Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

BÁC BA PHI ĐI THĂM MỸ ( KỲ 36)



                                        (tiếp theo)




Bác Ba Phi reo lên :

“ Đó đó…chị bảo có bao nhiêu người trong nước ăn uống vệ sinh theo kiểu Việt kiều. Người ta vẫn ăn uống, nhậu nhẹt ào ào có mấy ai chết vì lợn nạc, bò tăng trưởng nhanh đâu ?”

Chị Kelly Thi trợn mắt :

“ Bác cãi vậy đâu có được. Ăn thực phẩm nhiễm hoá chất đâu có chết ngay. Chết ngay thì mấy cha chăn nuôi trồng trọt đi tù cả loạt à. Bởi vậy họ chỉ cho hoá chất vừa phải ở mức độ chết từ từ thôi. Chẳng hạn như ung thư, quái thai, máu loãng, suy gan, suy thận…Lúc chết rồi ai nghĩ tới là do ăn uống ?”

Thấy chị Kelly Thi mặt đỏ tưng bừng, bác Ba Phi “cài số lùi” :

“ Được rồi, được rồi…tôi chào thua, rút lui ý kiến…Vậy rồi nếu chị không thích trồng rau, tôi trồng cây khác được không ? Chỉ sợ không tìm đâu ra cây giống thôi…”

Chị Kelly Thi trở lại vui vẻ :

“ Ở Mỹ bác muốn giống cây gì cũng có. Cây đa, cây si, cây vú sữa, cây cóc , cây ổi gì cũng có hết…Để mai tôi chở bác đi siêu thị chuyên bán cây giống tha hồ bác lựa, muốn trồng gì trồng…”

Bác Ba Phi khoái trí :

“ Vậy “số dzách” còn gì ? Để tôi đi lựa về cho chị vài cây xoài, cây mít, cây ổi về đây chỉ vài năm là có trái ăn…”

Chị Kelly Thi :

“ Oh My God…khỏi trồng cây ăn trái đi. Cứ đi siêu thị mua cho rồi. Nếu thích thì bác trồng vài luống hoa , cây bông giấy, hay cây hoa sứ là OK rồi…”

Bác Ba Phi vui vẻ :

“ Quá dễ …quá dễ…”

Hôm sau, may quá lại đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, chị Kelly Thi đánh xe chở cả con gái lẫn bác Ba Phi đi trại cây. Xe chạy qua mấy phố trung tâm, ghé ăn sáng rồi phóng nhanh ra khỏi thành phố. Bác Ba Phi ngắm nhìn quang cảnh bên đường. Ôi chao ôi, đất đai trên cái nước Mỹ sao mà rộng rãi, thừa mứa vậy.  Những đồi thấp mọc toàn cỏ lác nhấp nhô chạy ra mênh mông chẳng thấy dấu vết canh tác đâu.

Trại cây cách trung tâm chừng hơn nửa giờ chạy xe, rộng bát ngát, vừa bước vào đã hoa cả mắt vì các loại kỳ hoa dị thảo. Nào phong lan, nào cúc vạn thọ, nào mãn đình hồng, nào vạn niên thanh…Rồi cây táo, cây bưởi, cây cam….không thiếu cây gì. Bác Ba Phi còn chưa biết nếp tẻ ra sao, chị Kelly Thi đã bảo bác lấy một cái xe đẩy và nói bác cứ đẩy xe đi vào vườn thích mua cây nào cứ bê lên xe thoải mái . Bác Ba Phi thích chí :

“ Vậy khác gì mua hàng trong siêu thị ?”

 Chị Kelly Thi gật đầu :

“ Thì ở đây chính là siêu thị chứ sao ? Siêu thị bán cây giống , hoa cảnh .”

Gọi là “siêu thị” vậy thôi, nhưng nó rộng mênh mông gấp cả chục lần siêu thị, chia thành nhiều lô tuỳ theo các loại cây, đẩy xe toát mồ hôi mới rảo xong một góc. Bác Ba Phi đi rạc cẳng, cây nào cũng muốn mua, rốt cuộc  chẳng chọn  được cây nào làm chị  Kelly Thi phải nhắc :

“ Bác định trồng cây gì thì phải chọn đi thôi. Cứ dùng dằng thế này có đến tối cũng chẳng mua được cây nào. “

Bác Ba Phi gật đầu, đành chọn đại được hơn chục cây. Chị Kelly Thi đẩy xe cây ra chỗ tính tiền, xì xồ một hồi gì đó với bà Mỹ bán hàng, rồi đưa ra thẻ thanh toán . Bác Ba Phi tò mò :

“ Chỗ cây này giá bao nhiêu ?”

Chị Kelly Thi đáp gọn thon lỏn :

“ Trăm hai chục đô đó bác…”

Bác Ba Phi kêu trời :

“ Chèn đéc ôi… ở Việt Nam giỏi lắm là 200 ngàn tức hơn chục chứ mấy.”

“ Tiền nào của đó thôi bác ơi, cây ở Việt Nam sao được chọn giống  kỹ càng, chăm sóc bài bản như ở Mỹ . Bởi vậy ở đây bác cứ trồng cây nào ăn chắc cây đó, không như ở Việt Nam trồng 10 cây có khi chết đến 9 …”

Bác Ba Phi ngạc nhiên :

“ Làm gì ra chuyện đó…chị nghe đâu ra vậy ?”

“ ủa thế bác không biết à ? Đến thóc giống thằng Tàu đưa sang bán cho ta cũng là giống đểu, nghe nói nó xỏ mình đem luộc chín rồi mới bán cho ta. Bà con nông dân  gieo xuống  chết cả loạt …”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Chuyện đó ở đâu chẳng biết, ở quê tôi không thấy có…”

Chị Kelly Thi bật cười :

“ Cái bác này rõ ngây thơ. Bác ở miền Nam là vựa lúa cả nước, cần gì phải mua thóc giống của thằng Tàu, chuyện này là ở miền Bắc kìa…”

Bác Ba Phi định nói “ tôi e rằng ngay ở ngoài Bắc cũng không có chuyện đó , chẳng qua thiên hạ đồn nhảm vậy thôi”, nhưng bác đã rút kinh nghiệm, chớ có cãi mà chết, tốt hơn hết cứ cài số lùi, cười  hề hề nhận thua là tốt hơn cả. Bởi vậy bác im thít, cứ lẳng lặng khuân các chậu cây cho vào cốp xe hơi. Vậy nhưng chị Kelly Thi vẫn chưa chịu thôi, chị nói :

“ Bác có nghe chuyện thằng Tàu bán hạt giống rau cho ta, bà con gieo xuống cứ tưởng sẽ ra rau cải, rau cần, rau tần ô…ngờ đâu ra toàn cỏ dại cả thôi. Bác ở quê đã bị vố nào chưa ?”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Tôi chưa bao giờ mua hạt giống của Tàu nên tôi không biết, tôi toàn dùng hạt giống của ta thôi…”

Chị Kelly Thi có vẻ bực mình vì không sao kéo được bác Ba Phi đồng tình với mình. Trên đường về chị chẳng nói chẳng cười như lúc đi, mặt cứ lạnh như kem, đứa con gái đòi mẹ nó chuyện gì đó , mẹ nó quát lại , cả hai đều nói  tiếng Anh khiến bác Ba Phi cứ ngây ra chẳng biết gì. Không lẽ họ đang bình phẩm bác. Không , đứa bé còn nhỏ quá, đâu đã biết gì. Bác Ba Phi đành yên lặng nhìn ra hai bên phố. Bác chợt nhận ra ở Mỹ hai bên vỉa hè cấm thấy buôn bán gì. Người đi bộ cứ thoải mái thong thả gõ gót vỉa hè chẳng cần luồn lách qua cả một rừng quán xá mọc ngay trên vỉa hè, để rồi chen lấn, đụng chạm nhau như ở quê nhà. Hoá ra mọi việc buôn bán ở đây người ta đưa hết vào trong nhà vừa rộng rãi vừa sang trọng chứ chẳng tùm lum như ở ta, thương trường tràn ngập khắp nơi nơi. Cái đó cũng tại dân mình nghèo quá. Không buôn thúng bán bưng không bám vỉa hè lấy gì sống ? Bởi vậy muốn văn minh lịch sự trước hết dân phải giàu cái đã. Nghèo rớt mồng tơi, chạy ăn từng bữa mà cứ đòi “xây dựng nếp sống văn minh với “gia đình 5 tốt” thì  thiệt đúng chuyện tầm phào.

Xe dừng ở ngã ba có đèn đỏ. Một chàng da đen chạy tới cầm giẻ lau tới tấp vào mặt kính. Đèn xanh … xe chuyển bánh, chị Kelly Thi thò tay ra ngoài đưa cho anh ta vài đô la làm bác Ba Phi phải kêu lên :

“ Chà chà…ở Mỹ chỉ phủi phủi vài cái đã có tiền tính ra bằng vài chục ngàn đồng, ngang lương công nhật thợ hồ loại  giỏi ở Việt Nam còn gì ?”

Lúc này chị Kelly Thi mới cười :

“ Vậy người ta mới đổ xô sang Mỹ là vậy đó. Xưa nay dân chúng các nước nghèo thường vượt biên sang Mỹ chứ chẳng ai vượt  biên sang Miến Điện, Việt Nam cả. Vậy mà cứ chê Mỹ là tư bản bóc lột…”

Bác Ba Phi cười  khì khì :

“ Chuyện đó do mấy cha cán bộ nói thôi. Dân đen như tôi biết tư bản là cái quỷ gì mà chê người ta bóc lột . Nếu tư bản là Mỹ thì bà con lối xóm tôi chẳng chê bai gì . Thấy  Mỹ vào còn vui là khác. Nhất mấy đứa con nít đánh giày. Chúng nó cứ bu theo mấy ông Mỹ chòng ghẹo mấy ổng đến tức cười…”

Chị Kelly Thi cao giọng :

“ Đó…chính bác nói ra nhé…dân ta không thù oán gì Mỹ phải không, ngược lại còn còn đón tiếp vui vẻ nữa kìa. Nhưng ta thân với Mỹ vậy liệu thằng Tàu có để yên không ?”

Bác Ba Phi rất ngại bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận chính trị chẳng ra đâu vào đâu nên thoái thác :

“ Cái đó phải chị hỏi mấy cha cán bộ. Dân mình đâu có biết gì , Mỹ cũng được mà Tàu cũng xong, miễn kiếm được tiền mấy chả thì với ai cũng thân thiết, vui vẻ…”

Chị Kelly dẩu mỏ :

“ Chính vì vậy nước Việt Nam chẳng kết thân được với ai . Giữa Mỹ và Tàu phải chọn một bề chớ , cứ cái kiểu đòn xóc hai đầu vậy ai mà ưa ?”

Rồi thấy bác Ba Phi không mặn mà lắm với đề tài “chánh trị”, chị Kelly Thi buông tiếng thở dài :

“ Cái dân mình sao vô cảm, thờ ơ quá…mất nước vào tay thằng Tàu  đến nơi rồi mà ai cũng dửng dưng, chẳng thấy lo lắng gì. Cứ cái kiểu này chỉ nay mai Việt Nam sẽ chỉ còn là một cái tỉnh của thằng Trung Quốc thôi. Nó đã có Quang Đông, Quảng Tây rồi…giờ chỉ thiếu có Quảng Nam thôi…tương lai của nước Việt Nam mình đó…”

Bác Ba Phi tính nói “chị lo lắng vận mệnh dân tộc vậy sao không lấy vé máy bay về nước đấu tranh” nhưng sợ chị ta nổi cáu nên nói thác :

“ Ay cái dân mình nó vậy chứ còn biết làm sao ?”

Chị Kelly Thi nguýt dài bác Ba Phi rồi nhấn ga cho xe chạy vào phố trung tâm. Xe vừa về gần tới nhà đã thấy một chiếc xe nom quen quen đậu trước cửa nhà. Bác Ba Phi giật thót người, thôi chết, xe của lão già mất chó rồi. Kiểu này lão tìm bác  bắt đền đây. Làm sao giờ ? Không lẽ nói chị Kelly Thi cho bác xuống xe chuồn thẳng ? Chị Kelly Thi nhìn vẻ hoảng hốt của bác Ba Phi, bật cười :

“ Bác yên trí…ổng ghé chơi thôi…không làm gì bác đâu …”





                                                                                   (còn tiếp)



















 










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét