Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

HÀNỘI ... "HỒI ẤY" (24)


                     Hànội…”hồi ấy” (24)



                  

                           (tiếp theo)

10.

Đợt công tác phục vụ chiến dịch “ đưa nhà lên đồi” của phòng tôi kết thúc đột ngột. Ông Trưởng phòng đổ lỗi cho những người nông dân có cái nhìn thiển cận, chỉ thấy mất đi cái trước mắt nhỏ nhoi như cây đa, giếng nước, mái đình… mà không trông tới cai tương lại rực rỡ của một huyện trọng điểm lúa, nhất định không rời nhà thậm chí còn kiện lên cả tỉnh, cả trung ương làm mấy ông này phải ra lệnh tạm thời đình chỉ thực hiện chủ trương của cấp huyện. Ông càu nhàu :
- Mất công sức cả tháng trời chẳng ăn cái gì.
- Thủ trưởng cứ làm cho xong dứt chuyên đề đi, nay mai thế nào cũng có một ông huyện nổi hứng lên thực hiện lại chủ trương “ đưa nhà lên đồi” nhất định phải tới xin chuyên đề của thủ trưởng.
Ông trưởng phòng không chịu nghe tôi “ xúi dại”, kiên quyết dẹp hết mọi tài liệu, đồ án thiết kế dính dáng đến “ nhà trên đồi”, ba ngày liền ngồi lì ở bàn, cắm cúi đọc một cuốn gì đó dày cộm không hé răng nói nửa lời.
Suốt mấy ngày đó, phòng tôi lặng ngắt như tờ, đi lại, kéo ghế cũng phải khe khẽ, anh nào anh nấy có mặt từ đầu giờ, ngồi chốt trước bàn cho tới kẻng hết giờ mới chịu thôi. Phàm ai đã làm việc ở phòng tôi vài năm nay đều hiểu rõ cứ mỗi khi thủ trưởng ngồi lì nghiên cứu tài liệu là y như rằng sắp xảy ra một sự kiện trọng đại : dự kiến tăng lương tăng bậc, xét người đưa vào diện dôi ra đề nghị lên trên cắt giảm biên chế, lập danh sách những ai sẽ phải xuống tăng cường cho cở sở phục vụ sản xuất…
Thế là mấy chục con tim cứ nảy thon thót, rà soát lại xem thời gian qua có điều gì thất thố với thủ trưởng kiểu như nói năng phạm thượng, tết nhất tới thăm tay không hoặc trong năm quên mất ngày giỗ bố thủ trưởng… Có anh lo phát ốm vì nhớ ra ngày ấy tháng ấy đang ngồi gác chân lên bàn, thủ trưởng vào bất ngờ cứ ngồi tỉnh bơ để ông phải nhắc nhở, có anh quá sốt sắng về giục vợ ra ngay mậu dịch mua nửa cân len Mộc Châu mang đến tận nhà biếu thủ trưởng phu nhân.
Thế là dưới căng tin cơ quan, câu chuyện cửa miệng của anh em phòng tôi chỉ xoay quanh mỗi việc đoán coi ông trưởng phòng đang nghiên cứu chuyên đề gì ? Tăng lương tăng bậc chưa đến kỳ hạn, xét đi nghiên cứu sinh cũng chẳng phải vì các phòng khác vẫn im re, chiến tranh biên giới đã lụi đi, không lẽ trên còn bắt tăng cường lên đó ?
Chịu, các chuyên gia “ đoán mò” giỏi nhất phòng chạy như đèn cù giữa phòng Giám đốc, Đảng uỷ, Công đoàn, phòng tổ chức, lao động tiền lương… cũng chịu không sao biết được đằng sau cái vầng trán hói, cau lại suốt ngày của ông Trưởng phòng kia đang nghĩ ngợi chuyện gì.
Mãi tới sáng ngày thứ tư, toàn phòng mới được lệnh tham dự cuộc họp mà “ bất kỳ ai và bất kỳ lý do gì đều không được vắng mặt”. Buổi sáng  hôm đó khi ông Trưởng phòng vừa bước vào mọi người đều đã có mặt. Lo lắng cho số phân của mình, có anh bỏ mặc vợ đang đau đẻ trong bệnh viện, có anh đang cơn sốt rét tái phát khoác áo bông sù sụ… tất cả đều dẹp bỏ hết mọi sự đời riêng tây nín thở nhìn ông Trưởng phòng kéo ghế ngồi, đưa mắt kiểm diện khắp bốn xung quanh, rút kính, mở sổ ra và cất giọng e hèm :
- Các đồng chí… đủ cả chưa ? Hôm nay ta họp toàn phòng vừa sơ kết đợt phục vụ chiến dịch vừa qua, vừa bàn phương hướng công tác mới mà trọng tâm là “ dũng cảm, ngoan cường,thông minh, sáng tạo” hăng hái tiến quân vào khoa học kỹ thuật thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua mà Đảng uỷ, Ban Giám đốc, Công đoàn và đoàn thanh niên vừa phát động…
Ông nói như  bắn súng liên thanh, tôi giỏng tai nghe, cố chắt lọc lấy những lời lẽ nôm na để hiểu cho được sự thực ông muốn nói cái gì. Cuối cùng tôi cũng vỡ nhẽ ra rằng cho dù bài nói của ông vòng vo những hơn một tiếng đồng hồ, tóm lại một điều là công trình nghiên cứu “ nhà trên đồi” xếp xó rồi và phòng ta muốn có cớ để mà lĩnh lương thì phải lao vào một đề tài mới. Nhấp chén nước cho ngọt giọng, mở ngăn kéo lấy ra cuốn sách dày nghiên cứu suốt ba ngày qua, ông Trưởng phòng cất giọng trịnh trọng :
- Thưa các đồng chí, chính vì vậy tôi đã bỏ thời gian ra nghiên cứu và đề xuất một chuyên đề mới đặt tên theo bí số là VLDK1 và VLDK2.
Cả phòng ồ lên khoan khoái, rõ thần hồn nhát thần tính, cắt giảm biên chế, tăng cường biên giới… đâu ra những chuyện đó, đấy, cứ hay lo hão lo huyền thế rồi có ngày chết vì đau tim. Tôi đưa mắt nhìn quanh, ai cũng hớn hở, mừng rỡ, có phần đầy tự tin nữa. Ông Trưởng phòng phải la hét mãi mới lập lại được trật tự để giảng giải về chuyên đề của ông :
- Trong đời sống hàng ngày, trong sản xuất công nghiệp, trong xây dựng vận tải, trong bất kỳ ngành kinh tế quốc dân nào, ở đâu người ta cũng gặp một bài toán nan giải là liên kết vật thể A với vật thể B…
Tôi nghe ù cả tai mới hiểu được rằng bằng ngần ấy ngôn từ, ông Trưởng phòng chỉ nhằm đạt tới trình bày một khái niệm nói một cách nôm na là: dán, chẳng hạn như dán nhãn hiệu lên chai rượu, dán tem lên phong bì, mở rộng ra, dán kim loại lên kim loại, kim loại lên gỗ, chất dẻo… tóm lại người ta có thể dán các thanh sắt với nhau thành cả một chiếc cầu không cần tán đinh rivê cổ lỗ. Thế còn các bí số VLDK1,VLDK2 ghê gớm kia, sau cùng tôi cũng hiểu ra rằng cái khái niệm “ vật liệu dính kết” ông Trưởng phòng đang trình bày bằng một cơn lốc từ ngữ kia, chính là … keo dán, loại I dùng trong dân dụng và loại II trong công nghiệp.
Và rồi cũng tới lúc ông kết luận :
- Để góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, để tiết kiệm ngoại tệ khi phải nhập vật liệu dính kết của nước ngoài, để thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua mới phát động, được sự chấp thuận của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Viện, từ nay phòng ta chính thức bước vào đợt nghiên cứu sản xuất VLDKI và VLDKII, toàn thể các đồng chí phải toàn tâm toàn ý, tập trung vào nhiệm vụ mới, hoàn thành bất kỳ công việc nào được phòng giao cho…
Ông chống hai tay xuống bàn, ngước lên nhìn trần, chờ đợi tiếng vỗ tay nổ ra, quên biến mất rằng ông đang họp phòng chứ không phải diễn đàn. Ong Công đoàn nhận ra sự khiếm khuyết đó trước tiên và bổ túc bằng một tràng pháo tay mà chỉ được lộp bộp hưởng ứng bằng các ông trong bộ tứ. Ong Trưởng phòng giơ giơ hai  cánh tay kiểu như ngăn lại cả một cơn bão vỗ tay ngoài hội trường lớn rồi khi đã trở lại im phăng phắc, ông cao giọng đọc mục phân công cụ thể, trong đó phần của tôi vẫn là sục vào đủ các thứ thư viện, kho lưu trữ tìm cho thật nhiều tài liệu dính dáng đến mọi thứ “ keo dán” có ở trên trái đất.
Công việc này quả thực rất thuận tiện với tôi, bởi lẽ nó cho phép tôi chở các thùng bia lậu đi bỏ mối ở những nơi Trịnh và họa sĩ Ngời đã móc nối. Hoá ra làm cái việc bữa trước tôi hô hào “ xuống đường kiếm sống” này cũng chẳng lấy gì làm ghê gớm. Kể ra thoạt đầu cũng có hơi “ mặc cảm” khi một con mẹ mập ú ở quán bia “ Thuý Nga” mắng xơi xơi tội tới chậm để khách phải chờ bia, dọa sẽ cắt mối nếu còn tái phạm, hoặc đang lọc cọc chiếc xe đạp được gõ nhịp bởi những chai bia va nhau, vút qua mặt chiếc CUB bóng loáng, chở đôi cô cậu ôm eo ếch và quẳng lại những lời lẽ rất… văn hoa, đ.m. thằng nhà quê, mù mắt hay sao suýt va vào người ta…
Tôi cố nuốt đi mọi thứ, tự an ủi rằng phàm những thằng không có tiền thường hay bị chửi là đúng rồi, cả làng đều thế đâu có riêng tôi. Ấy thế rồi chẳng mấy chốc tôi đã thạo nghề, nắm vũng quán nào sắp hết, quán nào đang còn để kịp thời chở bia tới, thông thuộc giờ giấc của các chốt gác cảnh sát và phòng thuế lúc nào chở, đi lối nào khỏi bị tóm cổ.
Cơ sở bia lậu của bọn tôi mỗi ngày một phát đạt, nhưng với kinh nghiệm của tay tổ, họa sĩ Ngời kiên quyết không cho chúng tôi tăng “sản phẩm” theo đúng quy luật mở rộng sản xuất. Chàng nói rằng làm ăn ở xứ ta cần phải nhớ chẳng có cái quy luật nào hết, nay cởi mai thắt, nên cứ phải cơ động, gọn nhẹ, đánh quả nào chắc quả ấy.
Quả thực trong những lúc làm  ăn, chàng hoạ sĩ đã biến dạng thành một ông chủ sòng phẳng, quyết đoán, liều lĩnh, năng nổ ngược hẳn với con người trầm tư, “ đại trí, đại giác” trong phòng tranh gác xép của chàng. Nếu hiện tượng “ song trùng nhân cách” là có thực, hẳn chàng họa sĩ phải là một dẫn chứng tiêu biểu. Chàng có đến cả chục lò bia lậu mà ở phòng tôi chỉ là một chiếc nhỏ nhất. Tuy thế nó cũng giúp tôi tháng được thêm gấp ba lần lương kỹ sư, tôi đã có tiền để đong đầy thạp gạo nhà ông bà Đ., thỉnh thoảng tới với nàng trong tay đã có hộp sữa, chục cam, nải chuối, hứng lên có thể ghé quán “ nghệ sĩ” khỏi cần năn nỉ bà Dậu cho ghi sổ.
Riêng Trịnh đổi đời trông thấy, hắn thôi không báo cơm tập thể nữa, hàng ngày chễm chệ ngồi quán cơm bình dân, ăn xong còn gói về khi thì mớ lòng lợn, khi thì cái đùi gà “ bồi dưỡng ca đêm” lúc cho bia vào chai, đóng nút. Cuộc đời rất có thể cứ thế tà tà lên hương nếu “ thiên mệnh” không giáng xuống đầu tôi một vố sa sẩm mặt mày khiến tôi càng tin rằng họa phúc ở đời chẳng khác gì biểu đồ hình sin hồi còn học phổ thông ta vẫn nắn nót vẽ trong vở học trò.

                                 (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét