Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU (KỲ 4)



                       
                                                         (tiếp theo)

 Trong lúc phu nhân mải nghĩ kén chồng cho con gái gã dán mắt vào cái ...két sắt sau lưng bà. Mẹ kiếp, có tới 3 ổ khoá nắp kền sáng trưng, cạnh mỗi ổ dán tờ giấy vẽ loằng ngoằng  đóng mộc hình quả trám , xanh xanh đỏ đỏ. Quái,  mộc cơ quan nào nhỉ, không lẽ lấy  mộc  Chủ tịch tỉnh đóng vào đó. Không phải, két đang xài, đóng mộc làm gì, vả lại giấy dán chỗ đó đâu phải con niêm ? Gã liếc mắt nhìn quanh, thì ra không riêng két sắt , cả ti vi, máy nghe nhạc, lọ độc bình tổ bố kê trên bục gỗ đều dán miếng giấy đó. Cô tiểu thư  biết ngay gã nghĩ gì , vội giải thích :
“ Đó là bùa của má em đó...”
Gã xanh mặt :
“ ủa... bộ nhà này nhiều ma quỷ  lắm sao phải yểm bùa tùm lum vậy...”
Tiểu thư chưa biết trả lời sao, phu nhân đã đỡ lời :
“ Ma quỷ đâu ra  ? Nhà này toàn cán  bộ cách mạng , duy vật cả mà ,đâu có ai duy tâm tin tầm bậy tầm bạ...”
Rồi bà giải thích dán bùa là để ...”điều hoà âm dương”, mộc xanh là...điện âm, mộc đỏ là điện dương, chỗ nào thiếu âm dán mộc xanh, thiếu dương dán mộc đỏ.
“ Những chỗ đó thầy Lân mang con lắc đến đo cả rồi ...khoa học lắm chớ không phải mê tín dị đoan đâu...Thày trị bệnh giỏi lắm, ai  bệnh gì, thầy chỉ nhìn cái khỏi liền...”
Thì ra bà là đệ tử  “phái” nhân điện, đang theo lớp luyện khí công. Bà nói còn xa mới bằng thầy Lân nhưng bà có thể dùng nhân điện trị bệnh cứu người . Bà hỏi :
“ Vậy anh có đau ở đâu không ?”     
“ Dạ tháng trước bị xe tông, giờ vẫn còn đau đau cạnh sườn...”
“ Chuyện nhỏ, anh lại đây...”
Rồi bà phu nhân đặt tay lên sườn gã, chưa kịp cảm thấy gì bà đã rút tay về, lắc đầu :
 “ Anh mặc cái áo màu mận này nó “ăn” hết điện của tôi, còn đâu mà trị chỗ đau , để tôi phải truyền trực tiếp...”
Nói rồi bà cởi hàng khuy áo sơ mi gã , thọc một tay vào sườn gã, tay kia bà đặt lên ngực bà để lấy điện truyền sang . Giây lâu sau bà hỏi :
“ Thấy gì chưa ? Anh thấy gì chưa ?’
Ôi chao, gã đâu có thấy gì, chỉ thấy bàn tay chuối mắn, và thân hình đồ sộ của bà kè bên người gã như cả một quả núi sắp đổ ụp .
“ Thấy gì ? Thấy gì chưa ?”
Gã cuống cả lên :
“ Dạ thấy...thấy rồi..nóng ran người ạ...”
“ Vậy điện đang truyền rồi, đứng yên...”
Mắt bà chợt trợn ngược lên, người bà run bần bật, tay bà xiết ngang sườn gã, rồi bỗng nhiên bà xỉu xuống làm gã phải ôm ngang lưng bà dìu xuống ghế. Lát sau, bà choàng tỉnh :
“ Anh...hút điện tôi ghê quá làm tôi xây xẩm mặt mày...”
Gã chưa hết hoảng hồn, bà đã hỏi tới tấp :
“ Sao ? Anh thấy sao ? Hết đau chưa ? Dễ chịu chưa ?”
“ Dạ hết rồi...dễ chịu lắm ạ...”
Phu nhân cười hớn hở :
“ Đấy....anh thấy chưa...trị bệnh bằng nhân điện tài tình vầy đấy. Điện anh cũng mạnh lắm, để rồi tôi khai thông cả 7 luân xa cho anh thu  được điện mặt trời biến thành điện mình. .Lúc đó anh có thể trị bệnh được cả cho Kim Anh...”
 Gã cũng hớn hở không kém, trong ngôi nhà kiên cố này , ông chủ có quyền uy hách dịch, gã cũng đã chiếm được tình cảm hai người đàn bà thân thiết nhất với ông. Nhưng đừng vội, cần nghĩ cho kỹ , chớ ba thứ lẻ tẻ mà đánh quả tù mù, phải xác định mục tiêu cho thật xứng đáng , đánh phải chắc thắng, thắng phải giòn giã...Xác định vậy , gã nở nụ cười thật tươi :
“ Cháu xin theo bác làm đệ tử trung thành, học phép trị bệnh bằng nhân điện ...”
Bà phu nhân cười thật tươi, chỉ riêng tiểu thư , chẳng hiểu sao suốt từ lúc mẹ bị xỉu, mặt cô cứ bí xị, cau có như đau răng. Mãi lúc bàn chuyện cưới xin, cô mới tươi lên :
“ Trước hết má mua cho con chiếc “a còng”, còn chiếc Spâyxì  con đang đi để cho anh  ấy. Tội nghiệp, đi chiếc Dream Tàu mãi quê thấy mồ...”
Bà phu nhân vui vẻ :
“ A còng hả ? Duyệt... “
Tiểu thư sung sướng quay sang gã :
“ Đấy, anh thấy chưa, má  mình tuyệt vời chưa...”
Ấy thế nhưng câu trả lời  làm hai mẹ con muốn ngã ngửa .
“ Thôi em ạ, em cứ đi chiếc Spâyxì , anh chạy chiếc Dream tốt rồi. Mình phải xài ...tiết kiệm chớ...”
Ối trời ôi, phu nhân tưởng nghe nhầm, gã trẻ tuổi đẹp trai này  còn biết tiết kiệm tiền cho mẹ vợ nữa kìa ? Vậy cứ lo nó đào mỏ mới chết . Nghĩ vậy bà hào phóng :
“ Má nghĩ lại rồi, má duyệt luôn cho con cái trang trại Long Thành và cả cái biệt thự nhà vườn ven sông Sàigòn, sau này hai đứa ở tha hồ rộng rãi  thoáng mát...”
Tiểu thư reo lên,  ôm cổ mẹ :
“ Hoan hô, hoan hô má...Sau này tụi con sẽ đền bù cho má một lũ...cháu ngoại...”
Ấy thế nhưng, lại một lần nữa hai mẹ con tưởng không tin tai mình. Gã lắc quày quày :
“ Thôi thôi , trước mắt em ở nhà đang thuê lịch sự rồi, còn anh nhà chung cư, mình đang đi học, nhận trang trại với nhà vườn của má làm gì ? Thưa má...con rất cảm ơn , nhưng má cho tụi con tự đứng trên đôi chân mình ạ...”
Ối trời ôi, nó gọi mình là “má” rồi đó, lại còn xin tự lực cánh sinh nữa kìa. Bà phu nhân nở nang từng khúc ruột . Thế này kén được rể quý thật rồi, phải báo ngay ông không luôn miệng ca cẩm “ không khéo hai má con bà tuyển phải thằng trùm lừa “. Gớm , đa nghi hơn Tào Tháo, chút chút là ngờ vực , “tăng cường cảnh giác”.
Tháng trước , nhân giỗ cụ cố nội, con vợ thằng Giám đốc Sở văn hoá thông tin cúng phong bì có 10 vé mà ông bắt trả lại. Bà nài nỉ : “ Nó lòng thành , cảm tình thiệt nó mới cúng . Trả lại, phụ cái tình nó đi...”. Ông khăng khăng :“ Thằng này chưa thử thách, chưa tin được...”. Bà đành đứt ruột trả lại 10 vé, bà biết chẳng phải ông chê ít, ông vẫn nói “năng nhặt chặt bị”, chẳng qua máu “cảnh giác ” cố hữu trong ông. Một khi chưa thử thách, chưa nhận làm đệ tử ruột, chưa được vô băng, thì biếu cả triệu đô cũng không nhận. Thế nhưng đã là “chân rết”,”người trong nhà” bà tha hồ sai phái, tha hồ “rút ruột”. 
Để đôi “vợ chồng sắp cưới”cặp tay dạo trong vườn, bà te tái chạy sang phòng ông báo ngay  tin vui kén được rể quý. Chắc ông vui lắm, nhất định phải vuốt má bà :” Giỏi lắm, giỏi lắm, con mèo nhỏ của anh...”
 Trong lúc gã và mẹ con tiểu thư bàn chuyện thì trong phòng làm việc của ông cũng có cuộc gặp riêng giữa ông và hai “ người trong nhà” : ông Giám đốc Sở nông nghiệp và ông  Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư , ông Chủ tịch vẫn kêu chú Năm và chú Tám. “ Chú Năm” chính là em vợ ông, hồi bà lên khu làm “cấp dưỡng “ thì cậu đang học lớp 5 rồi bỏ dở vì mải đá gà , giải phóng về, bà chị cho đi học bổ túc công nông, rồi vừa làm ở Ban nông nghiệp xã, vừa học hàm thụ Đại học nông lâm. Chẳng biết học hành ra sao, bỗng một năm từ Sài gòn về, cậu trưng ra cái bằng Đại học làm lác mắt bà con. Người thì bảo cậu là em vợ bà Chủ tịch tỉnh thì ông nội thằng nào dám không cấp bằng, người lại nói bằng của cậu là bằng mua, bằng rởm. Tuy nhiên , trong quy chế cán bộ, người ta đâu có phân biệt bằng thật , bằng rởm, hàm thụ hay chính quy, dẫu rằng dân gian đã có câu “dốt như chuyên tu, ngu như hàm thụ”. Và thế là cậu được “cơ cấu” vào đảng bộ xã, rồi huyện, quay đi quay lại, đùng cái cậu đã chễm chệ ghế Giám đốc Sở.
 Dẫu làm đến quan đầu Sở, cậu Năm vẫn máu chơi gà chọi . Lâu lâu phóng xe , chở gà lên lâm trường chọi gà ông Gíám đốc, vốn là bạn phổ thông. Riêng “chú Tám”, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư lại là em con ông chú ông Chủ tịch tỉnh. Chú Tám con nhà cán bộ tập kết, sinh ở Hà Nội, được cử đi học Liên xô, chẳng may học dở năm thứ hai đại học Lômônôsốp thì bị đuổi về nước tội ăn trộm nồi áp suất trong cửa hàng mậu dịch . Hồi đó, do  chủ trương “chiếu cố miền Nam”, nên về nước, chú Tám vẫn đi học tiếp Đại học tài chính ngân hàng. Bằng đại học của chú tuy là bằng  thật nhưng là bằng “chiếu cố” . Thế rồi sau 1975, trở về quê nội, chỉ vài năm sau chú đã nhảy tót từ chân thống kê lên Trưởng phòng. Khi ông anh con ông bác “trúng” Chủ tịch tỉnh, chú Tám được đề bạt Phó rồi Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, chuyên cấp phép các dự án trong tỉnh.

                     (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét