(tiếp theo)
- Em nhận điện anh hôm nào?
Tôi lắc đầu, làm sao nhớ được, ngay cả ai đưa bức điện, tôi cũng không nhớ, chỉ biết chắc tôi đã nhận, nếu không, tôi không có mặt ở đây. Tôi nhận ra mình dài dòng quá. Sau phút im bặt, tôi rụt rè hỏi anh:
- Em nói thế đúng không?
Điền lại nhìn vào mặt tôi, gật đầu , đúng, em nói đúng lắm, bây giờ anh đưa em đi ăn, 3 giờ chiều mới có xe xuống dưới đó. Tôi ngoan ngoãn leo lên sau xe máy, lơ đãng nhìn con đường dẫn vào thành phố. Vẫn dòng người và xe hối hả, mỗi người như đuổi theo mục tiêu riêng và chỉ chung nhau tín hiệu đèn xanh đỏ ở mỗi ngã tư. Điều đó làm tôi dễ chịu, tạm quên cảnh ngộ đang gánh chịu, hy vọng nhìn thấy Biên Cương trên đường phố. Không biết anh nghĩ sao khi biết tai họa của tôi, chắc cũng giống Điền vậy thôi.
Điền chọn quán ăn vắng vẻ, tuy nhiên vẫn bị quấy rầy bởi chú bé bán báo, người đàn bà bán vé số và cụ già hành khất. Tôi ngoan ngoãn vâng theo yêu cầu của tất cả, khiến Điền sốt ruột đuổi họ đi. Bây giờ, trong lúc chờ ăn, chỉ còn lại tôi và Điền trong quán vắng. Anh lại nhìn tôi thương hại. Anh nhẹ nhàng an ủi, khuyên răn và trong lúc anh nói tôi cứ nhìn con ruồi căng bụng đậu trên bàn. Tưởng tượng ra những nơi nó bay tới, tôi rùng mình , và khi nó cất cánh bay vút lên, tôi nhắm nghiền cả mắt lại.
- Thôi, em đừng buồn nhiều, người ta có số cả đấy.
Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Có thực Bình rơi xuống sông không ?
- Em còn chưa tin chuyện đó ? Anh ấy rơi trong lúc kiểm tra thanh dầm cầu.
Tôi trừng mắt :
- Tại sao không phải là anh mà lại là anh Bình ?
- Em hỏi gì kỳ cục thế?
- Em xin lỗi, em xin lỗi, em hoang mang quá. Tai họa rơi xuống đầu em đột ngột. Em còn nhớ anh đặt câu hỏi: “ Bạn sẽ làm gì khi xảy ra cơn hồng thủy đó?” Em biết làm gì bây giờ?
Mỉa mai thay, đúng lúc đó, người ta bưng tới các món ăn, và Điền dục tôi y hệt như câu trả lời “vét hết tiền đi ăn đặc sản “ của chồng tôi hai năm trước đây.
- Trước hết em phải ăn lấy sức đã, anh gọi toàn đặc sản cả đấy.
Anh ép tôi ăn những món ngon nhất, lên giọng an ủi:
- Ai rồi cũng có một “cơn hồng thủy”, ngay cả đến người già, cái chết vốn còn là một tai ương. Cơn hồng thủy của em tới đột ngột vậy có khi lại dễ chịu hơn báo trước.
Tôi cười héo hắt, không phải vì lời an ủi ngớ ngẩn của Điền mà tôi vẫn còn le lói hy vọng Bình được cứu sống. Cho tới lúc này tôi vẫn chưa quen cảnh ngộ mặc dù lúc nào nó cũng như cái kim xoáy vào đầu tôi đau buốt. Tôi chưa chịu tin rằng mọi chuyện đang diễn ra là có thực, “Bình ngã xuống sông”, sao vô lý thế, xưa nay anh rất cẩn thận, hay chắc một người nào đó trùng tên.
Tôi cố nhai vài miếng lấy sức, quả thực suốt mấy hôm nay, kể từ khi tai họa giáng xuống đầu, mẹ ép lắm, tôi cũng chỉ ăn qua quýt bát cháo hoặc quả chuối, vị giác dường như tê liệt, nhai gì cũng đắng ngắt. Điền đã cạn hai chai bia. Hình như thấy tôi không sốt ruột nên anh cũng chẳng vội gì. Anh kể công việc của Bình trong này, nhiều từ kỹ thuật lạ tai tôi không hiểu, chỉ biết vào đây anh như cá gặp nước, làm việc như cái máy mở hết công suất.
- Anh có thấy anh Bình nhận được thư em không?
- Không, anh không thấy.
Trong lá thư dày ấy, tôi báo tin mong ước muôn thuở của Bình đã toại nguyện, anh sẽ được làm cha. Tội nghiệp, rất có thể chẳng bao giờ tin mừng đó tới được anh. Bỏ qua chuyện lá thư, Điền vẫn nói về công việc của Bình.
- Lẽ ra Bình không cần phải leo trèo thế, việc đó đã có cán bộ đo đạc khảo sát, không hiểu sao anh tích cực thế?
- Tại anh ấy không còn phải thiết kế những chiếc cầu giấy .
Điền trợn mắt:
- Những chiếc cầu giấy nào?
Tôi lặng thinh, chuyện đó của riêng tôi và Bình. Tôi lơ đãng nhìn cái đầu gà nằm nghiêng trên đĩa thịt rán, mỏ vẫn ngậm một nhánh hành xanh. Lát nữa, xong câu chuyện về Bình, hẳn Điền sẽ gắp tới nó.
- Anh không hiểu sao Bình vào đây? có ai bắt đâu? Và cũng có bổng lộc gì đáng bỏ công ra thế ĐÂU?
- Có rất nhiều người bỏ cả cuộc đời mà chẳng nhằm tới bổng lộc gì.
Điền nhếch mép cười nhạt, chắc anh tưởng tôi nói tới những anh hùng cách mạng, sự thực, tôi nghĩ tới Hồng Loan và Hoàng Minh, họ cũng bỏ ra rất nhiều công sức để vẽ và làm thơ nhưng có nhằm danh lợi gì đâu.
Điền đã gắp tới cái đầu gà, anh thở dài :
- Không may, khi rơi Bình va phải những thanh sắt...
Tôi cau mặt, bực tức. Sao lắm cái không may cùng tới với Bình thế? Bất giác tôi nhớ tới gương mặt anh sau kính ô tô, bàn tay giơ lên chào lúc xe chạy đi. Trời ơi, nếu tôi không nói “bon voyage...bon voyage...” liệu anh có tránh được rủi ro ấy không? Hay cái số anh thế và định mệnh đã báo trước qua câu nói gở miệng của tôi? Không thể biết được, không một nhà bác học nào, không một cái máy tính điện tử tối tân nào trả lời được. Câu hỏi sẽ còn ám ảnh tôi tới khi chết, chắc thế...
- Liệu anh Bình có qua được không anh?
Sau cùng, tôi đã buột miệng hỏi cái điều tôi chỉ muốn biết khi gặp Bình. Điền uống nốt cốc bia, gật gù:
- Anh cho rằng... còn rất nhiều hy vọng...
Tôi không muốn quấy rầy anh, vài giờ nữa thôi, tôi sẽ biết rõ còn hy vọng hay đã tuyệt vọng. Lúc này, tôi chỉ muốn quên đi nỗi lo thường trực, lúc nào cũng bấu vào đầu đau buốt. Tôi cố nghĩ sang chuyện khác, chẳng hạn con ruồi lúc nãy bây giờ đã bay tới đâu, cuốn sách trong tay cô bán hàng đang cắm cúi đọc kia là sách gì, tuy nhiên, cái cách này cũng chẳng làm tôi lãng quên tai họa mấy tý, nó vẫn ở trong đầu và luôn chứng tỏ sự có mặt của nó bằng hình ảnh của Bình nằm trên giường cấp cứu, toàn thân cuốn đầy băng .
Điền trả tiền xong kéo tôi ra khỏi quán. Chiếc xe máy chạy qua quảng trường, ở đó, tôi nhìn thấy pho tượng đồng giơ mấy ngón tay như ra hiệu nhưng tôi chịu không thể đoán được vậy là may hay rủi? Chiếc xe vẫn chạy rất nhanh, vòng vèo những đường lượn gấp qua phố đông. Chắc do hai chai bia chứ không phải vì công việc Điền mới chạy xe điên khùng thế. Thôi kệ, giờ có chết dưới gầm ô tô, với tôi chẳng có gì quan trọng.
Điền chạy xe vào giữa sân cơ quan Bình làm việc. Tôi chóng cả mặt khi mọi người trong nhà chạy ra tíu tít chào hỏi và nhìn tôi ái ngại. Điền giới thiệu tôi với ông Phân viện trưởng, ông Trưởng phòng tổ chức, ông Trưởng phòng thiết kế... tôi hoa cả mắt chẳng phân biệt được ai với ai, chỉ thấy họ có vẻ gì đó giông giống mấy ông thủ trưởng Nhà xuất bản của tôi.
- Mời cô dùng tạm ly nước ngọt, chút xíu nữa xe tới, ta đi liền...
Một bà được giới thiệu là cán bộ hành chính đưa tôi và Điền vào một căn buồng sang trọng. Vật đập vào mắt trước tiên là bức tranh màu lòe loẹt treo trên tường cũng cũng vẽ một cô gái bế con mèo giống bức tranh cổ cụ Ngh.vẽ, truyền lại từ đời ông tôi. Bức tranh làm tôi thoáng nhớ tới căn phòng ngoài Hà Nội, xa xôi quá rồi, tôi đã cách nó ngàn trùng cây số. Tôi chăm chú nhìn bức tranh và chợt khó chịu, nó chẳng gây cho tôi chút bồi hồi, êm ả nào như bức tranh của cụ Ngh., ngoài sự khoe khoang một cách lộ liễu các màu sắc.
Bà cán bộ hành chính hỏi han chuyến bay buổi sáng, kể về thiện cảm của mọi người với Bình, an ủi tôi cố gắng chịu đựng, mọi chuyện rồi sẽ qua đi cả. Tôi ngoan ngoãn lắng nghe và chỉ trả lời bằng những câu thật ngắn. Tôi chỉ mong xe tới ngay để được ngủ gật dọc đường, thoát câu chuyện ngày càng say sưa của bà.
- Cô vào đây từ năm 54, ấy thế mà từ ngày giải phóng vẫn chưa có dịp ra thăm Hà Nội.
- Cô nên đi một chuyến.
- Nhất định thế rồi. Ngày xưa cô ở phố Hàng Bông lờ đấy, đi một quãng là tới chợ hàng Da...
Vào lúc khác, nỗi nhớ Hà Nội của bà rất có thể làm tôi cảm động và sẵn sàng trả lời bà trường nữ học Sainte Marie hiện còn không, bánh cuốn Thanh Trì chấm nước mắm cà cuống ăn với giò lụa, chả quế vẫn được các bà bán rong đội trên đầu đi khắp phố phường Hà Nội ... Nhưng lúc này, tôi chỉ còn đủ sức chống lên đôi mi khỏi ngủ gật. May thay tiếng còi xe hơi đã cứu tôi, bà cán bộ hành chính bỏ ra ngoài và khi tôi chưa kịp hết mừng, bà đã quay vào báo tin có xe và bà sẽ tháp tùng tôi trong chuyến đi này. Thôi kệ, tôi nép vào ghế sau, kệ Điền ngồi trước gà gật trong hơi rượu, kệ bà hành chính loay hoay bên tôi, sắp xếp các gói bọc, kệ anh lái xe đang nhìn tôi qua kính hậu, chân vẫn đạp ga cho xe chạy nhanh, suốt con đường thiên lý. Tôi cố nhắm mắt ngủ, chẳng phải vì cần lấy sức sau chuyến bay mệt nhọc, tôi cần ngủ để quên mọi sự, khỏi tham gia vào nỗi chờ đợi khắc khoải của tôi và mọi người mà chiếc xe con đang cố rút ngắn lại.
Anh lái bất chợt ngoái xuống:
- Tại sao không đưa ông ấy về Sài Gòn?
- Về sao được - tiếng bà hành chính, phải cấp cứu tại chỗ rồi đưa tới bệnh viện gần nhất.
- Bây giờ có loại xe vừa chạy vừa tiếp máu, tiếp oxy cho bệnh nhân được đấy.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét