Bác Ba Phi ngồi bó gối chán cơn buồn ngủ kéo tới nằm dài ra đất chỗ con chó đã nằm đánh tít cung thang. Tính bác vậy. Lo mấy lo nhưng đặt lưng xuống chẳng còn biết trời trăng mây nước gì hết.
Bác Ba Phi mơ thấy con chó bác thả chạy ra rừng rồi chẳng hiểu sao lại quay về mon men tới chỗ bác nằm. A ha…nó biết bác sắp thế mạng nó nên quay lại cứu hẳn thôi. Nó tới gần bác, miệng hít hít rồi cắn vào quần bác lôi đi. Chợt có tiếng reo :” Bắt được rồi”. Ì mèn ôi, lão già như ở dưới đất chui lên vồ ngay lấy con chó, thít ngay thòng lọng vào cổ . Lão rút ra con dao nhọn hoắt huơ lên, miệng hét lớn :
“ Tao cắt tiết …tao cắt tiết …”
Bác Ba Phi vật lộn với lão già cố ngăn không cho lão đâm dao vào cổ chó. Hai bên vật nhau quyết liệt rồi lão già quật được bác ba Phi xuống đất , vung dao nhắm thẳng ngực bác đâm xuống. Phen này chắc chết, bác nghĩ vậy rồi nhắm mắt lại thở rống lên như con chó bị cắt tiết. Bỗng bên tai bác có tiếng gọi :
“ Dậy đi…dậy đi…ngủ gì ngủ khiếp vậy ?”
Bác mở choàng mắt tưởng lão già tới giết mình vội vàng ngồi bật dậy tính xông tới bóp cổ. Bốp, một cái tát như trời giáng tỉnh cả ngủ, hoá ra không phải lão già mà lại là một….chị đàn bà. Bác Ba Phi lắp bắp :
“ Chị…chị là ai…”
“Khoan hãy hỏi…giờ theo tôi ra xe ngay…nhớ đi nhẹ chân thôi…”
Bác Ba Phi líu ríu theo chị phụ nữ qua phòng ngoài. Í mèn ôi, lão già đang nằm trên chiếc ghế bố ngáy ầm ầm, cạnh đó mâm rượu la liệt đồ nhắm . Chị phụ nữ nói nhỏ :
“ Lão xỉn lắm rồi … hổng còn biết gì nữa đâu …”
Bác Ba Phi mừng rỡ :
“ Hên thiệt là hên…mà sao chị biết tôi bị nhốt ở trỏng ?”
“ Bác ở trong cái kho đó thì có la hét khản cổ ngoài này đâu có nghe ? Nhưng lão già rượu vào lời ra. Lão kể với tôi lão đang căm thù bác về tội thả con chó của lão làm lão mất bữa tiết canh. Lão bảo tới nửa đêm lôi bác ra hành quyết thế mạng chó…”
Bác Ba Phi lè lưỡi :
“ Tưởng lão giỡn chơi …ai dè lão tính giết tôi thiệt hả ?”
Chị phụ nữ lắc đầu :
“ Tôi cũng hổng có biết. Tính lão gàn dở lắm. Lắm lúc ra người rất tỉnh táo, rất tử tế hiền lành, lắm lúc như lên cơn điên, đùng đùng đập phá, dữ tợn lắm, ai mà biết thực sự lão là người thế nào. Bởi vậy tôi phải cứu bác cho chắc ăn. Thế là tôi chuốc rượu cho lão . Cứ hết ly này ly khác. Lão mềm môi cứ uống tì tì. Giờ thì lão ngủ đến mai cũng chưa tỉnh. Ta phải trốn nhanh khỏi đây thôi…”
Bác Ba Phi mừng rỡ nhìn thấy chiếc cell phone của bác vẫn nằm y nguyên trên bàn. Bác vội vàng đút túi rồi theo chân chị phụ nữ đi nhanh ra xe . Hoá ra trong lúc bác Ba Phi nằm chờ chết thì chị tới thăm lão già. Chị goá chồng, làm nails, là nhân tình của lão được vài tháng nay. Cứ nghỉ cuối tuần chị lại mua đồ nhậu tới lão. Hôm nay là thứ sáu, trời đất giun dủi sao đó, tiệm nails ế quá, chủ cho nghỉ sớm , chị mới phóng xe tới lão chứ thực ra sáng mai chị mới tới. Bác ba Phi xuýt xoa :
“ May thiệt may… đúng là trời giúp tôi…chị hổng tới chắc nửa đêm lão lôi tôi ra rừng hành quyết quá…”
Chị phụ nữ cười cùng cục :
“ Dám lắm…dám lắm đó…lão nổi máu điên lên gì lão chẳng làm…”
Lúc này ngồi trong xe qua ánh đèn, bác Ba Phi mới nhìn rõ chị phụ nữ. Chị cao lớn, mập mạp, đôi lông mày hơi xếch lên có chút dữ tợn bù lại đôi mắt lại có vẻ hiền từ, rất nữ tính. Chiếc xe chạy ra khỏi vùng trang trại đi vào đường phố. Bác Ba Phi nhìn ra ngoài thấy đèn xe hơi loang loáng hoa cả mắt, không còn nhận ra phố xá lúc ban ngày đã đi qua cùng với lão già. Bác rút cell phone gọi cô Ut nhưng rủi thay nó đã hết điện, cuốn sổ để ở túi sau trong có địa chỉ cô Ut đã rớt mất từ lúc nào , bác lo lắng :
“ Giờ biết con Ut tôi ở đâu mà gọi nó tới đón tôi ?”
Chị phụ nữ cười cười :
“ Vậy bác phải ghé nhà tôi tìm cách xạc pin cho cell phone thôi…”
Chẳng còn cách nào khác, bác Ba Phi đành chấp nhận.
Chị phụ nữ lái xe chạy miết, chạy miết. Ôi chao, bao nhiêu chỗ quẹo, bao nhiêu con đường nhìn xuống đèn đóm như sao sa khiến bác Ba Phi chẳng biết đang đi đâu về đâu. Thôi cứ đành nhắm mắt đưa chân theo chị này muốn tới đâu tới. Cảnh vật hai bên cứ loang loáng làm mắt bác Ba Phi ríu lại, đầu óc mơ mơ màng màng rồi ngủ gật lúc nào không hay. Bác nằm mơ thấy đang ở quê nhà, vợ chồng thằng Đậu đang uýnh lộn , bác nhảy vào can ra bên tai bỗng có tiếng còi bí bo, bí bo ré lên. Bác giật mình mở choàng mắt thấy chị phụ nữ ngồi bên đang chầm chậm cho xe táp vào một bên tránh ba bốn chiếc xe cảnh sát rú còi chạy qua như phát rồ nom chẳng khác gì trên phim hình sự Mỹ ở nhà bác vẫn coi . Bác vội hỏi :
" Có chuyện gì vậy chị ?"
Chị phụ nữ quay sang mỉm cười :
" Bác không ngủ nữa hả ? Cảnh sát đang đuổi theo một xe VEN chẳng biết có chuyện gì ?"
" Cướp nhà băng hẳn ?"
" Sao bác biết cướp nhà băng ?"
" Thì tôi coi trên phim mà...."
Bác Ba Phi tỉnh cả ngủ, bắt chuyện :
" Tôi hỏi vầy có bất lịch sự lắm không ? Chị tên gì nhỉ ?"
Chị phụ nữ quay sang cười nhoẻn :
" Ở Mỹ bác hỏi tuổi thì không được nhưng hỏi tên thì OK , tên em là Kelly Thi...
"Cô Thi sang Mỹ lâu chưa ? Ông xã làm nghề gì ? Cô được mấy đứa rồi ?"
Chị Kelly Thi bật cười :
" Lâu lắm rồi em mới lại được nghe hai chữ "ông xã". Thưa bác em với "ông xã" ly dị lâu rồi. Vợ chồng vượt biên sang đây năm 1985, sinh được đứa con gái, khi cháu lên 3 thì bố mẹ ra toà ly dị ..."
Bác Ba Phi bùi ngùi :
" Con người ta kể cũng kỳ, lúc còn nghèo khó lại thương yêu , gắn bó hơn khi dư dả, tiện nghi thừa thãi. Có phải ở bên Mỹ này người ta thường nói tiền thì nhiều nhưng tình thì ít không ?"
Kelly cười lớn :
" Không phải vậy đâu bác ơi. Đúng là đôi khi sống trong nghèo khó con người thường thương yêu gắn bó, nhưng khi tiền nhiều lại có nguy cơ ai cũng chỉ nghĩ tới mình, tình cảm trở nên nhạt nhẽo. Riêng trường hợp nhà em lại khác. Mới sang đây, hai vợ chồng cùng làm assembler cho một Công ty. Sống yên ổn được vài năm, có xe , có nhà trả góp, không ngờ Công ty làm ăn thua lỗ nên chồng em bị lay off và rồi chắc chắn sẽ tới lượt em. Trước nguy cơ mất xe, mất nhà, chồng em nghĩ nếu không tự nguyện hy sinh thì cả vợ chồng con cái chỉ có nước kéo nhau ra đường. Thế là anh ấy đành chấp nhận ly dị cho em tìm chỗ dựa mới, ít nhất còn cứu được cái nhà trả góp. Vài tháng sau em câu được một ông kỹ sư già goá vợ nhưng lương tháng 15 ngàn cùng Công ty. Dựa vào ông chồng mới, cuộc sống lại tiếp tục, nhưng rồi tới lượt em bị lay off, lại thêm mấy đứa con chồng tới phá đám suốt ngày, em tức mình đuổi ông ấy ra khỏi nhà, cắt đứt luôn. Tìm mãi chẳng được việc gì, trên báo lại nhan nhản quảng cáo cần người làm nghề " ôm rửa kỳ cọ..."
Bác Ba Phi ngạc nhiên :
" Om rửa kỳ cọ" cái gì ?"
Kelly bật cười :
" Ôm rửa kỳ cọ cái...chân chứ còn cái gì, tức là nghề làm nails đó..."
" Sao bảo cô có bằng kỹ sư mà lại phải đi làm nails ?"
" Ấy đấy, ban đầu em cũng nghĩ như bác đó. Nhưng sau em nghĩ làm nails có gì xấu, nó cũng là một nghề chớ bộ, khỏi học hành gì nhiều, công việc không vất vả lắm mà thu nhập lại cao bằng lương kỹ sư lâu năm , tội gì không làm, thế là em xin làm nails luôn.”
" Tôi nghe con Út nhà tôi nói nghề làm nails dễ giàu lắm, nhưng mà người trí thức ít ai muốn làm !"
Kelly trợn mắt :
" Ai bảo vậy ? Tiệm nails của em có tới hai cô giáo cấp ba, một cô dậy văn, một cô dậy toán mới Việt Nam sang Mỹ lấy chồng, lại có một cô kỹ sư chuyên về software cũng bỏ nghề tới xin làm luôn. Mấy cô này mới vào làm cũng phải qua tập sự chuyên rửa chân, tay cho khách, nửa năm sau mới cho tập sửa 1-2 móng bột , khi refill đã kha khá mới được làm "full set". Kể ra mang tiếng trí thức mà cả ngày ngồi rửa chân cho người ta lúc đầu kể cũng thấy xấu hổ. Nhưng riết rồi cũng quen, bù lại thu nhập cao, mới vào nghề có thể ở mức từ 400 đến 700 đô mỗi tuần. Làm lâu năm, có kinh nghiệm, chịu khó làm cả ngày thì lương tuần sẽ lên từ 1.000 đến 1.500 đôla, hoặc cao hơn nữa. Giờ cả ba cô này cô nào cũng giàu và đều đã ra mở tiệm riêng rồi..."
" Làm nails ngon ăn vậy chắc người Việt mình làm đông lắm ?"
Kelly cười lớn :
" Còn phải nói, nghề này đòi hỏi tỉ mỉ, nhẹ nhàng, khéo léo rất thích hợp với người Việt . Chẳng thế toàn nước Mỹ có chừng 300 ngàn thợ nails, người Việt mình đã chiếm tới chừng 60 ngàn. Tính theo tỉ lệ thì trung bình 1.000 người Mỹ có 1 người còn người Việt có tới 40 thợ lận, gấp 40 lần người Mỹ, cứ 25 người Việt thì có 1 người làm nails..."
Bác Ba Phi lè lưỡi :
" Đua nhau làm cái nghề ăn xổi vậy, sao không chịu học hành có bằng đại học có hơn không ?"
Chị phụ nữ lắc đầu :
" Sang Mỹ mà cắm đầu cắm cổ đi học để ra làm kỹ sư thì phần lớn là các bác vượt biên vào khoảng năm 1980, tới thế hệ người vượt biên sau 1990 thực tế hơn, họ thấy có đi học thêm 5 năm đại học nữa cũng chưa chắc có việc làm ổn định, thế là đổ xô đi làm nails. Bác có biết tại sao tết nguyên đán Việt kiều lại về nước ăn tết đông vậy không ?"
Bác Ba Phi rụt rè :
" Thì họ tìm về nguồn, nhân dịp tết nhất về thăm quê cha đất tổ..."
Kelly Nhi cười lớn :
" Chỉ đúng một phần thôi bác ơi. Phần đông dân làm nails cứ giáp Tết nguyên đán là vãn khách vì trời mưa, lạnh, người ta ít đi làm nails, thợ mới " nhàn việc" kiểu như nông dân trong nước có mấy tháng "nông nhàn" đó. Bởi vậy dịp này họ mới về quê ăn Tết, chứ còn những người đang đi làm sở Mỹ sức mấy dám nghỉ việc về quê liên tục vậy? Thế là ở bên này quanh năm "ôm chân thiên hạ" nhưng tết nhất lại "áo gấm về làng" xênh xang ra phết..."
Bác Ba Phi ngậm ngùi :
" Thì bà con quanh năm vất vả cũng phải về quê ăn Tết với gia đình chòm xóm xóm chớ ? "
Kelly ra vẻ bất mãn :
" Trong mấy tỉ đô la Việt kiều gửi về nước có phần đóng góp rất lớn của bà con làm nails đó bác. Nhà nước cộng sản chẳng hiểu có biết chuyện này không ? Cứ tổ chức liên hoan rầm rộ mời Việt kiều tới dự rồi toàn tâng bốc, nâng bi các giáo sư , tiến sĩ mà đâu có biết tiền gửi về nước phần lớn là do bà con làm cái nghề "ôm rửa kỳ cọ" đó nên lẽ ra phải vinh danh họ ."
Bác Ba Phi gật đầu :
" Tôi thấy đó là những con người dũng cảm. Họ dám hy sinh cả cái sĩ diện của mình để tạo dựng cuộc sống cho chồng cho con. Nhưng người phụ nữ đó thiệt đáng cho ta kính phục..."
( còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét