(tiếp theo)
Tôi ôm lấy mẹ, quay đi dấu giọt nước mắt. Tôi biết giây phút mẹ sung sướng thế này rất hiếm hoi. Từ ngày lấy chồng, tôi ít quanh quẩn bên mẹ nhổ tóc sâu và nghe răn dạy những điều mẹ nhắc đi nhắc lại tới ngàn lẻ một lần. Nỗi ao ước có đứa cháu nâng niu, bế ẵm canh cánh bên lòng mẹ làm tôi đến khổ mỗi lần về nhà nghe mẹ thở than, ao ước.
“Vậy mẹ lấy vợ cho thằng Tú đi, nó sòn sòn năm một, tha hồ bà bế”, có lần tôi đã phải gắt lên thế, dọa lần sau còn nhắc tới chuyện đó, tôi không về nữa. Tuy thế tôi không ngăn được mắt mẹ cứ nhìn vào người tôi đau đáu, và tiếng thở dài rất khẽ khi mẹ tôi nhận ra “vẫn chưa có gì”.
Có lần tôi hỏi Bình vì sao người già yêu trẻ con đến thế? Để bớt cô đơn khi người lớn đi làm ? Để được truyền sức trẻ? Hay để tồn tại như một sự cần thiết trong gia đình khi những đứa cháu thường chỉ theo bà?
Bình ngăn lại, khuyên tôi không nên đi quá sâu vậy, tình cảm con người hãy để nguyên dạng tự nhiên của nó, mổ xẻ ra, nó chỉ còn là xác lạnh . Lúc này, tôi thương mẹ với dạng thuần cảm xúc như vậy, tôi muốn san sẻ cho mẹ máu thịt căng đầy sức trẻ của tôi .
- Thôi ăn đi cho nóng, con .
Khói thơm bốc lên từ đĩa mì xào làm mắt tôi càng mờ đi. Tôi ép mẹ ăn vài miếng ngon nhất rồi tới lượt tôi, không đầy 5 phút, đĩa đã sạch trơn .
- Ăn chậm thôi cô, kẻo lại nghẹn. - Mẹ tôi nhắc .
- Đời vui quá không buồn được, mẹ ạ.
- Thằng Bình đi rồi sao không về ở với mẹ?
- Con phải ở bên đó trông nhà.
Tôi bịa đủ lý do mưa hắt, nhà dột, trộm cạy cửa, sự thực, sau hôm chồng đi, tôi bỗng quyến luyến cái phòng, không phải những dấu vết của Bình để lại, hóa ra vắng anh tôi không buồn như tôi tưởng, ngược lại, sống một mình sướng thật , muốn ăn lúc nào ăn, ăn xong vứt bát đũa muốn rửa lúc nào rửa , khi tắm chẳng còn lo chồng dòm trộm, đi ngủ không sợ bị quấy rầy. Tôi sống nhàn nhã , thỏa thuê , chỉ canh cánh một nỗi chưa viết thêm dòng chữ nào trong cuốn truyện tương lai.
Có lần tôi hỏi ông Trưởng phòng biên tập kinh nghiệm viết cuốn sách đầu tay. “Lấy giấy bút và ngồi vào bàn”, ông trả lời thế và hỏi tôi có ý định viết văn không đấy? Tôi lắc quày quạy, có mà điên mới đâm đầu vào cái “nghề” của chú. “Đúng đấy, chớ nên dính vào, nó là cái “nghiệp” chứ chẳng phải “nghề” ai chưa đa mang chớ có đèo bòng”.
Tôi cười mũi lời “bàn ra” của ông, tôi phải viết, nhất định tôi phải viết ,bởi nếu không, tôi còn biết làm cái trò gì trên cõi đời này? Nhất định tôi phải làm một cái gì đó ngoài những cuốn sách người ta chiếu lệ giao cho tôi.
- Hồi này con béo ra đấy, may ra kỳ này...
Mẹ tôi nói lửng cũng đủ làm tôi giật mình. Không khéo chẳng phải”làmvăn” mà lại sắp”làm mẹ” cũng nên. Như vậy chẳng hóa ra công việc tôi nhằm tới không phải trên trang giấy mà ngay trong cái bụng ? Chắc không phải thế đâu, làm gì có chuyện hài hước quá thế, tôi gắt:
- Mẹ chỉ đoán mò, con chưa có gì cả.
- Thì mẹ cũng nói vậy thôi.
Mẹ tôi rơm rớm nước mắt, người già rõ buồn cười, càng cao tuổi tính khí càng trẻ con. Tôi an ủi mẹ cứ yên tâm, thế nào tôi cũng cho mẹ bế cháu, khoa học ngày nay đã tiến tới mức “ống nghiệm” cũng còn đẻ được huống hồ người khỏe mạnh như tôi.
Ngoài nhà, Tú đã tiễn bạn về, lâu lắm, hai chị em mới có dịp trò chuyện lúc mẹ tôi vui vẻ xách túi đi chợ. Chắc Tú chờ tôi hỏi han về cô bạn gái đầu tiên trong đời nó mời về nhà, nhưng tôi tỉnh bơ, cứ kệ, cậu ta khắc phải kể, và tôi nói về phim Việt Nam đang chiếu ngoài rạp, nghe đồn khá lắm, nhưng đông quá, khó lấy được vé.
- Chị mà cũng để ý tới điện ảnh trong nước à ? - Tú riễu cợt.
Quả thực, suốt từ ngày coi phim chị xã viên “chung thủy, đảm đang” với Bình, tôi chưa hề bén mảng tới rạp, ngay khi có phim nước ngoài. Tôi rất ngại “sự long trọng”, “nặng nề”, chẳng lẽ chịu giam mình suốt gần 2 tiếng đồng hồ trong phòng tối chật cứng , đầu óc vẫn căng thẳng , không cười thoải mái một trận sao?. Bởi vậy tôi chỉ đi xem phim hài là thứ tiếc thay ở ta còn hiếm. Tú có vẻ không muốn nghe tôi nói, chắc cậu ta nóng ruột muốn nhắc tới cô bạn .
- Tại sao anh Bình đi xa, chị không về ở với mẹ?
- Em cũng quan tâm chuyện đó sao?
- Em hỏi cho mẹ.
- Vậy thì chị đã trả lời mẹ rồi.
- Chị chẳng quan tâm gì tới mẹ cả.
Tôi định nói “cả em cũng thế”, nhưng nhìn vẻ mặt của Tú, tôi phì cười:
- Mỗi người hãy chịu trách nhiệm lấy chính mình.
- Chị thật quái gở.
Tú đứng phắt dậy, bỏ lên gác. Lạ nhỉ, sao bỗng dưng hai chị em gây gổ chuyện không đâu ?Tôi có lỗi gì trong chuyện này? Bữa ăn mẹ tôi nấu rất công phu thành ra mất ngon, Tú chẳng nói chẳng rằng, ăn qua quýt rồi xách xe đi. Rút cuộc người buồn nhất vẫn là mẹ tôi.
- Hai chị em có chuyện gì thế?
Tôi cũng chẳng biết giải thích tại sao bởi chính tôi cũng chẳng biết tại sao? Tốt nhất là kéo mẹ vào lòng nhổ tóc sâu, nói chuyện giá cả đang leo thang và các nơi đang đổi mới cung cách làm ăn.
- Mẹ đang tính xin phường mở quán bán nước chè, tháng tháng chẳng kiếm được đồng nào, miệng ăn núi lở, mẹ lo quá, với lại mai kia lấy vợ cho thằng Tú, cũng phải giành dụm lấy món tiền.
Tôi chợt nhớ cụ già bán nước trà bữa trước, không lẽ mẹ tôi rồi cũng như thế. không được, tôi không thích mẹ tôi vất vả, lam lũ thế. Tôi gạt phắt:
- Không được, mẹ đừng tính quẩn, gia đình liệt sĩ ai lại đi bán nước...
Tôi lôi tấm gương cách mạng của bố ra với ý định đè bẹp ý đồ làm “kinh tế cá thể” của mẹ nhưng không xong, bà bảo thời nào cũng vậy, “hễ đói, đầu gối phải bò”, chán vạn người công trạng gấp mấy bố tôi, giờ cũng mở quán bán đủ thứ, “mình lấy công làm lãi, chẳng bóc lột ai mà sợ”.
- Bố thì cứu nước, mẹ lại đi bán nước...
Tôi lăn ra cười, cố lấp đi nỗi xấu hổ đâm nhói vào lòng. Lẽ ra tôi phải kiếm thật nhiều tiền đưa mẹ hơn là tiêu phí thời gian vào những nghĩ ngợi xa xỉ và viển vông. Nhưng tôi biết làm gì ra tiền , cơ hội lấy chồng giàu bòn tiền về đưa mẹ đã qua mất rồi, làm vợ một ông kỹ sư, chưa đến mức phải về ăn bám mẹ là may. Vậy tôi vẫn còn hơn cái ông nguyên Giám đốc con bà cụ bán trà, ngồi âm thầm trong túp nhà như một xác chết người ta chưa chôn kia. Không, thà chết còn hơn thoi thóp trong cảnh ngộ kinh hoàng đó. Ừ nhỉ, tại sao ông ta không dám chết? Tôi trừng mắt lên tự hỏi : Tại sao ông ta không dám chết.
- Thằng Bình nó đi rồi, con rảnh rang nên năng về nhà hỏi han bảo ban thằng Tú.
Mẹ tôi lại than thở giá như “ông ấy” không mất sớm thì bây giờ nhà làm gì phải tính chuyện mở quán chè. Tôi cứ ngồi im nghe mẹ kể lể, giãi bày. Đôi khi cũng phải thế, để mẹ trút sang tôi vợi bớt tâm tư, đó cũng là một cách hiếu thảo . Tuy vậy, giọng đều đều, buồn buồn của mẹ rất dễ gây buồn ngủ y như hồi còn bé, chỉ có lời ru là khác. Tôi thoáng nghĩ thế rồi ngủ lúc nào chẳng biết. Một giấc ngủ rất sâu, và yên bình. Một giấc ngủ được ru bằng những lời thở than của mẹ.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét