Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

TÂM LÝ ĐẠI DƯƠNG VÀ TÂM HỒN BIỂN CẢ

Trí Thức Việt Nam Bên Bờ Biển Đông                                                                            

Thật lạ, từ thời lập nước, kén chồng cho nàng Mỵ Nương, vua Hùng thách cưới nào  “voi chín ngà,” “gà chín cựa...”, “ngựa chín hồng mao...”- những sản vật chỉ có ở trên rừng chứ dưới biển kiếm đâu ra và chẳng biết có “lo lót” gì vua cha không, mà Sơn Tinh thắng cuộc là cái chắc. Sự thiên vị đó hiển nhiên làm “ThủyTinh” nổi giận gây chiến với các ông thần núi khiến  hàng năm “ lũ lụt “ lu bù ? 
Và cũng thật lạ, cứ sản vật trên rừng thì các cụ ta gọi là thần –“sơn thần”, ngược lại dưới biển thì bị coi là quái vật – “thuỷ quái”. Tâm lý "trọng núi khinh biển ấy " càng lạ lùng hơn khi bờ cõi nước ta có tới hàng ngàn kilômét bờ biển  mà đời này qua đời khác trong tâm tưởng dân tộc chỉ thấy  “con cò bay lả bay la” chứ chẳng thấy đâu “con hải âu chao cánh trên sóng bạc đầu”?
Sống bên bờ biển Đông mà cứ dúi dụi trong lũy tre xanh, bịn rịn  cây đa, giếng nước, mái đình, phơi mặt cho đất bán lưng cho trời, khiến  bao đời mải miết  “suy nghĩ trên luống cày” bị cắt vụn bởi những “xiềng ba sào” để rồi cả đời chỉ quen với nhũng kích thước nhỏ. Thử nhìn chùa Một Cột, một biểu trưng văn hóa Việt Nam mà cảm giác như mới chỉ là mô hình kiến trúc. Rồi so sánh  cung điện triều Nguyễn ở cố đô Huế với những cái ở châu Âu, ở Trung Quốc mới thấy hết sự nhỏ nhoi, đáng thương của vua chúa Việt Nam. Kiến trúc dân dụng và nghệ thuật tạo hình cũng thiếu vắng tính hoành tráng  – những tranh làng Hồ kích cỡ không vượt quá phiến cắt ngang của cây gỗ,những tượng Phật nổi tiếng chùa Tây phương cũng chẳng vượt kích thước thực là mấy,những đình, những chùa Việt Nam cứ nép vào cây xanh thiên nhiên miền nhiệt đới, chẳng dám vươn lên mà cô đơn trên trời cao. 
Rồi cả những kinh nghiệm đối nhân xử thế cũng chỉ khuôn trong quy mô xóm làng, những “xấu đều hơn tốt lỏi”, ”ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, ”đèn nhà ai rạng nhà nấy...” cứ nhan nhản trong kho tàng dân ca, tục ngữ. Thiếu  hẳn “trường ca” và “ trường thiên tiểu thuyết” tầm cỡ nhũng pho truyện Tàu, cái “hơi thổi” cuả dân tộc ta trong nghệ thuật chữ nghĩa sao cũng ngắn, thượng số cũng chỉ tới “Truyện Kiều”  Nguyễn Du trong truyện thơ, Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô gia văn phái trong văn xuôi. 
Sống khép kín trong những lũy tre xanh bên bờ biển Đông ,ông cha ta đã thiếu  tâm lý đại dương , lại thiếu luôn cả tâm hồn biển cả và có phải vì thế dường như "nỗi buồn nhược tiểu"  chảy dài trong những “Giọt mưa thu”, “Đêm đông”, “Bèo giạt mây trôi”, những “Người ơi người ở đừng về”, “Dạ cổ hoài lang”... buồn hơn nước mắt ? Và có phải vì  thế mà cảm hứng xuyên suốt trong những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... là kêu đói, than nghèo. Thiếu nhu cầu trừu tượng hóa, thiếu sự mặc khải, tự tra vấn khi đối diện với cái mênh mông của biển cả. Than ôi, cảm hứng chủ đạo xuyên suốt mấy thế kỷ văn chương Việt Nam  phải chăng chưa vượt qua nỗi buồn đói nghèo, vươn tới  nỗi mênh mang trong cõi vô thường và khát vọng tìm tòi những kỳ bí thẳm sâu trong tâm hồn con nguời.
                       
                            “Từ thủa mang gươm đi dựng nước,
                        “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long...”
            
Nỗi nhớ đất thật dai dẳng trong những cuộc mở mang bờ cõi chỉ theo đất theo ruộng mà tràn xuống phía Nam, nào đâu dám rời đất  xuống biển, đóng những đội tàu ra khơi thám hiểm, chinh phục những vùng biển lạ.
             Còn nhớ , trong một tiệc "cốc tay" , mấy ông tây  Thuỵ Điển thuộc SIDA (Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế ) vừa nói vui vừa có ý phê phán rằng :
” Việt Nam   có vài  ngàn dặm bờ biển là cửa ngõ để bung ra năm châu bốn bể, mà cấm  thấy rời đi đâu bao giờ, hướng tới  mảnh đất xa lạ nào , và bao đời chỉ kiên trì chiến đấu với đủ các loại giặc ngoại xâm để giữ lấy  mảnh đất xinh xinh (tiny – nguyên văn của người nói)  hình chữ S uốn lựợn bên biển Thái Bình.“
Ý kiến  ngài đại sứ  Thụy Điển phát biểu hôm ấy, lạ thay, không hề gây một suy nghĩ , liên tưởng gì ngay cả với đám trí thức đi học kinh tế biển ở Liên xô, Ba lan,Đức ....về. Mọi người lại hiểu trẹo ra rằng các bạn  Thụy Điển  vốn luôn thán phục lòng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm của người VN, nên cứ có dịp là nhắc tới chuyện đó. 
Rõ là  bé cái nhầm , "tê liệt hoài bão" và "tự hào dân tộc" lố lăng đến thế là cùng!  Và  ý kiến đó lập tức bị chìm trong tiếng nổ sâm banh, nó chẳng được ai đả động tới, cả trên báo chí sách vở lẫn trong các nghị quyết quan trọng .
               Không  nghe Thụy Điển xui, sợ mắc mưu bọn tư bản đã đành, Liên Xô anh em khuyên, ta cũng chẳng thèm nghe thì mới lạ.Nhớ hồi “Hiệp định Hợp tác toàn diện với Liên xô” tôvarit Ivan  cử cố vấn sang giúp và khuyên ta nên có chiến lược  phát triển vận tải biển .Hẳn họ đã có kinh nghiệm lịch sử từ  nước Nga Tsar hoàng lạc hậu , nhờ có đấng anh quân Pie đại đế ngay từ nhỏ đã đích thân sang học nghề đóng tàu ở Thuỵ Điển, khi về nuớc phát triển đội tàu và từ biển Baltic vươn ra ngoài mà ngao du học hỏi Tây Âu, đổi mới đất nước giàu mạnh vào giữa thế kỷ 17.  Thế mà...sẵn "truyền thống" bài ngoại từ thời vua quan nhà Nguyễn, lại thêm tinh thần cảnh giác cách mạng chống xét lại, với cái đầu bã đậu, người nắm quyền Bộ Giao thông vận tải bấy giờ đang say sưa với  chủ trương quân sự hoá ngành giao thông (tỷ như đưa lính về quản lý, bốc xếp hàng ở các cảng,  tạo điều kiện cho toàn dân trộm cắp phá hoại dưới khẩu hiệu "CCCP " – các chú cứ phá, các cháu cứ phá , cha con cùng phá , cháu chắt cũng phá , càng cho càng phá , còn cho còn phá...) liền phán rằng, thằng Liên Xô nó xui phát triển vận tải biển là ..xui dại, để mình lệ thuộc  nó, không chơi!
Đến khi nghe quân sư quạt mo tư vấn mở rộng quyền làm chủ cho phép các tỉnh  lập công ty vận tải biển  tự chở hàng xuất nhập khẩu , thì cả đến mấy tỉnh miền núi Kontum , Daklak cũng có ... Công ty vận tải biển, thực chất  là moi tiền mồ hôi nước mắt dân đen rủ nhau đi mua tàu cũ ,tàu quá date , giá một nói ba , chia chác nhau xây nhà lầu ăn chơi trác táng .
Nhờ thuê kiểm toán quốc tế vào giám định mới dẹp được các Công ty vận tải biển và đưa mấy thằng quan tỉnh  vào trại bóc lịch .Sau vụ đó, nhà nước lại cử người – trí thức, tất nhiên, tầm sư học đạo, cậy cục hỏi ông thày tàu họ Lý ở  nước láng giềng Tân Gia Ba bài thuốc nào cho  bán đảo chữ S, "ít người nhiều ma" này trở thành  Rồng ?
Ông thày họ Lý phán rằng “nị” phải về mà nghĩ lấy chứ “ngộ” làm gì có toa thuốc sẵn. Thế mới đẻ ra chuyện giải quyết giao thông đô thị không thèm theo thằng Tân Gia Ba là bus hoá urban transport mà lại bình bịch hoá toàn thành phố  để đến nỗi xe máy tràn ngập phố phường và toàn dân đang biến thành các nhà du hành vũ trụ với cái mũ bảo hiểm trên đầu đúng theo  di huấn của cố TBT  Lê Duẩn " nhà nhà có tivi, nhà nhà  có xe máy", ních đầy hầu bao quan chức bằng tiền bán quota xe máy ,  chứ nhập xe bus về thì bán quota xe bus cho ai? Hoan hô xe máy và mũ bảo hiểm – phen này  khối thằng hốt bạc , chỉ thằng dân là ... cũng chẳng chết đâu, kích cầu mày lên để mà phải mua chứ, bớt bia bọt nhậu nhẹt đi, an toàn giao thông bảo vệ mạng sống mà...
Ngại xuống biển mà giao lưu thế giới đã dành, căn bệnh cố hữu thiếu máu phiêu lưu   đã làm  ta bằng lòng với nhũng gì vừa phải, mảnh đất tốt cho chứng chiết trung, dung hòa, Phật, Lão, Trang, Kitô giáo... cái gì cũng vào được hết, chung sống được hết, tam tứ ngũ lục giáo đồng môn được hết. Sự cuồng tín trong nhũng cuộc chiến tranh tôn giáo, trong những cuộc giao đấu ý thức hệ là không thể có trên đất nước ta. Thực chất những người lính cầm súng trong cả hai phe cộng sản và quốc gia trong cuộc chiến vừa qua đâu phải vì hằn thù do  khác biệt ý thức hệ? Ngay cả cái hạt nhân tàn khốc đấu tranh giai cấp, cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam cũng bị pha loãng đi nhiều trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một cuộc cải cách ruộng đất  long trời lở đất như ở Trung quốc, một cuộc Đại cách mạng văn hóa Trung Hoa với sức tàn phá khủng khiếp nếu như có vào Việt Nam thì những cơn bão đó cũng bị kìm hãm mà dịu đi nhiều lắm .Vậy nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Trong khi hóa giải được rất nhiều sự tàn phá mù quáng thì chính cái căn bệnh ngại phiêu lưu, thiếu máu cuồng tín  lại làm chúng ta chưa bao giờ chịu bị đẩy tới “cùng” để mà ‘biến” cả. Đó cũng có thể là một lý giải về sự tồn tại dai dẳng của chế độ cộng sản trên đất nước ta. Trở lại câu chuyện về tâm lý đại dương và tâm hồn biển cả, nếu như trí thức là bộ phận sáng suốt nhất trong cộng đồng dân tộc thì trí thức Việt Nam kể cả vua Duy Tân lẫn nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ dường như chưa một ai thức tỉnh cho cộng đồng cái tâm lý kỳ thị biển  ấy. Nhìn lại lịch sử quân sự, nhũng tên tuổi như Yết Kiêu, Dã Tượng, trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng quả là vô cùng ít ỏi so với nhũng danh tướng và nhũng trận đánh trên bộ. Ngay cả trận đánh tàu Madoch Mỹ của những người cộng sản ngày 5 tháng Tám năm 1964 trong vịnh Bắc Bộ cũng là một thứ lính cảm tử ôm bom ba càng xông vào xe tăng, rồi mãi tới trận Trung Quốc tiêu diệt cả một tàu Việt Nam tại khu vực đảo Trường Sa, và cho tới tận ngày nay hải quân của Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn tròm trèm là một con số  nhỏ nhoi, yếu kém .
Thời đó đã có nhạc sĩ cất tiếng hát “biển rộng của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó?” Than ôi, buồn thay, vài thập kỷ đã trôi qua, lực lượng trên biển của người Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để tránh cho biển Đông của chúng ta khỏi trở thành “ao nhà của Trung Quốc”. Rồi thì ngay cả một cái Bộ Thủy Hải Sản cồng kềnh cũng chưa có nổi một đội tàu đi đánh bắt xa bờ mãi ngoài đại dương mà vẫn chỉ loanh quanh vùng cận hải. Đằng đẵng những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất Bắc, người ta cũng chỉ “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, ra sức phát triển công nghiệp nhẹ và lấy nông nghiệp làm cơ sở” – vẫn là một thứ suy nghĩ “trên luống cày” chưa thấy một trí thức nào mách nước cho nhũng người cộng sản hãy hướng cái nhìn ra biển cả. ... Thật uổng công nuôi dạy từ bé dù là bằng củ khoai củ sắn, lớn lên được gửi đi học hành nước ngòai , khi về nước không những không có được kế sách gì hay hớm , lại còn cứ ngậm miệng ăn tiền, à ơi với cánh cò bay lả bay la,  bay từ đồng ruộng bờ vùng bờ thửa bay ra chủ nghĩa xã ...hồi....Gần đây ông Ngô Thế Vinh trong một cuốn sách rất công phu và rất nhiệt huyết “Cửu Long cạn dòng và biển Đông dậy sóng” cũng đã khơi ra một mối quan tâm tới biển nhưng lại nghiêng về mặt bảo vệ lãnh thổ.
        Vậy là căn bệnh cố hữu có 3200 kilômét bờ biển mà vẫn thiếu muối ăn vừa là điều kiện quy định tính cách  trí thức Việt Nam vừa là món nợ tinh thần đối với cộng đồng dân tộc nếu như ta thừa nhận trí thức là người nhận lãnh sứ mạng thức tỉnh và lay động xã hội. Thiếu máu phiêu lưu, ngại ngần nhũng chân trời lạ, bằng lòng với nhũng chân lý đồ hộp (fast food), tự biện minh "gặp thời thế, thế thời phải thế"... liệu người trí thức Việt Nam có dũng cảm nhìn nhận những căn bệnh có nguồn gốc sâu xa là sống ven biển Đông mà thiếu tâm lý đại dương và tâm hồn biển cả?
         Nhớ lại cuộc ly hôn vĩ đại nhất vào buổi bình minh của thời dựng nước, 50 người con trai theo bà Âu Cơ xuống biển và đi luôn một mạch cho tới tận bây giờ không ngoái  tìm về quê cha, đất tổ? Thế nhưng cuộc xuống biển bất đắc dĩ của cả triệu thuyền nhân Việt Nam vào những năm cuối của thập kỷ 70 thì chỉ không đầøy 10 năm sau rất nhiều người con của dân tộc  đã trở lại. Gạt ra nhũng thảm kich trên hải đạo kinh hoàng, gạt ra những căn nguyên chính trị, nhìn nhận sự kiện như là một cơ hội phiêu lưu ra ngoài biển cả của một bộ phận dân tộc, liệu ta có hy vọng những người con theo bà Âu Cơ đó có thể đón nhận tâm lý dại dương và tâm hồn biển cả để góp cái phẩm chất mới mẻ đó vào nỗi lo toan cho Tổ Quốc Việt Nam? Lời đáp cho câu hỏi đó sẽ có khi ta đồng thuận với nhau quan niệm kinh điển về trách nhiệm của thất phu khi quốc gia chìm nổi trong hưng vong...

          


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét