Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

HÀNỘI ... "HỒI ẤY" (28)

 Hànội…”hồi ấy” (28)


              
                           (tiếp theo)

Trịnh cười hô hố :
- Tao chỉ mong có thế thôi, được chết trong vòng tay em còn gì hạnh phúc hơn ?
 Tôi quay sang cầu cứu nàng “ ngựa vía” :
- Cô không định dẫn hắn vào chỗ chết chứ ?
 Nàng nở một nụ cười hiếm thấy :
- Xưa nay có ai muốn giết ngừơi mình yêu đâu.
 Tôi há miệng :
- Vậy ra cô yêu hắn ?
- Còn hơn là yêu nữa kìa…
 Cái vẻ cong cớn một cách ngây thơ của nàng “ ngựa vía” làm tôi phải nghiêng mình thán phục, sức biến cải của tình yêu là cái vốn hiếm hoi trong một đời sống nồng nặc mùi thực dụng và ích kỷ. Thế còn tôi, đã yêu con gái ông Đ. đủ mạnh để chữa khỏi bệnh cho nàng chưa ? Quả thực nếu ai mách tôi ở đâu đó có thuốc trị , tôi sẵn sàng trèo đèo lội suối tới tận nơi mang về cho nàng. Nhưng tôi không có cơ may để được hiến mình cho tình yêu như thế, bệnh nàng chỉ có thuốc trời, người trần mắt thịt như tôi đành bó tay ngồi chờ số phận.
Chia tay với đám bạn, tôi không thiết về nhà, gọi xích lô chạy thẳng tới nhà nàng. Bà Đ. đón tôi từ ngoài cửa, mừng rỡ :
- Anh đã được về đấy ư ? Trời ơi, tối nào tôi cũng cầu trời khấn phật cho anh tai qua nạn khỏi. Sau hôm người ta gọi ông ấy lên đồn chứng thực anh có ngủ đây đêm đó, dăm lần bảy lượt ông ấy đi hỏi xem anh bị giam giữ ở đâu mà chẳng ai chịu nói. Rõ khổ, thương người thiệt tới thân là thế này đây.
 Ông Đ. lật đật chạy từ trong nhà ra, tíu tít hỏi han cứ như tôi mới đi biệt xứ trở về. Tôi chợt nhận ra vẻ tiều tuỵ, phờ phạc ở cả hai ông bà, mới hơn nửa tháng tôi không tới, căn nhà đã trống đi nhiều đồ đạc và cái nguy cơ hết gạo, cạn tiền đã bày ra khắp nơi. Tôi không ngăn được mình nữa, hấp tấp hỏi về nàng. Bà Đ. rơm rớm nước mắt:
- Suốt từ hôm tắt trăng, anh lại bị bắt, em nó cứ nằm liệt một chỗ, chẳng ăn uống gì, van lạy, nài ép mãi mới húp vài thìa cháo. Tôi đã tính với ông ấy đưa nó vào viện, khổ nỗi không chẩn đoán ra cái bệnh gì thì ai người ta nhận.
 Tôi nhẹ chân bước vào buồng nàng, ngồi ghé bên giường. Nàng vẫn thiêm thiếp ngủ và thật lạ, dù ăn uống rất ít, mặt nàng vẫn hồng hào trên mái tóc đen nhánh xoã tung mặt gối. Trong đêm trăng tháng trước, gương mặt tuyệt diệu này đã ngả lên vai tôi đắm đuối trong mối giao cảm với bầu trời kỳ ảo, bất chấp thế đứng chênh vênh trên mái nhà luôn đe dọa một cái chết tan xương. Tôi nhớ ra rằng tâm thần nàng lúc đó rất khá, nàng chỉ không nói thôi, nhưng rất ngoan ngoãn và đằm thắm với tôi y như hồi chưa lâm bệnh. Không biết có phải do tôi mất mặt lâu ngày làm nàng bệnh trở lại không ? Ông Đ. nói nhỏ :
- Em nó có nhiều biểu hiện rất lạ anh ạ, đang ngồi quay ra cửa sổ nghe tiếng chân quay phắt lại nhưng khi nhận ra tôi nó lại quay mặt đi. Hình như nó có ý như chờ ai thì phải ? Không biết có phải anh không ?
 Tôi cũng không dám chắc là nàng chờ tôi, vả lại tôi cũng không tin nàng có thể nghe thấy tiếng chân như ông Đ. nói, tuy nhiên điều đó làm tôi chứa chan hy vọng, chỉ mong nàng tỉnh dậy ngay lập tức để thử hỏi chuyện xem sao. Ông Đ. đã trở ra phòng ngoài để mặc tôi ngồi bên nàng lặng lẽ chờ đợi. Tôi khẽ nắm bàn tay nhỏ nhắn của nàng thầm mong truyền được cho nàng đôi chút sức sống của tôi. Tôi cứ chờ, chờ mãi, nhói tim với mỗi hơi thở mạnh của nàng và rồi sau cùng dường như mong muốn của tôi đã thức tỉnh được nàng, nàng mở mắt ra nhìn làm tôi mừng cuống quýt :
- Anh đây… anh đây… em nhận ra anh không ?
 Mắt nàng lóe lên một tia rất lạ, hàng mi chớp chớp làm tim tôi muốn nảy ra ngoài:
- Em dậy đi…sao ngủ nhiều thế… anh đỡ em dậy nhé…
 Nàng vẫn đăm đăm nhìn tôi như thể nàng nhìn về… vô cực, chẳng chút dấu hiệu nhận ra tôi. Hy vọng của tôi tắt ngóm khi mắt nàng nhắm lại và chìm đắm trong cuộc phiêu diêu mãi đâu đâu mà tôi không hiểu nổi. Tôi cứ ngồi im lìm trong bóng tối mỗi lúc dày đặc căn phòng, làm mờ dần gương mặt nàng, buồn muốn phát khóc vì sự bất lực của mình.
 Bà Đ. bứơc nhẹ vào, lay vai tôi :
- Thôi anh ạ, thường thường phải gần nửa đêm em nó mới trở dậy. Tôi tranh thủ lúc đó ép nó uống vài thìa cháo rồi nó lại ngủ tiếp.
 Tôi nhói lên một nghi hoặc mơ hồ :
- Thưa bác mấy đêm còn trăng cô ấy ra sao ạ ?
- Nó cứ thức suốt, đi đi lại lại cho đến hết trăng mới ngủ. Vắng anh, ông lão sợ nó lại trèo lên mái nhà nên cứ tối đến phải khoá chặt cửa phòng, mãi hết tuần trăng mới thôi đấy.
 Tôi thở ra , hiểu được rằng vừa nãy nàng mở mắt không phải vì tôi mà chính là nhìn coi có ánh trăng không. Vậy là cứ tối tối nàng thức dậy chờ trăng, nếu không có, nàng lại chìm vào giấc ngủ triền miên. Vậy thì… có thể đánh thức nàng bằng ánh trăng nhân tạo được không ? Ý tưởng mới đó nảy ra làm tôi vui hẳn, trong bữa cơm với ông bà Đ. tôi nói rằng từ tối mai tôi và bác sĩ Trịnh sẽ thử chữa cho nàng bằng một phương pháp mới chưa hề thấy trong y khoa hiện đại. Bà Đ. tràn trề hy vọng, riêng ông chồng vẫn hoài nghi, lắc đầu:
- Tôi không tin khoa học có thể chữa được căn bệnh bí hiểm này. Tôi không tin các anh làm nổi trò trống gì…
 Bà vợ bực mình, cắt ngang :
- Vậy ông tin vào cái gì ?
- Chẳng tin được vào cái gì, cứ phó mặc cho trời định đoạt, ông ấy có mắt đấy…trời ơi, đời cha ăn mặn đời con khát nứơc là thế này đây…
 Tôi ngăn bà Đ. không vặn vẹo chồng nữa, cứ để mặc ông ấy thổn thức cho vơi bớt những cắn rứt tâm tư mà tôi sợ rằng nếu kéo dài chắc ông cũng rơi vào một thứ bệnh tâm thần như con gái ông thôi.
 Hôm sau tôi chẳng thiết ghé cơ quan trình diện ông Trưởng phòng sau vụ bắt giam theo thông lệ mà đạp thẳng tới quán “ nghệ sĩ” tìm Trịnh. Quả nhiên vừa vào tôi đã thấy hắn vẫy rối rít từ trong góc bọn tôi vẫn ngồi, mặt đỏ không dưới ba chén đầy. Hắn cười hề hề :
- Rõ đúng nhà tù là trường học, mới qua có nửa tháng đã biến đổi trông thấy.
 Tôi kéo ghế ngồi cạnh, ngạc nhiên:
- Tớ có biến đổi gì đâu ?
- Lần đầu tiên tớ thấy cậu bỏ cơ quan đến đây trong giờ vàng ngọc này.
 Thần sắc hắn làm tôi ngạc nhiên, sau nửa tháng “trăng mật” vừa qua với nàng “ ngựa vía”, tôi tưởng xương cốt hắn phải như ninh trong nồi áp lực, ngược lại béo tốt, tươi tỉnh hẳn lên, khác hẳn “cái con gà rù” thời còn ăn theo vợ cũ.
- Nàng nuôi tốt lắm phải không ? Tớ cứ tưởng cậu phải gẫy xương sống rồi chớ?
 Trịnh cười toét, lên giọng triết lý :
- Nếu trên đời còn có một khái niệm gọi là “hạnh phúc” thì tớ đang được hưởng cái đó đây. Cậu biết không, nàng không cho tớ mó vào việc gì hết, đi làm về cứ nằm khểnh đọc báo, chờ nàng nấu nướng bưng lên mời anh xơi thôi. Sáng ra bánh mì ốplết, trưa về cơm canh rau ngót nấu thịt nạc, chiều thịt kho tàu, chân giò hầm đu đủ không khéo… “trung ương” cũng chỉ ăn đến thế thôi.
 Tôi rũ ra cười :
- Đầu vào đã vậy, còn đầu ra ?
- Tuyệt vời, không đầy một tuần nàng đã huấn luyện tớ thành thạo mọi bí ẩncủa nghệ thuật yêu đương và hoàn thành cuộc cách mạng tình dục trong khuôn khổ… gia đình.
 Tôi nhiệt liệt chúc mừng hắn và căn dặn chớ bao giờ uống rượu buổi tối kẻo lại nối gót anh chồng nàng Ánh Tuyết bất hạnh. Mặc hắn ba hoa về sự khác nhau giữa hắn và cái gã xấu số kia, về những khía cạnh tuyệt vời trong người nàng “ngựa vía” mà hắn mới phát lộ, về sao đào hoa đang chiếu vào cung mệnh… tôi cứ ngồi nhấm nháp chén rượu, đợi hắn thở cả hơi ra hai lỗ tai, mới lựa lời :
- Cậu giúp tớ việc này…
 Hắn trợn mắt thay câu hỏi.
- Cậu giúp tớ làm… ánh trăng nhân tạo.
- Cái gì ?
- Ánh trăng nhân tạo.
 Tôi lại đành phải chờ hắn qua cái cơn cười tôi điên, mới trình bày rành rẽ những biểu hiện mới trong căn bệnh con gái ông bà Đ., dự kiến dùng ánh trăng giả kích thích hưng phấn thần kinh chữa bệnh cho nàng. Hắn nghe tôi rất chăm chú, mặt căng thẳng, sau cùng thở hắt ra :
- Cái kiểu chữa bệnh của mày cũng điên chẳng khác gì mấy thằng thầy mo, thầy cúng.
 Tôi nổi cáu :
- Vậy mày bảo tao làm gì bây giờ ? Không lẽ bó tay mặc nàng chờ chết ?
 Hắn nhăn mặt lại rồi nhìn vẻ dữ tợn của tôi, hắn rối rít :
- Thôi được, thôi được, để tao bàn với thằng họa sĩ Ngời tìm cách giúp mày. Mẹ kiếp, hết làm bia rởm giờ lại đến… ánh trăng rởm, mai kia không biết làm giả cái gì nữa đây ?


                             ( còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét