(tiếp theo)
Chẳng riêng nông dân, bản tính con người là “tư hữu” . Tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp, thu gom ruộng đất, trâu bò, nông cụ vào hợp tác xã thực chất là cưỡng chế . Người nông dân vì áp lực chính trị, đành phải ngậm đắng nuốt cay giao sản nghiệp cho hợp tác xã .
Đó là sự thực hiển nhiên không ai không biết.
Ấy thế mà ông nhà văn Nguyễn Khải tô vẽ cho sự giao nộp ấy như một tự nguyện “cao đẹp”, như ý nguyện thiêng liêng của người nông dân đối với cuộc vận động của Đảng .
Ông Điệp được vào hợp tác xã, làm ngay một mâm cơm gà, cá kho mời bằng được cán bộ xã tới ăn mừng :
“ Hôm qua chúng tôi vừa tổ chức liên hoan vào hợp tác xã, hôm nay làm bữa cơm nhạt mời hai bác sang uống chén rượu gọi là mừng cho anh em chúng tôi đi theo con đường xã hội chủ nghĩa…”
Không hiểu ngày nay, đọc lại câu “đi theo con đường xã hội chủ nghĩa” đã ấn vào mồm anh nhà quê, ông nhà văn Nguyễn Khải có thấy “hài hước” chăng ? Hẳn ngày nay ông đã nhận ra “con đường xã hội chủ nghĩa “ ấy càng đi càng mù mịt , càng phá tanh bành cái hợp tác xã mà Đảng và Nhà nước tốn công xây dựng.
Mặc dầu Đảng và Nhà nước đã dùng cả một bộ máy toàn trị để bao vây, cưỡng bách nhưng công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp không phải là không vấp phải sự chống đối của nông dân. Những phản ứng của nông dân như giết trâu bò, phá huỷ nông cụ, chây lì không chịu ký đơn…chắc chắn phải nổ ra. Tuy nhiên tất cả những chuyện đó bị bịt đi , ngược lại việc cưỡng chế nông dân vào hợp tác xã được cả một bộ máy tuyên truyền báo chí của Đảng tô vẽ như một cuộc đổi đời tự nguyện của người nông dân.
Nguyễn Khải cũng không đứng ngoài được “sự nghiệp tuyên truyền vận động hợp tác hoá” đó. Chẳng những ông không dám đi sâu vào khai thác và phản ánh cuộc đấu tranh ngấm ngầm cũng như ra mặt của nông dân chống lại việc cưỡng bức vào hợp tác, ngược lại ông còn tô vẽ nó đúng như một cán bộ tuyên truyền. Chính vì thế cái phần “xung đột” giữa Đảng và nông dân trong tiểu thuyết “Xung đột” rất mờ nhạt. Chỉ có mỗi vụ Quảng “giả chết” ở đầu truyện để vu vạ cán bộ xem ra còn có vẻ gay gắt còn sau đó chỉ thấy toàn thấy nông dân “ơn Đảng, ơn chính phủ” được vào hợp tác hoá để đổi đời. Phản ánh hiện thực nông thôn thời kỳ này, Nguyễn Khải đã thực hiện đúng theo lý luận kinh điển của Đảng :” mâu thuẫn trong nhân dân “ là mâu thuẫn “nội bộ ”, mâu thuẫn “thống nhất”, mâu thuẫn để ..cùng đi lên.
Trong lúc cố xoá mờ , giảm nhẹ xung đột giữa dân và Đảng, Nguyễn Khải lại tô đậm mối xung đột giữa “nhà thờ ” với chính quyền vừa dễ viết cho sinh động vừa đúng đường lối của Đảng coi đó là mâu thuẫn đối kháng, mâu thuẫn “địch - ta”. Bởi thế, phần lớn “Xung đột” phần II xoay quanh chuyện Nhà nước o ép nhà thờ. “Gậy ông lại đập lưng ông”, ngày nay chính những điều Nguyễn Khải mô tả trong tiểu thuyết vô tình đã lột trần cái “tự do tín ngưỡng” , cái “tốt đạo đẹp đời” xưa nay vẫn tuyên truyền.
Một trong những mẹo chống nhà thờ của nhà văn Nguyễn Khải là bịa ra những bi kịch cá nhân do nhà thờ gây ra. Cô Huệ , con gái ông Bốn sau 10 năm đi tu đã tố cáo tội ác của nhà thờ với bố đẻ :
“ Bố ơi, khi con ở nhà đức tin con mạnh, con vào ở đây đức tin con chẳng còn nữa , tất cả mọi người lừa dối con. Bà Nhất thì cay nghiệt hơn dì ghẻ, đuối tay đuối sức một chút là bị phạt rồi. Mỗi lần con nằm chực ở ngưỡng cửa cho bạn bè bước qua , cúi mặt xuống hôn đất để tạ lỗi, con lại nhớ đến ngày ở nhà được bố mẹ nuông chiều. Sao con lại tự đưa mình vào chốn khổ , khổ mà chẳng được ơn ích gì . Họ mặc áo bà dòng khấn khứa từ sáng đến tối mà vẫn tằng tịu với người khác giới, có người uống thuốc thôi thai, có người đi đẻ giấu , cóngười còn đang tay bóp chết con nhỏ. Mẹ Nhất cũng có nhân tình. Con chẳng tinvào ai cả Con chẳng tin có cái gì khác ngoài những điều mắt con trông thấy, đời con thế là hết rồi…”
Chỉ một năm sau gặp bố, nữ tu Huệ chết trong một cơn “giãy giụa đau đớn”. Một nơi địa ngục trần gian, đầy xấu xa và tội lỗi như vậy mà lại là một nhà nữ tu thì quả thực liệu người ta có thể tin vào sự trung thực của ông Nguyễn Khải chăng ? Điều đó hoàn toàn có thể kiểm chứng được bởi lẽ nơi cô nữ tu bị đầy đoạ trong suốt hơn mười năm trời là một địa chỉ cụ thể, theo như tác giả là thôn Bái thuộc Bùi Chu. Nếu cuộc điều tra chính thức được mở ra , ông nhà văn rất có thể ra Toà về tội vu cáo.
Sau nữ tu, đến lượt các đấng chăn chiên bị ‘bôi bác”. Trước hết ông nhà văn giễu Toà thánh :
“ Người ở thôn Hỗ vẫn coi cái địa phương xa lắc ấy còn ruột thịt hơn cả quê hương mình, còn thiêng liêng hơn chính linh hồn mình và ràng buộc mình bằng trăm ngàn sợi dây bền chắc”
Thậm chí ông nhà văn còn giở giọng xỏ xiên :
“ Hầu như đức Giám ở Bái kêu khát , con chiên ở Hỗ đã thấy cổ mình se lại; đức Giám mục đi vấp, con chiên ở đây đã thấy đầu ngón chân mình rớm máu; đức Giám mục se mình người ta đã đồn đại nhau với nét mặt lo âu.Ngay đến những quyết định hệ trọng nhất của đời người như nên sống thế nào, nên đi theo đường nào , họ cũng tuỳ thuộc vào cái đầu đội mũ hàm ếch lắc hoặc gật.Hình như cái gậy vàng của Giám mục đối với xứ Hỗ còn có hiệu lực sai khiến hơn cả chính con chiên ở Bái. “
Và rồi “chân dung biếm hoạ” của Đức Giám mục được ông nhà văn vẽ vời :
“Người xứ Hỗ chỉ được nom dung nhan đức Giám khi người xuất hiện ở bàn độc, trịnh trọng trong bộ áo lễ rực rỡ, chỉ được nghe lời nói dịu ngọt và đầy sức quyến rũ của người qua những bức thư luân lưu, còn ở Bái thì người ta lại kháo nhau về những tính tình quá trần tục của từng cha một . Rằng cha giám quản thích ăn trứng trụng xôi, mỗi sáng có thể mút hàng chục quả với muối. Rằng không những đức Cha chỉ biết đưa bàn tay cao quý cho kẻ khác hôn vào mặt nhẫn, mà cũng những ngón tay nuột nà ấy còn biết xấp nước bọt đếm tiền nhanh như nhân viên ngân hàng…”
Quả thực thật khó hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Khải lại “ngậm một khối hờn căm” đối với Thiên chúa giáo đến vậy. Một nơi của nhà thờ làm ông nhà văn “ngứa mắt” không thua gì Toà Giám mục chính là chủng viện :
“ Ở cái trường đạo nổi tiếng ấy anh sẽ được thăm những dẫy nhà ăn hôi mốc, tanh tưởi như mùi chiếc đũa tre lâu ngày không rửa, những đứa bé đứng ngồi, ăn húp, cười đùa gõ bát gõ đũa như những kẻ mất dậy…”
Than ôi, chủng viện là nơi nhà thờ đào tạo tu sĩ đâu đến nỗi như trại tạm giam trẻ móc túi ở Chí Hoà vậy? Và đây là nhà ngủ của các học sinh chủng viện :
“ Những dẫy nhà ngủ chiếu cuộn lại từng đống trên giường, dưới đất, hoặc nửa ở trên giường, nửa ở dưới đất, những cái gối gỗ bong sơn , những chiếc thập giá nằm dài ở đầu giường mệt mỏi…”
Giường chiếu đã thế, sách vở còn tệ hơn :
“… những kinh sách do chính toà giám biên soạn truyền bá đạo lý của nhà Chúa và những sự vô luân của quân cộng sản, những truyện trinh thám, kiếm hiệp, ái tình từ cái đời thủa nào vẫn được lưu lại…:”
Đi sâu vào chủng viện còn kinh hãi hơn :
“ Sau những dãy nhà lắm ngách lắm cửa tối hun hút và bí hiểm kia, còn những lớp nhà phía sau nữa , những lớp nhà dài dằng dặc và trống rỗng đặc biệt vẫn có cái mùi hôi mốc quen thuộc, thứ mùi của sự ngưng trệ, lười biếng. Ở tận một xó, một xó bị bỏ quên trong vùng tối bùng nhùng ngay giữa cả lúc trời nắng vang lên những tiếng cười lạc lõng : hai ông bõ già đang ngồi ăn cơm , một người to béo mặt mùi sần sùi vừa câm vừa điếc lúc nào cũng nhìn người khác với nụ cười khó hiểu và một người tay bưng bát cơm cứ run rẩy như trong cơn sốt , vừa ăn vừa ho vung vãi…”
Người của chủng viện đã tật nguyền và tâm thần vậy, đến con chó của chủng viện cũng không ra hồn…con chó :
“ Dưới chân họ một con chó đen đã gần trụi hết lông, trơ ra những đám thịt héo hon đen tím , mắt đầy nhử , quanh ra quanh vào chậm chạp, thấy người lạ nó cũng chỉ đưa được đôi mắt kèm nhèm như van vỉ nhìn lên một thoáng rồi lại cúi xuống tha thẩn như cũ, đụng đầu vào cột, vào bậu cửa như một người đã lẫn cẫn…”
Con chó chủng viện đã như chó hoang vậy, tu sĩ trong chủng viện cũng chẳng hơn gì những kẻ tâm thần :
“ Nhưng đêm đến , cái xác chết tưởng như sắp thối rữa kia khi đã ngửi thấy mùi ẩm ướt của bóng đêm lập tức hồi sinh lại một cách nhanh chóng. Những khung cửa tối om bỗng đỏ rực lên như hàng trăm con mắt lóng lánh. Ở nhà họp công cộng trên tầng gác, bàn ghế đã được kê lại ngay ngắn, học sinh ngồi nghiêm chỉnh trên các ghế. Và cái anh tu sĩ tầm thường của ban ngày, cái anh gầy gò, nhai trầu bỏm bẻm lúc nào cũng có cái điệu bộ ngớ ngẩn , ngu dại nói lắp bắp, dưới ánh đèn của ban đêm đã thay đổi hình dạng. Anh ta nhìn từng dãy ghế xoi mói, thuật lại một cách hoạt bát những việc xảy ra trong ngày…”
Thầy đã thế còn trò cũng xấu xa không kém :
“ Quả thực cái bọn học trò đã trở thành một lũ lưu manh ấy không thích về với bố mẹ chúng thật. Bây giờ học làm thầy chúng cũng không thích, học văn hoá lại càng đáng chán hơn. Phải học , dù học gì cũng là gò bó, trói buộc rồi. Chúng chỉ ao ước cái thời kỳ giằng co với cộng sản sẽ kéo dài nữa. Chỉ mong được sống mãi mãi như thế này : ăn thoả thích, chơi bời thoả thích, nói năng bậy bạ, tục tĩu thoả thích và đêm đêm lại tập hợp nhau làm những chuyện ly kỳ…”
Than ôi, trường đào tạo linh mục của nhà thờ sao tăm tối, bệ rạc và chủng sinh thì lưu manh quá vậy ? Cái nhà trường của giáo xứ Nguyễn Khải mô tả “dơ dáy, xấu xa và vô tích sự” đến thế mà vẫn lo lắng nó “đào tạo gián điệp, phản động” nên Nhà nước vẫn cứ khăng khăng giải tán nó.
Trước hết “ uỷ ban triệu tập những gia đình trong xã có con đi học ở chủng viện Bái đến thảo luận và thi hành quyết định của tỉnh.” Cứ căn cứ chính sách tín ngưỡng của Đảng thì việc giáo dân cho con em đi học chủng viện là chuyện bình thường, vậy mà khi bị triệu tập, họ vẫn phải tới trong tâm trạng lo sợ.
“ Thời gian chờ đợi cũng lâu, những người đến trước không trò chuyện, đùa bỡn như ở các cuộc họp khác . Họ chỉ lặng lẽ nhìn nhau như những kẻ mất hồn, làm ra vẻ đờ đẫn, ngây dại….Người ta dò hỏi nhau bằng con mắt, nghe ngóng một cách lo âu những việc sẽ xảy ra và dành sự suy nghĩ cho những mưu mô sắp đem đối phó…”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét