Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

nhà văn Nhật Tiến : SỰ THẬT KHÔNG THỂ BỊ CHÔN VÙI (KỲ 5)



                   
                                            (tiếp theo)
                                                 ***
2) NGUYỄN HỮU NHẬT đã bịa đặt trắng trợn cái gọi là “Tuyên ngôn Thơ đỏ của Nhóm Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” để đánh lừa người đọc. Vì nhu cầu làm sáng tỏ vấn đề, nên dù biết đã làm phí giấy, tốn mực, nhưng tôi cũng phải tường thuật đầy đủ nội dung như sau :
Sách “ Đá đổ Mồ Hôi” của Sắc Không (tức Nguyễn Hữu Nhật) do Làng Văn của Nguyễn Hữu Nghĩa ở Canada xuất bản năm 1997, trang 98 có đoạn như sau :
(trích 4 trang rưỡi liên tục sau đây)
“Một trong những đám “ghetto” văn nghệ thuộc mặt chữ nhiều, hiểu lòng nghĩa ít, ở ngoài này phải kể tới các tay thơ văn nhà nghề từng chủ trương Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. Cuốn sách in năm l990, cộm cứng tới 797 trang, rống lên kêu gọi người cầm bút trong và ngoài nước:
     VẬN HỘI MỚI *
(* Tuyên Ngôn Thơ Đỏ của Nhóm Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. SanTa Ana, tháng 4 năm 1990, trang 126 sách đã dẫn.)
            Con đường chông gai ấy
            dĩ nhiên trở lực nhiều 
            Xuất phát từ lãnh đạo
            giới bảo thủ quan liêu
            Chỉ nhìn thấy quyền lực
            không trông rõ lớn lao
            Bao khát vọng quần chúng
            đang dâng lên cao trào
            Nhưng trở lực lớn nhất
            phải kể ra trước hết
            Nơi chính mỗi cá nhân
            con người giới cầm bút
            Họ phải biết cảm thông
            sâu sắc với quần chúng
            Đứng về phía đám đông
            rồi chính mình lột xác
            Trong thời gian gần đây
            đời quanh ta bao thứ
            Đang mãnh liệt đổi thay
            Mỗi ngày một thay đổi

Người cầm bút phải biết
tự mình bước khỏi ra
Cái ốc đảo cá thể
vào cuộc đời chung hòa
Nhập trong sự sống mới
Đang ra sức chuyển nhanh
Chỉ ở vị trí mới
chức năng mới hoàn thành
Quả là quanh con người
và trong mỗi con người
Từng nhà văn đã đổi
bao khát vọng cuộc đời
Chắc chắn là không nhỏ
cũng chẳng hề gián đơn
Những mơ ước về một
cuộc đời tốt đẹp hơn
Xã hội có đầy đủ
dân chủ và tự do
Ai cũng được hạnh phúc
áo ấm cùng cơm no

Ngăn cản làm sao được
cao trào của con người
Bước vào thế kỷ mới
ở tất cả mọi nơi
Các nhà văn Việt Nam,
giới cầm bút nói chung
Không thể không nhìn thấy
cuộc “thay máu” tới cùng
Nhịp tim đập chia xẻ
chan hòa cùng niềm tin
Về một vận hội mới
(niềm tin ôi niềm tin)...
* Tuyên Ngôn Thơ Đỏ của Nhóm Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. SanTa Ana, tháng 4 năm 1990, trang 126 sách đã dẫn.
“ Nhà thơ tình Lê Thị Ý, hiện ở Mỹ, người có thói quen hết sức dè dặt trong Sinh hoạt Văn học Nghệ thuật Hải ngoại đọc lại bài thơ trên, cũng phải thở dài thườn thượt:
Cởi ra rồi lại trói vào
Cao trào cũng phải
thoái trào chịu thua
Con rùa
Phản kháng mu rùa
Cái càng phản kháng
con cua cắp người. . .
“ Nhà báo Thợ Hồ, người có giọng văn “bê-tông” và ý tứ “cốt sắt” chuyên “trộn xi-măng” bọn văn nghệ nằm vùng, lại bảo: “Khốn kiếp! “Trăm Hoa vẫn Nở trên Quê Hương chính là tiếng gõ búa, quay ma-ni-ven cho ồn lên trong tiểu thuyết Giông Tố của ông Vũ Trọng Phụng, bọn đầy tớ của Nghị Hách đập át giọng người kêu cứu, để chủ của chúng tha hồ hiếp Thị Mịch trên xe! Tiếng ồn kiểu ấy, 7 năm sau, tức ngay lúc này đây vẫn còn đang ầm ầm trong văn học, báo chí Việt ngoài nước !”
“ Nhà báo Mõ Lờ Vờ, vua “chọc cười, rơi lệ”, rất tinh đời qua câu chuyện kể sau đây:
  XỐC QUẦN
(Xốc quần quần tụt tụt quần. Xốc sao cho bọn cù lần mỏi tay)
“Bà Khúc Minh Thơ, Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính trị, tới thăm nhà một nữ hội viên, thấy thằng cháu bé khoảng năm tuổi cứ luôn tay xốc quần. Khúc Phu Nhân bèn hỏi:
- Nè! Em nổi tiếng may đồ giỏi, sao hổng sửa cái lai quần cho thằng nhỏ, mắc công chuyện thời cũng phải mua cho va sợi dây nịt chớ... ?
Bà chủ nhà, lắc đầu, cười:
- Không được đâu! Chị à! Lưng quần của nó phải rộng.Luôn luôn tụt. Mãi mãi xốc. Tự tụt. Tự xốc. Lúc nào nó cũng bận rộn với việc xốc xốc, tụt tụt !
- Em, hành thằng nhó, chi vậy?
Bà chủ nhà, hết sức vui vẻ, xòe ngay lá bài tẩy của mình:
- Cháu nó phá quá, chị à! Mở lồng cho chim bay túa ra sân, vớt cá vàng trong bồn... Nói chung là nó phá loạn nhà. Em lại không thể khuyên bảo hay đánh mắng gì được cháu. Giận điên người. Hội Bảo Vệ Trẻ Em ở đây mạnh hơn Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị. Cái khó ló cái khôn. Em mua toàn quần thật rộng cho cu cậu mặc. Thường trực tụt. Tha hồ xốc. Còn tay nào rảnh mà phá phách nữa?
 Bà Khúc Minh Thơ phá ra cười, xong giật mình đánh thót một cái, kêu lên:
- Chết ! Chết !
- Chị nói gì? Ai chết?
- Còn ai dzô đây nữa! Em rõ thiệt... Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn mình ngoài này, phần lớn, cũng mắc chứng “quần rộng”!  Lo lắc lia lịa. Kéo lên. Rớt xuống. Kéo lên.
Mệt nghỉ ! Hổng có phá lại được bọn đỏ. Chúng vẫn tàng tàng chơi trò “ cá chậu, chim lồng!”
- Thôi, em hiểu ra rồi. Trăm hoa vẫn nở ? Các lực lượng dân chủ. Trăm thứ quần rộng. Hết quần nhân nghĩa Nhật Tiến tới quần yêu nước Bùi Tín, rồi quần thương nòi Dương Thu Hương. Nay lại đến quần “Ông Nguyễn Hộ” rồi quần “Ông Hà Sĩ Phu”… Sao hai “ông” ấy có lắm “cháu” ngoan ở hải ngoại thế ? Chết mất thôi !
- Chị dzìa nghen em! Nè, thằng cu Xốc* kia, bác dzìa đââây ! Cha mày chớ, xốc goài !
-  Chị đi đâu mà vội thế ?
- Kiếm mớ dây nịt !
(Ngưng trích - Trong cuốn Đá Đổ Mồ Hôi của Sắc Không tức Nguyễn Hữu Nhật, Làng Văn xuất bản,  trang 98-101)

                 Ý KIẾN CỦA NHẬT TIẾN
1) Xin nói ngay, bài thơ ngũ ngôn VẬN HỘI MỚI mà Nguyễn Hữu Nhật ghi chú “Tuyên Ngôn Thơ Đỏ của Nhóm Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. SanTa Ana, tháng 4 năm 1990, trang 126 sách đã dẫn” là hoàn toàn xuyên tạc, có ác ý.
Anh ta đã lấy một đoạn văn của tôi viết về Nguyên Ngọc ở trang 126 cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở , rồi chế ra thành bài thơ ngũ ngôn kể trên, tự ý đặt tên là “Vận Hội Mới” và khoác cho nó cái nhiệm vụ là “Tuyên Ngôn Đỏ” để đánh lừa người đọc. Xin coi đoạn văn của tôi ở cuối trang 66 trong sách này. 
Hỏi có còn thủ đoạn nào lưu manh hơn nữa, nhất là lại được tiến hành bởi một người vừa mang danh nghĩa là nhà Thơ, là Họa sĩ, là tác giả những cuốn Hoa Đào Năm Ngoái (về Ngọc Hân Công Chúa), Thơ Hoa Sen (về Phật Giáo), Chí Tôn Ca (về Thiên Chúa Giáo, sách đã đem trình bản thảo lên tới cả Trung Ương Tông Đồ Mục Vụ Hải Ngoại ở Vatican),  và chủ trương nhà xuất bản Anh Em,  Hương Xa.
Nguyên văn đoạn mà Nguyễn Hữu Nhật đã lấy ra của tôi trong bài tôi viết về Nguyên Ngọc như sau: 
Con đường chông gai ấy, dĩ nhiên có nhiều trở lực xuất phát từ giới lãnh đạo bảo thủ, trì trệ, chỉ nhìn thấy quyền lực mà không thấy sự khát vọng lớn lao của tuyệt đại đa số quần chúng, nhưng trở lực trước hết phải kể đến chính cá nhân của mỗi con người trong giới cầm bút. Họ phải biết cảm thông sâu sắc với quần chúng, phải biết đứng về phía quần chúng để tự lột xác chính mình. Trong thời gian gần đây, đời sống quanh ta đã có biết bao nhiêu là đổi thay mãnh liệt. Người cầm bút phải tự bước ra khỏi cái ốc đảo của mỗi người để hoà nhập vào đời sống đang chuyển mình. Bởi chỉ ở vị trí mới đó, người cầm bút mới có thể hoàn thành được chức năng của mình. ”
Và Nguyễn Hữu Nhật chế thành thơ 5 chữ để đặt tên là “Tuyên Ngôn Đỏ”:
Con đường chông gai ấy,
 dĩ nhiên trở lực nhiều
 Xuất phát từ lãnh đạo
 giới bảo thủ quan liêu
Chỉ nhìn thấy quyền lực
không trông rõ lớn lao
Bao khát vọng quần chúng
đang dâng lên cao trào…” …vân.. vân…

Tôi coi đây là một trong những sự vu khống trắng trợn nhất của một thứ tâm địa  ti tiện nhất trong lãnh vực chữ nghĩa. Tôi thực tình cảm thấy xấu hổ khi phải đứng chung hàng ngũ với những người cầm bút nhân danh chống Cộng theo kiểu đốn mạt này.

2) Khẩu khí  trên những trang sách của Nguyễn Hữu Nhật vừa được tôi trích dẫn ở trên còn thể hiện ở việc anh ta đem bà Khúc Minh Thơ với tuổi già khả kính vào những chuyện “tụt quần, xốc quần” qua mấy câu thơ mà Nguyễn Hữu Nhật cho là của Mõ Làng Văn tức Nguyễn Hữu Nghĩa kể lại (đúng là tác phong tung hứng, gian manh của một lũ Maffia VănNghệ).
Chúng còn gài vào những chữ để nhục mạ cả Cộng đồng:
Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn mình ngoài này, phần lớn, cũng mắc chứng “quần rộng”!  Lo lắc lia lịa. Kéo lên. Rớt xuống. Kéo lên.Mệt nghỉ ! Hổng có phá lại được bọn đỏ. Chúng vẫn tàng tàng chơi trò “ cá chậu, chim lồng!”
Cũng trong Mục Chém Đá trên báo Làng Văn do Nguyễn Hữu Nhật phụ trách, cùng với sự phụ họa của Nguyễn Hữu Nghĩa dưới bút hiệu Mõ Làng Văn, Cung Vũ...v..v...cả hai trong suốt một thời gian dài đã vấy bùn lên rất nhiều văn hữu có uy tín trong Văn Bút VN Hải Ngoại để đến nỗi cả một tập thể  trong tổ chức này đã chia rẽ tan hoang và gây mang tiếng trên trường Quốc tế vì đã bị treo giò hoạt động một thời gian và phải nhờ đến nhân sự Quốc tế đứng ra can thiệp, hòa giải!
 (Xin coi thêm về những thủ đoạn của nhóm này ở phần  sau)
                         V . Phụ  Lục :

Trước khi chấm dứt Phần I  nói về cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, xin mời độc giả đọc thêm 3  bài, coi như phần phụ lục của Phần này :
1)  Một bài do tôi được phân công viết về nhà văn Nguyên Ngọc, đã in trong cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, phần nói về Tác giả và Tác phẩm.
2) Vài bài Thơ Văn thời Văn Chương Phản Kháng
3) Một bài trích từ cuộc phỏng vấn chính tôi do nhà văn, nhà thơ Đỗ Quyên thực hiện. Trong cuộc phỏng vấn, người hỏi đã duyệt qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời cầm bút của tôi, bao gồm nhiều lãnh vực như viết văn, làm báo Thiếu Nhi, sinh hoạt Văn Bút, chuyện vượt biển và đặc biệt có phần hỏi về việc ấn hành cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. Tôi xin trích đăng phần Phỏng vấn về Cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở với sự đồng ý của anh Đỗ Quyên, người thực hiện cuộc phỏng vấn.
******
                                                     (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét