Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : "Thuở mơ làm văn sĩ" - KỲ 13



                               (tiếp theo)
Ở tòa báo ra, tôi băng qua đường Bờ Hồ, lòng cực kỳ khoan khoái. Làn gió mơn man từ phía mặt hồ lại thổi qua càng khiến cho tôi khoan khoái hơn lên. Tôi kiếm ngay một cái ghế đá còn trống để ngồi xuống tự thưởng thức sự thành công vừa qua của mình. Cái phong bì đã đưa được vào tòa báo một cách chót lọt. Nhưng đó mới chỉ là một bước tí xíu khởi đầu. Sẽ còn phải qua nhiều chặng nữa, nào là bài của tôi phải tới tay ông Chủ Bút, rồi ông Chủ Bút phải để thì giờ mở ra đọc. Đọc xong rồi ông ấy quyết định cho đăng. Rồi ông ấy mới chuyển nó xuống nhà in cho thợ xếp chữ…. 
Ôi, chặng đường càng nghĩ càng thấy dài và bỗng nhiên một ý nghĩ chợt thoáng qua làm cho tôi khựng lại, tê tái.
Ừ, không biết bao thư và số phận của nó lúc này ra sao ? Không biết ông già có nhớ tới nó mà trao lại cho tòa soạn không ? Biết đâu nó lẫn trong đống hồ sơ bên cạnh rồi ông vô tình hốt hết cả đám đem cất vô hộc tủ và khóa lại, không biết đến bao giờ mới nhớ ra ? Hay tệ hơn nữa, biết đâu nó lại chẳng đứng chênh vênh bên mép bàn, rồi chỉ một cái quơ tay vô tình của ông cụ là nó rớt xuống đất. Bao thư mà nằm dưới đất là thứ rác bỏ đi, đến giờ dọn dẹp lao công sẽ hốt nó lên, tống chẳng tiếc tay vô thùng rác. Thế thì ôi thôi, công trình tim óc cũng như mơ mộng hão huyền của tôi sẽ đi đời nhà ma trong âm thầm lặng lẽ. Lòng tôi chợt nóng lên như lửa đốt. Tôi vô cùng hối hận là đã giao phó một cách bừa bãi đứa con tinh thần của mình cho một người không quen, không hề biết văn nghệ văn gừng là cái giống gì. Ôi ! Thật là tắc trách, thật là ngu muội, thật là thất sách. Nhưng tôi còn làm được cái gì nữa? Bề gì thì sự thể cũng đã muộn rồi. Bây giờ chỉ còn biết cầu trời khấn Phật cho đứa con của mình tai qua nạn khỏi để nó được thuận buồm, xuôi gió !!!
Khỏi cần nói, độc giả cũng đã cảm thông được nỗi chờ đợi khắc khoải của tôi đã đến như thế nào. Kể từ ngày hôm sau, không một buổi sáng nào mà tôi lại không dậy sớm để lãnh việc đi mua mua báo cho Ba tôi. Mọi ngày, công việc ấy tôi đùn cho thằng Tín, em trai dưới tôi vài tuổi. Nhiều hôm Tín dậy trễ, chị tôi phải đi mua giùm. Còn về phần tôi, dĩ nhiên lúc đó hãy còn đang ngủ vùi vì hôm trước tôi đã thức thật khuya để loay hoay với công chuyện…viết lách!
Tác phẩm dù thế nào thì cũng đã gửi đi. Lòng tôi nôn nao chờ đợi như chưa bao giờ tôi phải nôn nao chờ đợi đến như thế. Sở dĩ tôi giành lấy việc đi mua báo là cốt để nghe ngóng tình hình số phận cái bài của tôi. Ba tôi thì chuyên đọc tờ Tia Sáng, tờ báo mà hồi đó được phần đông giới trí thức ham chuộng. Còn báo Giang Sơn thì cũng có nhiều độc giả đấy, nhưng ở vào hạng yếu hơn. Nhưng đối với, cứ có bài được in trên báo Giang Sơn là cũng "chúa" lắm rồi. Nó sẽ là một vinh dự ra ngoài cả sự mơ ước của tôi từ xưa tới nay. 
Ở sạp báo, trước khi bỏ ra 1 đồng để mua tờ Tia sáng, tôi đã mượn tờ Giang Sơn để mở ra coi cọp. Ngó kỹ càng từ trang 1 đến trang 4, chẳng trang nào thấy có in bài của tôi, tôi mới lủi thủi trở về. Cái cảnh này cứ tái diễn không chỉ vài ngày mà đã cả nhiều tuần lễ. Trong hơn một tháng liền tôi đã kiên nhẫn làm cái công việc khi đi thì háo hức, lúc về thì buồn thỉu buồn thiu. 
Tôi đã tự đặt ra đủ thứ nghi vấn để tìm hiểu xem nguyên nhân vào mà cái truyện ngắn của tôi đã tuyệt vô âm tín. Mà lý do thì ôi thôi đủ thứ, chẳng biết cái nào là đúng, cái nào là sai. Tại tôi viết dở, họ không đăng? Tại ông Chủ bút Hoàng Cơ Bình bận rộn công việc quá nên chưa có dịp mở bài của tôi ra coi ? Tại bài vở nhiều quá, số truyện ngắn xếp hàng để chờ đăng quá nhiều nên tôi phải chờ đợi quá lâu ? Tại tờ báo bây giờ có nhiều quảng cáo nên tạm thời dẹp mục truyện ngắn để chờ khi có dịp ? Hay tại chính ông già hôm đó đã quên mang truyện của tôi giao cho tòa soạn và có thể số phận của nó đã nằm trong thùng rác từ bao lâu nay rồi?
Thôi thì đủ thứ lý do mà tôi đã viện ra mỗi khi buồn bã từ sạp báo trở về. Nhưng cuối cùng thì tôi bám lấy cái ý nghĩ mà tôi cho là đúng nhất : "Trên cõi đời này thiếu vắng những cặp mắt xanh văn nghệ"! 
Chứ sao ! Tôi đã từng đem so sánh những truyện được đăng trên tờ Giang Sơn với cái truyện mà tôi đã gửi đi, thì thấy có nhiều truyện còn dở hơn của tôi nhiều. Thế thì "mắt xanh" ở cái chỗ nào ? Mắt toét thì có ! Tôi đâm ra ghét tòa soạn, oán kẻ lựa bài và giận đời không có "tri âm" để hiểu giá trị tác phẩm của mình.
Tuổi trẻ có tính hay quên. Ban ngày thì tôi cứ ôm lấy nỗi buồn kể trên mà tự dằn vặt, nhưng khi đặt lưng xuống giường ngủ thì lòng tôi lại tràn ngập hy vọng ở ngày mai. Phải rồi, sáng mai khi bừng con mắt dậy, chạy ù ra sạp báo, biết đâu tác phẩm của tôi lại chẳng nằm chình ình trên mặt báo với những hàng chữ in thắm tươi còn nguyên mùi mực mới. 
Sự nào nức chờ đợi vì thế vẫn còn tồn tại trong tôi, cứ thế trong vòng hơn một tháng rưỡi ! Ôi, trong suốt khoảng 50 ngày dài cổ thao thức, chờ mong, thời gian thế mà cũng trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. 
Tuy nhiên tâm tình của tôi thì đã hết kiên nhẫn để chịu đựng những cơn băn khoăn khắc khoải nữa rồi. Tôi tự thấy không còn thể kéo dài sự chờ đợi vô vọng phi lý kia thêm một ngày nào nữa. Và tôi đã quyết định bỏ cuộc. Nghĩa là sáng dậy, cứ lằm lì, phó mặc việc đi mua báo cho thằng Tín. Nghĩ lại về những chuyện đã từng xẩy ra, tôi bỗng thấy ghét về đủ mọi thứ. Ghét ông chủ bút Hoàng Cơ Bình, ghét tờ nhật báo Giang Sơn, ghét luôn cả nhà đại ký giả bằng hữu quý hóa của tôi là Song Vũ với tên cúng cơm là Nguyễn văn Tắc. Văn nghệ đối với tôi bây giờ không còn có gì là sinh thú, hấp dẫn nữa!
Rồi cho đến một hôm, vào một lúc bất ngờ nhất, chẳng màng chờ đợi cái gì nhất, như một ánh chớp bàng hoàng, tôi bỗng nhìn thấy bài của tôi được đăng trên trang 2 của tờ nhật báo Giang Sơn dán ở ngay trên tấm bảng thông tin công cộng ở xế cửa rạp chớp bóng Philharmonique!

Tôi đứng sững ra nhìn như thể không tin ở mắt của mình. Mặt của đỏ bừng, hai tai nóng rừng rực, còn con tim của tôi thì ôi thôi khỏi nói, nó đập thòm thòm như trống trận! 
Một niềm sung sướng hãnh diện tràn ngập trong lòng tôi, nó khiến tôi như muốn bay bổng lên trời cao, nó làm cho mắt của tôi hoa lên, nhìn ra chung quanh chỗ nào cũng thấy sáng rực. Mặt Hồ Gươm hôm ấy vẫn phẳng lặng, Tháp Rùa xa xa vẫn êm ả phơi trong nắng thu đầm ấm và chiếc cầu Thê Húc với mầu đỏ son hình như hôm nay nom rực rỡ hơn mọi ngày. Tất cả những hình ảnh ấy cùng một lúc hầu như dấy lên những cảm giác nôn nao, xao xuyến, như cùng hòa nhịp với niềm vui của tôi trước những dòng chữ đã in cái truyện của tôi còn tươi nguyên mầu mực mới trên trang báo.
Cái bài thế mà dài ! Nó chiếm trọn cả trang 2, đánh văng luôn cả những dòng quảng cáo của nhà trồng răng Minh Sinh, nhà thuốc Nhành Mai, nhà thuốc Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn, kể cả hình cái xe tang của nhà quàn Đức Bảo hay hình cái anh chàng đứng giặt giũ, quảng cáo cho thứ "giấy hồ lơ" làm trắng tinh quần áo sau khi giặt mà mọi khi vẫn nằm ở cả trang 2 nữa. 
Tôi thầm cám ơn ông Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút, ông Thư Ký Tòa soạn, cụ thư ký già đánh máy, cả ông Chef Typo coi việc xếp chữ, đặt bài nữa. Cám ơn luôn cả anh em ấn công, nhân viên phát hành báo và bà con bán báo tại các sạp trên đường phố kể cả mấy chú nhóc từng ôm những sấp báo dầy chạy nhong trên các đường, miệng rao "Báo ơ ! Báo ơ !" nữa !
Thế là tên tuổi của tôi lần đầu đã được gửi đi "toàn quốc" ! Nhà nhà (nếu có mua báo Giang Sơn) đều đọc tác phẩm của tôi. Người người (nếu có đọc báo) đều biết là đã có một cái tên Nhật Tiến vừa mới đặt bước chân đầu tiên vào vườn hoa văn nghệ. Ôi ! Khu vườn đầy ảo mộng, xa vời, tràn đầy đam mê cám dỗ vốn đã mê hoặc tôi từ bao lâu nay, bây giờ đã mở cửa đón tôi vào. Mà dĩ nhiên, khi đã "vào" rồi thì tôi sẽ quyết không quay ra nữa, không dại gì mà quay ra nữa, cho dù sương nắng, mưa gió bão bùng.
                              
                                    (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét