Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

HÀ NỘI...HỒI ẤY (25)



           Hànội…”hồi ấy” (25)

    
                           (tiếp theo)

Vào một tối đã khuya , tôi và Trịnh đang hăng hái đóng nút những chai bia cuối cùng, chợt có tiếng đập cửa và tiếng đàn bà khe khẽ gọi Trịnh. Theo đúng quy trình, lập tức chúng tôi biến mọi thứ thành đồ dùng gia dụng, riêng có cái máy dập nút chai tống ngay xuống cống sau nhà, đậy nắp lên cẩn thận. Tiếng gọi mỗi lúc một tha thiết, tôi đành phải ra hiệu cho Trịnh mở cửa. Nhìn thấy mặt nàng “ ngựa vía” một linh cảm lo âu chạy dọc xương sống khiến tôi vã mồ hôi, thêm nữa nàng không chỉ có một mình, trên chiếc xích lô đậu bên kia đường nằm sõng sượt một người mà thoáng trông tôi đã nhận ra gã chồng nàng Ánh Tuyết.
- Các anh giúp em với, dìu hắn vào trong nhà, hắn say khướt rồi cứ nằng nặc đòi phải đưa hắn về nhà em.
Tôi chối phắt :
- Không đựơc, vợ hắn lại tới phá nhà tôi như lần trước.
-Anh đừng ngại, vợ hắn đi Sài Gòn cả tuần nay rồi.
- Vậy sao không đưa về nhà cô ?
Nàng “ ngựa vía” mắt long lên:
- Cho hắn về một lần, quen mùi hắn tới mãi, vợ hắn về dám thuê lưu manh tạt atxít lắm. Mẹ cái thằng này bám dai hơn cả đỉa đói.
Tuy nhiên gã chồng nàng Ánh Tuyết chưa hoàn toàn say khướt như tôi tưởng, gã vẫn nhận ra tôi, nhận ra căn phòng ngày trước suýt bị vợ tóm cổ và tai hại nhất là hắn khăng khăng đòi qua đêm với người hắn “ yêu quí nhất trên đời” và cứ bằng vào thái độ lì lợm của gã tôi hiểu rằng giờ có mang cần cẩu tới cũng chẳng trục nổi cái thằng cha trâng tráo kia. Nàng “ Ngựa vía”, người gây ra tình thế oái oăm này đã giở ra đủ lời ngon ngọt, hăm dọa cho xích lô trở về nhà gã nhưng chẳng làm sao lay chuyển nổi đành cầu cứu Trịnh :
- Hai anh giúp em, tạm sơ tán đêm nay, sáng mai tỉnh rượu em cho hắn một bài học.
Trịnh kéo tay tôi :
- Tình thế này đành phải giúp nó vậy, tao sẽ vào bệnh viện ngủ phòng làm việc, còn mày chịu khó tới ông bà Đ.
Sau này tôi sẽ phải hối tiếc về quyết định của mình nhưng lúc đó nhìn ra ngoài trời trăng sáng nhễ nhại, chợt nghĩ có thể được ngồi bên nàng như tối hôm nào bên bờ sông khi nàng còn tỉnh trí, tôi bằng lòng giao căn buồng cho nàng “ ngựa vía” một đêm để “ săn sóc” thằng chồng nàng Ánh Tuyết. Lúc này gã đang hau háu nhìn nàng như chỉ còn đợi chúng tôi ra khỏi phòng là gã ngấu nghiến.
- Bái bai, sáng mai quay lại nhé, tớ sẽ bồi dưỡng… bồi dưỡng các cậu…
Gã lắp bắp, giơ tay chào tôi, cố rặn ra trên gương mặt tái xanh của gã một nụ cười buồn thảm. Trịnh kéo tay tôi ra phố, thì thào :
- Thằng cha này xuống sắc quá rồi, không khéo em Ánh Tuyết của mày goá chồng  sớm vì cái con ngựa vía kia mất.
- Nói bậy, tại hắn quá chén đấy thôi. Mày nom nó to cao như thằng đánh bốc thế kia, chết sao được…
Tôi nói cứng để xoá đi một lo âu mơ hồ vừa thoáng qua nhưng rồi khi đạp xe dọc phố lúc này đang chìm ngợp trong ánh trăng huyền ảo, tôi quên đi hết mọi chuyện và chỉ còn nhớ tới nàng. Bà Đ. lật đật ra mở cửa và nhận ra tôi bà lo sợ:
- Có chuyện gì anh tới khuya quá vậy.
Tôi đành nói dối :
- Cháu có vợ chồng anh bạn ở xa về chơi, mới xuống tàu đêm đành nhường phòng cho bạn vậy.
Bà Đ. vui vẻ :
- Thế mà chưa chi tôi đã hết hồn tưởng có chuyện gì. Anh vào phòng ngủ với ông nhà tôi, ông ấy còn thức đấy.
Oâng Đ. vẫn còn thức, đang ngồi ủ rũ bên ấm nước trà ngay trước cửa phòng con gái. Thấy tôi, ông tỉnh ngủ hẳn, pha ấm trà mới, vồn vã hỏi chuyện. Ông khoe mới xin nghỉ hết mọi việc ở phường để trông nom con gái, ngày này qua ngày khác ông chờ đợi hai tiếng “ bố ơi” mà ông tin nhất định ông còn sống tới lúc nó bật ra tiếng nói. Tôi nhận ra rằng suốt từ hồi nàng bị tai nạn, ông dần dần không đả động tới những chuyện chính trị, thời sự như trước nữa, gặp tôi hầu như ông chỉ xoay quanh chuyện bệnh tật chuyện ăn uống, ngủ nghê hàng ngày của con gái và đôi khi vào lúc bà đi chùa, ông thở dài sườn sượt than vãn số kiếp vất vả của bà lấy phải một người như ông. “ Chúng tôi là vợ chồng mà thực ra đâu có sống đời sống vợ chồng ? Chung giường, chung mâm, chung một mối quan tâm mà vẫn lẻ loi, người nào phận nấy, thiếu hẳn một cái gì đó mà tôi không sao hiểu nổi. Nó là cái gì hả anh ?”. Tôi cũng chịu chẳng biết được nó là cái thứ gì, tôi chưa qua kinh nghiệm vợ chồng, còn tình yêu lứa đôi thì  nàng Ánh Tuyết lại tạo cho tôi một ấn tượng xấu, dẫu rằng tôi đã cố tự an ủi rằng nàng chỉ là cá biệt.
- Hay tôi vốn gốc nhà quê, còn bà ấy người Hànội? Có phải mọi thứ mâu thuẩn  giai cấp đều qua đi, chỉ còn lại sự khác biệt về văn hóa không ? Thảo nào giữa tôi với bà ấy luôn luôn có cái gì đó xa cách mà tôi không vượt sang được.
Ông kêu lên thảng thốt như vừa vớ được cơ may cuối cùng để giải thích mối quan hệ vợ chồng giữa hai ông bà. Tôi tin chắc trong trường hợp này bác sĩ Trịnh hoặc hoạ sĩ Ngời sẽ trả lời hay hơn tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cả ông lẫn tôi đều đã vớ phải người đàn bà ích kỷ, và cái ông thấy thiếu chính là cái bất kỳ người đàn bà ích kỷ nào đều không mang tới đựơc, cái đó chỉ nảy nở trên lòng vị tha, cái đó là : tình yêu.
Đương nhiên tôi không thể nói ra điều đó, tôi chỉ an ủi ông rằng nước ta là nước nông nghiệp, chín chục phần trăm là ngừơi nhà quê, mười phần trăm còn lại dẫu sinh đẻ ở thành phố nhưng cũng đều có gốc gác đồng ruộng nên phân biệt như ông là không đúng.
Anh nói vậy là nói theo kiểu nghị quyết rồi, ông Đ. lắc quày quạy, chẳng nói đâu xa, cô em út bà nhà tôi đây, thủa hàn vi lấy một anh thuế vụ, đi đâu cũng hãnh diện khoe chồng. Cơm ngon, canh ngọt được dăm, bảy năm, tiền của trong nhà xếp như củi, mới bắt đầu ca cẩm số phận hẩm hiu vớ phải thằng chồng nhà quê, suốt ngày mải lo làm ăn không quan tâm đưa vợ đi nhà hàng, đi nghỉ mát, rồi lại nhìn xung quanh thấy rằng người ta vừa có thể làm giàu vừa ăn chơi thanh lịch được, thế là đúng như các cụ ta nói, “ phú quý sinh lễ nghĩa” khăng khăng bỏ thằng thuế vụ lấy thằng xuất nhập khẩu vừa nhiều tiền lại vừa biết cách ăn chơi theo kiểu thành phố. Ấy cái số tôi nghèo lại hoá may, đâm đầu đổ đuôi làm giàu như thằng thuế vụ chắc vợ bỏ từ lâu.
  Tôi chưa kịp cười ý nghĩ lẩn thẩn của ông Đ. bà Đ đã bước vào, hớt hải :
- Ông …ông có thấy con nó ra đây không ?
- Không thấy, nó vẫn nằm trong phòng mà, nó đi đâu tôi phải biết chớ…
Tôi nhói lên lo sợ, chẳng cần nghe hai ông bà cãi nhau, tôi phóng vào trong , hé cửa nhìn vào buồng nàng. Chăn màn vẫn xếp gọn ghẽ trên giường, ngọn đèn ngủ vẫn toả sáng lặng lẽ trên chiếc bàn nhỏ… Nàng đâu rồi ? Tôi chạy cuống xuống bếp, ra phòng khách, mở cửa nhà kho và rồi khi chạy ra ngoài sân tôi kinh hoàng nhận ra cái bóng trắng toát của nàng đang ngồi … trên mái nhà, chìm ngợp trong ánh trăng rực rỡ. Tôi không tin vào mắt mình nữa, làm sao nàng qua mặt nổi bố nàng lúc nào cũng bắc chõng ngang cửa buồng, làm sao nàng tự trèo được lên đó ? Bà Đ. cũng đã theo tôi ra sân và khi nhận ra, bà la hoảng :
- Ối con ơi là con ơi, sao lại ra cái nông nỗi kia…
Tôi vội ngăn bà lại, dọa bà nếu không bình tĩnh rất có thể làm con gái bà sợ hãi ngã tan xương. Bà im bặt, túm chặt lấy tôi hổn hển :
- Tôi lạy anh, anh tìm cách nào cứu nó đi, cứu đi, nó mà ngã xuống tôi cũng đập đầu tôi chết thôi, ối ông ơi là ông ơi, trông nom thế nào mà để con gái trèo mãi lên kia mà cứ ung dung ngồi uống trà…
Tôi chạy tới góc sân, lễ mễ vác chiếc thang, dựng sát mái, thoăn thoắt trèo lên. Khi tới nơi, tôi thót người nhìn xuống, không hiểu một ma thụât nào đã đưa nàng leo được tới đây. Nàng vẫn mải mê nhìn ngắm ông trăng tròn không hề để ý tới tôi đang bò trên những viên ngói trơn như láng mỡ ngay dưới chân nàng. Thế rồi khi tôi đứng ngừơi dậy tới bên nàng, bất chợt nàng quay sang nhìn tôi, trời ơi, tim tôi muốn nảy bật vì sung sướng, đôi mắt… đôi mắt nàng đã mất đi cái vẻ u tối, đờ đẫn hàng ngày, và trở lại lấp lánh, sáng ngời như cái đêm trăng nào nàng mơ được bay lên trời. Tôi nắm chặt lấy tay nàng, cuống quýt gọi tên, quên phắt ngay bệnh trạng của nàng, rối rít hỏi vì sao trèo lên được tới đây, trăng có đẹp không và có nhận ra tôi không. Tuy nhiên nàng vẫn chưa nhận ra tôi, chưa nghe thấy gì và cũng không nói gì hết, lại mải mê nhìn lên trời. Lúc này cả hai chúng tôi đều đứng rất chênh vênh, chỉ cần cựa mạnh là ngã nhào bởi vậy tôi đánh liều ôm lấy thân thể mảnh mai, thơm ngát của nàng, thủ thỉ bên tai những lời âu yếm cốt nàng khỏi nổi cơn điên cho tôi có thời gian tìm cách đưa nàng xuống đất. Tuy nhiên nỗi lo của tôi là thừa, nàng cứ để mặc cho tôi ôm ấp, thậm chi nàng còn ngả đầu lên vai tôi đưa mắt đắm đuối nhìn ông trăng lúc này đã xế ngang ngọn cây. Tôi và nàng cứ đứng trong tư thế như thế mãi cho tới khi trăng tàn hẳn, trời tối sầm và đôi mắt nàng cũng nhắm nghiền, ngủ gục trên vai tôi. Ôi, tôi  chẳng muốn rời nàng ra chút nào, cứ đứng mãi, đứng mãi thế này, hoá luôn thành đá cũng tốt, nhưng ông Đ. đã leo thang lên, bò tới và cả hai chúng tôi vất vả lắm mới đưa đựơc nàng xuống đất, đặt nằm trên giường, buông màn mà nàng chẳng hề hay biết, vẫn chìm đắm trong giấc ngủ.
Đêm đó tôi cứ trằn trọc mãi bên ông Đ. ngáy khò khò, cố nhớ lại những giây phút tuyệt diệu lần đầu tiên được ôm nàng ngay dưới ánh trăng kỳ ảo. Tôi sung sướng khám phá ra một điều rất bất ngờ : ánh trăng quả là liều thuốc bổ vô song đối với nàng, thậm chí rất có thể còn chữa cho nàng khỏi bệnh nữa kia, đấy, mới có một đêm mà mắt nàng đã long lanh lấp lánh thế kia mai mốt cứ để nàng ngắm nghía suốt cả tuần trăng biết đâu nàng chẳng bật ra tiếng nói và lành bệnh, lúc đó hẳn ông Đ. không còn đặt ra cái điều kiện tiên quyết về nhà ở trong việc gả con gái cho tôi nữa, và nàng chắc chắn sẽ là người vợ tuyệt vời, có một không hai trên cõi đời này. Viễn ảnh ngày mai tươi sáng khiến tôi chìm vào giấc ngủ đầy mộng mơ đẹp đẽ, quên biến cái quy luật hình sin của hạnh phúc đang đẩy tôi xuống đáy sóng nơi bất hạnh đang chờ sẵn.


         (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét