(tiếp theo )
“Vỡ bờ” với tham vọng phản ánh toàn xã hội “vùng lên” làm cách mạng tháng Tám nên không thể thiếu hai nhân vật cốt lõi là “nông dân” và “công nhân” . “Nông dân” là Xoan, “công nhân” là Mầm và tất nhiên hai người phải yêu nhau cho thắm thiết hình tượng công nông liên minh .
Nguyễn Đình Thi có xé rào khỏi “khuôn mẫu” nông dân - địa chủ qua phim “ Bạch mao nữ” không ?
Không những không mà còn “quá đà” vượt cả yêu cầu của đảng .
Cô Xoan, do bố mẹ nợ nần phải gán cho địa chủ nghị Khanh lúc còn bé, lão Nghị chẳng thèm để mắt tới, nhưng khi cô lớn lên , lão Nghị nhận ra “cái thân thể khoẻ mạnh tươi trẻ của người con gái”. Thế là lợi dụng vợ vắng nhà, lão quyết chiếm đoạt Xoan cho bằng được, nắm chặt lấy cổ tay cô, như cái kìm và kéo cô lại bên giường.
Lần đó Xoan thoát được , nhưng rồi phận trong hang hùm “địa chủ “, làm sao giữ được trinh trắng ? Lần này không phải lão nghị Khanh mà thằng Tường, con trai lão . Đêm hôm đó, xong công việc mắt gái cứ chặt lại. Khi về đến cái buồng nhỏ tối om đặt mình xuống là Xoan ngủ ngay không biết gì nữa.”. Một cô gái hơ hớ, đã từng bị lão chủ đòi hãm hiếp, bắt gặp cái nhìn hau háu của thằng con trai lão chủ, vậy mà Xoan không hề “nâng cao cảnh giác” cứ về phòng ngủ “vô tư”, lại còn không đóng cửa buồng .Vậy là thằng bố chưa kịp làm, thằng con và lũ bạn đã cướp đi trinh trắng làm cô phải tự tìm tới cái chết .
Trước khi chết, cô tố cáo tội ác địa chủ và đặt ra một loạt câu hỏi mang ý nghĩa “giác ngộ giai cấp” :
“ Tại sao tao cũng là người, chúng mày cũng là người mà chúng mày lại có quyền sai bảo, mắng chửi , hành hạ, làm hại tao ? Tại sao chúng mày có quyền vợ chồng cha mẹ con cái đề huề mà lại bắt tao phải quanh năm ngày tháng không được thấy mẹ tao, các em tao. Tại sao cả nhà chúng mày ăn sung mặc sướng muốn làm gì thì làm mà cả nhà tao lại suốt đời đói khát, cái gì cũng phải sợ sệt ?”
Và rồi cô bày tỏ lòng căm thù cao độ, buông lời nguyền rủa kẻ thù giai cấp :
“ Tao chết đi sẽ còn là cái hồn oan , trở về bóp cổ chúng mày. Tao chết đi sẽ còn làm chúng mày ăn không ngon ngủ không yên. Hễ mẹ con cha con chúng mày nhìn nhau là trông thấy cái oan hồn của tao…”
Thật không có lời tố cáo nào sâu sắc hơn, lời nguyền nào độc địa hơn. Tất nhiên Xoan không chết , cô phải sống để tác giả trình bày sự đổi đời của nông dân theo Đảng.
Mầm là thanh niên trong xóm, bỏ làng lên Hải Phòng làm công nhân bị Pháp bắt đi tù , đến ngày Nhật đảo chính Pháp thì trốn tù. Nguyễn Đinh Thi quen “trí thức văn nghệ sĩ” hơn loại nhân vật này nên chỉ mô tả qua loa quá trình từ anh nhà quê thành anh thợ xi măng , minh hoạ quan điểm Mác Lê về sự bần cùng hoá nông dân dẫn tới ra đời giai cấp công dân. Trong khi đó chuyện “phiêu lưu đường rừng” được kể khá kỹ càng trên đường Mầm trốn tù về nhà. Nào “ khỉ , rắn, trăn gió cả cọp nữa họ đã gặp đủ cả , những đêm nằm dài trên một chiếc chòi nát bỏ hoang mà nghe tiếng nai gộ giữa rừng khuya, sao mà buồn nẫu ruột gan…”. Nào “đi men theo con suối lớn họ bỗng trông thấy hai người đàn bà Mường mặc quần vải đen, áo dài năm tà, tóc búi ngược trên đầu , đang giặt …”
Lẽ ra để khắc hoạ hình tượng “giai cấp tiên phong” Đảng, Nguyễn Đình Thi phải đặt Mầm vào khó khăn, khắc nghiệt , gian truân qua đó trui rèn phẩm chất cách mạng. Đằng này ông đưa toàn chuyện tào lao kể trên, kéo dài cho dầy cuốn tiểu thuyết chẳng dính dáng gì tới việc xây dựng tính cách mới cho người “anh hùng mới” của thời đại .
Mầm về tới làng trong cảnh chết đói đầy đường, “hàng nghìn người sống dở chết dở , cái đói đốt ruột đốt gan không buông tha lúc nào , đầu óc mê hoảng chỉ còn biết tìm xem đâu còn cái gì tạm ăn được nữa không ?”. Trong hoàn cảnh kinh hoàng như vậy, lẽ ra Mầm phải tìm ngay người yêu là Xoan sau bao năm xa cách, vậy mà không, anh chỉ về qua làng rồi biến ngay đi tìm…cách mạng.
Đó là tại nhà văn chưa muốn cho hai người gặp nhau lúc này.: Xoan mới bị hiếp dâm, giờ gặp lại người yêu cũ tâm trạng cô sẽ ra sao đây ? Mẫm cũng mới trốn trại chưa có “thành tích” , “sự nghiệp ” gì. Bởi thế Nguyễn Đình Thi đành phải “hoãn “ cuộc “trùng phùng” giữa hai nhân vật thời đại vào cuối truyện, khi mà cách mạng đã thắng lợi, cuộc đời cũ chấm dứt vĩnh viễn, cuộc đời mới đang mở ra, bao nhiêu chuyện lớn lao đang tràn ngập tâm hồn, còn cái chuyện “mất trinh’ vì thằng con địa chủ là chuyện nhỏ, chẳng là đinh gì, bởi thế khi gặp lại người yêu cũ, cô Xoan đã hoàn toàn quên bẵng chuyện đó, không nhắc nhở gì tới kẻo giảm sút niềm vui chiến thắng.
Từ một anh tù vượt ngục chẳng hiểu mô tê gì chẳng hiểu sao, đùng cái, Mầm lại có mặt trong một cuộc hội nghị cán bộ quan trọng, thoắt cái đã trở thành một yếu nhân .Rồi chỉ ít tháng sau, Ban lãnh đạo chiến khu Đông Triều thành lập trung đội du kích đầu tiên của Đảng gồm ba người, Mầm được cử ngay làm chính trị viên, được Nguyễn Đình Thi hết lời ca ngợi :
“ Tất cả vai khoác súng trường , thắt lưng giắt lựu đạn , đứng nghiêm im phăng phắc, nghe đồng chí chỉ huy của họ thề hy sinh chiến đấu dưới lá cờ cách mạng thiêng liêng . Từ nay họ sống chết có nhau, cùng bước vào cuộc đời người lính của cách mạng, được Đảng giao cho cầm súng trong tay để giải phóng đất nước , đồng bào. Họ chưa biết con đường chiến đấu của họ sẽ dài bao nhiêu, những gian nan nguy hiểm, những đau thương hoặc vui sướng của họ sẽ thế nào nhưng họ biết những lời thề hôm nay sẽ không bao giờ họ quên được…”
Thật rõ ra là hình ảnh Đội tuyên truyền giải phóng quân , tiền thân bộ đội cụ Hồ. Chỉ có điều, ngoài đời đội trưởng là ông Võ Nguyên Giáp nguyên là giáo học có đôi chút chữ nghĩa chứ không phải cái nhà anh Mầm nhà quê thất học, lên tỉnh làm thợ bị tù rồi trốn trại trở về.
Một trong những bi kịch cốt lõi của nhà văn cách mạng, đặc biệt “đồng chí” nào đã dính vào chức quyền như Nguyễn Đình Thi là ông nào cũng được Đảng úp lên đầu cái mũ kim cô có tên là “ chính trị là thống soái”.
Vậy “ chính trị là thống soái” là thế nào ?
Là tuốt luốt mọi thứ từ “thủ pháp nghệ thuật” cho tới “lô gích của nội dung” đều phải điếu đóm theo hầu chính trị. Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, ông Hồ Chí Minh dưới bút hiệu XYZ đã thẳng thừng đặt cho nhà văn những câu hỏi cốt lõi theo kiểu thầy dậy trò :
” viết cho ai ? viết như thế nào ? viết để làm gì ?”
và lẽ dĩ nhiên câu trả lời tức khắc phải là:
“ viết cho quần chúng công nông binh – viết cho dễ hiểu- viết để phục vụ quyền lợi của cách mạng…”.
Vậy “ công việc viết văn” của nhà văn cách mạng trở nên hết sức dễ dàng khi “viết sao cho dễ hiểu”, chớ có biểu tượng nhiều mặt, chớ có đa thanh, đa nghĩa, đa chiều , chớ có tìm tòi, cách tân “ngôn ngữ nghệ thuật” mô đéc mô điếc làm gì nhức đầu nhức óc quần chúng công nông binh, mở sách ra mù tịt chẳng hiểu gì.
Về nội dung lại càng “ngon ăn” hơn – bất chấp trần gian muôn màu ra sao , cuộc đời đa đoan thếnào, nhà văn khỏi đi sâu thám sát và phát hiện những bí ẩn của nhân tính, khỏi mổxẻ những ca tâm lý phức tạp, những chiều kích dị thường trong tâm hồn con người , các “cán bộ viết văn” chỉcần diễn tả mọi nhân vật , mọi sự kiện sao có lợi cho cách mạng bất chấp sựthực của đời sống .
Các nhà phê bình quốc doanh thường đòi hỏi nhà văn “ phải hy sinh lô gích của hiện thực cho lô gích nội dung”, nói toạc móng heo ra là phải sẵn sàng nhào nặn và bóp méo hiện thực miễn sao phục vụđược yêu cầu của chính trị. Thô thiển hơn , cốThủ tướng Phạm văn Đồng , gương mặt văn hoá mác xít tiêu biểu của VN , một thời yêu cầu các nhà văn phải “mô tả hùng hồn hơn nữa thời đại của chúng ta…” . Vậy chỉđược ca ngợi và ngợi ca mà thôi chứ nếu oán thán thì đâu có “hùng hồn” ?
Phần kết trường thiên tiểu thuyết Vỡbờ của Nguyễn Đình Thi là minh chứng sinh động cho các ý kiến nêu trên.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét