ĐÃ ĂN TRỨNG KHỎI GẶP GÀ MÁI
Thiên hạ đang ồn ào quanh danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước Việt Nam . Thực ra, việc này xưa nay vẫn làm vậy – cứ ông nhà văn nào có nhiều “phiếu bé ngoan bác Hồ”, chịu khó “bám trụ” xung quanh các cơ quan của Hội nhà văn thì tới “niên hạn” ắt là được tặng giải thưởng chứ có cần “tác phẩm” “tác phẻo” gì đâu. Lớp nhà văn “tiền chiến” đi theo cách mạng có Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyên Hồng,Tô Hoài…ông nào ông ấy đều đã “ẵm” gỉai thưởng quốc gia cả rồi dẫu rằng chẳng có tác phẩm nào vượt được những cái đã viết thời mấy ông chưa có ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường. Ông Tô Hoài chẳng viết được gì hay ho hơn chú “ Dế mèn phiêu lưu ký” mà ông đã “cưỡi” nó bay khắp thế giới. Ông Nguyên Hồng cũng chẳng vượt “Bỉ vỏ” ông viết năm ông mới 17 tuổi,. Rồi thì những “Người đi tìm hình của nước”, “Ánh sáng và phù sa”….của thi sĩ họ Chế cũng chẳng vượt được “Điêu tàn”; rồi “Hội non sông” làm sao hay được bằng “Thơ thơ” của Xuân Diệu vân vân và vân vân.
Lớp nhà văn “chống Pháp” với các ông Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải,Nguyên Ngọc, Ma văn Kháng, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng…tạo thành dòng chủ lưu trong nền văn học cách mạng, nhưng tác phẩm của mấy ông xem ra chọn mãi cũng khó kiếm ra cái nào để đưa vào bảng vàng , bia đá.
Lớp nhà văn “chống Mỹ” như Đỗ Chu, Chu Lai, Nguyễn thị Ngọc Tú, Vũ thị Thường, Nguyễn thị Như Trang… thì xem ra kiếm cho được một tác phẩm tiêu biểu để “còn lại mãi với non sông” thì e rằng lại càng …khó hơn .
Tuy nhiên, tất cả những nhà văn “có phiếu bé ngoan” trên đây đều đã được nhận giải thưởng từ cấp quốc gia lên tới cấp Hồ Chí Minh cả rồi, chẳng có còn sót một ai. Vậy là cứ đánh trống gọi tên mà trao giải đã thành chuyện thường ngày ở Hội nhà văn Việt Nam, chỉ có điều phải làm kheo khéo, bốc cho thơm tác phẩm của mấy anh đã có tên trong danh sách nhận thưởng cấp trên đã duyệt là OK. Còn cái chuyện chọn tác giả chứ không chọn tác phẩm thì ta hiểu ngầm với nhau thôi, chớ có công khai nói ra, nhạy cảm chính trị mà .
Còn nhớ thời ông Chủ tịch Hội nhà văn VN Hữu Thỉnh còn được ngồi họp quốc hội, mấy ông nghị tỏ vẻ ta đây am hiểu, ‘dạy đĩ vén váy”, huỵch toẹt ra rằng cần phải chọn “tác phẩm” mà trao giải chứ không cần chọn “tên nhà văn “ thì có … bẽ mặt mấy anh lãnh đạo Hội nhà văn không kia chứ ?
Thế là lập tức nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre vội xông lên diễn đàn chối lia lịa :” Không không, xưa nay chúng tôi vẫn trao giải thưởng theo…tác phẩm đấy chớ…”. Rồi sợ rằng đa số các quý vị đại biểu quốc hội xuất thân tầng lớp công nông, văn hoá có hạn, không hiểu rõ ý mình , đồng chí Hữu Thỉnh lại nôm na giải thích :” đã ăn trứng thì khỏi cần gặp gà mái…”.
Thực ra cái ý này cũng không phải của đồng chí Hữu Thỉnh mà là của nhà văn Trung Quốc Tiền Trung Thư. Ông này nổi tiếng đến mức rất đông học giả ở Bắc Kinh xếp hàng xin được gặp mặt ông. Nhưng cái nhà ông Tiền này không muốn mình bị biến thành một điểm tham quan du lịch nên đã từ chối bằng một câu nổi tiếng :” Xin lỗi quý vị, các quý vị đã ăn trứng thì không cần đi tìm gặp gà mái…”.
Mượn câu chuyện này, ông nghị kiêm nhà thơ Hữu Thỉnh muốn nói rằng cứ chọn tác phẩm mà trao giải là được rồi, khỏi phải xét hỏi đến tác giả làm gì . Nhưng than ôi, nếu đồng chí Tổng thư ký Hội nhà văn tiến hành trao giải theo kiểu “chọn trứng” chứ không chọn “gà mái” thì lấy đâu ra tác phẩm mà trao nhiều giải đến thế. Là vì cứ căn cứ vào tình hình văn học nước ta ngần ấy năm qua, thì trứng chẳng có mấy mà “gà mái” cũng chẳng đào đâu ra , nhìn đi nhìn lại toàn thấy mấy bác… gà sống thiến . Bởi thế thì xin lại cứ trao giải theo lối chọn “bé ngoan” vậy chứ còn biết làm sao. Nhưng chọn theo kiểu này là ta…hiểu ngầm với nhau thôi, đừng có nói toẹt ra như thế. Hoá nên đồng chí Hữu Thỉnh phải mượn lời ông Tiền Trung Thư để mà rửa mặt cho các nhà văn Việt Nam :”Chúng tôi, những nhà văn, chỉ cần mang danh hiệu đó là đủ tự thấy cao quý rồi, chúng tôi – những con gà mái, chúng tôi chỉ cần đẻ trứng cho thiên hạ, ngoài ra không cần bất cứ danh hiệu nào hết .”.
Chết nỗi chẳng hiểu có rõ thâm ý của “thủ trưởng tổng biên tập “ Hữu Thỉnh không mà Toà soạn báo Văn Nghệ nhân cơ hội đồng chí đi vắng, cho đăng ngay một bài đòi…danh hiệu cho nhà văn của Ngôn Thanh có cái tựa nảy lửa rằng “ Nhà văn có được nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú không ?”. Ông Ngôn Thanh khẳng định rằng :”CÓ CHỨ, tại sao lại KHÔNG ?”. Ông đặt câu hỏi vì sao trong số hơn 700 Hội viên Hội nhà văn, từ trước tới nay chưa ai được nhận “danh hiệu cao quý” đó, trong khi bên các Hội khác như điện ảnh, sân khấu, hội hoạ…thì đầy rẫy. Mà Hội nhà văn cũng nhiều hội viên xứng đáng danh hiệu đó lắm chứ ? Ông lại dẫn Điều 58 dự thảo “Luật thi đua khen thưởng” quốc hội đang thảo luận :
Điều 56 : “ Danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân là diễn viên, đạo diễn , chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, quay phim, sáng tác kịch bản, nhạc sĩ, hoạ sĩ, phát thanh viên, hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật…”
Ông Ngôn Thanh lập luận rằng mặc dầu không có hai chữ “nhà văn” nhưng trong điều 56 có bốn chữ “ sáng tác kịch bản”. Ông viết :” Thử hỏi “nhà sáng tác kịch bản” với “nhà sáng tác văn” có gì khác nhau mà một bên thì được ưu ái còn một bên khoanh tay ngồi chờ mấy chục năm nay ….”.
Sợ chưa thuyết phục, ông Ngôn Thanh còn tra Đại tự điển Hán Việt :” Nghệ sĩ là người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn trong ngành nghệ thuật” còn “ Nhà văn là người chuyên sáng tác văn xuôi…” và kết luận :” Thế là rõ rồi. Cả trong luật , cả trong tự điển, anh nhà văn đều được thừa nhận là nhà chuyên sáng tác. Thế thì còn băn khoăn gì nữa không ghi rõ ngay vào Điều khoản 56 Luật thi đua khen thưởng hai chứ “Nhà văn” bên cạnh các nghệ sĩ khác để được xem xét danh hiệu cao quý ấy…”
Ối cụ Nguyễn Du ôi, tam bách dư niên hậu…ba trăm năm sau, cụ có biết rằng con cháu cụ đã viện dẫn cả đại tự điển, cả điều luật ra để tranh cho được cái danh hiệu “nhà thơ – nghệ sĩ nhân dân…”. Khẩu khí con cháu như vậy trách gì mà chẳng tìm ra “trứng đâu” mà chỉ toàn thấy…”gà sống thiến…”. Tuy nhiên, biết đâu, nhờ có “Luật thi đua,khen thưởng” quy định rõ “nhà văn cũng được xếp cùng “con hát” và cũng được xét tặng “danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú” và “ nghệ sĩ Nhân dân”, phong trào “thi đua sáng tác” của 1000 hội viên Hội nhà văn VN do vậy mà trở nên sôi nổi, phát triển mạnh mẽ và rộng khắp tạo nên những thành quả rực rỡ trong nền văn học cách mạng cũng nên ? Biết đâu đấy. Vậy mong rằng Quốc hội sớm ban hành “Luật thi đua- khen thưởng”, trong đó có bổ sung chức danh “nhà văn” để họ còn hăng say ngồi vào bàn sáng tác nên những tác phẩm đồ sộ , xứng đáng với thời đại…kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét