Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU - kỲ 120

                                (tiếp theo)       

               
         

Cô vợ trẻ ngoại tình “xì” một cái, quay lưng vào tường. “Tổ trưởng tổ kiểm tra hồ sơ” bất quá ngang chuyên viên 5, trong nấc thang triều đình thì còn thua cả chức…Bật Mã On coi chuồng ngựa của Tôn Ngộ Không.
Mặc dầu có đơn kiện cáo vụ xử chết lão Rỹ trong cải cách ruộng đất, nhưng tội đó ăn nhằm gì, xử lý nội bộ rút kinh nghiệm là cùng, khối cha tội còn to tầy đình , cứ ép các Đội cải cách quy bằng được 5% địa chủ rồi lôi con người ta ra bắn cũng có sao đâu, vẫn lên lương lên chức ầm ầm.
Lão “nhân tình già” này không tranh thủ ép lão, mai mốt tìm được con trẻ đẹp hơn, lão cho mình rơi thì hết lộc. Nghĩ vậy cô kéo tay đồng chí cán bộ Ban tổ chức đặt lên bụng mình :
“Anh có biết thằng nhóc này là con ai không ?”
Ong cán bộ “ban tổ chức” cười thích chí :
“ Sao em biết nó là con trai ?”
“ Nó là con em sao em lại không biết ? Thằng này sau này sẽ nối dõi  anh đó…”
Ong cán bộ “Ban tổ chức” mở cờ trong bụng . Ong vốn có hai con, một trai, một gái, tập kết ra Bắc, vợ con ông ở lại miền Nam trong vùng “Mỹ nguỵ” kiểm soát, mấy lần ông cho người móc nối đưa ra “ khu” nhưng đều bị từ chối. Ong lo hai đứa con bị địch “tuyên truyền” sẽ đi ngược lại lý tưởng bố nó,  đi vào con đường “phản dân hại nước” , ảnh hưởng tới uy tín chính trị của ông. Bởi vậy ông báo cáo với tổ chức,xin  “cắt đứt” vợ con vì  không chịu rời bỏ “vùng địch” ra khu theo giao liên ra Bắc đoàn tụ với ông.
“Giải quyết “ xong bà vợ miền Nam, ông được trung ương giới thiệu cưới ngay một cô gái Bắc, quê ở căn cứ địa cách mạng Thái Nguyên ngày xưa. Từ đó, trong thâm tâm, ông coi hai đứa đó không còn là con ông nữa. Báo hại ông, bà vợ Thái Nguyên cứ “đực” ra, dù đủ thuốc thang, chạy thầy thợ vẫn không chịu đẻ cho ông đứa nào.  Hoá ra đứa con đích thực, sau này có thể nối dõi tông đường nhà ông, thật không ngờ  lại nằm trong bụng cô gái đang kề bên ông, cô nữ du kích đường số 5, vợ nhân viên của ông. Trước mắt cứ để nó sống với ông bố hờ của nó, sau này khi trưởng thành cho nó biết gốc gác, nhất định nó sẽ tìm về với ông.
Cô gái thấy ông “nhân tình già” nín lặng, biết “cá đang cắn câu”, liền tấn công tiếp :
“ Nó là con anh, anh phải lo cho nó. Trước mắt, anh lo cho …bố hờ của nó cũng tức là anh lo cho con anh chứ sao…”
Người tình già gật gù :
“ Thôi được, thôi được rồi, vài hôm nữa đi họp về anh sẽ ký quyết định đề bạt chồng  em lên ….Vụ phó , được không ?”
Cô gái sướng mê tới, ôm lấy nhân tình già hôn lấy hôn để, rối rít cảm ơn. Ngay khuya hôm đó, ông cán bộ “ban tổ chức” phải lên máy bay đi  nước ngoài, cô được “tha” và cho dù đã khuya cô vẫn bổ về nhà báo tin mừng cho ông chồng “thiệt thòi”. 
Lúc này ông đã ngon giấc, bị chuông gọi cửa dựng dậy , ông bực mình, ra mở cửa cho vợ, càu nhàu :
“ Sao không ngủ lại, nửa đêm nửa hôm còn về làm gì ?”
Cô vợ ngớ ra nhìn chồng. Hoá ra lão ta đã “cam chịu” tới mức không còn biết “ghen” là gì ? Nghĩ cũng…tội nghiệp ,”tò vò mà nuôi con nhện”  vẫn phải im thít, cấm không ca cẩm, phàn nàn mà vẫn phải nhẫn nại hầu hạ, săn sóc vợ nữa chớ.
Nghĩ vậy cô thấy thương chồng không nỡ quát mắng như mọi lần ông dám mở miệng trách cứ vợ. Cô dịu giọng :
“ Về muộn để mang tin vui cho anh …”
Ong chồng sáng mắt lên :
“ Tin vui ? Tin vui gì thế ? Anh lại được “phân” một đôi lốp Sao Vàng nữa hả ? Hay là “phích” Trung Quốc ?”
Cô vợ cười tươi :
“ Còn hơn thế nhiều ?”
Ong chồng sáng mắt :
“ Anh được tham quan nước bạn à ?”
“ Còn hơn thế nữa. Nhưng em đang đói bụng lắm đây. Anh vào bếp nấu cho em bát mì ăn liền em ăn cái đã. Rồi em sẽ cho anh biết tin vui…”
Ong vội chạy vào bếp trổ tài nấu nướng. Thời bao cấp mà có được tủ lạnh Saratốp của Liên xô (cũ) như ông  là oai lắm. Phải là cán bộ trung cấp có bìa Tôn Đản như ông mới may ra. Đã thế ông còn chất đầy tủ lạnh những thứ mà thời đó thằng “phó thường dân” khó mà mơ tới. Nào giămbông, nào batê, nào xúc xích  Đức, cá hồi Nga…toàn những thứ phải có sổ mua hàng ở “chợ vua quan” tức cửa hàng cung cấp Tôn Đản mới có . Bởi thế bát mì ông nấu tuyệt đối không phải “mì không người lái” như của dân thường.
“Mì không người lái” là tên chỉ loại mì không có thịt, hay còn gọi là “mì nước” thường bán ở các cửa hàng ăn mậu  dịch quốc doanh. Từ này xuất hiện sau khi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc và phái máy bay không người lái vào do thám. Người ta kể rằng có anh thanh niên vào cửa hàng ăn và dõng dạc hỏi mua một bát “ mì không người lái”. Anh không ngờ phong trào  “an ninh nhân dân”  tức mỗi người dân là một người công an đã được phát động rầm rộ nên tai mắt công an nhan nhản khắp nơi. Bởi vậy anh thanh niên lập tức bị gọi về đồn cho nhà chức trách hạch hỏi :
“ Tại sao anh gọi mì do cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh phục vụ lại là “mì không người lái”?”
Anh thanh niên tái mặt :
“ Tôi…tôi thấy người ta gọi thế tôi cũng gọi thế…mì không người lái là mì suông không có thịt thôi mà…”
“ Anh định riễu cợt nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đấy hả ? Anh phải cải chính cho nhân dân nghe…”
Thế là anh thanh niên được đưa trở lại cửa hàng ăn, đứng ngay giữa nhà mà nói to :
” mì không thịt gọi là mì nước chứ không được gọi là mì không người lái…mì không thịt gọi là mì nước chứ không được gọi là mì không người lái…”.
Cứ như thế anh thanh niên phải nhắc đi nhắc lại cho đủ…một ngàn lần mới được tha bổng. Từ đó cụm từ “ mì không người lái” biến mất khỏi các cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh. Người nào cũng sợ chết nhát không dám nhắc tới nó. Trên bảng giá, nó được viết thành chữ to và đậm là “mì nước”.
Câu chuyện này nghe nói được báo cáo lên tận Thủ tưởng Phạm văn Đồng và mặc dù trong lúc Mỹ gia tăng mức độ oanh tạc miền Bắc, Đảng và Nhà nước còn đang bận rộn ngổn ngang trăm công ngàn việc nhưng trung ương vẫn cho mở Hội  nghị “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” rất rầm rộ.
Tuy nhiên, ít người biết được rằng nó bắt nguồn từ câu “mì không người lái” của anh thanh niên tội nghiệp kia. Cho đến nay trong các văn kiện của “Hội nghị giữ gìn tiếng Việt”nổi tiếng kia vẫn chưa đề cập tới một trong những nguyên nhân dẫn tới Hội nghị đó là nhằm bảo vệ uy tín của nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa vốn đã bị dân gian chửi “cái cứt gì cũng “phân”, hễ “phân” thì như cứt…”  ( “phân “ ở đây xin hiểu là “phân phối xã hội chủ nghĩa”).
Tất nhiên, bát mì ông Thượng nấu cho cô vợ trẻ có  rất “nhiều người lái” chứ không phải “ không người lái” như ở cửa hàng ăn uống quốc doanh. Nào tôm tươi luộc sẵn, nào thịt bò thái mỏng làm tái, nào lòng đỏ trứng gà ta…Bát mì hoành tráng và đồ sộ nom ngon mắt còn hơn cả “ xủi cảo tôm tươi” mấy anh Tàu vẫn bán trên phố hàng Quạt. Tiếc thay khi ông Thượng bưng bát mì tới thì cô vợ trẻ đã ngủ mất tiêu. Ong đành đặt bát mì lên bàn, vớ cái quạt lại gần vợ phe phẩy đuổi muỗi cho cô ngon giấc. Ong cứ ngồi ngắm nghía gương mặt vợ một cách say mê. Đôi lông mày tỉa tót cong vút, đôi mắt với hàng mi dài nhắm nghiền, đôi môi hình trái tim mòng mọng…càng ngắm ông càng thấy rạo rực trong lòng. Và rồi bất chợt mắt ông trố ra. Trên vầng trán vợ ông thấy một sợi tóc lạ, vừa cong queo lại vừa…muối tiêu. Một cái gì đó nhói đau trong lòng ông. Tóc này không phải của vợ ông.
                                  (còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét