Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

HÀNỘI ... "HỒI ẤY" (26)

           Hànội…”hồi ấy” (26)



             
                           (tiếp theo)

Sáng sớm hôm sau, tôi hé cửa phòng ngắm nàng thiêm thiếp ngủ, chào ông bà Đ. rồi phóng xe về nhà. Vừa tới đầu phố tôi đã thấy một đám người xúm xít trước cửa nhà, linh cảm tới muộn làm tôi nhói tim, tiếng còi xe cấp cứu chợt rú lên trong nỗi hoảng sợ làm tôi muốn quay xe chạy trốn.
-Kia rồi… chủ nhà về kia rồi…
Loáng thoáng bên tai có tiếng người la hét, tiếng mở cửa xe và bất chợt như có ai vồ lấy mình :
-Anh bị bắt…
- Tôi ấy ư ?
- Phải chính anh.
Thế này là thực rồi chứ chẳng phải nằm mơ nữa, tôi cứ để mặc đôi tay bị đút vào còng sắt, gào lên :
- Nhưng tôi có tội gì kia chứ ?
Không ai trả lời cả và nếu có, tôi cũng chẳng còn nghe thấy gì, tôi như đang bồng bềnh trong một thế giới toàn những ảo ảnh : một chiếc cáng được khiêng ra từ trong nhà trên bọc kín một xác người, nàng “ngựa vía” tóc sổ tung, quần áo xốc xếch, hai tay cũng còng như tôi, theo sau là người cảnh sát có khuôn mặt lạnh ngắt bên dưới vành mũ. Một chiếc xe đít vuông rú còi giãn đám đông chạy tới, tôi bị đẩy lên rồi tới lượt nàng “ ngựa vía” cũng lên ngồi sát bên tôi. Tôi còn đang nghĩ tới chiếc xe đạp không biết lúc này nó lưu lạc đi đâu, nàng “ ngựa vía” đã ghé sát tai rền rĩ :
- Hắn chết rồi…hắn uống cả một két bia hắn chết rồi…em đâu có giết hắn…
Có người nào đó nhe cặp răng trắng ởn vẫy vẫy tôi đầy thiện cảm. Tôi căng óc cố nghĩ xem ngừơi đó là ai, tiếng còi xe cảnh sát lại rú lên nhức óc, a… ta nhớ ra rồi, cái thằng đó chính là gã ăn trộm cứt…


11.

Chưa bao giờ con người tôi lại bị lục soát, đào bới, nạo vét ghê gớm đến thế. Tôi nghiệm ra rằng muốn lặn ngụp thật sâu xuống cái bến lú sông quên từ đời xửa đời xưa trong ta không gì tốt hơn là được rơi vào tay mấy ông cảnh sát. Kỳ diệu thật, nhờ mấy ông tôi mới nhớ ra được ông nội tôi làm nghề gì, bố tôi đẻ ở đâu, tại sao mẹ tôi lại chết khi tôi đang còn phải bú vân vân và vân vân… Cuộc hành trình vào quá khứ như vậy làm sống lại trong tôi dằng dặc những kỷ niệm mà suốt một tuần liền trong phòng tạm giam tôi chìm đắm trong chúng, chẳng đoái hoài gì tới xung quanh, trong họa có phúc là như thế này đây, nếu tôi không rơi vào tình cảnh bị giam giữ thế này làm sao có cơ hội được sống lại những năm tháng đã qua một cách rõ rệt đến vậy.
Hoá ra nàng Ánh Tuyết chẳng phải là người tôi yêu đầu tiên, sục sâu mãi vào ký ức tôi thấy một cô gái be bé có hai cái lọn tóc ngày xưa tôi vẫn xoắn trong tay, miệng lêu lêu cái “đuôi chuột”. Cô là con bà chủ, tôi là thằng bé mồ côi đi ở thuê ngày hai bữa cơm nuôi, đêm ngủ góc bếp, vài tháng được bộ quần áo do các cậu ấm thải ra. Công việc của tôi cũng chẳng có gì nặng nhọc, sáng xách giỏ theo bà chủ đi chợ, trưa về bổ củi, phụ bác bếp nấu cơm, quét dọn, rửa bát, chực sẵn cho các cậu chủ sai vặt như ra phố mua gói thuốc, ổ bánh mì, thậm chí tháo cả giày cho các cậu mỗi bận đi chơi về. Riêng cô chủ bé chẳng sai phái tôi bao giờ, ngược lại thỉnh thoảng còn giúp dọn dẹp trong nhà, vá áo, dúi cho gói ô mai, thanh kẹo lạc, có khi hẳn một quả táo Hồng Kông bọc giấy bóng mờ chắc phần của cô nhường cho tôi.
Thiện cảm của cô giành cho tôi cứ như thế xoá mờ dần cái ranh giới giữa cô chủ và thằng ở tới mức trong trí tưởng tựơng ngây thơ của tôi, cô trở thành nàng công chúa bị giam giữ giữa những tên con trai độc ác và tôi là một anh hùng mã thượng có trách nhiệm phải cứu thoát nàng để sau này được nhận phần thưởng cao nhất là cưới nàng làm vợ.
Thế là đêm đêm trong cái xó bếp hôi hám kia, tưởng tượng của tôi đã vẽ ra nào là gươm, nào là ngựa, áo giáp, súng lục giắt lưng và cả những kế hoạch táo bạo nhằm giải thoát nàng công chúa nữa. Và rồi một tối khuya mùa đông, mọi người trong nhà đã tắt đèn ngủ hết, tôi nai nịt gọn ghẽ( bằng những sợi dây gai và dây cao su), vũ khí giắt ngang lưng(con dao bầu bác bếp vẫn dùng chặt thịt), bịt kín mặt bằng chiếc sơmi rách, mở cửa bếp, rón rén bước qua sân và leo ống máng lên phòng nàng. Than ôi, nàng chẳng hiểu gì tôi cả, khi tôi nhảy qua cửa sổ vào phòng, nàng hét tướng lên đến cả phố đều nghe thấy và lập tức ông chủ , bà chủ, cùng các cậu công tử kéo ùa vào la lối om sòm và kết thúc mối tình đầu mộng tưởng của tôi bằng cái roi cá đuối và một thanh củi tạ.
Ngay sáng hôm sau tôi bị tống khỏi nhà, lòng đầy giận dữ cô tiểu thư đã phụ lòng tốt của tôi, vô tình đẩy tôi vào đám trẻ đầu đường xó chợ. Vai khoác khăn gói quần áo cũ, tay cầm chiếc que đánh chó, mình mẩy vẫn đau nhừ trận đòn hội chợ đêm qua, tôi nắm tay thề xoá sạch hình bóng nàng trong tâm trí, phải quên, quên hết, quên cả hai cái lọn tóc đuôi chuột của nàng.
Quả là bao năm qua xông pha trong đời gió bụi, tôi chẳng còn mảy may nhớ tới nàng, ấy thế mà chẳng ngờ trong bóng tối của góc phòng tạm giam, mọi hình ảnh tưởng như đã xoá từ lâu, đôi mắt đen lay láy của nàng từ trên gác nhìn xuống tôi quét sân, bàn tay nhỏ nhắn nắm lấy mớ tóc chổi xể của tôi giật giật… cứ hiện ra rõ ràng, chi li như thể tôi với tay ra là nắm được nàng.
Nhưng ông cảnh sát chẳng cần tôi sục vào ký ức quá sâu đến thế, ông chỉ cần tôi nhớ chi li cái ngày cô nàng ngựa vía dẫn chồng nàng Ánh Tuyết tới ngủ nhờ, tôi đi những đâu, gặp những ai, thậm chí cả ăn món gì nữa. Ông bảo vụ này rất nghiêm trọng đây, rất có thể do tôi thâm thù anh chàng kia đã giật nàng Ánh Tuyết của tôi nên tôi đã ngấm ngầm cùng với cô nàng ngựa vía bầy ra âm mưu đầu độc bằng két bia, nhất định là rồi qua phân chất ngừơi ta sẽ tìm thấy một loại thuốc giết người kiểu như bả chuột, thuốc ngủ hoặc axít cũng chưa biết chừng.
Tôi cứ mặc kệ cho ông ta đe dọa, muốn sao cũng được, cứ coi như “thiên mệnh” đã giáng xuống thế nào, ta sẽ chịu thế ấy, chỉ áy náy mỗi chuyện ông bà Đ. cũng bị gọi tới Sở cảnh sát để chứng thực tình trạng ngoại phạm của tôi tức là đêm đó tôi không ngủ nhà mà tới ông bà Đ.
Tuy nhiên dù anh có ngoại phạm đi chăng nữa cũng chưa chứng tỏ anh vô tội, ông cảnh sát bảo tôi thế, rất có thể anh bỏ thuốc độc vào bia rồi tránh mặt đi nơi khác lắm chứ. Tôi cứ im thin thít, không muốn cãi, vả lại có cãi cũng chả nổi, bụng chỉ mong ông nói mau mau cho tôi trở về xó phòng giam chúi đầu vào quá khứ. Đôi lúc, viễn ảnh đen ngòm của “vụ án” cũng làm tôi hoảng sợ, không thiếu gì các nhà khoa học tài ba sẽ minh họa lập luận của ông cảnh sát bằng những thí nghiệm có đầy đủ khí cụ hiện đại, rút ra cả dãy những con số trời cũng chẳng cãi nổi. Những ý nghĩ khủng khiếp đó cứ bấu riết trong đầu,xoá tan hết mọi hoài niệm quá khứ, mọi lo lắng cho bệnh tật của nàng khi vắng tôi và tất nhiên cả những viễn ảnh được chung sống với nàng mà trong đêm trăng mới đây thôi còn rào rạt như tiếng sóng trong tôi.
Nỗi sợ hành hạ mấy đêm liền làm tôi phát khùng nhổm phắt ngay dậy, thôi không trằn trọc nữa, “ quăng gánh lo đi mà vui sống”, mặc mẹ đời, dẫu có làm sao cũng là tại… “ thiên mệnh” cả. Tôi lập luận vậy và cười to lên rất vô duyên làm mấy anh chàng giam cùng phòng mất giấc ngủ doạ đánh tôi một trận nếu còn lộn xộn. Tôi im bặt, nằm xuống ngay, đúng như phương châm “kính nhi viễn chi” tôi đã xác định với các quý vị hảo hớn từ hôm mới đặt chân vào thế giới tội phạm. Tuy nhiên rồi họ cũng chẳng để tôi yên, một anh chàng trắng trẻo, đeo kính cân thị ra dáng thư sinh một hôm đập vào người tôi :
- Ngủ mãi cũng chẳng trốn tội được đâu ? Giết thằng cướp mất người yêu hả?
Tôi lắc đầu quầy quậy, hắn lại đập vào người tôi cái nữa:
- Sợ gì? Tớ không thuộc bọn “chân gỗ” đâu. Tớ phục cậu đấy, ân oán giang hồ xử thế mới đích đáng. Tớ cũng vậy, không bao giờ cho phép em út trấn lột của người nghèo, người lương thiện. Tớ chỉ nhắm vào bọn tham quan ô lại, rán dân lấy mỡ thôi, mà lại không bao giờ sờ tay vào dao búa, tớ chỉ dùng cái đầu, chất xám trong lĩnh vực này đắt giá nhất, bởi vậy hai bàn tay tớ luôn luôn sạch…
Hắn chìa ra đôi bàn tay trắng trẻo, thon nhỏ khiến người ta có thể lẫn với nghệ sĩ dương cầm.
                               (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét