Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

CHUYỆN XƯA – NAY MỚI NÓI : Hội nghị lý luận phê bình VĂN HỌC – Kỳ 1


          
                     Hội nghị Việt Bắc - 1951

    



Nhà văn Kim Lân (ngồi, thứ 2 từ trái qua), Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ 2 từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ tại một hội nghị Hội Văn nghệ VN, Việt Bắc 1951   

Hơn nửa thế kỷ trước, vào tiết mùa thu, các nhà văn VN đi theo cách mạng đã họp  ở  Việt Bắc để “tranh luận văn nghệ” nhằm thúc đẩy nền văn học cách mạng  “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường cách mạng. 
Lẽ tất nhiên, ông trùm văn nghệ Tố Hữu phải “giáo đầu” trước:
Không có tư tưởng mới thì không thể nào nhận định đúng cuộc đời và sáng tác do đó sẽ lạc hướng. Cảm xúc của ta phải là cảm xúc của quần chúng và cảm xúc của quần chúng phải được thể hiện trong văn nghệ…”.
Huấn thị của ông trùm lập tức đuợc các tên tuổi lớn trong làng văn VN nhao nhao hưởng ứng. Nhà văn Nguyễn Tuân “được” phát biểu trước :
Cuộc họp tranh luận này nhằm thống nhất về đường lối tư tưởng , thống nhất về quan niệm đối với kỹ thuật sáng tác…”.
Oi chao, cứ như là sau khi đã “thống nhất” mọi thứ, tất cả các nhà văn đều trở thành thiên tài hết. Rồi ông nhà văn nổi tiếng “ngông” này thành khẩn :
Tôi không những là tiểu tư sản mà còn là phong kiến nữa. Cuốn Vang Bóng Một Thời đủ chứng tỏ lời tôi nhận định. Trước kia tôi không tìm được giá trị cuộc sống, tôi phủ nhận cuộc đời. Tôi có một thái độ phản động. Cuộc kháng chiến tiếp theo cách mạng tháng Tám làm tôi nhận định rõ hơn.Tôi đã cách mạng tư tưởng …”.
Thành khẩn đến thế rồi mà sau này viết về giò chả, Nguyễn Tuân vẫn phải than :
” Giò tớ giã kỹ đến thế rồi mà nó vẫn còn “giã” lại…”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì hùng hồn :
Vai trò của giai cấp công nhân là đi đầu trong việc tạo ra một cách sống mới, nó không còn là cách sống của con người cũ của ta nữa…”.
Nữ thi sĩ Anh Thơ cũng véo von :
 “ Trước tôi cũng đánh phấn, bôi nước hoa. Sau tôi cũng mặc quần áo nâu và được chị em yêu quý. Thơ văn phải dễ hiểu quần chúng mới thích…”.
Nhà thơ Thế Lữ cũng cao giọng :
Phải khác trước, muốn tiến bộ phải cải tạo mình…”.
Nhà văn Đoàn Phú Tư thì hồ hởi :
Tôi thấy thích chủ nghĩa Mác vì mình chẳng…mất gì cả và tìm trong đó những hình ảnh tốt đẹp của ngày mai.. Tôi vuốt ve và mơ hình ảnh đó….” .          Hoá ra gọi là “Hội nghị tranh luận” mà chẳng tranh luận cái gì hết, các nhà văn lớn chỉ tranh nhau coi ai nói cho khéo, cho lọt lỗ tai đồng chí Tố Hữu và nhất loạt hứa hẹn sẽ thực hiện cái bí kíp “ tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản, công nông hoá sáng tác”  để quyết tâm xây dựng một nền văn học lớn leo lên đứng đầu thiên hạ.
Than ôi, hầu hết những người cầm bút dự “Hội nghị tranh luận văn nghệ” ngày đó, kể cả đồng chí Tố Hữu, người dẫn đường vĩ đại, nay đã ra người thiên cổ mà các nhà văn VN chưa ai giật được giải Nobel, chưa ai vượt được chính mình so với thời “đế quốc phong kiến” mà chỉ thấy nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc “Ai điếu cho một nền văn học….”
             
Hơn nửa thế kỷ sau…
             
              Hội nghị Tam Đảo  -  2003…

Chẳng hiểu có phải vì văn học VN đang ốm nặng, cả chục năm nay Đảng và Nhà nước chi cho vài trăm  tỉ đồng, vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào “ ngang tầm thời đại”, sách báo ra cả tấn mà chẳng thấy cuốn nào “ đáng mặt văn chương”, ngay đến nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Đạo , ngàn trùng xa cách mãi tận bên  Paris cũng phải than thở  :
đọc truyện Việt Nam thấy cứ như là có …mỗi một người viết” !
Và cũng chẳng hiểu có phải vì tiền Đảng chi cho Hội nhà văn VN trong năm 2003 còn dư nhiều quá, nếu không chi hết thì Bộ tài chính nó “cắt” nên  cuối năm bận rộn thế mà tự dưng  Hội lại đứng ra tổ chức cuộc họp đông tới hơn 200 nhà phê bình lý luận cũng vào tiết thu, chỉ khác trước ở chỗ không họp “dưới chân núi” mà lại kéo nhau lên đỉnh Tam Đảo ! Có lẽ từ ngày lập nước, chưa có cuộc “bắt mạch kê đơn” cho  “nền văn học cách mạng” nào lại rầm rộ, đồ sộ đến thế.
Để ngăn ngừa các vị “lang băm” đến phá thối, đồng chí Chủ tịch Hữu Thỉnh đã gạt ra khỏi danh sách mời tất cả những  thày lang nào “bảng hiệu chưa đăng ký”, hoặc coi giò coi cẳng thấy bốc mùi “tà khí”. Rào chắn kỹ càng như vậy mà vẫn chẳng mời được đồng chí Trưởng Ban tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm, nhân vật sô 1 trong nền văn hoá văn nghệ cách mạng VN đến dự, chẳng hiểu có phải do đồng chí ấy bận công việc lãnh đạo hay là do cẩn thận tránh xa những nơi có thể xuất hiện lắm anh Chí Phèo chuyên đánh võ mồm dễ xúc phạm  uy tín lãnh đạo.
 Lạ một điều, trước cuộc Hội nghị, các thày đã thi nhau “bốc thuốc kê đơn” trên…báo Văn Nghệ. Chẳng hạn như “thày” Đỗ Văn Khang bắt mạch rằng :
văn học VN sau thời kỳ lấy phương pháp hiện thực Xã hội chủ nghĩa làm phương pháp sáng tác chính  thì đến nay vẫn chưa xác định được phương pháp sáng tác chủ yếu cho văn học đương đại…”  
và thày kê đơn rằng :
phương pháp sáng tác văn học sáng giá nhất hiện nay là phương pháp …phản tỉnh”.
Ui cha, phản tỉnh cái gì ? Thày xui các nhà văn “phản tỉnh” các thứ do Đảng đã dày công giáo dục dậy dỗ các nhà văn VN chăng ? Thưa không, thày chỉ phán  mơ hồ rằng :
Văn chương phản tỉnh là văn chương của chiều sâu nhân văn- văn chương khám phá nghịch lý để soi sáng thuận lý- văn chương minh triết…”.
Mô Phật, thày kê đơn vậy thì đến chính thày cũng chẳng biết đằng mù nào mà bốc thuốc. Rồi các thày khác cũng đua nhau nhảy lên báo Văn Nghệ “bắt mạch kê đơn” cho nền  văn chương VN, ấy thế mà khi tới phó hội Diên Hồng trên đỉnh núi Tam Đảo, các thày lại quay sang “bốc thuốc” cho nhau chứ chẳng ngó ngàng gì tới con bệnh “thập tử  nhất sinh” đang nằm đó.
        Thày Vũ Quần Phương đã chuẩn bị sẵn một bài “bắt mạch, kê đơn” nhưng rồi thấy các thày kia cứ túm tụm nhau vào nhỏ to, chẳng ai chú ý đến bài soạn sẵn của thày nên thày đành xếp nó vào túi và quay sang phàn nàn về những chuyện bê bối ở Ban chấp hành Hội Nhà văn trong những chuyện “chẳng văn chương tí nào” như chia chác nhau giải thưởng, móc ngoặc kết nạp hội viên, hoặc thái độ trịch thượng không nên có của một vài nhà phê bình vốn là giáo sư đại học.
Thày Trần Mạnh Hảo vốn đang nổi tiếng về sự “bặm trợn” mà vẫn dồi dào tính Đảng, ca cẩm về  "một niềm vui, một nỗi buồn và một nửa niềm hy vọng" của cái nghề lang băm của thày.
Thày Nguyễn Duy Bắc phê các đồng nghiệp rằng :
thay vì tập trung phân tích đánh giá văn học từ đổi mới đến nay, hoạt động phê bình trên báo chí văn học hầu như lại tập trung phê bình sự phê bình …cho sách giáo khoa ngữ văn" .
 Thày Hoàng Minh Châu trách khéo hai thày Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ lăm le bỏ nghề bốc thuốc để chuyển sang nghề “làm thơ” với “làm nhạc” bỏ trống trận địa kiểm soát văn học.
Thày Phạm Xuân Nguyên bộc bạch 3 cái sợ của người hành nghề :sợ những lý luận quá cũ; sợ những thứ kê đơn bắt mạch chẳng có “ lý luận gì hết trơn”; sợ thứ lang y chỉ thăm bệnh bằng “chính trị” chứ không tuân thủ y thuật.
Bà lang trẻ Nguyễn thị Minh Thái thì chửi cả làng :’ Các anh đang hành nghề một cách thiếu…triết học…” . Ui da da…triết học Mác Lê bấy năm nay đã đầy đầu các thày rồi, giờ vẫn còn đòi …triết học nữa thì thử hỏi nhét nó vào đâu.
Lại có thày la lối rằng đã xuất hiện tình trạng đá lộn sân “ làm thơ thì chỉ biết làm thơ thôi chớ, nhảy sang phê bình văn học làm  chi ?”.
Chắc thày muốn móc máy hai nhà thơ Trần Mạnh hảo và Trần Đăng Khoa cớ sao lại mò tới tranh ăn, tranh nói ở cái  Hội nghị chỉ giành cho các thày lang phê bình này.
 “ Nghịch lý “ là vậy, 200 thày tụ họp bắt mạch kê đơn cho văn học VN mà cấm thấy ngó ngàng tới con bệnh, chỉ thấy cấu chí, xỏ xiên, móc máy lẫn nhau để cho “Hội nghị đã thành công tốt đẹp” như lời tổng kết của Chủ tịch  Hội nhà văn Hữu Thỉnh.
Nói cho ngay, cũng có một thày dòm ngó tới “con bệnh” , thày Trần Đình Sử , khi thày phân tích “ba giai đoạn của văn học cách mạng VN”. Tuy nhiên, thày “bắt mạch” theo kiểu Đảng ta phân tích “ ba dòng thác cánh mạng” nên cũng chẳng mấy ép-phê, nhất là thày chưa dám chỉ ra con bệnh đã có một thời “phục hồi sức khoẻ”, ấy là thời kỳ “văn học VN được đồng chí nguyên Tổng bí thư Nguyễn văn Linh cởi trói”. Trong có 3 năm ngắn ngủi ấy, văn học VN đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm có giá trị tới tận ngày hôm nay. Chỉ tiếc rằng cú “xả xú páp” quá ngắn ngủi, khi cái van đóng lại, khi giây trói lại quàng lên cổ các nhà nhà văn thì nền văn học VN ốm nặng trờ lại là điều đương nhiên rồi.
 Có một điều vô cùng đơn giản, văn học VN bao năm nay khác nào con thiên nga bị buộc cánh, muốn cho nó bay, nó múa thì thả cánh nó ra . Bài thuốc dễ thế mà hơn 200 thày lang không thày nào chịu “bốc” cho ra. Ay cũng là vì cái bao tử của các thày nó đã chặn ngang họng của các thày . Sự đời chỉ có thế, vậy mà các thày cứ làm rối mù tăng tít khiến cho sương sớm trên đỉnh non Tản lại càng thêm dày đặc vậy…

                  (còn nữa)



   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét