Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

HÀNỘI ... "HỒI ẤY" (31)

              Hà nội…”hồi ấy “ (31)
  
  
                    (tiếp theo)

Hắn gật đầu ra vẻ bằng lòng, thế rồi khi chúng tôi cùng ngồi bệt xuống đất, đối mặt nhau, cùng giơ lên chén rượu, từ ngoài cửa sổ gió chợt đưa vào mùi pháo lậu mỗi lúc một nồng nặc. Hoạ sĩ Ngời giơ chén rượu trỏ lên không, đưa mắt nhìn tôi :
- Nó đấy phải không ?
- Nó đấy…
 Hắn nhăn mặt, chẳng nói gì, dốc chén rượu vào miệng. Tôi  cũng bắt chước hắn cứ ngồi im như con cóc cụ uống hết chén này tới chén khác. Uống rượu “vô ngôn” vậy lại hoá hay, thưởng thức được cái vị cay cay đằm thắm, tạo cho ta cảm giác thực sự ta đang uống rượu chứ chẳng phải nhậu nhẹt, trong đó dường như giác quan đã tê liệt, còn lại mỗi sự bốc đồng.
 Tối hôm sau, Tôi và Ngời lại ngễu ngện ngồi xích lô chở bức tranh tới nhà ông bà Đ. May quá, nhờ chàng hoạ sĩ quen biết trên Sở điện nên đường dây nhà ông được nối lại tức khắc. Ông bà Đ. được tôi cho biết trước đã chờ ngay ngoài cửa, nồng nhiệt đón chào chàng họa sĩ và khiêng ngay bức tranh vào phòng con gái. Tôi bật đèn giữa, kéo chàng họa sĩ đến bên giường, xúc động líu cả lưỡi :
- Giới thiệu với anh đây là vợ chưa cưới của tôi…
 Gương mặt nàng như rạng lên trong giấc ngủ, đôi mi hơi động đậy, miệng thoang  thoáng như mỉm cười. Hoạ sĩ Ngời không nói gì , lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người con gái trong trắng như nàng công chúa ngủ trong rừng, hắn cứ đứng mãi, đứng mãi như thể đầy sững sờ và trang nghiêm khiến tôi phải sờ vào ngừơi hắn:
- Thế nào, ta bắt đầu chứ ?
- Cô ấy cứ ngủ suốt ngày như thế này ư ?
- Như thế đấy và chỉ ánh trăng mới làm nàng tỉnh dậy được.
-  Nhưng phải là ánh trăng thực cơ, còn cái này chưa biết sao ?
      Tôi chỉ vào bức tranh lúc này đã được dựng sát giường để nàng có thể nhìn thấy ngay lúc mở mắt. Hoạ sĩ Ngời lẩm bẩm :
- Chắc là được, nghệ thuật còn cao hơn cả thiên nhiên ấy chứ. Lêvitan chẳng hạn…
 Tôi nhói lên hy vọng, phải chăng nghệ thuật sẽ chiến thắng ở nơi y học đã chào thua,tôi cung kính nhìn nhà họa sĩ như một nhà cứu tinh trời ban xuống giúp :
- Anh cho bắt đầu nhé, sắp tới giờ nàng hé mắt tìm ánh trăng.
 Nghiêm trang như một nhà pháp sư, chàng họa sĩ lặng lẽ gật đầu, lập tức tôi tắt đèn giữa và bật ngọn đèn sau lỗ khoét tròn trên bức tranh được che giấy bóng mờ. Tôi đã được xem Trịnh trình diễn ở phòng tôi, nhưng tối nay, sự chờ đợi thành kính pha chút thần bí lấp đầy phòng nàng càng làm bức tranh toả ra một thứ ánh sáng huyền ảo không khác gì trăng thật khiến tôi trầm trồ thán phục tính cách ma thuật của hội họa.
Tuy thế Ngời vẫn chưa hài lòng, con mắt họa sĩ của hắn chắc còn nhạy hơn máy đo ánh sáng, nên bắt tôi thay tới ba tờ giấy bóng mờ, xê đi xích lại bức tranh làm tôi mệt bở hơi tai hắn mới xoa tay tỏ ý tạm được. Sắp tới giờ mọi tối nàng vẫn hé mắt, bà Đ. đã sửa soạn cho con gái cốc sữa nóng , tôi lo ngay ngáy điện bị cúp, ông Đ. cũng chạy ra chạy vào, riêng có họa sĩ Ngời vẫn đứng lặng  cuối giường, đăm đăm nhìn nàng như chờ đợi phép màu sắp xảy tới do chính đôi bàn tay hắn. Sau cùng đôi mi nàng động đậy, mắt dần dần mở to, nàng ngồi nhỏm dậy. Tôi muốn reo to lên, lao tới gọi nàng  nhưng bị đôi tay của Ngời giữ chặt, cả bà Đ. nữa, cũng bị hắn ngăn lại. Cả bốn chúng tôi nín thở nhìn nàng đang dán chặt đôi mắt vào ông trăng mà lúc này chính tôi cũng quên khuấy mất nó là của giả. Thế rồi trớ trêu thay, chính nàng dường như nhắc tôi điều đó bằng cách từ từ nhắm mắt lại và ngả người nằm xuống giường, mặc cho tôi và ông bà Đ. tha hồ lay gọi, nàng vẫn thiếp đi trong giấc ngủ triền miên cứ như nàng đã đi xa lắm rồi chỉ để phần xác lại nơi trần thế.
- Tuyệt đẹp…
 Chàng họa sĩ trầm trồ, đôi mắt vẫn không rời gương mặt nàng khi tôi kéo hắn ra khỏi phòng. Thất bại rồi, tôi thầm kêu lên đau đớn, và lạ thay lúc này nhìn lại bức tranh ánh trăng kia tôi thấy đúng là …của giả, chẳng khác gì cảnh trí trên sân khấu cải lương. Không, ngay đến chiếc lá của ông Ó Henry chắc cũng vậy thôi, chẳng có thứ nghệ  thuật nào đánh lừa nổi con người một khi sắp sửa từ bỏ cỡi đời.
 Ông bà Đ. chờ ở phòng ngoài, bà than thở không kịp cho con gái uống cốc sữa nóng, ông thất vọng về thử nghiệm vừa qua, càng tin vào sự trừng phạt “ ác giả ác báo” ông đã gây ra ngày trước, cam chịu bất hạnh trong dáng ngồi thiểu não làm tôi nao lòng. Tôi khuyên giải ông chớ nên rầu rĩ nghĩ ngợi quá kẻo ốm, cố chờ tuần trăng tới, nhất định ánh trăng thiệt sẽ làm nàng tỉnh lại, khoẻ khắn như xưa.
- Nếu nó có mệnh hệ nào, ông nói nhỏ vào tai tôi, tôi sẽ chặt đi cái bàn tay tôi đã dùng tát nó…
 Tôi rùng mình trước quyết tâm ghê rợn của ông, ở địa vị ông chắc tôi sẽ chọn biện pháp ít máu me hơn, êm ái hơn, một liều thuốc ngủ, hoặc một sợi dây thừng chẳng hạn. Nỗi oán hờn số phận của ông lan sang cả tôi khiến trên đường ôm bức tranh ngất nghểu trên xích lô trở về tôi vọt miệng nói với chàng họa sĩ rằng rốt cuộc nghệ thuật cũng đéo là cái gì, đến làm một đêm trăng giả cũng không xong. Chàng họa sĩ mải nghĩ đâu đâu cũng phải bật cười :
- Trong trường hợp này đến ông Michel Ange tái thế cũng chẳng cứu nổi nàng.
- Vậy theo ông nàng mắc cái bệnh gì ?
- Chịu, tớ không phải thầy thuốc, nhưng càng nhìn nàng tớ càng cảm thấy một vẻ đẹp… phi trần thế, vẻ đẹp của thần tiên, của một… nhân loại khác bên ngoài hành tinh chúng ta.
 Tôi giật thót nhớ tới câu chuyện viễn tưởng với nàng đêm trăng nào, không lẽ con tàu vũ trụ ấy đã từ cõi khác đón nàng đi và để lại phần xác của nàng cho tôi rồi chăng ? Chàng họa sĩ lại còn tưởng tượng xa hơn cả tôi, chàng phân tích rằng nếu trong người tôi đang có một quá trình biến hoá thành con bọ hung thì nàng cũng vậy, cũng đang diễn ra một hiện tượng tương tự nhưng theo chiều ngược lại, tức là nàng cũng đã biến dạng, nhưng mà thành tiên thành phật, và thế là tôi và nàng mỗi ngày một xa nhau trên con đường tiến hoá.
- Cục cứt, tôi nổi cáu, lý luận của mày không ngửi được, con người ta chẳng phải cái đồng hồ cho mày tháo lắp ra từng cái bánh răng cái đinh ốc được. Tao không tin vào cái lý thuyết tiến hoá ngược ấy, nàng vẫn là người và tao cũng vẫn là người trăm phần trăm… Mai kia nàng khỏi bệnh tao sẽ cưới nàng, sẽ sinh con đẻ cái chẳng kém gì vợ chồng thằng ăn trộm cứt… Mày có biết không, cái thằng cha ấy nó đẻ những sáu đứa cơ đấy, đứa nào cũng đủ chân đủ tay, trăm phần trăm là người cả…
 Họa sĩ Ngời không thèm chấp những lời lẽ cáu kỉnh của tôi, cứ tỉnh bơ như không nghe thấy, vẫn tiếp tục ba hoa về những điều kỳ diệu hắn phát hiện được ở nàng .
- Tớ phải vẽ nàng, hắn kêu lên, vẽ nàng như một mẫu hình lý tưởng cho một nhân loại tương lai.
 Tôi tưởng hắn bốc lên nói vậy, không ngờ sáng hôm sau, ngay từ sớm hắn đã mang “ đồ nghề” tới nhà nàng, căng vải lên khung, bày ra đủ các thứ ống màu cây cọ và từ lúc đó hầu như suốt ngày hắn ở lì trong phòng ngắm ngắm vẽ vẽ trong lúc nàng vẫn chìm đắm trong giấc ngủ kỳ bí. Thất bại vừa qua làm tôi hết tin vào cả họa sĩ lẫn hội họa, tôi thây kệ hắn với những cảm xúc nghệ thuật, ngày ngày tôi ghé tới chẳng qua để ngắm nàng mà thôi và tôi chỉ còn trông chờ vào tuần trăng tới.

                (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét