Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 7)

         

    KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ               
                                                    THANH TỊNH
                     (12-12-1911/12-12- 2011)


 Trong văn học Việt Nam có hiện tượng rất lạ, ngay các nhà phê bình cũng ít để ý : có đoạn văn xuôi tồn tại trong ký ức người đọc dai dẳng và bền vững chẳng kém gì một bài thơ “lưu danh thiên cổ”.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
…..
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Thử hỏi những người độ tuổi “quốc văn giáo khoa thư”, có ai vào những sáng cuối thu khai trường không bồi hồi nhớ lại đoạn văn trong “Tôi đi học” của nhà thơ Thanh Tịnh, thấm đẫm chất nhân văn như đá tạc vào thời gian .
Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhớ đến đoạn văn Thanh Tịnh,tôi cũng nhớ tới một đoạn văn thuộc lòng từ thủa học trò của nhà văn Pháp Anatole France trong cuốn “ Le livre de mon ami”, :
La rentrée des classes
“Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit ; car ce petit bonhomme est une ombre ; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a vingt-cinq ans.”
Ngày khai trường
Tôi sắp nói với bạn những gì gợi tôi nhớ lại, hàng năm, trời thu xao động, những bữa ăn chiều đầu tiên dưới ánh đèn,và những chiếc lá vàng đi trong những hàng cây run rẩy ; tôi sắp nói với bạn những gì tôi trông thấy khi đi qua vườn hoa Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười, hơi buồn một chút nhưng đẹp hơn bao giờ hết vì đó là thời gian từng chiếc lá  rơi trên vai trắng của những pho tượng . Tôi cũng nhìn thấy trong vườn một chú bé hai tay đút túi ,cặp sách quàng vai tung tẩy tới trường như một con chim nhỏ.Tôi chỉ thấy trong tâm tưởng, bởi chú bé ấy chỉ là một cái bóng, cái bóng của chính tôi hai mươi lăm năm trước…”   
Và câu này mới thật xúc động :
“C’est le même ciel et la même terre; les choses ont leur âme d’autre fois, leur âme qui m’egaye et m’attriste, et me trouble, lui seul ‘n’est plus…”
“ Vẫn trời ấy, vẫn  đất ấy, vẫn những thứ mang linh hồn ngày xưa, linh  hồn làm tôi vui, buồn và bối rối, chỉ riêng chú bé ấy là không còn nữa…”

Hai nhà văn ở hai phương trời, cùng đục đẽo vào lòng người những dòng văn bất hủ về một thời trong sáng nhất của đời người :” thời  cắp sách đến trường “
Đầu xuân năm 1947, ông về công tác ở một vùng gần chùa Trầm, Hà Đông. Tại đây ông được nghe bà con kể câu chuyện một anh du kích xã lập mẹo đến gần tên lính Pháp gác kho súng đạn, rồi bất thần xông vào vật hắn xuống đất. Hai người cứ thế ôm ghì nhau . Anh du kích thứ hai chạy vội đến, tay súng lăm lăm nhưng  không dám nổ súng sợ bắn phải bạn. Anh du kích đang vật nhau với địch liền thét to : “Bắn! Bắn cả hai!” Thế là đoàng! đoàng! - tên giặc  ăn đạn, nhưng anh du kích cũng bị thương nặng. Câu chuyện giản dị ấy đã làm nhà thơ xúc động, muốn kể lại cho nhiều người nghe. Ông mày mò sáng tác thành một chuyện kể bằng văn vần và gọi là độc tấu. Năm  1954, ông phụ trách đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về Bùi Chu Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát phục công tác chống cưỡng ép di cư. Còn nhớ năm 1958, nhà thơ Thanh Tịnh ghé trường Phổ thông công nghiệp Hà nội, nơi tôi đang học lớp 9 diễn bài tấu của ông làm cả trường cười ngả nghiêng, tôi còn nhớ một câu hài hước:” nghe tiếng cười…sụt sịt”. Nhưng “đứa con tinh thần” này đã bị một số người không mấy thiện cảm để mắt tới . Đoàn Phú Tứ, một trong những người phụ trách  ngành sân khấu đã phê phán: “Không thể ngờ một nhà thơ trữ tình như Thanh Tịnh lại đi làm trò hề, trò xẩm!”. Vài năm sau Thanh Tịnh chuyển sang viết ca dao. Nhiều người  cho rằng hai câu :”Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.”, không phải của bác Hồ như xưa nay sách báo vẫn nói mà chính là của nhà thơ Thanh Tịnh.
Mới đây, không hiểu sao vào lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thanh Tịnh (12-12-1911/12-12- 2011) nhiều người viết về ông, kể cả những bậc tiến sĩ văn học, kể cả ông Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh đọc diễn văn khai mạc cũng không ai nhắc tới đoạn văn bất hủ “ Tôi đi học” của ông.  Họ chỉ nhắc tới hơn chục năm kháng chiến, làm người lính từ địa phương đến chủ lực, khi ở Việt Bắc, khi vào Khu Bốn.Ông là một sáng lập viên  Hội Nhà văn Việt Nam, đã là Ủy viên Ban chấp hành (khóa I, II), Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại tá quân đội trước khi nghỉ hưu.
Ngay trong thơ “chân dung”, Xuấn Sách cũng không điểm “Tôi đi học” vốn là tác phẩm nhớ đời của Thanh Tịnh , ông chỉ cảm thương nhà văn tâm huyết  nhưng cuối đời cô đơn, nghèo nàn và nhận ra đã "lạc đường"  :
Bao năm ngậm ngải tìm trầm
Giã từ quê mẹ xa dòng Hương giang
Bạc đầu mới biết lạc đường
Tay không nay lại vẫn hoàn tay không
Mộng làm giọt nước ôm sông
Ôm sông chẳng được, tơ lòng gió bay.

(còn tiếp)









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét