(tiếp theo)
Vài người đã đi ra rồi sau đó thêm nhiều người nữa ra tiếp. Trong số họ có cả nhóm của thằng Minh, hai cậu cháu Hoàng-Sang và các thanh niên khác. Những người đi ra làm thành một đám lố nhố đứng chung quanh bốn người Khmer rồi người Khmer biết tiếng Việt bảo những người trên ghe đi vô rừng kêu hết tất cả người đang trốn phải đi ra hết. Tiếng thằng Minh gọi lớn:
- Anh Vũ, anh Tấn ơi ra đi. Các anh khác nữa ra đi. Đừng bỏ trốn nữa. Mấy người lính Kampuchia đến giúp mình chứ không làm hại mình đâu. Đừng sợ họ. Ra ngay đi.
Tôi và Dũng đưa mắt nhìn anh Tấn, hỏi: " Tính sao bây giờ đây hả anh Tấn? Mình cũng đi ra chứ anh? ".
Anh Tấn im lặng, nhìn hai chúng tôi mà không trả lời. Vừa lúc đó, hai người tài công từ chỗ nào đó chạy đến nhập bọn chung với ba người chúng tôi. Một trong hai người nói:
- Đừng có đi ra. Coi chừng bọn lính này là tụi Khmer Đỏ đó.
Anh Tấn lắc đầu, trả lời họ:
- Cờ nửa đỏ nửa xanh dương với 5 ngọn tháp vàng là của phe Khmer Hiêng Xom Rin chứ không phải bọn PolPot-Iêng Sa Ri đâu. Họ là đàn em của tụi Việt Cộng đó. Thôi mình ra cho rồi xem sao đi các em.
Anh Tấn nói đúng, bọn đầu lãnh CS Hà Nội khi dựng đám Khmer tay sai đã vẽ cho họ một lá cờ y chang cờ của đám Việt Cộng tức Mặt Trận Giải Phóng trước đây trong thời chiến tranh Việt Nam. Tôi và Dũng đứng lên cùng một ý nghĩ chung với anh Tấn nhưng hai người tài công lại quyết định khác. Họ nói là phải trốn không ra để chờ, hy vọng vài ngày nữa thì các tàu hải tặc Thái Lan sẽ đem đám đàn bà-con gái về trả lại. Họ sẽ gặp mặt lại vợ họ rồi họ hỏi tôi và Dũng có trốn trong rừng chung với họ không? Tôi và Dũng cùng lắc đầu.
- Mấy ông không thương vợ mấy ông sao? Một người tài công hỏi hai đứa tôi.
Trời đất! Thì ra hai người tài công đã nghĩ Ánh Phương, Mỹ An là hai người vợ của tôi và của Dũng. Thảo nào họ mới chạy đến chỗ tôi và Dũng đang trốn để mong có thêm bạn đồng hành chung với họ.Tôi cho họ biết là hai cô gái đó với chúng tôi mới quen nhau khi xe phải ghé Mũi Nai vì trễ chuyến hẹn. Sự thân mật của tôi và Ánh Phương cũng như giữa Dũng và Mỹ An nên khiến hai người tài công đã nghĩ chúng tôi là các cặp vợ chồng cùng đi chung chuyến vượt biên như họ.
- Tôi cũng nghĩ như mấy chú tài công, dè đâu cô cậu chỉ mới quen nhau thôi ... Không phải là vợ chồng. Anh Tấn ngập ngừng nói.
- Vậy các anh định sẽ đi ra thật sao? Người tài công đó nhìn tôi và Dũng mà hỏi tiếp.
- Phải đi ra thôi anh. Mình đốt lửa mấy hôm nay là để mong có người lại giải thoát mà. Theo tôi nghĩ thì các anh cũng nên ra đi, đừng tìm cách ở lại đảo không tốt và cũng đừng nghĩ là bọn hải tặc đó sẽ quay trở lại đây để trả người. Tôi ân cần trả lời.
Nhưng hai người tài công vẫn nhất định trốn ở lại. Họ quả quyết chỉ vài ngày nữa thôi thì tàu hải tặc Thái Lan sẽ quay trở lại đảo hoang và rồi họ sẽ gặp lại các người vợ của họ.
- Các chú chắc mọi việc sẽ xẩy ra như vậy? Anh Tấn chợt xen vào, hỏi.
Hai người tài công nhìn nhau rồi nhìn ba người chúng tôi và khẽ gật đầu. Anh Tấn tiếp:
- Nếu suy nghĩ của các chú là đúng đi rồi với 18 người đàn bà-con gái đó cộng thêm hai chú nữa thì lấy gì để ăn, lấy ghe đâu ra mà đi vượt biên tiếp? Tôi nghĩ mình nên ra cho xong. Trốn ở lại đây rồi cũng chẳng đi đến đâu.
Hai người tài công dụ dự không trả lời nhưng khi ba chúng tôi chuẩn bị bước ra thì vội dặn chúng tôi đừng nói gì về họ cho đám người Khmer biết rồi cả hai chạy phắt ngay vào trong rừng luôn. Tôi hiểu tình cảnh của hai người tài công. Thật tội nghiệp! Họ quá thương vợ họ đến nỗi vẫn tin là bọn hải tặc Thái Lan sẽ quay lại đảo để trả đám đàn bà-con gái nhưng suy nghĩ của họ thật viển vông. Tôi chưa từng nghe chuyện hải tặc Thái Lan bắt được đàn bà-con gái Việt rồi sau đó lại đem trả người về cho ghe. Nói là nói vậy thôi chứ nếu Ánh Phương mà là vợ tôi thật thì có thể tôi cũng sẽ hành động giống như họ. Họ đã rối trí rồi. Cầu mong một phép mầu nào đó đến với hai người tài công chung tình.
Ba chúng tôi là những người đi ra sau cùng. Người Khmer biết tiếng Việt thấy chúng tôi thì hất hàm, hỏi: " Đàn bà con gái Duôn đâu? Gọi họ ra đây luôn, trốn làm chi nữa ". Chúng tôi nói là không có phụ nữ nào cả thì y chỉ tay vào số quần áo nằm phơi trên dây hỏi vậy quần áo này ở đâu ra? Chúng tôi liền kể vắn tắt cho người Khmer biết sự việc đã xẩy ra trong ngày hôm đó. Y lắng nghe chăm chú rồi hỏi ai là leader của ghe thì nhiều người đưa mắt về phía anh Tấn nhưng anh Tấn thanh minh anh không phải là leader mà cũng chỉ là một khách đi bình thường như các người khác. Hỏi đến các tài công thì không thấy nên người Khmer đó nói chúng tôi phải gọi họ đi ra. Chúng tôi lại đi vào rừng tìm, cố sức gọi lớn mà cũng chẳng thấy họ đâu cả. Sau cùng, những người Khmer bảo chúng tôi dắt họ đến chỗ chiếc ghe bị hỏng. Họ trèo qua các ghềnh đá để vào xem xét chiếc máy của ghe rồi quyết định là chúng tôi phải tháo cái máy đó và mang ra chỗ bờ biển cho họ. Người Khmer biết tiếng Việt lấy tay chỉ định tôi, anh Tấn, Dũng, thằng Minh và 4 thanh niên khác cho việc tháo máy. Tháo máy ra thì không khó nhưng tám người chúng tôi đã chật vật vô cùng mới mang được cái máy ghe đến một bờ cát trống trải sát bờ nước biển theo lệnh của người Khmer đó. Tay chân chúng tôi ai cũng bị các mảnh sắc của loải sò bám cứng ở bề mặt các tảng đá cứa đứt nhiều chỗ, chảy máu khá nhiều. Khi có cái máy ghe nằm ở bờ cát rồi, những người Khmer dùng một sợi dây cáp nối từ ròng rọc trên tàu họ, cái máy của ghe chúng tôi đã được kéo thẳng lên tàu luôn. Xong xuôi, mấy người Khmer mang vào bờ cho chúng tôi ít gạo, hai hộp thịt heo kho, ít cá khô và một bắp cải tươi, bảo chúng tôi nấu cơm để ăn chung với họ. Chúng tôi vội nhóm bếp lại và gần một giờ đồng hồ sau đã có một bữa cơm ngon lành cho cả bọn. Ăn uống no nê, các người Khmer này đã gom hết tất cả quần áo của đám đàn bà-con gái trên dây phơi vào trong các túi xách của họ rồi ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị rời đảo hoang để theo họ về tàu.
Không thấy hai người tài công đi ra, các người Khmer để lại nồi nấu cơm cùng một bao độ 10 kg gạo và ít cá khô trên bờ đá cạnh chỗ nấu ăn rồi bảo chúng tôi viết ít chữ là 15 ngày nữa khi đi tuần tra thì tàu của họ sẽ ghé lại đây. Thôi vậy cũng được, mong rằng đến khi đó thì hai người tài công sẽ theo về với chiếc tàu tuần duyên Khmer. Tất cả chúng tôi bước lội từng bước theo chân những người Khmer để ra con tàu nhỏ. Từ con tàu nhỏ, chúng tôi được các người Khmer chuyển sang qua chiếc tàu lớn. " Tàu tụi tui sẽ chạy về đảo Cô Tan ", người Khmer biết tiếng Việt nói với chúng tôi. Dõi mắt nhìn đảo hoang một lần cuối, tôi vẫn thấy hai đống lửa trên bờ cháy nghi ngút với cột khói nhỏ. Chắc chắn là đâu đó dưới các tàng cây, bờ đá ... các tài công cũng đang nhìn hai chiếc tàu càng lúc càng xa dần họ. Cái nồi, bao gạo 10kg, gói cá khô vẫn còn nằm nguyên ở chỗ cũ. Chẳng thấy người tài công nào ra lấy chúng hết. Tôi cố nhìn mãi nhưng sau cùng, hình ảnh này xa dần, nhỏ dần và mất hẳn.
Tàu sẽ chạy về đảo Cô Tan. Hai tiếng Cô Tan tôi thấy rất quen. Hình như tôi đã nghe một câu chuyện nào đó về cái tên đảo Cô Tan ở trong vùng vịnh Thái Lan nhưng mà là chuyện gì thì chịu, không nhớ ra được. Cố gắng lục lọi trí nhớ của mình mà cứ mài mại hoài vẫn không ra. Thôi! Đành nghĩ chuyện khác vậy. Quan sát chung quanh chiếc tàu đang chở chúng tôi. Chiếc nhỏ chạy song song mé phía sau nhưng tốc độ của nó cũng chẳng kém gì chiếc lớn. Đây là các loại tàu tuần duyên hải quân. Tuy nhỏ hơn chiếc tàu đánh cá Thái Lan và thân tàu bằng thép nhưng sức chạy của chúng rất nhanh để lại đằng sau hai vệt nước dài trắng xoá. Đúng là tàu hải quân. Tôi thầm đếm có cả thẩy là tám người Khmer trên con tàu lớn. Tàu nhỏ bên kia thì chỉ năm người. Vậy là đúng cấp số của một tiểu đội lính. Quần áo những người Khmer mặc là loại kaki màu phân ngựa. Chân họ đi loại giầy bata như loại giày của bộ đội Việt Cộng. Gần mũi tàu là một cây đại liên 12 ly 7 nòng chỉa thẳng về phía trước. Các khẩu súng AK 47, B 41 và RPD cùng các dây đeo băng đạn để nằm đây đó trên tàu. Đám 31 người chúng tôi ngồi sát bên nhau trên mặt sàn tàu và cả trong buồng lái nữa. Tôi nói nhỏ với anh Tấn:
- Anh coi súng ống của họ kìa. Để sơ hở vậy không sợ bọn mình có thể chộp lấy các cây súng này mà uy hiếp cướp tàu họ luôn sao?
- Lính Khmer là đầy tớ của đám Việt Cộng bên nước mình. Bọn Việt Cộng là chủ của tụi nó nên khi nó thấy mình người Việt chắc cũng nghĩ như vậy. Chủ thì có bao giờ tìm cách lật đổ thằng đầy tớ đâu, phải không? Anh Tấn cười cười, nói thêm: " Mình ghét bọn Việt Cộng thật nhưng phải nhìn nhận là chúng đã làm cho bọn Khmer sợ nên mình mới được đám hải quân Khmer đối xử như vầy chứ Vũ biết dân Khmer có đời nào ưa người Việt nước mình. Mối thù truyền kiếp mà . Do quan hệ ngoại giao cả thôi ... Y như mình không ưa bọn Tàu vậy đó ". Ngừng một lát anh Tấn nói tiếp: " Sự thực là bọn Việt Cộng đâu có tử tế gì với người vượt biên mình. Chúng đã từng rượt theo ghe vượt biên rồi dùng cây 12 ly 7 bắn thẳng vào ghe nữa đó Vũ. Còn mình mà cướp tàu họ rồi làm sao mà lái đây. Tài công đâu? Có cái máy ghe hư còn bó tay thì có cho không cái tàu sắt này cũng đành đầu hàng thôi. Đám lính Khmer nầy họ cũng biết điều đó chứ bộ ".
Tàu chạy qua rất nhiều hòn đảo. Chúng tôi thấy khá nhiều tàu đánh cá Thái Lan y chang loại tàu đã trấn lột và bắt nữ giới trên ghe chúng tôi rồi tàu lướt qua những chiếc ghe nhỏ bé của ngư dân Khmer nữa. Trời chiều bảng lảng thì tàu chạy vào một vùng có nhiều hòn đảo liền lạc với nhau rồi nó từ từ chạy chung quanh một đảo lớn nhất. Đám lính Khmer trên tàu bắt đầu đeo các dây đạn vào người và cầm vũ khí của họ trở lại. Chúng tôi sắp sửa đặt chân lên đảo Cô Tan rồi đây. Tàu giảm tốc độ dần dần và cập vào một cầu tàu bằng bê tông xây cạnh ngay sát bờ đảo. Theo chân những người Khmer, toàn bộ 31 người chúng tôi đi trên con đường trải đầy đá sỏi dẫn vào bên trong đảo. Tiếng ai đó trong nhóm chúng tôi nói vui: " Chúng ta đang đi trên đường sạn đạo đó nha ". Vài người Khmer từ phía trong chạy ra đón những người lính trên tàu vừa đến. Tiếng họ nói líu lo với nhau mà cặp mắt trắng dã đôi lúc nhìn về phía người chúng tôi. Rồi một người còn khá trẻ trong đám lính khoát tay ra dấu cho chúng tôi phải đi theo. Gã Khmer đó dẫn chúng tôi băng qua vài dẫy nhà gạch lợp tôn rồi quẹo trái, đi thêm qua vài dẫy nhà nữa thì y dừng lại trước một căn nhà khá lớn. Gã lấy chìa khóa mở cửa, bật công tắc điện chiếu sáng trong phòng rồi quay ra nói và với chúng tôi bằng tiếng Việt thật sõi:
- Tôi là Sok Sammath. Các anh ở tại đây đêm nay. Không ai được tự ý đi lang thang qua các nhà khác và chỉ được phép đi nhà đái nhà ỉa ngay phía đàng sau khi cần thôi. Điện sẽ tắt vào lúc 10 giờ tối. Tôi sẽ mang đèn dầu ngay cho các anh. Các anh tự sắp xếp lấy chỗ riêng cho từng người đi. Nghe rõ chưa?
Nhiều cái đầu trong chúng tôi cùng gật, có người thì nói dạ. Gã Khmer quay ra ngoài căn nhà liền. Chúng tôi tản ra nhanh chóng để kiếm chỗ nằm riêng. Đây là một căn nhà thật lớn, rộng và không hề có giường, tủ mà thay vào đó là các hàng bàn ghế như loại bàn ghế học sinh trong trường học. Mỗi người chúng tôi liền chiếm lấy một cái bàn. Tôi, Dũng và anh Tấn lựa ba cái bàn nằm kề sát nhau ở gần cuối hàng. Chúng tôi phải lấy quần áo bẩn của riêng mình để phủi bụi bám ở trên mặt bàn. Căn nhà này đã bị bỏ phế không dùng từ lâu. Một cái bục gỗ loại dành cho người đứng diễn thuyết được đặt ngay ở bên trái một góc phòng. Tôi thấy một tấm bảng lớn mà ai đó đã tháo để nằm dưới mặt đất sát vách tường. Đến gần, thấy mặt sau bảng có viết dòng chữ gì đó, tôi vẫy anh Tấn lại cùng xem. Chúng tôi lật tấm bảng, một hàng chữ Nhà Truyền Thống mầu vàng chói trên đỏ chói.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét