Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Nhà văn Nhật Tiến : Sự thực không thể bị chôn vùi ( kỳ 14)

(tiếp theo)

MỒ HÔI CỦA ĐÁ
(Tủ Sách Cành Nam ấn hành tháng 12-1988)

                LỜI NHÀ XUẤT BẢN  

Với Mồ hôi của đá,  Nhật Tiến lại đi được một bước nữa trong tiến trình sáng tác của ông ở hải ngoại. Là một nhà văn có kỷ luật, sung sức và đều tay, nhà văn Nhật Tiến đã cống hiến cho chúng ta hai tập truyện ngắn rất nổi từ ngày ông sang Mỹ: tập Tiếng Kèn do nhà xuất bản Văn Học in năm 1982 (và mới tái bản gần đây do nhà xuất bản Văn Nghệ) và tập Một Thời Đang Qua  do Tổ hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ ấn hành vào năm 1985.
Song vì là truyện ngắn nên hai tập trên không nói hết lên những ý tưởng lớn, những suy nghĩ có tầm vóc mà tác giả hằng ấp ủ. Phải đợi đến Mồ hôi của đá, truyện dài đầu tiên của ông hoàn tất ở xứ người, ta mới có dịp được biết trong thâm tâm ông nghĩ gì về hiện tình đất nước, một sự đổi đời không tiền khoáng hậu, và đặc biệt là về một giải pháp mà ông mới phác họa ra cho ta thấy vào những trang cuối của tác phẩm.
Là một tác giả cổ điển - theo nghĩa là bị ảnh hưởng không ít bởi những kỹ thuật  viết văn như của Tự Lực Văn Đoàn - Nhật Tiến kết thúc cuốn sách của ông chỉ bằng vài nét đan thanh nhưng với nhiều gợi ý. Có thế câu chuyện mới còn tiếp nối trong đầu óc chúng ta khi ta xếp sách lại.
Giả thuyết của Nhật Tiến về một hướng đi mới tương lai cho dân tộc có thể đem ra bàn rộng rãi trong lúc này. Cái đáng yêu của giải pháp mà tác phẩm đề nghị với chúng ta nằm ở chỗ : đó là một giải pháp nhân bản, một giải pháp có chỗ cho tất cả những thành phần còn nặng tình dân tộc, những thành phần còn đủ rộng rãi con tim để có thể vượt lên những lằn ranh suy tưởng của ngày hôm nay, những bức vách dựng lên bởi hận thù đã ngăn cản một cái nhìn bao quát, bao dung và tổng hợp. Song cũng có thể vì đề nghị đó rộng rãi quá mà có người sẽ cho là không tưởng.
Cũng như có người sẽ không nhất thiết đồng ý với quan điểm này hay quan điểm khác được bày tỏ do các nhân vật ở trong truyện - đặc biệt nếu độc giả ai còn nghi ngờ đó cũng là những ý nghĩ mà tác giả chia xẻ. Về phương diện này, nhà xuất bản cho rằng vị trí của chúng tôi không nên - và không bao giờ có thể -  là để thay thế độc giả mà tiền phán xét về một tác phẩm được.
Tủ Sách Cành Nam, do đó, rất hân hạnh được đem giới thiệu đến độc giả Việt Nam trên khắp năm châu (và lẽ dĩ nhiên là gồm cả những độc giả ở trong nước, ngày nào mà đồng bào chúng ta có hoàn cảnh để đọc những tác phẩm tự do) tác phẩm dài hơi đầu tiên của nhà văn Nhật Tiến kể từ ngày ông bỏ nước ra đi. Nhìn từ quan điểm vật chất, viết được một tác phẩm dài hơi là chỉ hiệu của một sự ổn định trong đời sống mà tác giả đã gây dựng lại được ở xứ người. Là độc giả, chúng ta chia xẻ với ông sự vui mừng là nay ông đã có điều kiện để sáng tác dài hơi trở lại, ít gì cũng có điều kiện hơn mấy năm trước khi ông còn ở trại tỵ nạn Thái Lan hay mới qua Mỹ.
Như vậy, chúng ta có thể còn trông mong được nhiều hơn nữa với những tác phẩm dài hơi và giá trị khác, từ ngòi bút của một nhà văn mà không ít người trong chúng ta đã từng theo dõi từ gần 40 năm nay.
                                       
                                                                                     TỦ SÁCH CÀNH NAM

******
                                     
LỜI  TÁC  GIẢ
(Mồ Hôi Của Đá  trang 9-12)

Tôi khởi thảo tập truyện dài Mồ Hôi Của Đá này tại trại tỵ nạn Songkhla miền Nam Thái Lan từ tháng 6-1980. Viết được một phần thì tôi rời trại đi định cư tại Hoa Kỳ (tháng 9-1980). Do nhu cầu ổn định cuộc sống, ngoài hai tập truyện ngắn đã viết và xuất bản, tôi không còn đủ thì giờ để hoàn tất một tác phẩm dài, mặc dù đề tài của tập truyện là một ám ảnh thường xuyên trong ý nghĩ của tôi.
Tuy nhiên sự chậm trễ này lại là một điều tốt cho tác giả. Bởi nhờ thế, tôi đã có dịp suy nghĩ thêm về thực trạng quê hương, về những nguyên nhân và hoàn cảnh làm thay đổi lịch sử và nhất là thời gian đã cho tôi nhìn thấy một cách rõ nét hơn về những biến chuyển tâm thức của mỗi loại nhân vật tiêu biểu mà tôi có ý định đưa ra trong tác phẩm, đồng thời cũng giúp tôi gạn lọc được bớt những phần chủ quan, thiên kiến của mình khi nhìn lại những sự kiện, những hoàn cảnh, những tâm tình, những dị biệt..vv…mà từ đó câu chuyện được xây dựng nên.
 Đã đành rằng, cứ xét cho đến cùng thì không có điều gì được gọi là hoàn toàn khách quan cả, vì tùy theo mỗi vị trí, hoàn cảnh, trình độ của mỗi người mà sự việc được mô tả với nhiều điểm dị biệt. Nhưng trên một bình diện tương đối nào đó, tôi hiểu rằng sự khách quan bao hàm ý nghĩa không thiên lệch, không khăng khăng chỉ có một cách nhìn duy nhất mà mang một phần nào tính chất của sự cảm thông, đặt mình vào vị trí người khác để suy xét hoàn cảnh của ngườI, không chỉ lấy cái ta đã có hoặc đang có để làm thước đo mọi giá trị.
Dựa trên những suy nghĩ này, tôi muốn nhìn lại một vài hoàn cảnh, một vài tâm tư, một vài nhận thức trong số muôn vàn những hoàn cảnh, tâm tư, nhận thức kể từ sau ngày Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4-1975.
Tác phẩm này,  không có tham vọng dựng lại cả một thời kỳ đổi thay của lịch sử vừa qua, và có lẽ chẳng một tác phẩm của một nhà văn nào đó đủ rộng lớn để nói lên mọi khía cạnh của một xã hội vừa đi vào khúc quanh cực kỳ khốc liệt, ở đó đã bao gồm biết bao nhiêu điều trái nghịch, có phấn khởi, có ê chề, có những nỗi đớn đau vì chia ly, có những sự ngỡ ngàng vì đoàn tụ, có những niềm hy vọng nhen nhúm, có những nỗi thất vọng não nề…v..v..
Tập truyện này chỉ mong đề cập đến một phần rất nhỏ của đời sống trong cái bối cảnh cực kỳ hỗn độn đó mà thôi. Nhưng tác phẩm tuy là nhỏ, người viết lại muốn gửi gấm ở đây những tâm tình, những gợi ý, những vấn đề vốn có mà chưa mấy ai đặt ra …để hy vọng chia xẻ với bạn đọc về những lời giải đáp cho nhiều sự kiện trong vô vàn sự kiện đã từng xẩy ra trên quê hương.
Chẳng hạn, trong xã hội miền Bắc, sau hơn 30 năm xây dựng Chủ Nghiã Xã Hội, dưới những phương tiện tuyên truyền dồi dào và những biện pháp bạo lực triệt để, con người đích thực với tất cả những nét hiền hòa, giản dị vốn có từ ngàn xưa, nay đã còn lại gì ?
Chẳng hạn, trong số những người đã từng tham gia cuộc chiến, đứng ở bên kia, đặc biệt là những người ở trong hàng ngũ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, có phải cho đến nay vẫn là những con người tận tụy phục vụ cho chủ nghĩa Cộng Sản, hay là trong số đó đã có những người đổi thay về nhận thức khi họ nhìn lại cả chặng đường gian khổ vừa đi qua, chỉ thấy một tâm trạng não nề do ở sự mình đã quá xa rời con đường “dân tộc” hoạch định từ lúc khởi đầu ?
Thật là một việc hết sức dễ dàng khi ta chỉ đưa ra một cái nhìn tổng quát (đôi khi lười biếng suy nghĩ hoặc đã bị sự chủ quan, thiên kiến ngự trị) vào cả một tập thể phức tạp rồi đi đến một kết luận chung chung cho cả tập thể ấy. Điều này hầu như đã từng xẩy ra và có thể đang còn là một thói quen phổ biến.
Tôi muốn được nêu lên một câu hỏi rằng, trong cuộc chiến tranh chống lại bạo quyền Cộng Sản, một cung cách phân loại bạn-thù chung chung và giản dị như thế có lý do để tồn tại mãi hay không, trong khi chúng ta vẫn nhìn nhận rằng vấn đề của quê hương bây giờ là vấn đề của dân tộc, của chung tất cả những người cùng chia xẻ với nhau một ước mơ là xây dựng lại trên quê hương một xã hội tự do, công bằng, hạnh phúc, không phân biệt những ai đến từ đâu, miền Nam hay miền Bắc, đã từng phục vụ ở bên này hay bên kia.
Một tập hợp như thế, không thể mang danh nghĩa của sự Chiêu Hồi, một từ ngữ đã từng bị những chính phủ tham nhũng, thối nát, không đại diện cho tuyệt đại đa số quần chúng làm cho hư hỏng đi từ trước 1975.
Thành quả của công tác Chiêu Hồi trước đây, nếu có, thì chỉ là loại bớt ra khỏi hàng ngũ bên kia một số người đang tham gia cuộc chiến, nhưng không biến đổi họ thành những người có cùng chung với chúng ta một chính nghĩa sáng tỏ. Chính nghĩa của chúng ta không thể sáng tỏ được  khi mà miền Nam còn đầy rẫy những bất công, những thối nát, những con buôn chính trị, những kẻ làm giầu trên mồ hôi nước mắt của quần chúng và trên xương máu của chiến sĩ. Công tác Chiêu Hồi, theo tôi, đã cáo chung theo những thể chế chính trị đã từng được dựng lên và đã sụp đổ sau ngày 30-4-1975.
Bây giờ lịch sử đã qua một trang khác !
Hoài vọng khôi phục lại một miền Nam gọi là Miền Nam Tự Do như trước đây là một hoài vọng không chính đáng, vì hoài vọng khôi phục ấy phải được đặt trên một kích thước rộng lớn hơn, mang đích thực tầm vóc lớn lao của dân tộc hơn, và do đó cần phải có yếu tố tập hợp thích nghi hơn, ngõ hầu hàng ngũ của chính nghĩa tự do có thể quy tụ được nhiều người, thuộc nhiều phía mà họ vốn cũng đã từng là  nạn nhân của Cộng sản, của độc tài, của bạo lực, của tham nhũng bóc lột, của những ý đồ đen tối chính trị  và những tham vọng cá nhân.
Những con người ấy đã tới thời điểm nhận thức được chỗ đứng của mình, hiểu rõ ước muốn của mình, nhìn ra được con đường phải đi của mình trong một vận hội mới, nhằm phục hồi và xây dựng lại quê hương đang điêu tàn, đen tối và đầy rẫy nhục nhằn như hiện nay.
Tôi nghĩ rằng Văn Hóa nói chung, Văn Học Nghệ Thuật nói riêng, có khả năng góp phần vào công cuộc tạo dựng những điều kiện quy tụ tốt đẹp kể trên trong công cuộc hình thành một sức mạnh tổng hợp cả trong lẫn ngoài nước để hoàn thành sứ mạng giải phóng quê hương.
Văn Học Nghệ Thuật do đó sẽ có thêm một hướng đi mới bên cạnh hướng đi đã có, đã góp phần tích cực vào công cuộc tiếp nối truyền thống của văn hóa dân tộc ở hải ngoại.
Chấp nhận một chiều hướng sáng tạo như thế, trong khung cảnh còn đầy rẫy những ngộ nhận như hiện nay, là chấp nhận một sự thử thách.
Sự may mắn của người cầm bút lưu vong là ở chỗ họ đang sinh sống ở một xã hội cho họ những điều kiện để có thể tiến hành những thử thách đó, trái ngược hẳn với anh chị em cầm bút ở quê nhà hiện nay, muốn viết lên những tâm tư nguyện vọng của mình mà không viết được. Tác phẩm của họ, nếu có, sẽ chỉ mãi mãi là những tác phẩm lén lút và chỉ được phổ biến trong vòng hết sức hạn hẹp.
Tôi nghĩ rằng, chỉ riêng một sự kiện đó cũng đáng để cho tôi mạnh dạn hoàn tất tác phẩm nhỏ bé này.
 Dĩ nhiên, sự phê phán và đánh giá vẫn là quyền tự do của bạn đọc.
                      Beaverton, Oregon ngày 26-3-1988
                                      NHẬT TIẾN

                        
(còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét