Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 35)



                                   (tiếp theo)

Phó Chủ nhiệm ăn thịt trâu bị xử nặng thế, tất nhiên vợ  chồng Lận , thủ phạm chính giết trâu của mình, tội còn lớn  gấp bội.Từ sáng sớm còn nhọ mặt người,  ông Chủ tịch xã Môn đã cho đánh trống họp ban quản trị và kế toán trưởng hợp tác xử vụ giết trâu. Vợ chồng Lận được kêu đến. Người đàn bà khốn khổ không dám đứng chỉ  lom khom nhìn ngó xung quanh rồi lại thụp xuống ngay” rồi  thưa gửi :
“Thưa với chư ông trong nhà túng bấn quá nên tôi cũng có chót bán đi lấy ít tiền để trang trải công nợ ạ….”
“ Bà bán trâu, tậu nghé, mưu mẹo lắm …”
Và cuộc hỏi cung diễn ra với những câu hỏi như quan toà với tội phạm :”bán cho nhà ai ? ở đâu ? Trong việc bán trâu này ông bà có bàn tính với nhau không …?”
Hỏi xong vợ rồi hỏi đến chồng. Anh chồng bí quá đổ thừa cho vợ tự ý bán trâu làm bà vợ ông Chủ tịch xã phải nói chen :
  Thế ra quyền bà ấy lại to hơn cả ông à ?”
Vậy là vợ ông Chủ tịch xã không chỉ “dắt mũi” chồng khi ở nhà mà còn ra cả “công đường” phụ với chồng xử tội người khác. Sau cùng ông Chủ tịch xã luận tội “bán trâu” :
“ Việc bán con trâu nhà ông , dù có vợ bán hay chồng bán cũng mặc, dứt khoát là phạm pháp. Tư pháp sẽ có trách nhiệm xét xử việc này…”
Và chẳng cần chờ “tư pháp” xét xử, ông Chủ tịch xã quyết định luôn :
“ Còn con nghé hiện nay ông mới mua uỷ ban sẽ quản lý…”
Gọi là “quản lý” nhưng thực chất Uỷ ban cướp trắng tài sản của dân đen khiến nó phẫn uất :
“Cứ việc. Chính quyền có tịch thu tôi cũng không dám kêu ca gì . Xưa nay bị cướp bóc đã nhiều chứ chẳng phải mới có lần này…Đ…mẹ cả đứa mua lẫn đứa bán đều là dại cả. Xin chào  chư ông thôi ạ . Thế bao giờ ông Chủ tịch cho người sang dắt nghé tôi đây ?”
Một phiên “xử án” tịch thu tài sản của đương sự còn tệ hại hơn lý trưởng, chánh tổng ngày xưa trong đó “ phu nhân của quan lớn” cũng nhảy bổ vào kết án thằng dân.
Vậy là trong một xã mọi quyền sinh sát, mọi việc lớn nhỏ từ miếng ăn cho tới việc làm, mọi số phận người dân đều nằm trong tay duy nhất một người : ông Chủ tịch xã. Để thực thi cái trách nhiệm nặng nề ảnh hưởng trực tiếp tới số phận cả mấy ngàn con người , ông Chủ Chủ tịch xã Môn là người thế nào ?
Thật đáng lo ngại, ngoài lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, nắm thật vững và thi hành mù quáng mọi chủ trương đường lối Nhà nước, ông Chủ tịch xã mù tịt kiến thức phổ thông khiến có lúc ông hỏi thật ẩm ương khi nghe nói về tên lửa Liên Xô phóng lên trời :
Tôi còn thắc mắc một điều là ví như cái tên lửa nếu nó bay được cao nữa thì có chạm phải nền trời không ?”
Khi được giải thích cặn kẽ, ông vẫn còn chưa thông :
Vậy cái tên lửa nó bay mãi như thế mà không vướng núi ư ? Đến một đoạn nào đó tất cũng phải rơi xuống chứ ?”
Nghe giải thích :” trái đất mình ở nó tròn như quả cam, quả bưởi lơ lơ lửng lửng giữa không gian chứ có bám víu vào đâu đâu. Còn tên lửa là bay vòng bên ngoài kia…”
Ông Chủ tịch xã vẫn chưa hiểu :
“ Rắc rối nhỉ. Mỗi tuổi mỗi nghe thêm nhiều chuyện lạ. Kể cũng hay…”
Hoá ra trình độ hiểu biết của ông Chủ tịch xã vẫn thuộc vào thời…ông Copernic phải lên giàn hoả vì dám nói “trái đất nó quay”. Trình độ như vậy các ông cán bộ cách mạng có thể quản lý và bóp nghẹt mọi hoạt động tâm linh của nhà thờ, có thể cướp ruộng, cướp nghé của người dân vô tội, có thể đưa ra Toà kết án kẻ làm thịt trâu của chính mình. Những việc đó họ làm thật xuất sắc vì chẳng cần dùng gì tới kiến thức phổ thông của nhân loại.
Tuy nhiên họ không thể làm cho cánh đồng tăng năng suất lúa, đàn gia súc tăng trưởng nhanh bởi lẽ họ mù tịt về khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại. Trong lúc thế giới đang phát triển như vũ bão về phát minh, phát kiến, về cuộc cách mạng xanh, thay vì mở toang cửa đón nhận mọi thành tựu nhằm nâng cao phúc lợi, cải thiện đời sống người dân, họ lại đóng cửa xua mọi người vào cuộc tranh giành, đấu tranh  giai cấp gây nên những tổn hại không sao kể xiết. Sau khi giành chính quyền , họ giỏi chia chác “cái bánh”  trong đó người cầm cày nhận phần tối thiểu khỏi chết đói chứ tuyệt nhiên  họ không đủ đầu óc và nhiệt tình động viên tất cả mọi người làm cho miếng bánh ấy lớn thêm để phần bánh của mỗi người được to ra. Đó quả thực là  thông điệp toát ra một cách khách quan, ngoài ý muốn của nhà văn Nguyễn Khải qua tiểu thuyết Xung đột.
Với bà con xã viên , chính quyền còn thắt buộc thế, vậy  đối với “ nhà thờ”, tất nhiên phải coi như…kẻ thù dân tộc, luôn âm mưu phá hoại chính quyền. Ông  Chủ tịch xã Môn, coi  cha xứ  Thuyết là “ tinh khôn quá kẻ cướp”  và huỵch toẹt :
“ Tôi biết thừa mấy tay linh mục chỉ hay mè nheo với cấp tỉnh vì các ông ấy phải giữ đúng chính sách mà, còn ở xã ấy à, một phép…”
Ông Chủ tịch xã vô tình đã lật tẩy cái “tự do tín ngưỡng “ của Nhà nước – chỉ cần tỏ vẻ “tôn trọng” tôn giáo ở cấp tỉnh thôi, còn dưới cấp xã  tha hồ chèn ép. Chính vì thế gã mới khoe khoang :
“ Ngay như tay Vinh tự xưng là thánh Tô-ma thời nay vậy mà mỗi lần gọi ra uỷ ban mặt cắt không còn hột máu …”
Chính phủ trung ương chỉ đạo chính quyền cấp xã thế nào mà các linh mục mỗi lần bị gọi ra Uỷ ban đều phải  run sợ thế ? Một tay chót bét trong bộ máy chính quyền cũng có thể mắng sa sả vào mặt các nhà tu hành về chuyện chủng viện đào tạo thầy dòng :
Tôi có lần đã nói thẳng với ông Thuyết ở đây : các ông đừng có lập lờ, chỉ bịp được các con chiên ngu dốt chứ cán bộ chúng tôi thì nhìn thấy tận cuống ruột các ông , chủng viện gì, trường đào tạo gián điệp đấy thôi…” 
Tất nhiên cấp trên phải gỉ tai thế nào gã cán bộ cấp xã mới dám “công xúc tu sĩ” ngay giữa công đường :
Trường gián điệp ( tức chủng viện) ngay giữa miền Bắc này , chẳng những không ai dám đả động đến nó mà còn phải cấp cả gạo ăn, than đốt , giấy bút học, thỉnh thoảng lại còn văn công, xi nê để giải trí nữa…”
Nếu ‘chủng viện” đúng vậy thì chắc chắn đó là “trường quốc doanh đào tạo cán bộ tôn giáo vận” đội lốt chủng viện. Chắc ông Chủ tịch xã “ ngây thơ” không hiểu được điều cơ mật đó, nên cứ ra rả mắng mỏ học sinh chủng viện :
Mấy đứa người  xã này đi học ở Bái tôi biết., khi đi chúng nó nết na, hiền lành thế , học  được một  hai năm về thăm nhà mặt mũi đã nhâng nháo như kẻ cướp , ăn nói hỗn xược, toàn xui gia đình phá chính sách, có đứa mang cả tài liệu chống cộng về phân phát trong xóm…”
Sự thực trong lòng xã hội miền Bắc những năm 1960 không khí khủng bố khét lẹt, làm gì có chuyện mấy đứa học sinh dám mang “tài liệu chống cộng về phân phát trong xóm”. Trong thời kỳ này, một anh cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam , nhà thơ Tuân Nguyễn chỉ đùa hai câu thơ vui :
“Tiến lên ta quyết tiến lên
Tiến lên ta gọi cấp trên bằng…thằng”
Chỉ mới “đùa chút ” thôi đã phải đi cải tạo , huống hồ “phân phát tài liệu chống cộng trong xóm” thì tội đáng…lăng trì, xử trảm, ai dám to gan thế ? Xem vậy đủ biết Chủ tịch xã Môn vu cáo nhà thờ trắng trợn đến đâu. Gã còn  quy kết :
“ Mình là hàng cha chú chúng nó, có đến chơi thì giương mắt đứng nhìn, hằn thù cán bộ còn hơn cả quân Pháp ngày xưa. Mới mười bốn mười lăm tuổi đã thành phản động con cả , nữa là để chúng nó dạy dỗ nhau năm mười năm nữa…”
Một ông cán bộ mặt trận tỉnh tên Mẫn được phái về tăng cường cho xã lẽ ra phải uốn nắn Chủ tịch xã thái độ ứng phó với nhà thờ sao cho kín đáo uyển chuyển hơn , đằng này lại phụ hoạ , hung hăng  không  kém trong thù ghét  nhà thờ . Ông cán bộ tỉnh nhận xét các linh mục thật coi người bằng nửa con mắt :
Bọn ấy tuy chẳng tài ba gì, trước sau vẫn một ngón võ nấp sau lưng con chiên thôi, nhưng đừng tưởng họ  ít thủ đoạn  đâu nhé. Đức Giám quản vừa cho cánh mình một vố khá ngọt đây…”
Tưởng “vố” gì ghê gớm, hoá ra chỉ là lời  đùa bỡn của linh mục Tuệ với cán bộ Mẫn :
Tôi sinh đúng vào năm cách mạng tháng Mười , đến cách mạng tháng Tám thì được  truyền chức linh mục , hoà bình lập lại làm Giám quản địa phận. Đời tôi thế là dính liền với cách mạng đấy  nhé…”
Cán bộ rủa xả, nhục  mạ linh mục thì không sao, ngược lại linh mục chỉ nói giỡn vài câu với cán bộ đã bị coi là … khiêu khích cách mạng.
Thực ra cái số cán bộ thù ghét nhà thờ “ghi xương khắc cốt” kiểu như Chủ tịch xã Môn với cán bộ Mặt trận Mẫn là không nhiều ; bởi lẽ chính họ cũng từ giáo dân mà ra, vợ con, bố mẹ họ vẫn là những con chiên ngoan đạo, hà cớ gì họ phải “báng bổ” nhà thờ đến vậy ? Trong khi đó họ vẫn được Đảng và Nhà nước nhắc nhở về “tôn  giáo vận”, vẫn được dặn dò cần phải có sách lược mềm dẻo, linh hoạt “tỏ rõ” chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng chính phủ kia mà ?
Ông nhà văn Nguyễn Khải “vẽ rắn thêm chân”,phóng đại lòng “căm ghét nhà thờ” trong giới cán bộ xã và tỉnh liệu có phải để chính ông bày tỏ  sự dứt khoát từ bỏ gốc gác thầy dòng của ông, từ bỏ theo kiểu chặt cầu và không khoan  nhượng để được Đảng tin cậy. Quả thực có lớn tiếng mượn mồm người khác mạt sát nhà thờ, ông nhà văn mới tỏ rõ được lập trường giác ngộ giai cấp, giác ngộ Đảng quyết liệt, từ trong tim, trong máu chứ không phải chỉ là ở đầu môi chót lưỡi.
Lập trường này càng củng cố khi sau 1975 Nguyễn Khải gặp lại gia đình đã di cư vào Nam, ông vẫn quyết liệt lên án họ trong  Gặp gỡ cuối năm” làm yên lòng  Đảng . Bởi vậy trong thời kỳ văn nghệ sĩ miền Bắc bị khủng bố gắt gao nhất , Nguyễn Khải vẫn luôn luôn là đứa con cưng được Đảng bao bọc và ấp ủ trong vòng tay của “văn nghệ quân đội”.  
Công lớn của Nguyên Khải trong  “Xung đột” không chỉ hạ uy tín nhà thờ mà còn tô vẽ hợp tác xã thành bộ mặt thật tốt đẹp chứng minh chủ trương tập thể hoá nông nghiệp của Đảng là cực kỳ ưu việt và sáng suốt. Cái sự “tô vẽ” ấy đôi khi quá đà khi ông “bịa”  lời một anh nông dân tên Điệp bênh che cho việc Nhà nước cướp ruộng, cướp trâu của  nông dân :
Sống ở xã này mỗi năm một thấy khác. Có hai bác tôi xin nói thật, nhân dân ở đây họ có tin ở chính phủ lắm mới trao ruộng, trao trâu cho hợp tác xã, cơ nghiệp hàng mấy đời người chứ đâu phải chuyện bỡn…”
Rồi cũng chính anh nông dân này “ca ngợi” Nhà nước đã ‘cướp thóc của dân” :
Cứ lấy việc thu thóc nghĩa thương vụ mùa năm ngoái mà suy thì ai cũng phải phục cái sáng suốt của huyện của tỉnh. Ngày ấy không kiên quyết thu thì bây giờ lấy  đâu ra thóc cứu đói…”
Hoá ra “thuế nghĩa thương” là thuế  thóc dự trữ để khi nào có thiên tai đói kém thì Nhà nước khỏi phải lấy quỹ thóc quốc gia ra cứu . Thật là một sắc thuế độc nhất vô nhị trên thế giới .Mượn mồm anh nông dân, ông nhà văn tiếp tục ‘tô vẽ” :
Năm Ất Dậu ngoài chợ Hỗ thóc bán có năm đồng một thùng mà người chết đầy đường, năm nay thóc bán tám chín đồng, mười đồng cũng là , vậy mà không nhà nào đến nỗi phải nhịn cơm hai bữa…”
So sánh giá thóc năm 1945 theo tiền  Đông Dương với giá thóc năm 1960 ông nhà văn quên bẵng mất là lúc này cách mạng đã có Ngân hàng Nhà nước làm gì ra tiền Đông Dương như hồi Pháp thuộc ? Và rồi ông xuýt xoa :
“(thóc cao vậy mà…) vẫn họp hành , vẫn sản xuất , con gà con vịt , buồng chối lá rau tịnh không một ai lấm lét , tơ hào. Thời Nghiêu Thuấn cũng đến vậy chứ gì ?”
Ôi trời ôi, cái thời “ mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” mà ông nhà văn coi là ‘thời Nghiêu Thuấn” thì nghề “bốc thơm”, “bồi bút” phải lấy ông này …tiên sư..

                          (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét