(tiếp theo)
Ngừng một lát, Vũ lim dim:
- Trong hoàn cảnh đó, mình sẽ vô làng báo bằng cánh cửa lớn ! Chả cứ một tờ mà vô số tờ xúm lại mời cộng tác. Cái cảnh "lai cảo" sẽ không còn nữa mà cậu sẽ trở thành một nhà bỉnh bút, cậu hiểu chưa ! Bỉnh bút chứ không phải thứ độc giả tép riu gửi bài thất thường nữa. Tới chừng đó, nếu Thánh cho ăn lộc, cậu sẽ lại còn được mời giữ một mục cố định trên trang báo, đại để mục Truyện ngắn, mục Thơ hàng ngày…Úi chà chà…."văn học sử" có tên mấy hồi !
Cái tương lai do Song Vũ vừa vẽ ra nghe huy hoàng quá, tôi nghe mà thấy sốt cả ruột, không biết cái phận mình sẽ phải tới bao giờ thì mới đạt được sự vinh quang đó.
Nhưng anh chàng Trần văn Tắc tự Song Vũ này bản tính cũng hay khoác lác lắm. Nhiều lần hắn khoe là đã quen lớn ở tòa soạn báo Giang Sơn, lại "trộ" (hù) tôi là đã được hân hạnh bắt tay bác sĩ Chủ nhiệm Hoàng Cơ Bình mấy lần vì tác phẩm của hắn được độc giả viết thư về ca tụng không tiếc lời. Ấy vậy mà khi tôi nhờ hắn gửi bài đi cho tôi, kèm theo "mấy lời gửi gấm nồng nhiệt" thì hắn lại kiếm cớ thoái thác hoài. Cuối cùng tôi giận lắn, đi ăn kem một mình và nhủ thầm:
- Đếch cần thằng nào nữa. Mình gửi lấy một mình, có làm sao.
Lý thuyết thì như vậy, nhưng bước vào thực tế thì tôi thấy quả là rất cam go. Tôi còn nhớ là mình đã phải thật công phu mới đẩy trôi được cái phong bì của tôi vào tòa soạn.
Trước tiên là tôi phải làm một cuộc điều nghiên về cái vị trí của tòa báo. Nó nằm ở cuối phố Hàng Trống, tiếp giáp với phố Hàng Khay, mặt tiền quay ra Hồ Gươm, xế cửa phía bên kia đường là nhà Khai Trí Tiến Đức, còn bên cạnh thì có tiệm ảnh Hưng Ký, khách sạn Phú Gia, rạp chớp bóng Lửa Hồng của Hội Hướng Đạo. Tòa báo tuy không to lắm nhưng cũng rất khang trang. Nhìn bên ngoài thì chỉ thấy bảng hiệu báo Giang Sơn quét sơn đỏ chói, phía dưới thì một bên là cửa ra vào, còn một bên là tủ kính trong suốt, đứng ở ngoài, ngó xa xa lại sẽ chẳng thấy gì hết trơn ngoài mặt nước Hồ Gươm và lùm cây xanh phản chiếu trong kính gương thấp thoáng.
Phía trước của tòa báo là một cái giá gỗ khuôn khổ bằng một tờ nhật báo mở rộng. Mặt giá bên này dán trang 1 và trang 4 của tờ báo ra trong ngày. Mặt giá bên kia dán trang 2 và trang 3. Vào thời kỳ đó, các báo ở Hà Nội có một mỹ tục rất đáng tuyên dương là đem báo dán ở cửa tòa soạn cho độc giả không tiền mua báo được coi thong thả. Ven hồ Hoàn Kiếm, xế rạp Philharmonique cũng có một dẫy bảng dán báo như vậy, nhưng công trình này thuộc về Sở Thông Tin Đô Thành với chủ trương báo chí phải được phổ biến sâu rộng để nâng cao dân trí.
Nếu ai chịu khó bước vào phòng Thông Tin ở ngay cạnh đó thì còn được xem "chùa" đủ các loại báo, kể cả những tờ nhật báo từ Sài Gòn gửi ra. Mặc dù vậy, chẳng vì thế mà số báo bán ra của các tòa soạn bị suy giảm. Ở Hà Nội, giới trung lưu, hầu như nhà nào cũng mua báo riêng để đọc, ít ra là 1 tờ. Đọc báo ở nhà là một cái thú của nhiều người. Không ai tiếc 1 đồng (sau lên giá 2 đồng) để mất công lóc cóc đi đọc báo cọp. Nạn thuê báo không bao giờ xẩy ra như có một dạo tệ nạn này đã xẩy ra ở ngay tại Sài Gòn khiến nhiều tờ nhật báo như Ngôn Luận, Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông..v..v…la lên chói lói.
Khách khứa của những bảng dán báo vì thế không đông đảo là bao. Phần đông chỉ là những người rảnh rỗi, chán cuốc bộ vỉa hè thì áp vô, liếc qua coi tin tức cho giết thì giờ. Chỉ có bọn chúng tôi thì mới là đệ tử trung thành của những truyện ngắn, truyện dài, phóng sự đăng rải rác trên các báo. Tha hồ mà đọc, mỏi chân thì thôi, chứ không hề mỏi mắt bao giờ !
Buổi "ra quân" hôm ấy tôi đã đứng chồn chân ở cái giá để báo. Tờ Giang Sơn phát hành buổi sáng tôi đã đọc không sót một mẩu rao vặt nào. Mấy lần cứ định bước đại vô tòa soạn thì tiếng cười nói ồn ào ở trong lại làm tôi khựng lại. Mồ hôi của tôi rịn ra ướt hết cả chân tóc. Tim phổi gì đâu, cứ đập loạn xạ như người ăn vụng bị bắt quả tang. Tôi tưởng tượng ra cái cảnh mọi người nhìn tôi chế nhạo khi biết tôi bé loắt choắt thế này mà dám làm hành động chơi trèo là gửi bài sáng tác cho báo người lớn. Như nếu tôi bước vào, có vị sẽ hỏi tôi :
- Cậu kiếm ai ?
Tôi sẽ phải đáp rằng:
- Cháu…cháu có cái thư.. (tất nhiên là phải nói dối là thư, chứ ai dại gì mà nói là bài).
Vị ấy sẽ hỏi lại :
- Thư gửi cho ai ?
Thế là khổ rồi ! Tôi sẽ không trả lời được là sẽ gửi cho ai. Rồi người ta sẽ bóc thư ra coi. Họ sẽ khám phá ngay được rằng bên trong chẳng có thư từ gì hết mà chỉ là một bài lai cảo, lại là thứ truyện ngắn nữa thì mới là động trời.
Ôi chà ! Một thằng nhãi ranh thế này mà cũng học đòi viết truyện ngắn sao ? Họ sẽ nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại. Rồi có thể họ sẽ hỏi tôi tên gì, năm nay “lên mấy”, rồi nếu ú ớ thì họ sẽ khuyên tôi nên về chịu khó học hành tử tế đi đã rồi hãy tính chuyện sáng tác. Lại có khi còn tệ hơn nữa, là họ sẽ còn chất vấn tôi con cái nhà ai, bố làm gì, mẹ làm gì, có mấy anh chị em, đang học trường nào, lớp mấy, đứng hạng mấy, luận văn trong lớp được mấy điểm…Ôi trời trời, hãy cứ giáng những cú búa tạ vào đầu tôi còn hơn là bắt tôi đứng trước tòa soạn mà phải cung khai tá lả những điều như thế !
Vì cứ tưởng tượng ra như vậy nên bao nhiêu cái hăm hở hăng hái lúc ban đầu đều tiêu tan hết ra mây khói. Suy đi nghĩ lại, tôi đành ôm cái phong bì lủi thủi ra về mà không dám bước chân qua ngưỡng cửa tòa báo. Nhưng khi về đến nhà, rút cái phong bì ra (lúc này đã hơi bị nhầu nát), tôi lại nổi cơn giận với chính mình. Ừ ! Có gì đâu. Chỉ cần bước đại vô, kiếm một ông ngồi gần nhất, xỉa bao thư ra, nói đại một câu:
- Cháu gửi ông "cái này " !
Thế rồi chẳng cần biết ông ta có ngẩng đầu lên hỏi "cái này là cái gì", mình cứ việc quay lưng đi thẳng ra cửa là hết hỏi, hết còn ai để thắc mắc.
Tất nhiên là họ sẽ phải mở phong bì ra. Họ sẽ thấy đó là một bài sáng tác. Họ sẽ chuyển qua bàn làm việc của ông Chủ Bút. Ông Chủ Bút sẽ mở ra đọc và thấy …hay ! Ông sẽ bấm chuông gọi phòng xếp chữ đem bài xuống sắp xếp. Thế là xong ! Chỉ không đầy một phút cố gắng là mọi việc sẽ ổn thỏa. Chỉ ngày mai, hay ngày mốt, cùng lắm là qua tuần sau là bài của tôi sẽ được in trên báo với tên tác giả Nhật Tiến rành rành, vừa to, vừa trịnh trọng chẳng kém gì cái tên Song Vũ trên truyện ngắn của hắn hôm nào ! Việc dễ như thế mà không làm để đến nỗi đứng chôn chân ở ngoài cửa rồi đi không, lại cắp đít về không thì đúng là tay ấm ớ, dớ dẩn. Thật tôi giận tôi vô cùng.
Thế là tôi quyết định phải làm lại. Và tôi tự thề nếu lần này sứ mạng mà không xong, tráng sĩ ra đi ….quyết không trở về. Sáng hôm sau tôi trở lại tòa báo sớm, hầu như chỉ mới mở cửa và tôi là người khách đầu tiên trong ngày. Đi vào giờ đó rất thuận tiện vì tòa soạn lúc này chưa đông đảo, hẳn ít tiếng người cười nói ồn ào, nhất là những tiếng cười mà tôi cứ bị cái ám ảnh "các ông ấy" cười là để chế giễu mình.
Đúng như tôi dự đoán, bấy giờ tòa báo chỉ có cụ thư ký già đang ngồi đánh máy lóc cóc. Cặp mắt Cụ hấp him, bàn tay run rẩy, cái mũi hơi khoằm xuống mang vẻ khó ưa. Những hình ảnh này đã khiến cho tôi có cảm giác rằng Cụ này hẳn là không văn nghệ văn gừng gì. Như vậy càng tốt, tôi càng đỡ phải "khai báo" lôi thôi. Thế là tôi chào Cụ bằng tất cả sự lễ phép có thể diễn tả được và tôi nói thản nhiên:
- Thưa Cụ, cháu gửi bài !
Ông cụ không đáp, cũng chẳng ngẩng lên nhìn. Đôi mắt hấp him của Cụ còn bận dò những dòng chữ kín mít trên trang giấy. Cụ chỉ giơ bàn tay già nua về phía tôi mà không ngó lại, như thể cái cảnh gửi bài này Cụ cũng đã từng gặp thường xuyên. Tôi vội vã đặt bao thư vào tay Cụ. Cụ cầm lấy, để nó qua bên cạnh và thản nhiên đánh máy tiếp. Thế là xong ! Không đầy 15 giây ngắn ngủi tôi đã làm xong nhiệmn vụ. Tráng sĩ ra đi quả có ngày trở về ! Giản dị quá, dễ dàng quá, có thế mà ngày hôm qua tôi đã băn khoăn đến trằn trọc gần như suốt cả đêm dài
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét