Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

BAC BA PHI ĐI THĂM MỸ ( KỲ 81)




                                   (tiếp theo)





Ong hoạ sĩ ngồi chờ bác Ba Phi sốt cả ruột không thấy trở ra. Quái… thằng cha táo bón sao ngồi lâu thế ? Không sao, cứ chờ lão ló mặt thuyết  một trận cho sáng mắt ra. Không để lão u mê mãi thế được. Ong đắc chí ngồi chờ. Thế rồi ông cứ chờ , chờ mãi tới lúc ông hoảng lên, không khéo lão già này ngất xỉu trong đó .

Nghĩ vậy ông đập thình thình rồi đẩy mạnh cánh cửa phòng vệ sinh. Bác Ba Phi không còn trong đó nữa. Hoá ra phòng vệ sinh có cái cửa ngách thông ra vườn, chẳng hiểu sao bác Ba Phi lại mò ra  chuồn ra vườn đánh  giấc trên ghế đá. Nhìn thấy bác ngáy khò khò, ông hoạ sĩ bật cười rồi như  vẻ mặt bác Ba Phi có cái gì đặc biệt lắm ông vội lấy giấy và chì  ra ghi lại. Quả thực trong giấc ngủ những nét “hương đồng cỏ nội” mới xuất hiện trên gương mặt nhân vật dân gian nổi tiếng này . Chân thực, thẳng thắn, lương thiện và pha một chút “anh chị” là những nét ông hoạ sĩ đang hối hả cố ghi lại.

Trong lúc đó bác Ba Phi mơ thấy đang ở nhà. Ngôi nhà trống vắng, xơ xác, đồ đạc trong nhà biến đâu hết. Thằng Đậu ngồi ngất ngưởng với xị rượu đế. Nom nó gày guộc, thân tàn ma dại như móc dưới cống lên. Vừa thấy bác Ba Phí nó đã cất giọng lè nhè :

“ Nội về rồi à ? Sao nội không ở Mỹ thêm vài tháng nữa cho tôi đốt cha cái nhà này đi…”

Cặp mắt nó đỏ ngầu, long lên tuồng như nó sắp giết ai vậy. Nom nó không còn gã thanh niên hiền lành, chăm làm , cum cúp sợ vợ nữa. Giờ nom nó giống mấy thằng đá cá lăn dưa ngoài chợ, sẵn sàng rút dao đâm chém bất kỳ ai làm nó ngứa mắt. Trong trường hợp  này bác Ba Phi hiểu rằng phải thật mạnh tay, nghĩ rồi bác quát lên :

“ Uống vậy đủ rồi…dẹp xị rượu đi tao hỏi…”

Nói rồi bác Ba Phi đá xị rươự đế lăn lông lốc, miệng quát lớn :

“ Nhà cửa sao ra nông nỗi này ? Con vợ mày đâu ?”

Thằng Đậu giương đôi mắt đỏ ngầu nhìn bác ba Phi giọng lè nhè :

“ Đi rồi…đi rồi…”

Nói xong mắt nó ríu lại ngã lăn đùng ra đất. Bác ba Phi thộp cổ áo  dựng dậy , quát :

“ Đi đâu ? Con vợ mày nó đi đâu ? Phải mày đuổi nó ra khỏi nhà không ? Nói ngay ?”

Thằng Đậu giương mắt nhìn ông nội , cất giọng lè nhè :

“ Con đuổi nó hồi nào ? Nhà hết sạch tiền …nó phải ra thành phố làm con ở cho người ta đó…”

“ Tại sao lại đến nông nỗi này ? Tại sao ?”

“ Tại nội đó…tại nội hứa lèo…bảo gửi những 3000 đô về để nuôi ba ba làm tụi con cứ dài cổ ra chờ. Chứ không…xoay chuyện khác như gánh nước thuê, sửa xe máy , ngày cũng kiếm chút đỉnh chứ đâu đến nỗi…”

Bác Ba Phi quát lên :

“ Ra mày đổ lỗi cho tao đó…đổ lỗi  cho tao đó…”

Bác cứ lặp đi lặp lại mỗi câu nói đó làm ông hoạ sĩ phải đập cho bác tỉnh dậy :

“ Tỉnh…tỉnh lại đi…nói mớ gì dữ quá vậy ?”

Bác Ba Phi mở choàng mắt. Hoá ra là đang nằm mơ. Bác đang ở Mỹ nhà ông hoạ sĩ chứ không phải trong xó vườn ở Việt Nam. Tuy nhiên giấc mơ bị cắt đột ngột vẫn rõ mồn một trong tâm trí . Thật không ngờ bác mới đi thăm Mỹ chưa đầy hai tháng mà ở nhà xảy lắm chuyện đau lòng vậy.Chung quy cũng tại lão hoạ sĩ này bốc phét làm bác hứa lèo với tụi nó ở nhà mới ra cơ sự đó.

Bác Ba Phi hầm hầm nhìn ông hoạ sĩ :

“ Cũng tại ông…cũng tại ông…”

Ong hoạ sĩ ngớ ra kinh ngạc :

“ Tại tôi…sao tại tôi ?”

 “Tại ông hứa bán cho tôi bức tranh được  3000 đôla tôi hứa gửi về  nên tụi nó cứ ngóng cổ chờ chẳng còn suy tính chuyện khác, thế nên khi không có tiền đành phải bán hết đồ đạc, vợ cho đi ở đợ…”

Ong hoạ sĩ kêu lên :

Oh My God…sao quá dại dột vậy, khác nào nằm há miệng chờ sung …Sống phải năng động, xoay xở nhiều mặt, nhiều phương án chớ, sao lại chỉ cứ nhăm nhăm vào lời nói đâu đâu…”

Bác Ba Phi cau mặt :

“ Sao lại lời nói đâu đâu. Ong nói với tôi chắc như cua gạch. Tôi là ông nội tụi nó, nói phải tin chớ sao lời nói đâu đâu…”

Ong hoạ sĩ khổ sở :

“ Hoá ra tại tôi làm chúng nó long đong lận đận vậy ư  ?”

Bác Ba Phi gật đầu :

“ Chớ sao nữa…nếu không có chuyện 3000 đôla, tụi chúng nó đã chịu xoay cách khác thì đâu đến nỗi bán hết đồ trong nhà, cho cả vợ đi ở cho người ta…”

Ong hoạ sĩ bứt đầu bứt tai :

“ Khổ quá…khổ quá…lúc đầu nói chuyện bán tranh tôi đâu có ngờ bác nói về Việt Nam gây rắc rối, phiền phức cho tụi nó đến thế…”

Bác Ba Phi im lặng. Thôi có trách cũng đến thế thôi. Cả tin thì mình thiệt. Giờ chỉ còn cách chờ cô Ut về nói rõ nguồn cơn gia biến ở nhà may ra nó vay thằng chồng dăm ngàn đô la gửi về cho vợ chồng thằng Đậu xoay xở vào lúc khó khăn này. Cũng còn may là lúc này bác không có nhà, nếu có nhà ắt hẳn vợ chồng nó bắt bác mang sổ đỏ nhà với vườn đi thế chấp để vay tiền ngân hàng rồi. Bác chợt cất tiếng hỏi :

“ Chừng nào hết cái lễ Tạ ơn này ?”

Ong hoạ sĩ nhẩm tính :

“ Lễ nghỉ thông sang nghỉ cuối tuần với chủ nhật chắc phải 4-5 ngày nữa. Mà bác hỏi để làm gì ?”

Bác Ba Phi thở dài :

“ Vậy chắc còn lâu con Ut mới đi nghỉ về để tôi vay nó ít tiền gửi trước cho tụi nó…”

Ong hoạ sĩ ngẩn người , trán cau lại, mặt căng thẳng như đang suy nghĩ gì đó. Bất chợt ông vỗ tay xuống bàn nước kê gần ghế đá đánh xoảng :

“ Thôi được …thôi được …tôi có cách giải quyết rồi…”

Bác Ba Phi chán ngán :

“ Ong giải quyết sao …gọi cho con Ut về sớmấy à…thôi thôi…chẳng mấy khi nó về nhà chồng nghỉ ngơi, đừng quấy rầy , cứ để nó nghỉ hết lễ đi…”

Ong hoạ sĩ xua xua tay :

“ Không không…tôi nói tìm ra cách giải quyết việc của bác kìa…”

“ Việc của tôi ? Việc của tôi là việc gì ?”

Ong hoạ sĩ lớn giọng vui vẻ :

“ Là việc chạy tiền gửi về cấp cứu cho vợ chồng thằng Đậu chứ còn việc gì ? Ơ cái bác này lạ nhỉ ?”

Bác Ba Phi tròn mắt :

“ Chạy tiền gửi về cho vợ chồng thằng Đậu ? Ong không giỡn chơi tôi  lần nữa đấy chứ ?”

Ong hoạ sĩ nghiêm mặt :

“ Tôi nói thật đấy ? Việc quan trọng giỡn làm gì ?”

Bác Ba Phi hồi hộp :

“ Vậy ông định chạy tiền giúp tôi bằng cách nào ? Liệu có đủ 3000 đôla cho tụi nó làm ăn không ?”

Ong hoạ sĩ vui vẻ :

“ Yên trí …yên trí…có khi còn được hơn 3000 đôla nữa ấy chớ…”

Bác Ba Phi lắc quày quạy :

“ Thôi thôi …ông giỡn tôi một lần đủ rồi. Tôi không tin ông nữa. Chạy được 3000 đô la đã khó quá rồi giờ lại còn đòi hơn nữa …làm  gì ra chuyện chạch đẻ ngọn đa ?”

Ong hoạ sĩ chẳng nói chẳng rằng đi tới góc nhà cầm lên bức tranh ông vẽ. Bác Ba Phi chột dạ.Chắc thàng cha này lại sắp sửa gây sự với bác về tội tự ý lôi tranh của hắn ra coi đây. Kể ra “vết thương lòng” bao năm nay hắn đã cố quên , giờ vô tình lôi nó ra làm hắn đau đớn thế bác có lỗi nặng thật.

Ong hoạ sĩ mặt mũi cứ đờ đẫn ngắm bức tranh vẽ cảnh con thuyền vượt biển nhỏ bé sắp bị những con sóng dữ nuốt chửng vào lòng đại dương,trên đó vợ con ông đang bám chặt lấy người ông một cách tuyệt vọng. Bác Ba Phi không hiểu ông đã sống sót bằng cách nào ? Chắc một ngẫu nhiêu vô cùng may mắn đã rơi vào số phận ông còn vợ con ông thì không ? Một mảnh ván để bám víu ? Một chiếc phao hiếm hoi ngẫu nhiên rơi vào tay ông ?

Vậy nhưng biết đâu còn một bí mật ghê gớm đằng sau câu chuyện gia đình ông chết hết chỉ sót lại mình ông ? Liệu có một căn nguyên nào đó khiến ông bứt rứt, bối rối khi coi lại bức tranh đó không ? Hy vọng là không có chuyện  gì ? Cái chết của vợ con ông, sự sống sót của chính ông chỉ là sự đưa đầy khách quan của hoàn cảnh khắc nghiệt vào giây phút chìm tàu chứ ông hoàn toàn không có lỗi gì ?”

Mặt ông hoạ sĩ bất chợt trắng nhợt như nặn bằng sáp . Ong quay sang bác ba Phi :

“ Cái lúc đó sao tôi không chết cùng vợ con cho rồi…”

Bác Ba Phi lên giọng an ủi :

“ Ong đừng nghĩ quẩn vậy . Con người ta sống chết có số…nhất trong những hiểm nghèo vậy …”

Ong hoạ sĩ như mê sảng :

“ Tôi cứ nghĩ mãi…nghĩ mãi cả hai chục năm nay…lúc đó không biết có phải vợ tôi tự buông tôi ra  để tôi và đứa con trai 5 tuổi của tôi được sống không ?”

Bác Ba Phi gật đầu :

“ Chắc vậy…người vợ và người mẹ bao giờ cũng hy sinh tính mạng của mình cho chồng con…”

Ong hoạ sĩ mêú máo :

“ Nếu đúng vậy thì quả thật tôi đã phụ lòng của vợ tôi…tôi không cứu được  con tôi….”

Bác Ba Phi nhìn vào mắt ông hoạ sĩ :

“ Vậy ông buông nó ra à ?”

Đôi mắt ông hoạ sĩ tối sầm :

“ Không không…không đời nào tôi làm cái việc đốn mạt đó…tôi chỉ biết khi tỉnh dậy tôi đang nằm trên thuyền cứu nạn của một tàu buôn người Pháp…còn con tôi không thấy đâu cho dù cả hai chục năm nay tôi đã cất công đi tìm nó…”

Bác ba Phi thở dài :

“ Ong vẫn còn hy vọng nó sống sót à ?”

“ Sao không ? Tôi đã trực tiếp nhìn thấy nó chết như thế nào đâu ? Có thể nó đã rơi vào bụng cá và cũng có thể…biết đâu…phải biết đâu nó cũng được một chiếc tàu buôn đi ngang qua cứu vớt thì sao ? Dẫu chuyện đó có thể khó xảy ra nhưng vẫn là một phần ngàn tia hy vọng chứ ?”

Ong hoạ sĩ trầm ngâm :

“ Nếu sống sót…thằng con tôi năm nay cũng phải gần 25 tuổi rồi…”



                                        (còn tiếp)

                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét