Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ - KỲ 7

                                 (tiếp theo)

Hòa nhìn tôi không đáp nhưng mỉm một nụ cười vẻ chế giễu, không tin. Tôi cáu quá, đọc một lèo cho hắn nghe. Hắn hơi ngạc nhiên và lần này nhìn tôi bằng ánh mắt khác, như thể tôi là một kẻ xa lạ không còn là đứa chuyên chỉ học bài một cách ngấp ngứ đã ném sách vở vô cặp rồi. Hòa hỏi :
- Cậu nghỉ sáng tác rồi hả ?
Tôi vênh mặt lên:
- Đếch ! Việc gì mà phải nghỉ nhỉ. Tớ viết còn hăng gấp mười nữa kìa (nói khoác với hắn thế cho bõ ghét !).
Hòa kêu lên:
- Ái chà, sang nhỉ ! Vẫn học “cẩn tó” lại vừa có thể viết văn được à ?
- Được đứt đuôi đi chứ, sao không.
- Nói phét !
- Ừ ! Cậu không tin thì thôi. Nhưng tớ nói cho cậu hay, tớ vẫn viết, vẫn học được như thường.
 - Còn tờ báo thì sao ?
- Dĩ nhiên là vẫn ra chứ ! (nói phịa vậy chứ, tới lúc đó tôi cũng chưa dứt khoát là có ý định tiếp tục làm báo hay không). 
- Cậu vẫn lấy tên là Bút Học Trò hả ?
- Đời nào ! Tớ  sẽ ra báo của riêng mình tớ thôi !
- Tờ gì ?
- Bí mật ! Chờ vài hôm nữa sẽ biết.
Không ngờ lời nói chuyện tầm phào ấy lại lôi kéo tôi trở về với ý định ra tiếp một tờ báo khác, tờ báo của riêng tôi, không liên hệ tới ai, không phải bàn soạn với ai hết. Tôi muốn cho Hòa sáng mắt ra, rằng không có hắn thì tôi vẫn làm được báo như thường !
Thế là buổi tối hôm ấy tôi hì hục ngồi vào bàn làm việc. Bỏ luôn bài Địa Lý hôm sau phải đọc, bỏ cả bài tập vẽ truyền chân mà thầy Huỳnh cho từ tuần lễ trước. Mỉa mai thay, cái Thời Khắc Biểu do tôi trịnh trọng tô vẽ, trình bầy mới vài hôm trước còn chưa ráo mực thì bây giờ lại nằm trêu ngươi ngay trước mặt.
Một ý tưởng áy náy chạy thoảng qua. Tôi định xếp giấy nháp lại để đi học bài. Nhưng tính hiếu thắng của tôi lại mạnh mẽ hơn. Tôi không thể chịu đựng được khi tưởng tượng mai mốt tên Hòa nhìn tôi, với cái cười nhếch mép đầy khinh mạn của hắn và hỏi:
- Báo đâu ? Cậu làm đếch gì mà ra được báo. Không có tớ thì còn sơi ! (tức là còn khuya, tiếng bây giờ).
Vả lại cứ cố gạt ra để học thì không nói, chứ việc làm báo đối với tôi vẫn còn hấp dẫn lắm. Khi đã trải những tờ giấy trắng trước mặt, bút mầu, dụng cụ vẽ để la liệt trên bàn, thật khó mà có thể dẹp đi để làm công việc buồn nản khác như học bài Địa Lý hay Cách Trí chẳng hạn. Thế là suốt buổi tối hôm ấy, tôi đã phác họa một mình tờ báo của riêng tôi. Tôi lấy tên báo là tờ Bút Mới. Và tôi đã viết một bài phi lộ với lời lẽ đại ý :
" Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc : Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới. Chúng tôi quyết san bằng mọi khó khăn nguy khốn để đáp lại thịnh tình của bạn đọc bốn phương, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy tương lai văn hóa dân tộc !"
Ái chà chà, bài phi lộ nghe kêu như trống trận, ai có biết đâu trở lực lớn lao, gian nan nguy hiểm mà tôi nói trên chỉ là  bà cụ thân sinh ra Hòa một phần lớn và những lời trách móc của Ba tôi một phần nhỏ.
Lần này báo của tôi ra những 4 ấn bản. Đấy là "một sự tiến bộ trong ngành ấn loát của nền báo chí nước nhà " mà tôi cũng đã trân trọng loan báo tới độc giả bốn phương trong bài phi lộ.
Sở dĩ báo của tôi hơn báo của Hòa tới 3 bản là vì tờ Bút Học Trò chép tay bằng bút mực. Chép bút mực thì chỉ được một bản thôi là dĩ nhiên rồi. Còn tờ Bút Mới của tôi chép bằng bút chì chuốt nhọn trên giấy pelure (loại giấy mỏng để viết thư), ở dưới tôi để thêm 3 bản nữa có lót giấy than (carbone) đánh máy. Khi chép cứ ấn tay thật lực là ba bản dưới cũng sẽ  rõ… như ban ngày ! Mỗi trang chép xong xuôi  tôi lại cắm bàn ủi điện chờ nóng rồi chà lên thật kỹ. Độc giả bốn phương sẽ không bị lem tay khi cầm tờ báo lên đọc. Thật là một phát minh mới trong thời đại mới !
Tôi có thể nói một cách không mấy khiêm nhường rằng tôi là một kẻ luôn luôn cầu tiến. Mặc dầu so phần hình thức của tờ Bút Mới với tờ Bút Học Trò, thì tờ của tôi đã tiến bộ lên gấp 4 lần (tức là đã có 4 ấn bản lận), nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi muốn cho văn chương phú lục của mình được phổ biến rộng rãi nhiều hơn nữa, nên chỉ trong vòng 5 số đầu, tờ Bút Mới đã thoát xác thêm một lần nữa. Tôi đã chuyển tới tay Hòa một tờ quảng cáo làm cho hắn phải ngẩn ngơ :
" Bút Mới xin long trọng báo tin để độc giả bốn phương được hay, kể từ số sau, nghĩa là tới số 6, Bổn báo sẽ trình diện một hình thức ấn loát mới : Chữ viết tay đẹp như rồng bay phượng múa với đủ loại nét viết thường, viết rông, mà báo lại sạch sẽ, không lem luốc, bẩn thỉu khi mực dính ra tay, đặc biệt mỗi kỳ ra 50 ấn bản toàn bài vở đặc sắc, hấp dẫn !
Một tiến bộ vượt bực  mà trong làng báo học trò chưa một  tờ nào sánh nổi.
- Hàng chục chuyên viên đang làm việc (!)
- Nhiều cây bút đang cặm cụi sáng tác.
"Tất cả đều phục vụ cho độc giả bốn phương.

XIN ĐÓN COI KẺO LỠ RẤT UỔNG !!! "
Khỏi cần nói, các bạn cũng hiểu rằng anh bạn Hòa quý báu và ưa tò mò của tôi nôn nóng đến mức nào sau khi đọc tờ quảng cáo viết trên giấy do tôi xé ra từ vở học trò. Nhưng bí mật quân sự, không đời nào tôi cho hắn rõ tôi đã âm thầm sửa soạn như thế nào. Trên đường về học, hắn chỉ còn biết hỏi lân la:
- Báo của cậu liệu có ra đúng được 50 ấn bản không ?
- Sao lại không ! Nếu muốn, tớ có thể "in" 100 ấn bản cũng được.
- Nhưng báo viết tay chứ ?
- Viết tay đứt đuôi đi rồi.
- Tờ nọ có giống hệt tờ kia không ?
- Hệt là cái chắc !
- Hừ, nếu vậy thì cậu làm thế nào hở ?  Cho tớ biết với !
- Bí mật nhà nghề. Đúng thứ Bẩy ngày 15 tớ sẽ phát hành. Chừng đó cậu sẽ rõ.
Hòa tức lắm, nhưng không thể dò hỏi gì hơn. Hẳn trong lòng hắn cũng đang nổi máu anh hùng muốn ra một tờ báo khác chọi lại tờ báo của tôi. Nhưng Hòa rất sợ mẹ. Chính vì thế mà dù háo hức đến đâu hắn cũng cố dằn lòng để học hành cẩn thận. Cuối tháng đó, hắn lên thứ 15 còn tôi tụt xuống thứ 45. Đó là kết quả của những ngày tôi đã xé bỏ tờ Thời Khắc Biểu do chính tôi ấn định để vùi đầu vào việc ấn loát cho tờ Bút Mới theo kỹ thuật mới.
Đó là kỹ thuật in thạch bản mà tôi học được từ một huynh trưởng Hướng Đạo. Dụng cụ ấn loát gồm có :
- Thạch trắng (trong Nam gọi là xu xoa, loại mầu trắng)
- Phẩm tím loại tốt, thứ nhìn vô thấy có ánh xanh biếc. Loại này thường bán ở các tiệm tạp hóa, dạng từng viên nhỏ như những hạt ngô, mầu ánh biếc, cho vào nước ấm sẽ tan thành thứ mực mầu tím rất đậm.
- Giấy tầu bạch tức loại giấy in báo, dễ thấm nước để dễ hút mực vào.
- Nồi thổi cơm và mâm đồng hay mâm nhôm.
Thạch trắng đem về thả vô nồi thổi cơm, đổ nước tới lưng lưng rồi đun cho thạch tan hết. Sau đổ nó ra mâm cho thạch đông lại. Gặp trường hợp lúc đã đông rồi mà thạch còn cứng ngắc hay vẩn lên những sợi gân  trắng, ấy là vì cho ít nước quá, hay nấu chưa tan, mực sẽ không bị hút vào thạch. Phải cho thêm nước rồi nấu lại.
Khi thạch trong mâm đã nguội hẳn, lấy tay day day trên bề mặt cho mặt dưới tiếp xúc với mâm long hết chân ra. Sau đó úp ngược mâm xuống một tờ báo cũ trải rộng trên mặt bàn phẳng phiu rồi lấy ngón tay khẽ lách vào vòng quanh mép mâm. Tất cả mâm thạch sẽ rớt xuống mặt báo. Đáy mâm thạch sẽ là bản để in. Ta không thể dùng mặt trên mâm thạch để in được, vì khi đổ thạch nóng vào mâm, trên mặt sẽ đóng một lớp váng mỏng, không ăn mực.
Nội dung tờ báo thì sẽ được viết hay vẽ trên giấy trắng bằng mực tím pha đặc (lúc mực khô, khi nghiêng tờ giấy mà thấy những dòng chữ có mầu ánh xanh biếc là được). Bấy giờ mới đem úp tờ giấy đã viết lên mặt mâm thạch. Nếu báo khổ nhỏ thì mặt mâm thạch có thể úp lên 2 trang báo. Do đó, nếu báo dầy 16 trang thì phải nấu tới 8 mâm thạch. Thật là tử công phu !
Mực tím trên trang giấy sẽ được thạch hút vô. Nhớ xoa xoa tay trên mặt giấy để mực được ăn xuống đều, lúc in sẽ không bị chỗ đậm chỗ nhạt. Chừng vài phút sau, bóc tờ giấy ra, trên mặt thạch sẽ có một trang báo có chữ bị ngược, sẵn sàng để in.
Giấy in là giấy tầu bạch tức giấy in báo được cắt theo khuôn khổ của trang báo có khuôn khổ đã dự trù, và bây giờ được đem đặt lên mặt thạch. Lấy tay vuốt nhẹ lên mặt giấy, mực tím sẽ từ mâm thạch truyền sang giấy in, và thế là ta đã "in" xong một trang báo. Trung bình một bản thạch có thể in từ 30 đến 50 tờ, sau đó thì mực tím sẽ nhạt đi, chữ không còn rõ nữa.
Tuy nhiên bản thạch sau khi in rồi, có thể cho vào nồi nấu lại để in tiếp chứ không cần phải thay bằng thạch mới. Chỉ khi nào sau năm bẩy lần xài, mầu thạch bị xẫm lại, tức là trong thạch đã chứa nhiều mực tím, có thể khi in sẽ ăn sang toàn trang báo thì lúc đó mới cần thay.
Duy có một điều bất tiện là mực tím khi đem nấu trong nồi thổi cơm thì mực sẽ tan ra, bám vô thành nồi hay mặt mâm, dù có chà rửa cách chi cũng không thể sạch hết. Đó là một khuyết điểm khá lớn trong phương pháp ấn loát của tôi ( và tôi cũng tìm được phương cách khắc phục, sẽ nói ở phần dưới).
Vì tôi đã dùng nồi thổi cơm của cả nhà để nấu thạch in báo nên một hôm, trong bữa cơm trưa, bà chị của tôi nhìn bát cơm trắng mọi ngày bỗng sao hôm nay lại thấy nó ngả mầu xám xám.
Ôi chao ! Vận xui “áo xám” gì đã tới cho cả nhà đây ? Bà chị tôi xanh mặt lại vì hồi xưa ai cũng có niềm tin là nồi cơm mà đổi mầu xám là nhà sẽ gặp đại họa. Vậy vận xám đã đến với nhà tôi thật rồi. Chị tôi quẹt một mẩu cơm lên đầu đũa cả rồi đem đi cùng khắp hàng xóm để phân vua:
- Rõ ràng gạo nhà tôi là gạo mọi ngày, tôi vo kỹ ba, bốn nước, nước để nấu là nước máy trong veo, vậy làm sao mà nó…xám được ???
Theo lời khuyên của chòm xóm, chị trút cả nồi cơm vào nồi nước gạo rồi đem nồi ra cọ rửa kỹ lưỡng để nấu thử nồi khác. Báo hại, lúc lùa cái giẻ cọ nồi làm bằng quả mướp  khô để chà mạnh vào thành nồi, chị tôi mới phát giác ra cái giẻ dính đầy cặn dơ và phẩm tím ! Thế là bao nhiêu nghi vấn về điềm gở, vận xui đều tiêu tan. Tuy thở phào nhẹ nhõm nhưng bà chị tôi cũng vẫn nghi rằng đích danh thủ phạm vụ này không ai khác hơn thằng em có nhiều thành tích bất hảo trong nhà, là tôi. Nhưng hình như đã chót xé to cái vụ vận xui này với hàng xóm nên chị không dám hó hé gì mà chỉ kéo tôi xuống, củng cho một cái nên thân vô đầu và hỏi :
- Buổi sáng lúc chị đi chợ, cậu có đem nồi ra đun gì không ?
Tôi ấp úng :
- Em…em…
- Còn tính chối nữa ! Cậu nấu phẩm tím bằng nồi thổi cơm, phải không ?
Tôi cãi lại :
- Em đâu có nấu phẩm tím. Em nấu thạch đấy chứ.
- Nấu thạch làm gì ?
- In báo…thạch in báo !
- Lại báo với bổ rồi bỏ cả học hành. Chị sẽ mách bố cho mà coi.
Bữa cơm trưa hôm ấy trễ mất gần một giờ đồng hồ. Chị tôi đổ lỗi cho tôi đã làm hỏng cả một nồi cơm vì dính phẩm tím. Thế là ông cụ xách cái chổi lông gà ra khện cho tôi một trận nên thân. Nhưng may quá, mớ báo của tôi đã in xong rồi và tôi đã kịp di tản chúng nó xuống dưới gậm giường, không có một số báo nào bị phát giác để tịch thu hết ! Thế là tôi như mở cờ trong bụng, mặc dầu cả ngày hôm ấy cái mông của tôi vẫn còn buốt thon thót vì năm bẩy con lươn nổi lên đỏ ửng xuống tận đùi .
Buổi ra mắt tờ Bút Mới với kỹ thuật in mới gây sôi nổi khắp lớp học. Báo dầy 12 trang, khổ giấy học trò, in rất rõ và đẹp. Tôi đề giá 2 đồng mỗi số, bán vèo một cái là hết 2 chục số. Tính sổ lại, tôi thấy :
VỐN : Một nửa lạng thạch 20 đồng, phẩm tím 3 đồng, giấy tầu bạch 10 đồng. Tổng cộng 33 đồng.
THU : 20 số  x 2 đ = 40 đồng.
LỜI : 7 đồng và 10 số báo vừa biếu vừa giữ làm kỷ niệm.
(Không kể tiền nhuận bút bài vở, công chép, công in, công rửa nồi, mâm, củi lửa, đóng xén…v.v.. Ồ ! những thứ nhỏ nhặt đó không nên tính toán, vì tôi chỉ cần phụng sự nghệ thuật !)
Sau đó tôi đã phác họa một lề lối làm việc qui mô, "khoa học" hơn, bất cần tới cái phương tiện nồi niêu, xoong chảo của bà chị tôi nữa. Tôi sắm riêng cho tôi một cái nồi đất cỡ nồi kho cá Thu cho cả nhà, và ghếch nhờ nơi góc bếp. Như thế thì thạch thiếc, mực miếc có dơ bẩn cũng chẳng còn liên hệ tới ai. Còn cái mâm đồng bầy thức ăn thì tôi cũng thay thế bằng một loại khay làm bằng tôn, khuôn khổ vuông vức vừa vặn bằng một trang báo mà tôi đã đặt làm ở phố hàng Thiếc, gần phố nhà tôi. Với những cái khuôn này, tôi tiết kiệm được rất nhiều thạch trắng, vì nếu dùng mâm tròn, thạch ở quanh bốn rìa mâm không làm bản in một trang báo được vì nhỏ quá, phải xắt bỏ để sau đem nấu lại.
Duy chỉ có tay chân, quần áo của tôi là thảm hại nhất. Mực tím dây ra tôi từ đầu xuống chân. Sơ mi trắng của tôi không cái nào mà không có lấy dăm bẩy vệt mực tím. Hôm bà cô họ tôi tới thăm, thấy tôi lem luốc quá, bà cất tiếng khen:
- Thằng này học chăm quá ! Nhìn nó chỗ nào trên người cũng dính mực !
Bà chị của tôi bụm miệng cười rồi nói :
- Vâng…nó chăm lắm đấy ạ, nhưng thợ nhuộm thì cũng dính nhiều phẩm tím đến vậy là cùng.
Mặc dù chị tôi có nhạo báng thế nào thì báo của tôi cũng ra đều đặn được hàng tuần. Số độc giả tăng thêm 5 vị nữa, vị chi là 25 người. Tôi lời đứt đuôi đi mỗi tuần 17 đồng, dư tiền ăn bánh rán nhân đậu xanh mỗi giờ ra chơi.
Nhưng nếu cuộc đời cứ dễ dãi trôi chẩy nhột cách êm xuôi như vậy thì còn gì để nói. Đàng này, báo của tôi ra loại mới chỉ được đến số thứ 5 thì một biến cố xẩy ra làm tôi choáng váng.


                                      (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét