Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Nhà văn Nhật Tiến : Sự thực không thể bị chôn vùi ( kỳ 15)

               
                       (tiếp  theo)
              
                       Trích một Chương trong
                 Mồ Hôi Của Đá :
Sau khóa học, Quận đoàn cử thêm một cán bộ Công đoàn về trực tiếp tham gia công tác tổ chức ở cơ sở nhà in Hồng Phát. Người ấy là ông Năm Tỏa. Ông này là người ở Khu về. Bệnh hoạn. ốm yếu. Bản tính xuề xòa dễ mến. Tuy nhiên, ông ta không phải là loại công nhân chất phác thuần túy. Cứ theo cung cách nói năng và thái độ cư xử của ông, Nguyệt đoán chừng ông ta phải xuất thân từ thành phần có Tây học. Hôm họp tất cả công nhân trong nhà in lại để nghe ông ta phát động công tác tổ chức Công đoàn, ông ấy nói :
- Thế này nhé ! Ngày trước thì giai cấp bóc lột không bao giờ quan tâm đến đời sống công nhân và tạo dựng những điều kiện để làm thăng tiến đời sống công nhân. Anh chị em ta nếu ai có ốm đau, bệnh tật thì chủ nhân xí nghiệp cũng chẳng thèm biết tới. Mà hễ cứ nghỉ ngày nào thì trừ lương ngày đó. Đó là tại sao? Là tại vì họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Mục tiêu của họ là càng thu về nhiều lợi nhuận bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bây giờ thì khác. Cách mạng thành công đem lại cơ hội cho chúng ta làm chủ chính mình. Nhưng làm chủ ở đây không phải là ta đã là ông chủ rồi thì ta khỏi phải lao động gì hết mà vẫn được ăn trên ngồi chốc. Nói như thế thì có khác gì ta xóa cái chế độ bóc lột cũ để lại xây dựng một chế độ bóc lột mới. Cái ý nghĩa "làm chủ" mà chúng ta nói ở đây là chúng ta có quyền hoạch định mọi công tác, mọi tổ chức để làm thăng tiến đời sống của tập thể nhân dân lao động, điều mà trước đây, dưới chế độ cũ chúng ta không bao giờ được làm.
Ngừng một chút, ông tiếp:
- Muốn tiến hành có kết quả tốt đẹp mục tiêu đó, chúng ta phải có tổ chức, có kỷ luật. Mọi hành vi, mọi hoạt động, mọi sáng kiến đều phải được thông qua Tổ chức. Bởi không có Tổ chức thì mạnh ai nấy làm, có khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược dễ đi đến chỗ hỗn loạn. Tổ chức ấy là Công đoàn. Công đoàn là tổ chức của các công nhân trong xí nghiệp. Mỗi xí nghiệp có một Công đoàn Cơ sở, đặt dưới quyền lãnh đạo của Công đoàn Quận. Trên Quận là Tỉnh hay Thành phố. Trên nữa là Trung Ương. Nhiệm vụ của Công đoàn Cơ sở là phát huy quyền làm chủ tập thể của các công nhân, là tổ chức học tập để nhằm nâng cao trình độ của công nhân, là đấu tranh để khắc phục những tập quán tàn dư còn lại của nền sản xuất nhỏ. Mà những tàn dư ấy là gì ? Là sự chây lười, là khinh lao động, là thích sống ăn bám, coi thường kỷ luật, nói dối, làm dối. Nói chung là ta đào luyện công nhân để trở thành những người biết lao động một cách có kỷ luật, có kỹ thuật, có óc sáng tạo để đạt được năng suất cao nhất...
                                            *    *
                                               *
Như hầu hết các buổi học tập diễn ra ở mọi nơi sau ngày 30 tháng 4 năm 75, người nói cứ nói, người nghe cứ giả bộ nghe dù đầu óc vẩn vơ nhiều chuyện phải lo nghĩ, và nhất là ít có ai dám nêu thắc mắc ngoại trừ khi đến lượt phải phát biểu thì nói chung chung, xuôi theo lời của thuyết trình viên. Công việc tiến hành tổ chức Công Đoàn Cơ sở diễn ra nhẹ nhàng, xuôi chẩy như đã được dự tính.
Ý của Nguyệt là muốn đưa Toàn ra nắm chức vụ Thư Ký Công Đoàn. Nguyệt biết Toàn dư khả năng làm công tác đó. Nhưng hôm trước, lúc nàng vừa ngỏ ý ấy thì đã bị Toàn hỏi sẵng giọng :
- Tại sao lại là tôi nhỉ !
Mặt Toàn như đanh lại, ánh mắt của chàng long lên. Điều này nói lên sự đổ vỡ giữa chàng và Nguyệt đã tới chỗ khó có thể hàn gắn.
Có điều lạ là Nguyệt không hề cảm thấy đau xót về sự đổ vỡ này. Tình yêu gắn bó giữa nàng và Toàn như cất cánh bay đi từ lúc nào, Nguyệt không nhận ra. Có thể vì nàng quá bận rộn. Có thể vì nàng đã chọn lựa một niềm say mê mới : chạy theo những quyền lực mà trước đây chưa từng bao giờ nàng có được Nhưng chắc chắn sự xấc xược của Toàn đã đem lại cho nàng một va chạm nặng nề đến lòng tự ái. Điều này khiến mặt nàng trở nên lạnh tanh. Rõ ra là hai kẻ thù nghịch đang đối diện nhau chứ không còn là một đôi uyên ương gắn bó thiết tha chỉ trước đây mới có vài tháng. Giọng Nguyệt như rít lên giữa hai hàm răng nghiến chặt:
- Anh không bằng lòng thì thôi, nhưng đừng có cái thái độ phủi vào mặt kẻ đã có nhã ý với mình như thế.
Toàn cười khẩy :
- Cám ơn cái nhã ý ấy của cô. Nhưng cô nên nhớ, tôi không phải là một kẻ phản bội.
Dằn mạnh xong hai chữ "phản bội", Toàn lập tức quay người đi, không để cho Nguyệt kịp có phản ứng gì. Một việc như thế thật quá sức chịu đựng của chàng. Câu nói ấy bật ra như một cái lò so mà không hề có sự tính toán. Đã bao lâu nay, Toàn đâu có xía vô công việc đoàn thể của Nguyệt. Chàng chỉ thấy lòng lạnh tanh mỗi khi nhìn thấy Nguyệt hối hối hả hả mỗi khi đi đâu về. Rõ ra là một người tận tụy với công việc. Nhưng chắc chắn công việc ấy chẳng liên hệ gì tới mình. Toàn nghĩ như thế và chỉ thế thôi, chứ không tỏ thái độ hằn học gì với nàng. Cho đến khi nàng rủ Toàn tham gia công tác.
Sau lúc bỏ đi, Toàn thấy đầu óc của mình nóng ran lên, ngực bị dồn ép đến độ như bị ngộp thở. Cổ họng của chàng se đắng lại. Nhưng chàng không hối tiếc việc mình vừa làm. Chàng có đầy đủ lý do để tự bằng lòng với mình về thái độ ấy. Tuy nhiên, cơn buồn bã mênh mang cứ úp chụp lên đầu làm chàng ngơ ngẩn như một kẻ mất hồn. Toàn đã đạp xe đi lang thang hết phố này qua phố khác mà không để ý đến những hoạt động huyên náo ở chung quanh.
Thành phố này không còn gì để chàng lưu luyến, gắn bó. Khung cảnh êm đềm, ấm cúng khi trước nay đã thay thế bằng một vẻ tuy vẫn nhộn nhịp đấy nhưng là sự nhộn nhịp ẩn chứa những nét bàng hoàng, lo âu, ngỡ ngàng. Tuy mọi cảnh vật xung quanh vẫn tràn đầy sinh hoạt đấy nhưng đã bắt đầu lộ rõ sự tan hoang, sa sút, nghèo nàn.
Đạp xe lang thang từ lúc trời chưa tắt nắng cho đến lúc phố xá đã lên đèn, Toàn mới khám phá ra rằng mình đang lên cơn sốt nặng. Cổ họng chàng khô khan. Trán nóng hôi hổi. Hai bàn tay cầm tay lái mà thấy run lẩy bẩy. Toàn hối hả đạp xe quay về nhà, quên cả chào mẹ và leo lên gác nằm thiếp đi trong cơn đầy mộng mị.
Ngày hôm sau, Toàn không đến sở làm. Ngày hôm sau nữa cũng vậy. Ở nhà in Hồng Phát. mọi người nhao lên về sự vắng mặt bất thường của chàng. Người lo lắng nhất là ông Hồng Phát. Ông ta cứ như con kiến bò quanh chảo nóng. Lâu lâu ông lại dẫy nẩy lên, than thở với một vài công nhân cũ quen thuộc:
- Ông ấy nghỉ thế này là "chít ngộ giồi". Đến hạn kỳ phải giao sách học Toán cho kịp ngày khai giảng niên học mới mà không xong thì các ông cách mạng nó giết ngộ. Nó đem ngộ trôi sông.
Tình hình khẩn trương này được báo cáo lên ông Năm Tỏa. Ông ta có vẻ không bằng lòng khi được biết rằng chỉ có một mình Toàn là người duy nhất có khả năng xếp chữ được những trang sách với những ký hiệu Toán chằng chịt. Ông ta trách Nguyệt:
- Sao cô lại ỷ lại về một “khâu” như thế vào tay có mỗi một người. Trong công tác tổ chức, đấy là một khuyết điểm quan trọng không thể chấp nhận được.
Nguyệt ấp úng :
- Cháu cũng đã có kế hoạch đào luyện thêm nhân sự vào tổ xếp chữ môn Toán. Chỉ hiềm vì số công nhân có trình độ một chút hãy còn hiếm hoi quá. Để phân biệt con số 2 với lũy thừa bậc 2 trong bản thảo viết ngoáy, không phải công nhân nào cũng có thể làm được. Ấy là chưa kể những ký hiệu trong các bài toán Đạo hàm, Nguyên hàm, Tích phân….
Ông Năm Tỏa có vẻ cảm thông ngay với Nguyệt nên không cằn nhằn gì thêm nữa mà chỉ lấy giấy bút ra hí hoáy ghi chép rồi nói :
- Tôi sẽ đặt vấn đề này lên Quận để giúp cô giải quyết mau chóng tình trạng thiếu sót đó. Trong khi chờ đợi, cô cũng nên tiếp xúc tìm hiểu xem cá nhân anh Toàn có điều gì lấn cấn không khắc phục được.
Lần đầu tiên Nguyệt nói dối ông ta và may cho nàng, lời nói dối ấy lại trùng với sự thực:
- Anh ấy chỉ đau ốm thôi chứ chắc không có gì lấn cấn cả.
Ông Năm "à" lên một tiếng thỏa mãn và nói tiếp :
- Nếu chỉ ốm đau thôi thì tốt ! Để tôi thử đi tiếp xúc và tìm hiểu coi sao.
Thế là ông ta xách xe đạp tìm đường đến địa chỉ của Toàn.
Hôm ấy Toàn đã ốm khỏi và đang loay hoay tra dầu mỡ vào ổ bi của chiếc xe đạp dựng ở ngay trước sân. Rõ ràng là Toàn đã có thái độ chọn lựa: Chàng không thể nào quay lại nơi chốn mà ở đó tình yêu của chàng đã bị bầm giập não nề. Thành ra khi thấy bóng dáng của ông Năm hiện ra ở khung cửa gỗ ngoài hàng rào, Toàn không lấy thế làm bối rối. Chàng thản nhiên đứng dậy, vừa chùi tay vào mảnh giẻ rách đầy dầu mỡ, vừa tiến ra mở cổng :
- Chào ông Năm. Tôi không ngờ lại được ông tới thăm.
Giọng ông Năm sốt sắng:         
- Đáng lẽ ra tôi phải tới thăm anh lâu lắm rồi ấy chớ. Mà điều công việc bề bộn quá. Sao? Hôm nay anh thấy khỏe khoắn lại chưa ?
- Cám ơn ông, tôi đã bình phục hoàn toàn. Cảm sốt lăng nhăng, có gì đâu mà ông phải bận tâm.
Đến giây phút ấy thì ông Năm Tỏa nhận ngay ra được sự vắng mặt của Toàn là đã phải có điều gì bất thường. Ông muốn kéo dài thời gian suy nghĩ của mình trước khi trực diện với cái bất thường đó. Nên ông chỉ mỉm cười nói lảng qua chuyện khác:
- Anh ở đây yên tĩnh quá nhỉ. Mùa hè mà có giàn hoa giấy này chắc mát !
Toàn lẳng lặng bước vô nhà, kéo ghế mời ông ta ngồi rồi xin phép đi sửa soạn nước uống. Trong khi Toàn vắng mặt, ông Năm Tỏa được tự do nhìn khắp quang cảnh chung quanh. Cái bàn kính dài có sáu chiếc ghế nơi ông đang ngồi kê ở sát vách tường phía bên phải. Sau lưng ông là khuôn cửa sổ nhìn ra sân trước, chỗ Toàn vừa lúi húi sửa xe. Trước mặt ông là một tấm vách ngăn đôi phòng khách bên ngoài với gian bên trong. Dựa lưng vào tấm vách này là một cái kệ sách trong để lưa thưa vài cuốn tự điển và một số sách mà ông không nhìn rõ nhan đề ở sau gáy. Phía trên kệ sách là hai bức tranh sơn dầu cũ kỹ, một vẽ tĩnh vật với vài quả cam, quả táo xếp hỗn độn bên cạnh một bình hoa và một bức vẽ cảnh phố nghèo, nhà cửa lụp sụp với hậu cảnh là những dẫy building rực rỡ ánh đèn ở phía xa. Ông Năm giả bộ tiến về phía kệ sách để ngắm nghía một cách kỹ lưỡng bức tranh, nhưng mắt ông cũng đã không bỏ qua những cuốn sách trong kệ mà vừa mới đây ông chưa nhìn thấy rõ gáy sách.
Đó là một vài cuốn tiểu thuyết mới xuất bản gần đây, như cuốn Thép đã tôi thế đấy của Nhicalai Axtơrốpxki, cuốn Vùng Trời của Hữu Mai, cuốn Con đường đau khổ của Alexei Tolstoi xếp bên cạnh cuốn sách giáo khoa về Hình Học, về Đại Số Học. Có cả một cuốn Truyện Kim Vân Kiều do một nhà xuất bản của Sài Gòn cũ ấn hành nữa.
Lúc Toàn bưng nuớc ra mời, ông Năm Tỏa chỉ tay vào bức tranh sơn dầu và nói :
- Ngày trước địch nó cũng để cho tự do treo những loại tranh này sao ?
Toàn ngạc nhiên :
- Thưa ông, có gì đâu ?
- Bức tranh vẽ nhà cửa lụp sụp tồi tàn ngay ở giữa những khu phố có nhiều cao ốc đèn đóm sang trọng. Nội dung đã tố cáo một xã hội đầy bất công, chênh lệch.
Toàn bật lên cười :
- Hồi trước, chúng tôi chỉ nhìn một họa phẩm theo khía cạnh nghệ thuật, không nhìn theo quan điểm chính trị.
Ông Năm cũng mỉm cười, nhưng đầy vẻ chế giễu :
- Nghệ thuật nào mà không có nội dung chính trị ! Tách nghệ thuật ra khỏi chính trị là quan điểm ngây thơ, ấu trĩ.
- Có những tác phẩm nghệ thuật vượt qua được mọi không gian và thời gian. Giá trị của nó không bị lệ thuộc vào bất cứ một khuynh hướng chính trị nào.
- Thí dụ ?
- Như truyện Kiều của ta chẳng hạn.
- Ô ! Truyện Kiều có một nội dung hiện thực phê phán rất là cao. Nó tố cáo cả một xã hội phong kiến thối nát, đầy rẫy những bất công, tham nhũng của giai cấp thống trị.
- Theo ý tôi, đó chỉ là dấu vết đương nhiên của xã hội ở vào thời kỳ mà tác phẩm ấy đã được ra đời. Nhưng chân giá trị của truyện Kiều không phải ở chỗ đó. Phải xét nó trên lãnh vực văn chương.
- Văn chương chỉ là một bộ phận sinh hoạt của xã hội. Và không có một loại văn chương nào mà lại không mang dấu vết của những khuynh hướng chính trị trong xã hội đó. Một là nó phục vụ cho giai cấp thống trị, hai là nó làm đòn bẩy cho giai cấp bị trị thống khổ biết vùng lên. Đó là quan điểm đấu tranh giai cấp không thể nào phủ nhận được.
Toàn chỉ lên bức tranh tĩnh vật ở gần chỗ ông Năm ngồi và hỏi :
- Vậy thì theo ông, bức tranh tĩnh vật này phục vụ cho giai cấp bị trị hay thống trị ?
Ông Năm xoay hẳn người lại, nhìn ngắm những quả táo đỏ ửng trong bức vẽ rồi mỉm cười :
- Ở vào thời kỳ mà những bất công, áp bức còn tồn tại trong xã hội thì bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào làm cho người ta quên đi hiện tại đau khổ mà họ đang phải chịu đựng thì đều thuộc về loại tác phẩm phục vụ cho giai cấp thống trị.
- Nếu cứ xét theo quan điểm đó của ông thì những sách vở của miền Bắc mà tôi được đọc sau này, tôi thấy chỉ toàn tô hồng cho đời sống. Trong khi đó hẳn ông cũng đã rõ là dân chúng vẫn thiếu thốn, khổ cực. Như vậy những sách đó đã chỉ phục vụ cho giai cấp thống trị mà thôi sao ?
Ông Năm Tỏa vừa nhìn thẳng vào mắt Toàn vừa chợt thốt lên :
- Ôi chà ! Mình bỗng nhiên đụng tới một vấn đề đáng gọi là "căng" đây ! Nó căng không phải chỉ giữa anh và tôi, giữa người đã từng tham gia cách mạng và người ở vùng mới giải phóng mà còn căng ngay cả ở trong giới cầm bút ngoài miền Bắc. Cái đám Nhân văn Giai Phẩm đó !Tuy nhiên tôi thử cố trình bày để mong có thể giúp anh soi sáng thêm được gì không nhé.
Ngưng một lát, ông Năm Tỏa nói tiếp :
- Có hai điều phải nêu rõ trong câu thắc mắc của anh. Một là đích thị những tác phẩm văn học ở miền Bắc đang phục vụ cho giai cấp thống trị hiểu như giai cấp đang nắm chính quyền. Hai là sử dụng từ ngữ giai cấp thống trị vốn mang ý nghĩa xấu xa, cho chế độ miền Bắc là không đúng. Bởi vì đó là chế độ phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động là thành phần chiếm tuyệt đại đa số trong quần chúng.
- Nếu con đường của nghệ sĩ đã bị vạch rõ ra như thế thì  người nghệ sĩ đâu còn chút tự do gì để sáng tạo nữa ?
Ông Năm lại mỉm cười :
- Cái này lại là một vấn đề khác nữa phải nhìn cho rõ. Anh vừa sử dụng hai chữ tự do. Ừ thì tự do. Tự do là quý, chả thế mà bác Hồ đã nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Nhưng bản chất hai chữ tự do là gì? Chúng tôi quan niệm rằng tự do không phải là ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, làm gì thì làm. Đó chỉ là cái tự do vô tổ chức. Cần phải hiểu rằng tự do phải nằm trong ý niệm biết rõ sự tất yếu trong quá trình đi lên của lịch sử loài người. Sau tư bản chủ nghĩa, tất yếu là phải đi tới Cộng sản chủ nghĩa mà bước trung gian là xã hội chủ nghĩa. Người nghệ sĩ nhận thức được điều tất yếu đó thì tha hồ tự do sáng tạo để góp phần thúc đẩy cho cái tất yếu đó mau chóng được thực hiện.
Thấy Toàn có vẻ dửng dưng trước sự cung ứng bài học cốt tủy mà mình vừa đưa ra, ông Năm ngưng lại mấy giây rồi tiếp:
- Tôi hiểu rằng đây là bước nhận thức rất cam go, không phải dễ gì ngày một ngày hai mà anh tiếp thu được. Anh cứ việc thắc mắc. Cứ việc trăn trở. Sự thắc mắc, trăn trở là những bước tất yếu ai cũng phải trải qua. Không qua giai đoạn đó mà chấp nhận bừa bãi thì chỉ là những kẻ giả dối bề ngoài, những bọn cơ hội chủ nghĩa. Nhưng cũng có một cách tốt nhất giúp anh mau chóng tiếp thu tư tưởng mới, đó là quá trình chuyển hóa trong lao động. Lao động thật tốt sẽ giúp anh dần dà nhận thức ra được cái chân lý đó.
Ông Năm nói một hơi không nghỉ. Toàn có cảm giác như mình vừa đụng phải một cái nút bấm trong con người của ông. Cái nút làm vận chuyển một cuốn băng đã được thu sẵn, bất cứ lúc nào cũng có thể phát ra, đầy đủ, trọn vẹn những ý tưởng mà không ai có cách gì xoay chuyển được…
..      
              (Mồ Hôi của Đá , trang 37-43)
         

                             (còn tiếp_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét