Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

NHÀ VĂN VÀ ..."HỒI ẤY" ( KỲ 1)

                  “ tớ có chính nghĩa, tớ đ... sợ.”

        Ai mà ăn nói “dân gian” thế ?
  Xin thưa đó là nhà thơ Bùi Minh Quốc “hồi ấy” đang thụ án “quản thúc tại nhà” ở Đà Lạt.  
Vào một buổi trưa “mưa lưa thưa phố”, chiếc xe ôm nhãn hiệu Minskơ ( người HàNội gọi là Min-khờ sản xuất từ thời mồ ma nước anh em Liên xôø) thả tôi xuống đầu phố nhà BMQ. Thôi đi bộ một quãng vừa giãn gân cốt vừa đỡ gây phiền bác xe ôm. Trước  cánh cổng quen thuộc nhà Quốc, lâu nay người ta đã kéo tới một chiếc xe lam hư cũ dùng làm nơi che mưa nắng cho hai đồng chí “chìm”  dùng làm trạm tiền tiêu quan sát kẻ ra vào . Tôi đi qua, nhột nhột sau gáy. Nút chuông dấu sau tường, nếu không biết chắc đành quay lui trước hai cánh cổng luôn đóng kín. Quốc mở hé cửa cho tôi lách vào. Nom anh gày guộc, mặt hơi đỏ vì rượu, vẻ hơi bần thần khác hẳn cái nhà anh “mẹ vẫn đào hầm từ lúc tóc còn xanh” , “nay ...Quốc  đã phơ phơ đầu bạc...”. Chỉ khác, anh không đào hầm như mẹ, anh đang cuốc vào “niềm tin” của chính anh.
        “ Ối giời, sao ra cái nông nỗi này ?”
       “Thì thế, tớ là dân “chạy”, nay cứ quẩn quanh trong nhà , mụ mẫm cả người...”
        “ Nghe nói ông vừa được đi SG dự đám tang Thu Bồn ? chuyến đi có vui ..ấy chết, có buồn không ?”
       “ Lẽ ra là không được đi đâu đấy. Nghe tin Thu Bồn đi cấp cứu ,tớ nghĩ chắc kỳ này hắn “bay” rồi, mới làm đơn ra đồn công an xin phép khi nào TB chết thì cho tôi đi SG dự đám tang. Chờ mãi chẳng thấy trả lời, mới nhờ mấy cụ lão thành cách mạng lên  tỉnh uỷ gặp  Bí thư xin can thiệp, vậy nhưng cha cứ đi vắng hoài, chỉ có thư ký ra tiếp...”
        “ Vậy rồi cha “ý kiến” ra sao ?”
        “ Không biết nữa, chỉ thấy mấy hôm sau được gọi ra đồn nghe thông báo : trong thời gian quản thúc, chỉ khi có bố chết, mẹ chết, hoặc vợ con chết mới được đi dự đám tang, ông Thu Bồn chỉ là bạn thôi nên không giải quyết. Họ quy định vậy, mình còn biết nói sao ? Không ngờ sát ngày đưa tang TB , công an gọi lên đồn gấp , có việc cần. Hoá ra trên đã “nghĩ lại” cho tớ đi 3 ngày với điều kiện chỉ tới đám tang Thu Bồn và về nhà cô em gái, ngoài ra không được đi đâu...”
       “ Về SG ông có gặp đám nhà thơ, nhà văn không ?”
        “ Có chớ, trước hôm đưa tang, buổi tối tớ có đến viếng, rồi cả dám ngồi lại đọc thơ với nhau ngay tại nhà tang lễ tới tận khuya. Tớ có đọc một bài , đọc cậu nghe nhé :
         “Người thơ xa quê hương mang theo dòng sông...
         Vời vợi quê hương đau thương quằn quại ...”

      “ Úi giời, ông khóc Thu Bồn mà cứ như khóc đất nước VN ấy...”
        “ Giỏi, thằng này giỏi, nghe thơ như thế mới gọi là ...nghe chớ.Uống chén rượu đã...”
       BMQ lôi ra chai rượu thuốc nháy mắt :
” chớ coi thường nhé. Rượu này...ông uống bà khen đấy...”.
“ Ông “bị” thế này, bà ấy có ca cẩm gì không ?”
 “ Không, không... vợ tớ thông cảm với tớ lắm. Hồi tháng 9 năm 2001, tớ bỏ đi lang thang dài ngày lên biên giới bà ấy cũng có nói gì đâu. Cả nhà có cái xe cà tàng CUB 81, tớ lôi đi cũng không sao. Cứ thế là một người một ngựa , dắt lưng 1000 đôla tiền nhuận bút in bản dịch cuốn “ Một lúc, một đời” Nhà xuất bản Picquiet trả, rồi phóng từ  Đà Lạt ra Hà Nội rồi lên Lạng Sơn, Cao Bằng...Sướng ghê lắm, tới tỉnh nào là ghé Hội văn học nghệ thuật tỉnh ấy chơi với anh em. Lên Lạng Sơn tớ còn ngủ nhà khách của Hội kia đấy. Mấy tháng trước đó, cứ nghe ồn lên chuyện biên giới, tớ mới quyết mò tận nơi thử coi thực hư ra sao ?”
      “Rồi nó thế nào ?”
     “ Ải Nam Quan tức Hữu nghị quan lùi mẹ nó vào đất Trung Quốc mấy kilômếch rồi...”
      “Nhưng chính mắt ông có nhìn thấy không ?”
       “ Thấy sao được , nó nằm trên đất TQ kiàø...Tớ lên cả Tân Trào – Bản Giốc nữa. Ở đây tớ làm được một bài ”sướng” lắm. Tớ đọc cậu nghe nhé...”
       “ Lại thơ nữa à ? ừ thì đọc đi..”
      Gương mặt BMQ thoắt sang một trạng thái khác, có cái gì đó không phải rượu làm sáng bừng  và anh đọc :
                    
                        TĂM MẮU BIÊN CƯƠNG
             
                 Tổ quốc còn đau món nợ Tân Trào
          Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu
                 Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu
         Một tấc giang sơn không được để hao mòn...
                                                          Bản Giốc 11-2001

        “ Món nợ Tân Trào là món nợ gì ?”
        “ Công an cũng hỏi tớ câu đó đó. “ Chú viết vậy là ý gì”. Tớ bảo nợ “tự do, hạnh phúc” cho dân chứ còn nợ gì ? “
         “ Vậy chuyến đi này ông chỉ có làm thơ ?”
         “ Đúng thế ? Làm thơ là chính ...”
          “ Chỉ có làm thơ mà bị “cá đớp”?”
         “  Biết nói sao ? Hôm tớ quay xe về  Đà Lạt , mới ra khỏi Hà Nội đã bị mời lên vào đồn công an “làm việc”. Lục trong bị ra có mấy tập bài viết của các cụ về hưu ấy mà. Sau đó tớ được đưa lên xe rông tuốt về nhà...trả tớ lại cho vợ...”
           “ Thế rồi có bị ra xử ở Toà không ?”
           “ Tội tình gì mà xử ? Tớ chỉ bị qủan thúc tại địa phương , tức là chỉ đi lại trong phường thôi, hàng tháng làm tường trình cho công an...”
           “ Quản thúc nằm trong điều mấy, khoản mấy, luật gì ấy nhỉ ?”
           “ Làm đ...gì có luật, mới chỉ có Nghị định cuả Thủ tướng thôi, số mấy thì bố ai mà nhớ được. Thời hạn quản thúc của tớ là từ tháng 1-2002 đến hết tháng 1-2004...”
           “ Vậy sắp hết rồi, còn nửa năm nữa thôi , lại tha hồ đi thực tế, thả sức làm thơ.”
            “ Đúng đấy, 6 tháng nữa thôi, có điều từ nay đến đó không...”gây” ra chuyện gì. Bởi thế mấy hôm ở SG, tụi nó kéo đi nhậu mà đành từ chối hết...”
            “ Thôi cố lấy cái “bé ngoan” để sang năm còn được đi đây đi đó. Nằm nhà vậy có vào coi internet không ?”
             “ Điện thoại bị cắt mẹ nó từ lâu rồi lấy đâu ra nét với chả nẹt...Với cả tớ không thạo ba cái thứ kỹ thuật  cao ấy lắm...”
             “ Có gì đâu, con nít nó cũng còn vào chít chát ì xèo kìa...”
              “ Để tớ tặng cậu cuốn truyện của tớ nhé...”
               “ In ở hải ngoại à ?”
               “ Không không, Nhà xuất bản Phụ Nữ  thuộc Hội liên hiệp phụ nữ VN đoàng hoàng...”
                “ Chắc lại chuyện “mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh...”
                 “ Không không, cậu cứ cầm về đọc rồi khắc biết, cũng có...ý của nó đấy...”
                  “ Ông “bị” thế này, Hội nhà văn có hỏi han, thăm nom gì không ?”
                  “ Cậu còn lạ gì cái Hội của thằng Thỉnh, có khi Đảng bảo “tha”, nó còn xúi “ giam nữa” ấy chớ.Vụ Nhân văn Giai phẩm đấy thôi..”
                  “ Vậy kỳ này nó đã khai trừ ông ra khỏi Hội chưa ?”
                  “ Khai trừ thế đ. nào được, tớ đã mất quyền công dân đâu ...”
                   
            Lấy bút ký tặng sách, tiễn tôi ra cửa, BMQ cười toét :
                 “ Tớ có chính nghĩa, tớ đ...sợ...”
          Hai hôm sau, nằm ở Hà Nội tôi mang tiểu thuyết “ Chuyện của người khách lạ” của Bùi Minh Quốc ra đọc. Ðúng là viết thế này đ…sợ gì thằng nào là phải lắm.


      

              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét