỏi ông, giả tỉ như cộng đồng Việt kiều đây, các bác ấy có người “chủ chăn” đứng đầu hay người đại diện do dân bầu ra không ?”
Lão già ngẩn cười khơ khớ :
“ Chẳng có “chủ chăn đứng đầu” mà cũng chẳng có đại diện do dân bầu ra. Mỗi anh một khoảnh, mỗi anh một Hội , một Đoàn, chẳng anh nào chịu anh nào …”
Bác ba Phi ngạc nhiên :
“ Bác nói sao ấy chớ ? Trong gia đình thì có ba có mẹ, trong Đảng thì có Bí thư, trong công đoàn thì có chủ tịch … cả một cồng đồng gần hai triệu con người hẳn phải có lãnh tụ, có thủ lãnh , có người đứng đầu chớ ?”
Lão già cười hô hố :
“ Thì đấy…có ông Obama đứng đầu rồi đó…cần gì ông Mít, ông Xoài nào nữa ?”
Bác Ba Phi ngập ngừng :
“ Tôi tưởng người Việt đằng mình với nhau cũng cần có người đứng đầu để đóng cửa bảo nhau chớ ?”
Lão già cười hơ hớ :
“ Có mà đóng cửa uýnh nhau thì có ? Tôi xin nói với bác sau tháng 4 năm 1975, cả cộng đồng người Việt bê nguyên xi cái Sàigòn “hồi ấy” nhảy dù sang đặt giữa nước Mỹ văn minh này. Qua hơn 45 năm rồi, cái Little Saigòn có khác cái Sàigòn 75 là mấy . Thử hỏi đã học thêm được sự tân tiến của người Mỹ ở những chỗ nào ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Người già thường hay nghĩ về những kỷ niệm, khó đổi thay, chắc chỉ còn trông mong vào lớp trẻ ?”
Lão già lại cười ồ ồ :
“ Lớp trẻ Mỹ hoá hết rồi bác ơi. Đến tiếng Việt nói còn chưa sõi , mai mốt chắc rồi sách báo tiếng Việt cũng quăng hết luôn…”
Chiếc điện thoại bàn gần chỗ bác Ba Phi réo lên inh ỏi. Bác nhấc nghe thấy giọng đàn bà xí la xí lô, vội đưa máy cho lão già. Lão xua tay :
“ Mặc xác nó bác ạ. Nó gọi quảng cáo hàng hoặc dụ mình đi du lịch, tắm hơi hoặc mát xa chân gì đó…Bác nghe hết tụi đó thì suốt ngày . Bây giờ mời bác đi thăm nhân vật chính trong ngày hôm nay.”
Bác ba Phi ngạc nhiên :
“ Nhân vật chính là ai ? Sao ông bảo hôm nay chỉ có tôi với ông ?”
“ Thì bác cứ theo tôi khắc rõ…”
Bác Ba Phi theo lão già đi sâu mãi vào trong vườn . Đến một ngôi nhà gỗ nhỏ, cây lá phủ xum xuê, nom cũng biết nhà kho , chứa đồ không dùng tới. Lão già móc chìa khoá mở cửa cười hềnh hệch :
“ Phải khoá kỹ lắm, ông khách này xổng ra chắc gây tai hoạ cho khối anh ”
Bác Ba Phi vỡ lẽ :
“ À thì ra chú cầy hả ? Bộ chó dại sao sợ gây tai hoạ cho nhiều người ?”
Lão già lắc đầu :
“ Dại thì không nhưng dữ lắm. Hôm bắt nó tôi bị nó đợp một phát vào bắp chân máu chảy toé loe….”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Chó nó khôn lắm. Chắc nó biết bác bắt nó để ăn thịt hẳn thôi.”
“ Giờ bác giúp một tay nhé. Giữ chặt tôi cắt tiết đánh bát tiết canh ăn cho mát ruột.”
“ Thôi ông ạ…Ong cứ chích điện cho nó chết đi rồi mình thui được rồi.Mình đang ở Mỹ chứ ở Việt Nam đâu…”
Lão già cười hềnh hệch :
“ Ay…ở Mỹ xơi tiết canh chó mới sướng chớ. Thôi thôi, nếu bác ngại cứ lên phòng nghỉ, tôi chỉ giở tay cái là xong liền…”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét