(tiếp theo)
Trong bữa tiệc ngẫu hứng 5 người Hà Nội do Tân tổ chức chiều hôm trước ngày toàn quốc kháng chiến có nhạc sĩ Thu Phong. Trước đây anh này lưu lạc sang Tàu kéo đàn cho tiệm nhảy. Rồi thấy “ở nhà, Pháp khủng bố ở Bắc Ninh, rục rịch chiếm Hải Phòng”, chẳng hiểu sao anh lại “sốt ruột “ tìm về nước. Tác giả không nói rõ, Thu Phong “giác ngộ cách mạng” chưa mà sốt ruột “tham gia cách mạng” quá vậy ? Về nước chẳng bắt mối được với ông cách mạng nào, “Thu Phương ngao ngán , không biết rồi mình sẽ đi đến đâu.. Cuộc đời anh rồi sẽ thế nào ?”.
Chưa được cách mạng “giác ngộ” chẳng hiểu sao Thu Phương đã nhớ ngay lời ...Bác dậy.
“ Anh mang máng nhớ như đã có ai cho anh biết là Hồ Chủ tịch có nói :” Nước ta là một nước nhược tiểu , phải đánh lâu dài...”.
Ghê chưa, nghệ sĩ như nhạc sĩ Thu Phương, chứng kiến bao gia đình tan nát, đầu rơi máu chảy, chẳng thấy con tim nghệ sĩ rung động chỉ thấy “ Anh nắm cái bao súng lục và một quả lựu đạn Mỹ còn nguyên vẹn.Từ đây có lẽ không bao giờ anh còn được đánh đàn nữa, mà chỉ còn dùng những thứ vũ khí này...”.
Quả thực từ cây đàn tới lựu đạn, anh nhạc sĩ đã “nhảy vọt” khiến ta phải hỏi :” có nhẽ đâu lại thế ?”. Ông nhà văn ép uổng nhân vật chăng ? Thế rồi ngẫu nhiên, ông nhạc sĩ gặp lại ông sinh viên luật Vũ Minh, người cùng dự bữa tiệc “cuối cùng của người Hà Nội “ hôm đó.
Thế là cả hai ông dắt díu nhau vào “cái sân rộng của một cái nhà Tây. Chen chúc có hàng vài trăm người. Tiếng trẻ con khóc tru tréo. Tiếng đàn bà dỗ con, gắt gỏng. Tiếng phụ nữ léo xéo gọi mẹ gọi anh. Tiếng đại bác nổ rầm, người ta ngã lỏng chỏng như một cái toa tàu bị giật mạnh...”
Lẽ ra hai ông phải giúp dân chạy loạn, ngược lại “Thu Phong và Vũ Minh xéo bừa lên vai, lên đầu mọi người. mặc cho bà con chửi rủa. Họ trèo tường sang nhà bên cạnh.”.
Những tưởng hai chiến sĩ tự vệ sẽ lập ổ đề kháng chống Pháp, ai ngờ “lại cái tiếng huỳnh huỵch. Đúng Tây rồi. Tóc gáy hai người dựng đứng cả lên, mồ hôi toát ra đẫm cả sơ mi” khiến họ nghĩ tới chuyện ...tự sát. Thu Phong long trọng :
“ Đêm nay, đêm nổ súng đầu tiên, có hai thằng thanh niên chưa quen biết nhau bao giờ , mới gặp nhau trong một bữa tiệc mà cũng chẳng biết chủ là ai , hai thằng thanh niên ấy đã thề sống chết với thủ đô, nay nguyện cùng chết để khỏi sa vào tay giặc...”
Lạ chưa, mới nghe tiếng thằng Tây, tóc gáy đã dựng cả lên mà lại dám chết để khỏi sa vào tay giặc ? Và lại còn ngẫm nghĩ ý nghĩa của cái chết “ Anh không chết bên những gái truỵ lạc, mà bên một anh bạn sinh viên trong trắng.Từ giã cây đàn. Cái chết của hai anh tự vệ Hà Nội sẽ truyền mãi về muôn đời...”
Dựng nên vụ tự tử của hai thanh niên trí thức Hà Nội phải chăng ông nhà văn muốn truyện phong phú hơn, đặc sắc hơn, nhưng sự vô lý của nó gây phản tác dụng, người đọc mất niềm tin vào sự trung thực của ông, tác phẩm vì thế giảm hẳn giá trị.
Tất nhiên là Tây không tới và hai người sau đó lại nhận ra rằng :” Sao chúng mình lại chết. Cộng hai đứa mới được hơn bốn mươi tuổi hay hơn một tí chứ nhiều nhặn gì cho cam. Vô lý quá. Mà có gì đâu. Nếu Tây hay thổ phỉ thì nó phải làm ầm lên chứ, sao lại câm như hến thế này ? Vô lý...”.Và họ thôi không … tự tử nữa. Đọc tới đây người đọc phải hỏi : đưa ra hai nhân vật nhạc sĩ và sinh viên luật, Nguyễn Huy Tưởng xác định tính cách sao đây ? Có lúc ca ngợi lòng dũng cảm; lại có lúc riễu cợt sự nhát gan. Tính cách không rõ ràng khiến nhân vật mờ nhạt .
Người ta còn nhớ từ mãi đầu truyện có một chú bé tên Thắng cứ khăng khăng đòi mẹ cho đi theo bộ đội. Từ lúc đó, chú “nhóc” trở thành liên lạc, xông pha đi trước cả tiểu đội.
“Buổi chiều , Thắng đi liên lạc trở về , thấy tiểu đội nhộn nhịp một cách khác thường. Các anh đang chia nhau những quả lựu đạn tốt nhất và ngồi nhìn nhau hát Tiến quân ca...”
Khác thường nữa là sau khi anh tiểu đội trưởng cho Thắng cây súng gỗ thì kéo Thắng lại , “ôm lấy Thắng và hôn lấy hôn để. Hôn xong anh quẳng Thắng cho anh khác hôn và Thắng bị quẳng như thế khắp mười mấy lượt anh trong tiểu đội. Thắng chóng cả mặt mũi, cười sặc sụa giữa những tiếng cười trêu ghẹo của các anh...”
Chưa bao giờ các anh trong tiểu đội vui với Thắng vậy. Rồi sau đó “các anh đứng dậy, giơ tay hô quyết chiến rồi phân chia nhau đi bố trí. “. Hoá ra họ biết trước đã đến giờ G., giờ nổ súng vào quân Pháp. Quả nhiên “ một lúc thì điện tắt và súng nổ đùng đùng. Thắng sợ quá, đái tung toé ra cả ngoài quần, khóc gọi anh Dân...”
Người ta không hiểu sao giữa nơi mũi tên hòn đạn, “tác giả” không trả Thắng - đứa bé lên 8 tuổi ấy về cho mẹ nó mà cứ khăng khăng đưa nó đi theo tiểu đội chiến đấu , bắt nó xông pha giữa mũi tên hòn đạn chẳng khác gì một chiến binh già giặn : “ Chợt có tiếng ríu rít trên đầu . Một viên đạn đỏ lạc vào như con đom đóm lừ lừ…”. Lẽ ra thằng bé con phải “sợ quá , đái cả ra quần, khóc gọi anh Dân “ như lúc tắt đèn vừa mới đây thôi, vậy mà không,mới qua chốc lát, thằng bé bỗng đổi khác , dũng cảm khó ngờ. “Thắng nghĩ :” Sao nó biết mình về đây mà nó bắn ? ”. Thắng kêu :” Chạy đi, các anh ơi, lộ rồi !”. Thắng nằm sấp xuống , nhưng viên đạn đã vập vào tường…”. Lạ thay, viên đạn cắm vập vào tường rồi không hiểu sao lại vẫn “ xoay rít, vờn trên người Thắng…Viên đạn xì xì , Thắng chạy tới đâu viên đạn đuổi tới đó…”. Sao lại có viên đạn nào “thông minh” đến thế ? Anh tự vệ giải thích :
“ Đạn lửa đây mà. Nó đang đà, gặp sức cản, nó đứng lại, nhưng nó còn thuốc, nên nó quay như pháo. Có gì đâu ?”
Lạ thật, đạn gặp sức cản đứng lại rồi …lại quay như pháo chắc là đạn…ma, chỉ có trong tưởng tượng nhà văn. Thế rồi thằng bé con 8 tuổi cầm súng lục gỗ, lưng đeo hai quả lựu đạn thật, khi một anh chàng định bỏ trốn khỏi tiểu đội, nó khăng khăng không cho đi. Anh chàng kia “đút lót” gói kẹo , “Thắng đứng thẳng người , ưỡn ngực, mặt vểnh lên như muốn sinh sự, cái trống bỏi cầm tay kêu tong tong :” Anh vào ngay . Không tôi gọi các anh ấy ấy. “ . Thắng khum ngón tay cái và ngón tay trỏ như cái càng cua, đưa lên miệng, huýt một tiếng còi dài, ra ý như báo hiệu…”
Thế rồi một anh vệ quốc đoàn đọc hiệu triệu của bác ông Hồ trong “ thứ ánh sáng tôi tối của mùa đông, trong một gian phòng đóng cửa ….Họ đứng lấp kín cả bàn và bộ ghế bành. Bộ đội đều lặc lè lựu đạn, súng không nhiều, có người không có. Anh nào cũng quàng trên áo trấn thủ đường may hình quả trám những ruột tượng gạo như những con rắn trắng cuộn khúc. Họ đứng thế nghiêm , nhìn thẳng, chăm chú nghe lời kêu gọi…”.
Và rồi chẳng hiểu sao tiểu đội lại xuất hiện cả bà mẹ, con gái, cụ già, thanh niên để tạo nên “quần chúng” đầy đủ nam phụ lão ấu , nín thở nghe đọc lời kêu gọi của lãnh tụ:
“ Giờ cứu nước đã đến ! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng cương quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về ta…”
Không một ai nghĩ tới nếu phải “hy sinh tới giọt máu cuối cùng” thì cái thắng lợi giành được đó còn có ý nghĩa gì , mang lại cho ai và để làm gì ? Tất cả còn đang thành kính lắng nghe anh vệ quốc đoàn cao giọng :
“ Kháng chiến thắng lợi muôn năm ! Ngày 20 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh…”.
“ Giọng anh khẽ xuống. Nhưng tên lãnh tụ âm vang lên. Mắt anh đưa đi đưa lại trên những dòng chữ cuối cùng như tìm kiếm một vật gì. Gian phòng im một cách lạ…”
Cái giỏi của nhà văn trong việc “nâng bi” lãnh tụ là sau khi nghe đọc xong lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh đám quần chúng không sôi sùng sục máu căm thù xông lên diệt giặc , không lớn tiếng hô khẩu hiệu mà chỉ để một bà mẹ đặt câu hỏi :
“ Kháng chiến thật rồi ư, thưa đồng chí ?”
Cái tài nhà văn chỗ này đây, nghe lời “Bác kêu gọi”, một bà mẹ bình thường bỗng thấy tin yêu bác Hồ, tin yêu cách mạng đến độ muốn đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng, trở thành “đồng chí” . Phản ứng “quần chúng” thì vậy, còn lực lượng vũ trang tất nhiên phải nhiệt thành hơn :
“ Tiếng thét của anh tiểu đội trưởng bé nhỏ lút trong đám chiến sĩ :
“ Tiêu diệt thực dân Pháp !Hồ Chủ tịch muôn năm…”
Một anh thanh niên đeo cravat đỏ “ bỗng nhảy lên hô, thúc mọi người hô, quả đấm của anh giơ cao như đe mọi người ; mặt đen nhuốm đỏ như say rượu, mắt điên dại. Anh reo :
“ Kháng chiến rồi. Toàn quốc kháng chiến rồi. Tôi biết. Tôi biết từ lúc nổ súng kia. Sướng quá! Hồ Chủ tịch đã ra lệnh. Hôm nay tất cả Nam bộ sẽ ăn mừng. Nam bộ không phải chiến đấu một mình nữa…”
Chiến tranh là chết chóc, nhà sập, gia đình ly tán, thật hiếm có dân tộc nào lại ăn mừng khi nó nổ ra. Hiếm ai lại “sướng quá” khi súng đã nổ. Anh ta là ai vậy ? Hoá ra ông nhà văn muốn đám quần chúng lắng nghe lời Bác sao có đủ ba miền Bắc Trung Nam đã bất ngờ cho một ông miền Nam như đứt giây trên trời rơi xuống :
“ Anh thanh niên cướp lời :
“ Đúng, Nam Bộ đây. Tôi ra đây có công tác, vừa mới đến Hà Nội hôm qua. Chưa được gặp Chính phủ, chưa được gặp Hồ Chủ tịch. Nhưng được nghe lời hiệu triệu này thì cũng đã đời rồi. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…Đúng như ở Nam Bộ. Trời ! Gặp kháng chiến ngay giữa thủ đô !”
Rồi nhà văn cho anh thanh niên bày tỏ lòng yêu nước theo cách “Nam Bộ” :
“ Tôi sẽ sống chết ở đây cùng với đồng bào miền Bắc. Tôi đã trông thấy những khẩu hiệu ở đây rồi. Đã lắm ! Cho nhập bọn được không ? Không cũng được . Đơn thương độc mã cũng đánh…”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét