Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Nhà văn Nhật Tiến : GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN ( KỲ 17 )

      
                            (tiếp theo)

Tiếng cười của Thư làm chị Lầu đang ngủ bỗng choàng tỉnh dậy. Chị mở mắt nhìn Thư ngơ ngác. Lầu vội vàng chạy lại nắm lấy tay vợ hỏi han rối rít:
- Mệt không em? Đau không em? Ui, em la hét quá trời làm anh vã mồ hôi hột. Có cô Thư lại thăm em đây này.
Chị Lầu cố mỉm một nụ cười trên khuôn mặt mệt mỏi. Thư nói:
- Chị thấy khoẻ trong mình không?
Chị Lầu gật đầu:
- Cám ơn cô. Dễ chịu lắm.
- Thôi, mẹ tròn con vuông vậy là mừng rồi. Đẻ con so như chị là lẹ lắm đó.
Lầu chen vào:
- Ui, nếu mà cơn chuyển bụng kéo dài thêm buổi nữa thì chắc tôi chết quá.
Chị Lầu mỉm cười:
- Thì ai bắt anh vô làm chi. Em đã bảo cứ ở đồn nằm khoèo, tới chừng sanh xong rồi, em nhờ người nhắn ra, anh không chịu.
- Nói nghe ngon dữ. Ở sát ngay đây còn nóng ruột muốn điên lên nữa là vô đồn thì còn điên tới đâu.
Thư hỏi:
- Vậy anh chị đã đặt cho cháu tên gì chưa?
Lầu đáp:
- Có rồi đó cô. Bà ngoại đặt cho cháu là thằng Hòa.
- Hòa là hòa bình há. Chẳng biết trời đất này bao giờ mới có hòa bình đây.
- Thì cứ ước ao vậy. Chứ hạng nhỏ nhít như mình, biết đâu mà nói.
- Anh tin tôi đi. Muốn gì thì gì, vùng này cũng phải một phen chết chóc thảm thương.
- Cô biết những gì mà dám quả quyết như vậy?
Thư mỉm cười:
- Thì như anh nói đó. Mình chả ở trên địa đầu của con đường tiếp tế, chuyển vận là gì.
- Nếu chỉ có vậy thì còn nói làm chi. Chắc bọn thằng Đực, thằng Há thì thọt về trong đó cho cô biết nhiều tin tức lắm phải không?
- Ui, mấy thứ đồ bỏ ấy biết cái gì mà nói. Phải những cấp ở trên tụi nó xa lắc kìa.
Chị Lầu chen vào:
- Thôi, chả biết cấp nào với cấp nào. Cứ tới chừng nào cô Thư tính lên tỉnh thì báo cho tụi tôi biết mà đi theo với nhé.

Thư cười rúc rích:
- Em ấy à? Em thì lúc nào cũng tính lên trển hết. Ở đây lủi thủi, rầu lắm chị ơi.
- Thế còn bà cụ? Cô cũng tính dẫn cụ đi luôn chớ?
- Không đâu. Các ông già, bà già ở đây kỳ lắm. Chỉ muốn được chết ở quê nhà thôi.
Một lát sau, Thư đứng dậy từ giã ra về. Lầu tiễn nàng ra tận cửa ngoài rồi quay vào nói với vợ:
- Cô ta chối thì chối vậy chớ, thái độ đó anh ngờ.
- Ngờ cái chi?
- Chắc chắn nó biết nhiều chuyện âm thầm của bọn thằng Đực, thằng Há. Mấy bữa rầy, ông trung úy về Chi khu họp luôn, anh càng thấy lo. Có lẽ phải tính tới chuyện dời em với con về Quận thôi.
- Nhưng còn má? Má không chịu đi đâu.
- Bả không chịu đi thì đành, chớ lỡ xẩy ra chuyện gì, mình phải chịu chung cả đám sao?
Chị Lầu thở dài:
- Để khuyên giải má lần lần coi sao. Vả cũng phải chờ ít tuần cho em khỏe hẳn đã chớ. Mới sanh yếu ớt thế này, làm sao đi?

CHƯƠNG 8

Những câu nói nửa đùa nửa thật của Thư khiến Lầu thắc mắc hoài không yên. Gã liền đem trình bầy với chuẩn úy Dũng rồi kết luận bằng một giọng rụt rè:
- Em sợ trong hàng ngũ của mình cũng có kẻ không tin được. Xin “thiếu” úy lưu ý thử coi.
Dũng vỗ vai Lầu an ủi:
- Điều đó thì chắc rồi. Làm sao mình có thể tạo được thành một khối thuần nhất khi mà có muôn ngàn bộ mặt tham dự vào cuộc chiến tranh này. Có những người tham dự bằng lý tưởng chống Cộng, nhưng cũng có kẻ dấn thân vào để thụ hưởng, để làm giầu trên xương máu của kẻ khác. Lại cũng có kẻ bị xô đẩy mà vào, bó buộc mà vào, họ không tìm thấy lý do chính đáng nào làm động cơ thúc đẩy cho nên họ tham dự cuộc chiến này với vẻ thờ ơ, ngoại cuộc, cứ như thể mọi biến chuyển trên đất nước này chẳng liên quan gì tới họ hết. Từ đó mới sinh ra những hiện tượng người này làm thì kẻ khác xóa. Mình muốn đất nước này tốt đẹp hơn, ổn định hơn, nhưng lại vấp phải những khối đá cản đường. Rút cục, khi đã bị lôi cuốn vào guồng máy thì hãy cứ nên biết ôm cây súng này mà bắn khi địch chĩa khí giới vào mình. Bởi không bắn thì cũng chết. Phản ứng tự vệ của một kẻ bắt buộc bị dồn đến chân tường phải tự vệ.
Lầu ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Quả là có những kẻ nhìn vào cuộc chiến tranh này với cặp mắt của kẻ thờ ơ ngoại cuộc. Như cô Thư là một trường hợp. Em thấy không bao giờ cô ta bận tâm tại sao chồng mình thì ở hàng ngũ bên này và em chồng lại ở hàng ngũ bên kia.
- Một là vì nó còn con nít quá. Hai là vì nó dửng dưng, chai lì. Bởi vì, thế nào là bên này, thế nào là bên kia, khi mà chồng hay em vẫn chỉ là những người thân thích, ruột thịt. Cuộc chiến tranh này đáng ghét là ở chỗ ấy. Nó không có giới tuyến, nó không xác định rõ rệt giữa thù với bạn. Thế nào là thù? Thế nào là bạn? Lão Đối có phải là một kẻ thù không, dù lão ta đang nằm tù với lý do đi tiếp tế cho địch? Tên Hoanh bỏ nhà, đào ngũ đi theo biệt kích Mỹ, có phải là bạn đích thực không? Ôi, cái cuộc chiến tranh này....
- Nhưng mà rơi vào cái cảnh “kẹt” như thế, nó vẫn nhơn nhơn được cũng là lạ chớ!
- Vậy tôi mới nói hoặc là nó còn con nít, hoặc là nó chai lì, vượt lên trên được những éo le của hoàn cảnh. Để Chủ Nhật này rỗi rãi, tôi với cậu thử mò lên chợ chơi rồi coi sao. Nghe tụi binh sĩ nó xì xào về cô ta, tôi cũng muốn ngó tận mặt. Nhưng xin báo trước là tôi không có ẩn ý gì đâu đó nghe.
- Mình ngã một con rồi. Thằng Bình đó. Bữa nào có người lên tỉnh, tía nhắn cho ông già, bà già nó hay.
Lời nói của thằng Đực có giá trị như một bản khai tử gửi gấm vào trí nhớ bền bỉ của lão Đối. Từ ngày nổ súng, nghiễm nhiên lão biến thành một thứ sổ hộ tịch ghi chép số người ngã xuống, cả bên này lẫn bên kia. Thằng Xương, thằng Hiệu, thằng Viện, thằng Nam, thằng Tề, thằng Bình. Và rồi còn ai nữa trong những ngày khói lửa mỗi lúc một kinh hoàng sắp tới?
·  Chuyến đi tuy ước hẹn tầm phào như vậy nhưng lại được thực hiện một cách dễ dàng. Nhân thể, Dũng muốn ghé thăm chị Lầu mới sinh nở, vì chị là người may giúp Dũng nhiều món đồ hoặc sửa lại bộ treillis, cắt một vài bộ đồ ngủ, hoặc biến cái poncho thành chiếc áo mưa cắt theo kiểu do chính Dũng lựa chọn.
Ngày Chủ Nhật trời oi ả ngay từ sáng sớm. Khí hậu của những ngày nực mưa có khác, bầu không khí ngột ngạt và làm bứt rứt mọi người đến tận chân tóc. Trời êm ả không một ngọn gió. Cánh đồng trước mặt như trải phẳng ra dưới lớp ánh sáng nóng rực và chói lòa. Những giải mây trắng trên từng cao hầu như đứng im bất động. Lúc đứng chờ xe, Dũng bảo Lầu:
- Đồng quê yên tĩnh thế này mà không ngờ đang có chiến tranh tàn khốc, Lầu nhỉ.
- Vâng, nó rình mò mình quá lâu nên ai cũng sinh ra chán chường, mệt mỏi. Nhiều lúc em chỉ muốn được làm tên thợ cầy mà cũng không xong.

- Điều đó không phải chỉ là ước muốn của một mình cậu.Tôi cũng mong ước có ngày được trả lại bộ quần áo đồng phục này để trở về với đời sống học hành. Ngày xưa, hồi chưa nhập ngũ, tôi ước ao, thích thú một đời sống bay nhẩy, lang thang đây đó. Nhưng vào quân đội rồi mới thấy những ngày tự do ở đời sống dân sự là quí giá vô ngần. Hơn nữa, kiếp sống hào hùng, lang bạt đây đó chỉ là một vẻ đẹp có trong tiểu thuyết. Lao vào thực tế rồi mới thấy bọn văn sĩ chỉ biết vẽ vời.
- Tại sao “thiếu” úy không lấy vợ?
- Ôi giào. Vợ với con gì vào thời buổi này. Những ai đã chót đèo bòng vào rồi thì không nói làm gì, chứ còn độc thân thì không nên chút nào. Mạng sống của mình biết lúc nào còn, lúc nào mất. Tôi muốn được chết thanh thản hơn là khi nhắm mắt còn để bao nhiêu nỗi đớn đau cho người ở lại.
- Nhưng rồi nếu cuộc chiến này kéo dài mười lăm, hai mươi năm, “thiếu” úy cũng vẫn ở vậy sao?
- Chắc như đinh đóng cột là như thế. Chẳng phải là mình giỏi giang, cứng dắn gì. Nhưng trách nhiệm gia đình! Tôi sợ trách nhiệm gia đình vô cùng!
Bóng dáng một chiếc xe Lam hiện ra từ chỗ khúc quanh của đường nhựa. Lầu giơ tay lên, ra hiệu nhiều lần. Tốc độ của chiếc xe giảm dần rồi ngừng lại bên ven đường. Dũng đưa mắt nhìn vào trong xe để đánh giá mức độ “quốc gia” của người tài xế. Đó là một ông già trạc gần sáu mươi. Thân hình gầy gò, lọt thỏm trong chiếc áo ka ki rộng thùng thình. Đầu ông ta úp tùm hụp chiếc mũ dạ che gần kín khuôn mặt nhăn nhúm và sạm đen vì nắng. Ở đằng sau, trên hai băng trống chỉ vỏn vẹn có ba người: một ông già, một thiếu phụ và một đứa trẻ con. Ông tài nói:
- Mời “thiếu” úy ra băng sau, còn rộng chán.
Dũng đưa mắt ra liệu cho Lầu. Lầu lầm lũi trèo lên băng ghế sau, trong khi ấy chàng ngồi ghé vào bên cạnh chỗ của tài xế. Ông ta la lên:
- Xin “thiếu” úy cảm phiền. Ngồi thế này dễ lộ mục tiêu, nguy hiểm lắm.
Dũng nhún vai:
- Không hề gì đâu. Cụ cứ yên tâm mà lái. Tôi cần phải ngồi ở đây để hễ có lộn xộn cái gì, xoay xỏa cho nó dễ.
Mặt ông ta thoáng một tia bất mãn. Kinh nghiệm cho thấy mấy thằng du kích hay lủi trong những lùm cây um tùm ở hai bên vệ đường. Nhiều khi nhiệm vụ của chúng chỉ là quan sát những đoàn công voa di chuyển trên quốc lộ mà không có chỉ thị nổ súng. Nhưng ngứa mắt thì nó lia một băng chơi. Nhất là vào những lúc hết phiên gác phải lộn trở vào trong đồng. Vô phúc chiếc xe nào đi ngang qua đúng vào lúc ấy, lại thấp thoáng trên xe có bộ đồ xanh của lính tráng thì thế nào cũng có những loạt súng bắn theo. Có thể những viên đạn vào trúng mục tiêu. Nhưng cũng có thể một vài người dân thường không may bị lãnh đủ. Cái chết đến thật tình cờ. Cũng tình cờ như kẻ đã nổ súng, vì có thể trước đó mấy phút, hắn ta không có ý định bấm cò!


                            (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét