Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

HÀ NỘI...HỒI ẤY (32)


                 Hà nội…”hồi ấy “ (32)

 
                    (tiếp theo)
 Một hôm đến cơ quan, tôi được ông Trưởng phòng đưa cho cái phong bì với nụ cười ý nhị :
- Cậu có cái thiệp mời đám cưới.
 Tôi biết ngay của ai tỉnh bơ đút túi :
- Cảm ơn thủ trưởng.
- Cô Cẩm Lai đi lấy chồng phải không ?
- Tôi chắc thế.
- Cậu đi dự chứ ?
 Tôi ngạc nhiên về sự quá quan tâm của ông Trưởng phòng, tôi không tin ông có ác ý đào sâu “ nỗi đau” của tôi, chắc ông nhằm tới cái khác. Quả nhiên, cuối giờ, khi mọi người đã về hết, ông giữ tôi lại :
- Lâu nay cậu còn gặp cô Cẩm Lai không ?
 Tôi giấu biến chuyện nàng vào trại giam thăm tôi và trả lời ông rằng tuyệt đối không. Ông có vẻ suy nghĩ rồi đắn đo :
- Tuy thế cô ấy vẫn nhớ cậu mới gửi thiệp mời chứ. Đám cưới lớn lắm, khách mời toàn cỡ Vụ trưởng trở lên cả, riêng đồng chí Viện trưởng ta sao tới giờ vẫn chưa nhận được thiệp.
 Tôi trố mắt :
- Vậy thì đã làm sao.
 Ông Trưởng phòng bỏ qua cho tôi cái “ ngây thơ chính trị”, không thèm trả lời nói thẳng :
- Nếu cậu gặp được cô Cẩm Lai nhờ cô nhắc hộ với ông cụ một tiếng thì công cậu đợt này lớn lắm đấy.
 Tôi đặt giá :
- Một bậc lương lên ngay trong tháng tới, chịu không ?
  Ông Trửơng phòng trợn tròn cả mắt về cái sự táo tợn bất ngờ của cấp dưới vốn dĩ vẫn răm rắp nghe ông.
- Cậu nói đùa đấy chứ ?
- Tôi không có đùa, nghe nói sắp sáp nhập Bộ , các cơ quan Cục Vụ Viện dôi ra dữ lắm.
 Ông Trưởng phòng ghé sát mặt tôi như thể coi lại có đúng là tôi hay không :
- Cậu dám đặt điều kiện với đồng chí Viện trưởng hả ?
 Tôi đứng ngay dậy, lẳng lặng bước khỏi phòng làm ông cuống lên chạy theo, lôi tay lại :
- Cậu nóng thế ? Có gì ta bàn với nhau cho thật thông suốt đi đã.
 Tôi nói với giọng con buôn ngã giá :
- Quyết định tăng lương và thiệp mời cùng giao tay đôi ngay trước ngày cưới.
 Tôi khoái chí nhìn mặt ông Trưởng phòng đuỗn ra như mặt ngựa, tôi biết ông đang nhá phải trái ớt, cay lắm mà không dám nhè ra, cái thói quen ra lệnh cho cấp dứơi và cấp dưới chỉ biết nhắm mắt vâng theo đã ăn vào máu ông rồi, làm gì có chuyện nhân viên đòi thỏa thuận với thủ trưởng. Nếu trên ông không có Viện trưởng đang cần một cái thiệp mời hẳn ông đã nhảy lên bóp cổ tôi rồi, sự đời rõ oái oăm vậy, ông đành xuống nước :
- Thôi được, tôi chấp nhận. Tôi sẽ bàn với đồng chí Viện trưởng thảo ngay quyết định tăng lương cho cậu.
 Ông nhìn tôi chòng chọc như đợi tôi nói gì, nhưng tôi chẳng nói gì, cứ lẳng lặng bước đi. Ra tới cổng, chạm trán với chiếc Vonga bóng lộn trên đó ông Viện trưởng chễm chệ ngồi, loé lên cặp kính gọng vàng, tôi muốn phá ra cười. Hoá ra được ngồi xe con như ông cũng chẳng vui thú gì, lo lắng lắm thứ quá, lo đến cả đám cưới con gái cấp trên liệu mình có được mời hay không. Tôi chẳng áy náy đã bắt chẹt các ông, tiền Nhà nước chứ chẳng ông nào phải móc túi ra, tôi chỉ phân vân một bậc lương có bõ dính dấp với mấy ông đó chăng ? Tôi đạp xe tới nhà nàng “ ngựa vía”, hỏi ý kiến Trịnh hắn la lên :
- Chớ, mày chớ có dính vào, xong việc rồi tụi nó trù mày chết.
- Nhưng hai bên cùng thoả thuận, tao có ép các ông ấy đâu.
- Sao mày ngu thế ? Cấp dưới chỉ có phục tùng cấp trên thôi, làm gì có chuyện ra điều kiện.
 Tôi nói bừa :
- Mặc kệ, hẵng cứ biết lên được bậc lương thêm ít tiền còm cái đã, lúc nào bị trù hẵng hay.
 Trịnh giữ tôi lại ăn cơm nhân dịp… vợ vắng nhà. Hắn khoe tôi nhờ có chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước, vợ hắn đã khai trương được một quán cà phê nho nhỏ trong hẻm, bận bịu suốt từ sáng sớm đến khuya, riêng hắn ngày ngày có nhiệm vụ trọng đại là nấu hai bữa cơm mang cho vợ, tối nào đông khách quá ngồi giúp vợ ghi sổ, đếm tiền. Tôi há miệng :
- Thế còn công việc ở bệnh viện ?
- Nghỉ rồi, tao nghỉ dài hạn ăn bảy nhăm phần trăm lương.
 Hắn cười khoái chí :
- Mày đừng tưởng chỉ có kỹ sư với công nhân mới dôi ra, bác sĩ cũng thừa khối, còn đông hơn cả… bệnh nhân nữa kia.
 Tôi chúc mừng hắn trong cái cơn hồng thuỷ kia hắn đã may mắn vớ được nàng “ngựa vía” làm phao cứu sinh, hắn gật rối rít :
- Đúng, đúng, mày nói rất đúng… các cụ ta cũng nói “ lấy đĩ về làm vợ” cũng rất đúng. Này lạ lắm mày ạ, có ai ngờ nàng đúng là một bậc… hiền thê.
 Tôi phải cáo lui để phải khỏi nghe cài bài ca gia đình của hắn tôi đã được nghe tới thuộc lòng, ấy thế rồi khi tiễn tôi ra cửa, hắn bỗng thở dài :
- Mẹ kiếp, loạn âm loạn dương, lộn tùng phèo hết cả rồi.
 Mặt hắn nom ảo não hẳn, tôi đạp vội xe đi tránh cái nhìn trừng trừng như thể chính tôi là thủ phạm đã đẩy hắn vào cái cảnh ngộ hắn đang chịu đựng kia. Tôi sắp sửa mủi lòng thương, bỗng dưng tôi nhớ ra rằng hắn còn hơn tôi, còn hơn chán vạn kẻ khác, còn có mái ngói trên đầu, còn có hai bữa cơm vợ nuôi khỏi lo chạy gạo, và rồi tôi bỗng nổi cáu về sự thờ ơ của hắn đối với tôi. Quả thực từ ngày sa vào chĩnh gạo nàng “ ngựa vía”, hắn thôi không bàn bạc hỏi han đến cái vụ bia lậu kia nữa, từ nay tôi tự xoay sở lấy. Thôi không chần chừ nữa, tôi hùng dũng đạp xe thẳng đến nhà nàng Ánh Tuyết mà từ hồi nàng lấy chồng cho tới khi chồng chết, tôi chưa hề ghé đến. Trái với dự đoán, nàng không buồn bã, ủ ê như tôi tưởng, ngược lại nàng có phần béo ra, xinh đẹp hẳn lên trong chiếc váy ngủ mỏng mà thời yêu tôi chưa bao giờ nàng mặc. Nàng tiếp tôi với thái độ vừa phải, không lạnh nhạt cũng chẳng ra ân cần, cứ như nàng chờ xem tôi tới nhằm mục đích gì ? Tôi mở đầu lửng lơ :
- Lẽ ra anh phải tới chia buồn với em từ lâu rồi.
 Nàng gạt phắt :
- Thôi anh đừng nhắc tới chuyện đó, em chẳng đớn đau sầu não lắm đâu, em coi đó là một sự giải thoát.
 Tôi trố mắt nhìn nàng kiểu như ông Trưởng phòng mới nhìn tôi sáng nay, ngày xưa nàng có táo tợn đến thế đâu ? Tôi lúng túng tránh cái nhìn soi mói của nàng bằng đưa mắt ngó quanh căn buồng trống trơn chơ vơ mỗi bộ bàn ghế gỗ tạp và cái giường một trải chiếu. Nàng cười nhạt :
- Đồ đạc bố em bán hết rồi. Vậy mà vẫn đang còn phải trốn nợ đấy…
 Tôi hiểu ra :
- Ông ấy vẫn chưa chừa được cái máu đỏ đen ?
- Có xuống mồ mới may ra… bây giờ chiều nào cũng đánh số đề, cứ đợi em đi vắng mới dám khuân đồ đi bán. Biết thế này hồi đó khỏi chạy chọt, cứ để ông ấy rũ xương trong tù lại hoá hay.
 Vẻ giận hờn trên gương mặt rất trẻ con của nàng Ánh Tuyết ngày xưa thoắt trở lại làm tôi thấy bồi hồi, nàng không còn xoá bỏ những kỷ niệm kiểu như xé hai chiếc vé tàu sau chuyến thăm nuôi cha, vứt theo gió “ cho nó biệt tăm tích” nữa, nàng nhắc lại những ngày hai đứa chở nhau đi dự phiên toà, khi ông đại tá bị tuyên án năm năm nàng đã oà lên khóc, tôi phải đỡ nàng ra hành lang gặp cha, những ngày mưa gió khoác chiếc balô thực phẩm trèo rừng tới tận nơi giam giữ… Quả thực những ân tình xưa tưởng đã chết khi nàng bỏ tôi theo chàng kỹ sư du học nước ngoài hoá ra vẫn còn sống dai dẳng trong ký ức nàng, và lúc này chúng được nàng nhắc lại với giọng hân hoan pha chút ngậm ngùi. Sau cùng nàng nhìn tôi giận dỗi :
- Cái lúc đó cứ nghĩ tới anh, em lại thấy xót xa. Mà cũng tại anh nữa cơ, giữa lúc em đang bị cám dỗ mê hoặc thì anh mất tăm luôn, lẽ ra dù em có đuổi thì anh cũng vẫn phải tới để can ngăn, giành giật lại em chứ. Tại anh tự ái bỏ đi luôn mới ra thế…
 Càng nói nàng càng oán trách tôi như thể chính tôi có lỗi trong việc nàng bỏ tôi đi lấy chồng, rồi cơn giận mỗi lúc làm nàng thêm cáu kỉnh, nàng đẩy tôi ra giận dỗi :
- Anh tệ với em thế còn tới đây làm gì ?
 Tôi thực thà :
- Anh có chút việc muốn nhờ em tới gặp Cẩm Lai…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét