Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

nhà văn NHẬT TIẾN :"Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi - Kỳ 2




                             (tiếp theo) 

                
II.-DƯ LUẬN VĂN GIỚI HẢI NGOẠI

VỀ PHONG TRÀO VĂN CHƯƠNG  PHẢN KHÁNG

 Ở TRONG NƯỚC.



Bất cứ ai trong văn giới hay báo giới vào thời kỳ đó (những năm cuối của thập niên 80) nếu còn quan tâm đến sinh hoạt chữ nghĩa thì không thể không đón nhận những tín hiệu thay đổi quanh vấn đề sáng tác ở quê nhà. 

Một số có tinh thần lạc quan thì cho rằng đã có một “phong trào văn chương phản kháng”

Một số vị khác thì dè dặt nêu vấn đề “ Phản kháng thật hay Phản kháng giả ?”

Hai ý kiến này đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận trên hầu hết các trang báo, đặc biệt là các trên các tạp chí văn nghệ của người Việt hải ngoại trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, dù tranh cãi, dù đã vận dụng tất cả kinh nghiệm sống cũng như lý luận văn học để bênh vực cho ý kiến của mình thì hầu hết những cây bút tham dự cuộc tranh luận này đều đã chứng tỏ được hai điều :

- Một là họ có thực sự theo dõi những biến chuyển văn hóa, chính trị ở quê nhà và có đọc những tác phẩm của nhiều văn nghệ sĩ ở VN đã viết ra trong thời kỳ đó.

- Hai là dù tranh luận cách nào thì vẫn giữ thái độ ôn hòa, nghiêm túc, theo thói quen của người cầm bút chân chính là có một thái độ văn hóa khi đề cập đến một văn đề văn hóa.

Nhưng ngoài những ngòi bút nghiêm túc vừa kể, trên mặt báo cũng không thiếu gì kẻ chưa biết Ất Giáp sự thể ra sao, chưa từng đọc một bài nhận định nghiêm túc về phong trào này, hầu hết chỉ nghe đồn láng thoáng ở chốn trà đình tửu quán đã nhào vô nhân danh chống Cộng để đánh hôi bằng những ngón võ bất cận nhân tình, để chỉ mong tên tuổi của mình cũng được nhắc nhở trên mặt báo, hay là để thỏa mãn một mối tư thù hay lợi nhuận cá nhân vặt vãnh khi cố tình đi vùi giập kẻ khác.

 Hậu quả là dư luận trong cộng đồng đã bị đầu độc bởi những tên viết lách kiểu này, đến nỗi về sau,  khi cứ nhắc tới cái tên “ Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” là nhiều người đã nghĩ ngay đến một cuốn sách  thiên Cộng, bợ Đảng, chống lại lý tưởng Tự do, Dân chủ.

 Và đấy là một thực trạng đáng buồn và là lý do mà chương sách này được viết ra để cho “Sự thật không thể bị chôn vùi.”

***

Trong lãnh vực văn hóa đích thực, đã có nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học viết bài phê bình, nhận định về phong trào Văn Chương Phản Kháng đăng rải rác trên nhiều tạp chí xuất bản ở hải ngoại hay qua các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh loan tải trên toàn thế giới. Xin tạm trích những lời nhận định của vài cây bút tiêu biểu :





  Nhà văn MAI THẢO

(trong cuộc phỏng vấn do nhà phê bình Thụy Khuê thực hiện cho đài RFI)

Thụy Khuê: Anh nghĩ sao về văn học phản kháng trong nước?

Mai Thảo: Trong một cuộc phỏng vấn mới đây cho báo Hợp Lưu của nhóm Khánh Trường, tôi có nói đến văn nghệ phản kháng, tôi cũng không thể trả lời được gì nhiều bởi vì tôi không theo dõi từ đầu, và những tiểu thuyết, những bài viết, những bài báo của những người ở trong khuynh hướng gọi là đối kháng ở Việt Nam bây giờ, gửi ra, tôi cũng không đọc được nhiều. Tôi cho là phong trào đối kháng đó có. Đáng lý nó phải có từ lâu rồi. Nhưng có lẽ bởi vì trước kia, sự kiểm soát của đảng, của nhà nước gắt gao quá, hay họ không có tinh thần đối kháng lại chế độ, chính sách của chế độ, lúc ấy họ không có môi trường, không có phương tiện để tỏ hiện sự đối kháng của họ ra, mà thời gian gần đây, họ đã có một số điều kiện để có thể lên tiếng hay để có thể xuất bản những cuốn sách không theo đường lối, chính sách của văn chương xã hội chủ nghĩa. Nhưng nói đến phong trào đối kháng sẽ đi tới đâu thì tôi không rõ bởi vì nếu đảng hay nhà nước lại thi hành chính sách kiểm soát khắc khổ trở lại thì cái đối kháng ấy có thể bị dập tắt.

                                                                                                                   Nguồn : RFI

****

Nhà văn NGUYỄN ĐỨC LẬP:

……..

Xin thành thật nể phục những cây bút đã đóng góp vào cao trào dùng chữ nghĩa để phản kháng tại Việt Nam hiện nay.

Dù là chống chủ nghĩa, chống chế độ hay chống lại những việc làm sai trái của cán bộ địa phương, mọi sự phản kháng bằng sách vở, báo chí, trên giấy trắng mực đen, đều đáng nể phục.

Những ai đã từng sống với Cộng sản đều biết rằng chế độ vốn tráo trở như nướng bánh phồng, vốn lật lọng như đảo bàn tay. Nhân dân không tin chế độ. Hơn ai hết, những người được phép cầm viết trong chế độ hiểu rõ bản chất của chế độ.

 Một lời tuyên bố “cởi trói văn nghệ” của Tổng bí thư Nguyễn văn Linh, đã nổi lên một phong trào phản kháng trong văn chương bác học, đã có những tên tuổi nổi bật, đã có những tác phẩm được bàn tán.

Điều nầy, có thể giải thích bằng hai lý do.



Một là, các nhà cầm bút, làm công việc phản kháng ở Việt Nam, đã đặt niềm tin tuyệt đối vào lãnh tụ. Lãnh tụ đã hạ lệnh “cởi trói”, các nhà cầm bút tuyệt đối tin tưởng rằng đây là toàn tâm thiện ý của đảng, họ không hề cảm thấy phải dè dặt ở sự tráo trở, lật lọng ngày một ngày hai, đúng với bản chất của chế độ trước đây. Niềm tin sáng chói đó đã kết tụ thành những dòng chữ, những tác phẩm.



Hai là, các nhà cầm bút phản kháng, đã nương lấy cơ hội “cởi trói” để đứng về phía nhân dân, nói lên tiếng nói uất nghẹn của đại khối nhân dân. Đây là một hành vi can đảm, cực kỳ can đảm, đem chính cái an nguy của mạng sống mình, nói lên tiếng nói của đám đông bị đàn áp.

Cho dù phát xuất từ lý do nào, các người cầm bút phản kháng ở Việt Nam cũng đáng nể phục. Trong trường hợp ở lý do thứ nhất, họ đáng nể phục vì vẫn còn có niềm tin sáng chói, trong khi, niềm tin để viết đã mất ở một số cây viết ở hải ngoại, mất đến nỗi phải vay mượn niềm tin từ kẻ khác và tưởng đó là của mình.



Trong trường hợp ở lý do thứ hai, không đáng khâm phục, kính trọng sao,  những người đã đem hết tương lai, sinh mạng của mình để đánh đổi tiếng nói đau thương của nhân dân?…….

(Tạp chí Văn Học ở Nam Cali - Số 49, Đặc biệt Văn Chương Phản Kháng –ra ngày 1 tháng 3-1990)

 NGUYỄN HƯNG QUỐC :

 Nhà văn, Nhà Phê bình Văn học

....Cuộc vận động đổi mới diễn ra trên cả ba lãnh vực: sáng tác, phê bình và lý luận.

Cuộc vận động đổi mới trong lãnh vực sáng tác khởi sự khá sớm và kéo dài khá lâu. Tuy nhiên, số cây bút tham gia và thực sự thành công tương đối. Cũng dễ hiểu. Đổi mới trong sáng tác có nghĩa là đổi mới cả một nếp cảm xúc trong con người. Nhiều nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam tự ví mình như những con gà công nghiệp, sau một thời gian dài bị nhốt trong chuồng, nay được thả ra giữa sân, mắt lóa nắng, đi đứng lạng quạng, gặp cái gì cũng ngỡ ngàng, không biết bới rác và không biết về đâu đến đâu.

Với những mức độ khác nhau, có thể coi những tên tuổi sau đây ít nhiều đổi mới sáng tác của mình. Về văn xuôi, có Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Lê Lựu, Xuân Cang, Phạm thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc... Về thơ, có Nguyễn Duy, Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Trần Vàng Sao, Trần Mạnh Hảo... Có thể tóm gọn sự đổi mới của họ vào bốn điểm :

- Thứ nhất, họ chấp nhận có mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp vô sản và trong bản thân xã hội chủ nghĩa. 

- Thứ hai, vì chấp nhận có mâu thuẫn nên họ cũng chấp nhận có bi kịch.

- Thứ ba, họ chấp nhận, trong văn học, có một khu vực khá rộng rãi dành cho cái “tôi”, cái riêng của con người, những con người bình thường, tầm thường.

- Và thứ tư, họ chấp nhận sự hiện diện của những yếu tố “vô hại” trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Bốn điểm gọi là mới trên, so với lịch sử văn học dân tộc nói chung, là những cái cũ mèm, tuy nhiên, so với lịch sử văn học cộng sản, từ năm 1945 đến nay, là những canh tân độc đáo và cực kỳ quan trọng.

(Phong trào đổi mới văn học tại Việt Nam từ phản tỉnh đến phản kháng- Tạp chí Văn Học ở Nam Cali, số 53-54 tháng 7&8-1990)

                         ***

Nhà phê bình Văn học THỤY KHUÊ: duyệt qua tính chất của văn học phản kháng ……

Những năm gần đây, văn học phản kháng không phải là một phong trào. Không bùng lên như một ngọn lửa, nhưng là những đợi sóng ngầm, những lớp địa tầng, sửa soạn chuyển mình, ấp ủ những suy tư chín mùi của những con người đã sinh ra hoặc đã trưởng thành trường kỳ luân lạc trong đói rét, thiếu thốn, hy sinh và đau khổ, trên nhiều miền đất nước, qua nhiều lãnh vực của nghệ thuật và tư tưởng.

Văn học phản kháng hiện nay là tiếng kêu tuyệt vọng của thế hệ trí thức trung niên và trẻ, thấm nhuần tư tưởng Cộng sản trước sự đổ vỡ, tha hóa của con người dưới chế độ độc tài, mục rữa vì những tệ đoan xã hội, chồng chất những quyết đoán bất công, u tối và sai lầm từ nhiều thập kỷ.

Những bài nghị luận phê bình lãnh đạo hiện diện những ngòi bút sắc bén, đôi khi lý luận bằng chính hệ thống triết học trong tư tưởng Cộng sản, tìm đến cội nguồn của sự sai lầm trong nền văn học chỉ đạo, bằng lối suy luận có hệ thống vững chãi và sâu xa: Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Hồ Ngọc...

Trên địa hạt sáng tác, xuất hiện nhiều nét đặc thù:

- Những quằn quại của con người khát khao tìm mà chưa từng được biết hạnh phúc (Thời Xa Vắng, Lê Lựu. Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Dương Thu Hương. Thiên Sứ, Phạm thị Hoài...).

- Cái nhìn bất lực của con người trước sự tan rã của những tâm hồn lành mạnh trong một môi trường mục rữa (Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Lưu Quang Vũ).

- Nét cay độc và sâu sắc của bằng người đã thấy giữa “có nhân” và “phi nhân” không còn giới tuyến, đả phá đến tận nền tảng chế độ đưa con người tới chỗ phi nhân (hiện tượng độc đáo Nguyễn Huy Thiệp).

- Lật lại quá trình của một chế độ, khai sinh trên đất nước với một lý tưởng cao đẹp: giải phóng quê hương, dìu dắt con người đến thiên đường hạnh phúc, nhưng trên đường đi đến “thiên đường” đã dùng mọi thủ pháp xảo trá để tiến bước, dẫm lên lý tưởng và đè bẹp con người, đưa dân tộc tới ngõ cụt ngày nay (Ly Thân, Trần Mạnh Hảo).

- Lật đổ hiện tượng thần thánh hóa chiến tranh với những nhân vật vĩ đại, anh hùng: có những người hèn của chiến tranh.

- Đặt lại giá trị cuộc chiến Nam - Bắc như một cuộc nội chiến với bộ mặt thê thảm! Anh em tàn sát lẫn nhau.

- Phán xét đấu tranh giai cấp như một sai lầm trầm trọng đưa đến hủy hoại con người, trong đó có cái phần dốt nát, vô học (dưới tên vô sản) đã đè bẹp cái phần trí thức, tư tưởng và tình cảm (dưới tên tiểu tư sản) (Những Mảnh Đời Đen Trắng, Nguyễn Quang Lập).

- Những tư tưởng đến từ những cái nhìn thăm thẳm vào con người, vào cuộc sống của chính những tâm hồn - sinh ra trong xã hội Cộng sản – nhìn và đánh giá sự thất bại của cái gia đình, cái xã hội đã hoài thai và mang nặng đẻ đau mình, bằng cái nhìn thẳng thắn đến độ lạnh lùng, gay gắt; để  thức tỉnh mọi người, để đổi thay hay cảnh giác xã hội, để tìm một lối thoát cho quê hương đã cận đường, tuyệt lộ.

Những tư tưởng bắt nguồn từ những cỗi rễ sâu xa như thế, không dễ gì mà dập tắt cho được.

                                                                                                              THỤY KHUÊ

                (Tiến trình văn học phản kháng từ 1980 đến 1990- tạp chí Văn Học ở Nam Cali, số 51- ngày 1 tháng 5-năm 1990)

                                          (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét