Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ - KỲ 8

                                                      (tiếp theo)

Số là vào thời kỳ đó, tổ chức Học Sinh, Sinh Viên chống Pháp dưới danh nghĩa Ủy Ban Kháng Chiến Sinh Viên Học Sinh Đô Thành bắt đầu hoạt động mạnh mẽ. Họ cũng in và phổ biến các loại truyền đơn, các tài liệu học tập truyền tay bằng kỹ thuật ấn loát "tối tân" y hệt như tờ Bút Mới của tôi. Nghĩa là cũng "in thạch bản". Nội dung truyền đơn thì hầu hết là hô hào học sinh các trường trung học “bãi khóa”. Thế là ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả giới học trò Hà Nội rồi ! 
Sau đó, thiên hạ nhao lên vì đã có một vài vụ bắt bớ xẩy ra trong giới học trò trung học. Loại ấn phẩm in bằng thạch bản dù nội dung bất kỳ ra sao cũng bỗng trở thành một thứ đồ quốc cấm, nguy hiểm. 
Vào lần chót, tôi ôm báo đến trường, vừa mở cặp lấy ra là bị tẩy chay ngay :
- Thôi dẹp đi cậu ơi ! Thời buổi này ấm ớ hội tề, coi chừng vô Hỏa Lò sớm.
Báo kỳ đó của tôi còn nguyên, không bán được lấy một số. Thậm chí cũng không còn anh nào dám cầm nó trong tay. Hầu như anh nào cũng sợ sệt có cặp mắt do thám của công an lẩn quẩn đâu đó trong sân trường. Hòa còn nhát hơn, hắn khuyên tôi :
- Cậu phải thủ tiêu hết đồ lề lủng củng ở nhà đi. Lỡ đứa nào hoạt động thật, bị bắt, nó khai tưới cho cậu để bảo toàn cơ sở của nó thì cậu có sống mà ăn sắn.
Tôi chột dạ nhưng vẫn làm bộ cứng cỏi:
- Các cậu nhát như cáy ngày. Tớ có hoạt động đếch gì đâu mà phải sợ. Để rồi coi tớ có làm sao không.
- Ờ, tới lúc có làm sao, thì có hối cũng không kịp.
- “Khắm chửa” ! Tớ có đi ăn cắp, ăn trộm của ai mà phải hối không kịp.
Hòa cười chế nhạo:
- Ấy, thà ăn cắp, ăn trộm, tội còn nhẹ. Làm Hội kín còn nguy hiểm gấp mười.
Tôi cãi :
- Kín đâu mà kín. Báo toàn viết chuyện học trò thôi mà.
- Ấy, chuyện học trò bây giờ mới nguy ! Vua chống chính quyền bây giờ là học trò đấy, cậu ạ.
- Đốt anh đi ! Anh thử coi trong báo có bài nào tôi chống chính quyền không ?
- Hì …hì..cậu ra mà cãi với công an. Cãi với tớ vô ích.
- Cãi đứt đuôi đi chứ, ai mà sợ.
- Ờ, thế nó hỏi in báo để làm gì, cậu sẽ nói sao ?
- Tớ sẽ nói là để phục vụ văn nghệ.
- Phục vụ văn nghệ để làm gì ?
- Nói thối không ngửi được. Phục vụ văn nghệ là phục vụ cho văn nghệ, chớ còn để làm đếch gì nữa.
- Cậu nói dễ nghe không ! Nó sẽ hỏi cho ra nhẽ : "văn nghệ" là cái gì, bao nhiêu người thì họp thành một cái văn nghệ, mỗi cái văn nghệ họp mặt ở đâu, bàn gì, hoạt động gì, cách hò hẹn ra sao, ám hiệu, khẩu hiệu bí mật trao đổi với nhau là những gì…
Tôi cáu sườn:
- Làm đếch gì có những thứ ấy.
Hòa cười hơ hớ:
- Ờ ! Thì cậu cứ cãi với nó như thế để coi rồi nó sẽ làm gì.
- Ừ, thì nó làm gì được nào….
- Cậu ngây thơ như cái cột đèn đen. Nó hỏi, cậu không khai, nó sẽ cho cậu đi tầu bay, chán rồi mời ngài đi tầu ngầm, khi đói thì mời ngài sơi giò bó lạt !
- Thế là cái cóc khô gì ?
- Đi tầu bay là quay điện đó ! Nó có một cái máy điện to bằng bốn cái bàn của thầy Huỳnh, dây nhợ bên trong gắn lung tung beng. Nó sẽ gắn vô 2 tai của cậu hai cái kẹp rồi dùng ma-ni-ven thứ xài cho xe ô tô, quay cho động cơ nổ đùng đùng. Thế là điện nó làm cho cậu quay tít thò lò như thể đi trên tầu bay, mà đau thì ôi thôi… tóe khói ! 
- Vua nói khoác ! Cậu làm như chính cậu đã trải qua những thứ đó rồi.
- Tớ không có kinh nghiệm nhưng chú tớ kể lại. Chú tớ có người quen bị giam trong đó 7 tháng liền. Lúc thả ra, người đang 80 ki lô tụt xuống chỉ còn sấp sỉ… 10 ki lô !!! Còn đi tầu ngầm là gì cậu có biết không? Là nó nhúng cậu vô bể nước xà phòng, dùng cái sào dài dìm cậu xuống y như người ta dìm một con chuột chết. Xà phòng qua mồm, chui vào bụng, chà xát ở trong dạ dầy như thể ta giặt cái mùi soa…Ô là là…thấy ông bà ông vải !
Luận điệu của Hòa đã làm nhuệ khí của tôi mười phần giảm mất tám chín. Nhưng tôi vẫn gân cổ lên cãi cho khỏi mất mặt anh hùng:
- Cậu nhát như cáy. Thế mà đòi làm những nhân vật kiếm hiệp như Ngọc Kỳ Lân, Kim Hồ Điệp. Ngọc Kỳ Lân đâu có chưa chi đã co vòi lại như cậu.
Hòa vái vái:
- Thôi đi, tôi can cậu. Chả Kỳ Lân kỳ leo gì hết sất cả. Tới mười Ngọc Kỳ Lân mà vô trong đó, bị nó bó giò thì cũng khóc thét lên mà đòi về với má. 
Tôi tò mò:
- Bó giò là làm sao ?
Hòa quơ tay múa chân, cứ như thể hắn ta đã bị mật thám Pháp đem ra bó giò nhiều lần:
- Này nhé, nó lôi cậu ra, bắt tụt quần xuống cho trơ thổ địa ra, rồi lấy dây lạt cột hai ống chân lại nom như hai khúc giò, rồi sau đó đem cậu đi ngâm nước! Ối chà chà, nước sẽ làm cho thịt của cậu…nở ra, dây lạt vì thế thít lại. Ui ! Nom đâu có khác gì khúc Giò Thủ ba ngày Tết, nếu có đem luộc rồi chấm nước mắm chanh, ớt, tiêu, gừng thì chắc là hẩu sực !
Nói xong Hòa cười khà khà giọng đầy vẻ đắc chí, cứ như thể chính mắt đã trông thấy tôi đang bị bó giò, ngâm nước theo cái kiểu đó. Đứt đuôi đi rồi, từ bao lâu nay hắn vẫn hậm hực ghen tức vì tờ báo của tôi, mong cho nó mau chóng chết ngỏm. 
Tuy nhiên, có tức thì tức, hắn vẫn cứ phải tò mò coi xem trong báo của tôi có những bài gì. Vì thế, hắn vẫn luôn luôn là thứ độc giả mua báo đầu tiên khi mới ra lò. Chả biết hắn có khâm phục bài vở nào không, nhưng bề ngoài thì bao giờ hắn cũng chê bai ỏm tỏi. Nào truyện này viết dở, bài thơ kia lạc vận, chuyện cười này nhạt như nước ốc, cù cũng không cười..v..v…Nhưng chê bai kiểu đó thì cũng phải thôi ! Con gà tức nhau tiếng gáy mà lỵ ! Nay có dịp chính đáng để bươi móc, tội vạ gì mà hắn không mang đủ mọi thứ ra để dậm dọa tôi đủ điều.
Nhưng nói cho ngay, hắn cũng có lý một phần. Vào thời kỳ đó, học trò hoạt động bí mật bị bắt như cơm bữa. Nay có tin cậu này đang tung truyền đơn trên lầu cao thì bị bắt quả tó, mai có tin cậu kia mang cả cọc truyền đơn trong cặp táp bị chặn lại ở đầu đường để khám xét và bị phát giác. Rồi lại có tin một toán học sinh đang ngồi ngay trong trường thì thào bàn soạn kế hoạch kêu gọi học sinh bãi khóa thì mật thám ập vào truy hỏi, khám trong cặp lại thấy những truyền đơn hô hào bãi khóa.. v.v.. Thế là bị tóm cả lũ, rồi bị đòn đau nên nhiều cậu khai vung tí mẹt. Những màn tới tận nhà để bắt bớ lại xẩy ra khiến dư luận học sinh và phụ huynh hết sức xôn xao. Trong cái tình thế đó mà cứ …ra báo thì có khác gì "Lậy ông, tôi ở bụi này !"
Thế là sau buổi nói chuyện với Hòa, tôi quyết định đình bản vô hạn định tờ báo. Bao nhiêu hồ sơ tòa soạn cùng là dụng cụ ấn loát gồm khuôn, nồi, bút, mực…tôi lén đem ra thùng rác thủ tiêu hết.
Thôi rồi ! Bao nhiêu công trình xây dựng và những mơ ước của tôi lại một lần nữa tan ra mây khói !
Những tháng còn lại của niên học vừa đủ để cho tôi làm lại cuộc đời. Khi đã rũ bỏ hoàn toàn ý định làm báo thì đầu óc của tôi trở nên thảnh thơi để chỉ lo chuyện học hành. Ngoài ra, còn một động lực nữa đã ám ảnh tôi trong suốt cuộc đời về sau này. Đó là một chuyện tuy cỏn con nhưng đã gây mãi cho tôi nhiều âm hưởng xúc động.
Vào tháng cuối cùng trước khi rũ bỏ ý định làm văn nghệ, điểm trung bình cuối tháng của tôi trong lớp đã suy sụp một cách thảm hại. Bài học thường chỉ 1, 2 trên 10. Bài làm không lên tới 5 điểm để được trung bình. Riêng hai bài toán của tuần lễ thứ ba và thứ tư thì tôi đã lãnh hai quả trứng vịt một cách không oan uổng chút nào vì có đi học mà không nộp bài. Đó là kết quả của những ngày chỉ mơ tưởng đến chuyện viết bài, chép bài và lụi hụi với những dụng cụ ấn loát lỉnh kỉnh. Khi xếp hạng vào cuối tháng, tôi đứng hạng 51 trên 52 người, hơn được đúng có một anh, không vẻ vang gì vì anh ta ốm liền một tuần, do đó không đủ điểm để xếp hạng !
Buổi tối hôm đó, tôi hết sức lo lắng khi nghĩ đến lúc phải trình sổ cho Ba tôi để xin chữ ký. Tôi không dám ra phố sau bữa cơm chiều để sẵn sàng có mặt khi Ba tôi trở về. Tối hôm ấy, ông về trễ hơn mọi ngày. Trông ông đầy vẻ mệt mỏi. Có lẽ ông đã gặp nhiều chuyện khó khăn ở sở làm. Khi ông đi qua cái sân gạch rộng không đầy ba thước, lần đầu tiên tôi nhìn ông kỹ càng qua khung cửa sổ ở bàn học. Quần áo của ông tuy tươm tất nhưng không giấu được vẻ nghèo nàn. Vẫn cái quần tây sờn gấu mầu xanh nhạt, vẫn cái áo veston rộng thùng thình mầu nâu xám đã bạc phếch sau bao ngày dầu dãi. Tôi vụt nhận ra rằng hình ảnh bộ quần áo ấy đã in sâu vào trí nhớ của tôi không biết bao nhiêu năm trời đã trôi qua. Nó quen thuộc đến nỗi tôi không còn chú ý đến nó nữa.
Ông không có nhu cầu. Nói đúng ra, ông không hề nghĩ đến nhu cầu cho riêng mình, dù chỉ là may một cái quần mới, một cái áo mới thay cho bộ đồ đã cũ kỹ từ bao nhiêu năm. Ông già đi hơn là hình ảnh quen thuộc vẫn lưu lại trong ý nghĩ hằng ngày của tôi. Tuổi già làm trán của ông như sói thêm ra, những lớp nhăn hai bên má như làm khuôn mặt của ông thêm dúm lại, và đôi vai gầy guộc của ông như càng nhô thêm cao hơn sau lần áo rộng thùng thình. Ông đi những bước mệt mỏi qua sân gạch. Đầu của ông cúi thấp. Hai ống quần rộng của ông không đủ che lấp hai mũi giầy thật to, thật thô mà tôi nhớ hồi năm ngoái, khi ông đem về, bọn trẻ ngu dại trong nhà tôi đã reo lên chế giễu:
- A… Giầy mõm nhái…Giầy mõm nhái…
- Ba chọn giầy gì mà nom kỳ khôi quá, thế hở Ba…
Ông không đáp lại đứa nào mà chỉ mỉm cười. Bây giờ hình dung lại, tôi mới cảm thông được nỗi chua xót của ông qua nụ cười ấy. Rồi hồi lâu, ông giải thích :
- Chú Minh thải cho Ba đấy. Nom nó thô một tí nhưng còn tốt chán !
Lúc ông xỏ thử hai bàn chân vào đôi giầy, cả bọn chúng tôi cười vang lên. Bàn chân của ông nhỏ quá. Lòng giầy lại quá to. Thằng em của tôi nói rằng "chân của Ba bơi được trong đôi giầy".
Sau này ông đã sử dụng đôi giầy ấy với một mớ giẻ nhét vào bên trong. Và bây giờ, trước mắt tôi, ông đang lê đôi giầy qua sân gạch với vẻ mệt mỏi. Trong một giây thoáng qua, tôi vụt nhìn thấy tất cả sự hy sinh vô bờ bến của ông cho đàn con dại sớm mồ côi mẹ là chúng tôi. Sự hối hận vì đã bê tha, thả lỏng sự học trong mấy tháng trời qua làm tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi muốn chạy ra ôm chầm lấy ông để mà tạ lỗi, nhưng sự lầm lì, mệt mỏi của ông khiến tôi trở nên rụt rè.

                                                    (còn tiếp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét