Hà nội…”hồi ấy “ (30)
(tiếp theo)
Trịnh lên giọng an ủi:
- Yên chí đi, ngày xưa ông Ó Henry viết một chuyện đại khái là có một con bệnh suốt ngày nằm trên giường ngắm chiếc lá ngoài vườn cứ đinh ninh rằng mình sẽ chết khi chiếc lá kia rụng xuống. Ngày này qua tháng khác con bệnh kia chờ chiếc lá mãi vẫn chưa rụng đâm ra khỏi bệnh. Hoá ra có một tay họa sĩ vẽ một chiếc lá rởm thay chiếc kia và làm nó thành bất tử. Cái ánh trăng rởm của thằng Ngời này rồi cũng cứu được người yêu của cậu giống như chiếc lá rởm của Ó Henry kia thôi.
Ý kiến hắn làm tôi chứa chan hy vọng, khăng khăng đòi tiến hành thí nghiệm ngay làm Trịnh đành phải bỏ dở chai rượu chạy đi gọi xích lô cho tôi chở tranh đến nhà nàng. Thế là trong đêm vắng, Trịnh và Ngời đạp xe đi trước dọn đường, tôi ngồi xe ôm bức tranh khổng lồ đi sau nom chẳng khác gì đám rước cô hồn, lặng lẽ. Càng gần nhà nàng tôi càng hồi hộp, biết đâu cái “ ánh trăng rởm” này lại chẳng làm nàng thức dậy và giống như đêm trăng tháng trước nàng lại âu yếm nhìn tôi với đôi mắt hồi sinh tuyệt vời, tôi sẽ lại ôm nàng trong tay, để nàng ngả đầu vào vai và hai đứa lại đứng mãi như vậy trong một giao cảm thần thánh. Nhưng mọi tưởng tượng chợt tắt ngấm khi chiếc xích lô ghé cửa nhà nàng, cả phố bất chợt mất điện chẳng hiểu do chập dây hay thằng thợ chết tiệt nào đó cắt cầu dao ?
Trịnh ghé xe, ngồi bệt xuống vỉa hè ngao ngán :
- Tối như hũ nút thế này diễn trò ánh trăng sao được ?
- Chờ tí đi, có điện ngay ấy mà.
Tôi an ủi hắn nhưng trong bụng vẫn hoang mang chẳng biết đến thủa nào thằng “điên nặng”mới đoái hoài tới thí nghiệm có một không hai của chúng tôi. Trịnh vẫn cằn nhằn:
- Biết thế này cứ ngồi nhà làm nốt chai rượu lại chả hơn. Mẹ kiếp, sao thằng Ngời không mang sơn bút đi vẽ ngay một cái máy phát điện…
May quá, như có phép thần, khi Trịnh vừa nói, cả dãy phố đèn đóm bỗng sáng bừng cả lên chỉ riêng có mỗi nhà ông bà Đ. vẫn tối om om, im phăng phắc. Thôi chết rồi, tôi bỗng nhớ ra cả ba tháng nay ông Đ. không trả tiền điện nên thợ đến cúp từ cả tuần nay. Tôi đành giải thích cho hai thằng kia biết và lếch thếch kéo nhau trở về, không dám gọi cửa phiền ông bà Đ. vô ích. Vừa gần tới nhà, tôi đã thấy một người đứng đợi ngoài hè và bác sĩ Trịnh bỗng đạp vống lên. Chao ơi, cứ nhìn cái cách hắn lăng xe đổ kềnh trên đường, ôm ghì lấy nàng “ ngựa vía” miệng lắp bắp “ ối trời ơi, em đấy ư” cứ như đã xa nhau cả tháng trời mới biết những lời hắn ba hoa về hạnh phúc gia đình quả là có thực.
Tôi nghe hắn trình bày với vợ về việc dùng thời gian từ chặp tối tức là từ lúc nàng cho phép hắn ra khỏi nhà đến giờ, đi những đâu, gặp những ai, đã uống mấy chén chẳng khác gì ông cảnh sát hỏi cung tôi hồi nào thì mới biết cái giá hắn phải trả cho hạnh phúc hắn vẫn hãnh diện thật lớn biết chừng nào. Sau cùng hắn cũng làm nàng hiểu được sứ mạng cao cả trong việc chở bức tranh ánh trăng đi giúp tôi chữa trị người yêu đang lâm bệnh, bấy giờ nàng mới chịu vui vẻ bước vào nhà để nghe hắn trịnh trọng giới thiệu họa sĩ Ngời, xem tác phẩm mới nhất và theo tôi hiểu chính là để hắn “ giải quyết” nốt chai rượu dở dang. Nhưng tới chén thứ hai, hắn đã bị nàng “ ngựa vía” ngăn lại với vẻ quyền uy đầy ngọt ngào khiến hắn đóng vội nắp chai cất gậm giường, cười hì hì :
- Nhất vợ nhì… cấp trên ông ạ. Các ông cứ thử lấy vợ mà coi, đó là chân lý lớn nhất của mọi thời đại.
Nàng “ ngựa vía” sung sướng đỏ cả mặt, nhu mì như người vợ hiền chính hiệu, đảm đang như một bà chủ gia đình, cái còn sót lại ở nàng sau khi lấy chồng là vẻ rừng rực khiến tôi không thể nào không nhớ tới những bài học nhập tâm nàng dạy tôi trong chính căn phòng này. Tôi cứ xoá đi ám ảnh tội lỗi ấy bằng cách bảo nàng rằng phúc nhà thằng Trịnh còn lớn lắm nên trời mới run rủi cho hắn gặp nàng, rằng tôi rất bái phục nàng đã cảm hoá được hắn trở thành người chồng , người đàn ông tuyệt vời và nếu nàng còn giúp được hắn thực hiện được ước mơ một đời là mở một cái bệnh viện tư thì công lao nàng đáng đúc tượng. Vẻ sung sướng ngời ngời trên mặt, nàng “ ngựa vía” kêu to:
- Một cái bệnh viện tư ? Sao lại không , ấy thế mà anh Trịnh em chả hé răng nói với em lấy nửa câu.
Nàng quay sang Trịnh đang co rúm người ;
- Anh tệ thực, vợ chồng liền da liền thịt mà vẫn còn giấu em chuyện lớn thế, thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn huống hồ… một cái bệnh vịên. Sáng mai anh lo chạy thủ tục đi…
Trịnh nhìn tôi như muốn nuốt sống, chao ôi, tôi không thể nào mà không phá lên cười, may quá vừa lúc ấy nàng “ ngựa vía” đã đứng dậy lôi tay chồng xin phép ra về để còn “ pha cho anh ấy cốc nước cam uống rã rượu”. Khi còn lại có tôi với hoạ sĩ Ngời, tôi hỏi hắn, liệu nàng “ ngựa vía” có giúp được thằng Trịnh thực hiện được mơ ước mở bệnh viện tư không, hắn cười khảy :
- Hắn đánh mất cái đó rồi.
Tôi trố mắt :
- Mất ở đâu ?
- Ở khe đùi nàng “ ngựa vía” chứ đâu.
Tôi không sao cười theo hắn được, thằng cha họa sĩ này có con mắt cứ như hai cái mũi khoan xoáy vào ruột gan con người ta, tôi không thích tí nào, nhưng nghề nghiệp của hắn chắc phải vậy. Hắn nói đêm nay hắn ngủ lại phòng tôi để sem cái nguy cơ “ biến dạng thành bọ hung” ấy có thực không, dẫu rằng theo hắn, tính vật chất của môi trường đóng vai trò không đáng kể trong quá trình tập nhiễm và tha hoá.
- Nguy cơ là chỗ khác chứ không ở mùi cứt, mùi pháo lậu…
Hắn lên giọng triết lý với những ngôn từ tôi chỉ hiểu được cái vỏ âm thanh ù đặc cả hai bên tai. Không may, giữa lúc hắn đang mải mê với cơn cảm hứng nói năng, ngoài cửa sổ gã ăn trộm cứt lạch xạch đẩy xe qua mà vào giờ này tôi chắc hai cái xọt khổng lồ của gã chắc đã lưng lưng, dội thốc vào phòng tôi một mùi uế khí đậm đặc làm chàng họa sĩ đang há miệng phải ngậm chặt ngay lại, mặt mũi nhăn nhúm như vừa nhá phải trái ớt.
Tôi phá ra cười :
- Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi.
Hắn hắt xì hơi liền ba cái, ràn cả nước mắt, mãi mới ấp úng mấy câu tiếng tây chẳng hiểu gì, sau cùng buông tiếng thở dài :
- Mẹ kiếp, cái tổ dế của ông khủng khiếp thật.
- Chưa đâu, lát nữa còn được thưởng thức mùi pháo lậu nữa kia.
Hắn trố mắt :
- Lại còn thế nữa. Ông lo đúng đấy, ăn ở thế này chưa biến thành bọ hung thì là một sự lạ.
Suýt nữa tôi cởi áo cho hắn xem cái sơi lông quái ác lâu lâu tôi cắt đi, nó lại mọc dài ra biểu trưng cho đặc tính bọ hung mà tôi chắc đã có ở trong tôi, nhưng gã trộm cứt đã thập thò ngoài cửa sổ ra ý muốn hỏi han, nhờ cậy. Tôi mở cửa cho gã vào, khi nhận ra có khách lạ, gã hoảng sợ, luống cuống định quay ra. Tôi bảo gã đây là họa sĩ chứ không phải cảnh sát, khỏi lo, cứ ngồi yên chí uống nước. Gã lúng túng :
-Em nghe anh… bị bắt, nóng ruột quá không hiểu có làm sao không ? Mỗi khi đi làm qua cứ thấy cửa đóng im ỉm, mãi bữa nay mới nhìn thấy anh… em mừng quá…
Tôi đưa gã chén nước, nói lời cám ơn và giảng giải cho họa sĩ Ngời cái sự “ đi làm” của gã là như thế nào. Chàng họa sĩ quan sát gã quá chăm chú khiến lúc gã đi rồi tôi hỏi phải chăng định chọn gã làm người mẫu cho bức tranh sắp tới, Ngời bật cười :
- Không, tớ cần gì người mẫu. Tớ chỉ xem có dấu hiệu bọ hung nào trên người gã không, gã có nhiều nguy cơ hơn cậu chứ, tiếp xúc trực tiếp mà.
Tôi nhói lên hồi hộp :
- Ông có thấy gì không?
Không, chẳng thấy gì hết. Cậu có thấy không ?
- Ít nhất gã hơn tớ ở chỗ ngửi cứt vẫn còn thấy thối, còn tớ thì không và còn cái này nữa…
Tôi quyết định cởi áo chìa cho hắn xem sợi lông oan nghiệt, hắn xem xét, vuốt ve rất lâu rồi hạ một câu xanh rờn ;
- Một nửa con người cậu đã là bọ hung…
Tôi choáng người, nổi cáu :
- Nói láo, mấy thằng nghệ sĩ chúng mày bao giờ cũng thích phóng đại.
Hắn cười ghê rợn :
- Ấy thế mà không có bọn tao chắc nhân loại đã biến hết thành thú rồi.
- Điên, chúng mày là một lũ điên.
Tôi kêu lên và không muốn cãi nhau với một trong những thằng điên ấy, tôi lôi chai rượu gậm giường ra gạ hắn uống tiếp. Hắn tính nói gì nữa, nhưng tôi gạt phắt đi bảo hắn rằng từ nay không được đả động tới chuyện đó nữa.
- Kệ mẹ sự đời, tôi nói, tao có thành dơi thành chuột gì tao vẫn là tao, trước sau cũng về với đất.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét