Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

NHÂN GIỖ ĐẦU NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG


                             

Nhân giỗ đầu nhà văn Trần Hoài Dương, gia đình đã mời các nhà văn, nhà báo , nhạc sĩ là bạn bè thân cận với nhà văn tới tham dự : Tô Hoàng, Đỗ Thái Bình, Tô Minh Nguyệt, Phạm Đình Trọng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Hà Phương, Dương Thụ, Trần Quốc Toàn, Nhật Tuấn, Triệu Xuân…Cũng nhân dịp này xin mời đọc bài viết của nhà thơ Đinh Trần Toán.

        Có một loài hoa dân dã

                                         nhà thơ ĐINH TRẦN TOÁN

Có một loài hoa dân dã gọi là Quỳ, sách vở ghi tên gọi Hướng Dương. Mẹ yêu hoa, thích trồng hoa, đặc biệt là hoa Quỳ, nên đặt tên con trai là Trần Bắc Quỳ, với ý nguyện mà sau này con mới biết “Chắc mẹ mong mỏi con trai mẹ giống như loài hoa ấy, lúc nào cũng hưóng về phía mặt trời, hướng về phía ánh sáng, phía ngay thẳng, chính trực, phía của cái đẹp, hướng thiện...” Hoa Quỳ sinh từ gốc Bắc, mang họ Trần xuất xứ Hải dương. Trần Bắc Quỳ đã hóa thân thành Trần Hoài Dương, nhập thần và nhân hóa chim muông, cây cỏ, hoa lá nhân hóa thành người trong cảnh vừa thực, vừa huyền nhiệm thiện, thiền để cùng chia sẻ, cùng trò chuyện...
Xuân Tân Mão , tháng ba ta, hoa gạo nở, Quỳ đã vội hóa thân cát bụi, vội về với đất làm nền cho thảo hoa sinh sôi phát triển, trong đó có hoa Quỳ.
Những ngày xưa , trong con mắt gia đình, Quỳ là một anh hùng, nghĩa khí, bền chí, cả gan gạt bỏ những giáo huấn, răn đe, can ngăn, sự ra giá, cả sự mặc cả. Quỳ chịu mọi áp lực dồn nén của việc “đấu tranh, tránh đâu”, bị tước đoạt mọi cơ hội học hành, quả cảm nhận phần thua thiệt để theo  đạo lý làm người, trọn tình trọn nghĩa anh em.
 Sau chiến tranh, như mọi gia đình cùng cảnh kẻ bắc người nam, gia đình Quỳ  không chỉ có một mình Việt, người em con cô cậu từ nam ra bắc, lúc đầu ở trại Tuyên Quang sau về Vĩnh Phú, “học tập cải tạo ”  đằng đẵng chín năm.  Không ai như Quỳ “ vóc dáng thong thả, thư sinh, mềm mỏng, nhã nhặn mà sao gan góc vậy. Người đâu “ gàn bất tử...” (Đỗ Chu) tặn tiện từng đồng, từng viên aspirine, từng miếng lương khô, tháng tháng cùng bạn đồng hành là chiếc xe đạp, thường thì xe cõng người, nhiều khi người phải vác xe lội rừng, vượt suối thăm nuôi Việt. Chiếc xe đạp - nhân chứng một thời tao loạn, khắc nghiệt hiện Quỳ đang bảo quản trên lầu ba, nghe đâu Hội nhà văn định xin chiếc xe ấy làm hiện vật bảo tàng?!... Có lần thăm nuôi, Việt ngơ ngơ nhớ vị rượu cay,.. Quỳ lẳng lặng, lội vào xóm núi, xuống tận bản mường đổi được lưng chai rượu sắn mang về cho Việt... Anh em cùng ngậm mấy ngụm rượu sắn chua chua, cay hỗn, lơ mơ  ở ngay chỗ sơn cùng, để mà ngấm tình... người. Hai anh em, cùng có chung máu  nghệ sỹ, Việt văn công phía “địch”, Quỳ văn sỹ phe “ta” cùng gốc tri âm, vì thương nhau mà cùng lận đận.
Ngày cúng thất tuần, tất cả đều rưng rưng. Lê Phú Khải nói ngắt quãng :
“Tên là Quỳ mà chẳng bao giờ quỳ gối. Tên là Quỳ mà cả đời đi đứng thẳng lưng...”.
Phạm Đình Trọng, thương cảm nhớ cái ngày Quỳ khốn khó, rất nghèo, nhưng chẳng chịu hèn. Trần Mạnh Hảo rất mực rằng “Viết cho thiếu nhi ở Việt nam, Quỳ là số Một”... Còn Nhật Tuấn, vẫn như ngày “Trang mười bẩy” rổn rang, mã thượng, thẳng tưng, sắc lẻm:
“Ngay từ đầu, thằng Quỳ đã tách khỏi bọn những thằng Hoàng Hưng, Trí  Dũng, Bằng Việt, Nghiêm Đa Văn, Nhật Tuấn.. Một mình nó một đường. Nó bỏ báo Học Tập, bỏ chỗ một làm thơm nhất lúc bấy giờ, một chỗ mà người khác chẳng dám mơ, lên huyện miền núi Bắc Giang xa lắc, hai năm trời ở Trường giáo dục trẻ em hư, ba cùng với lũ trẻ để viết về chúng, những đứa trẻ vẫn còn nguyên phần người trong sáng,..Thằng Quỳ sớm lên rừng vào rú... còn tao sau này mới “Đi về nơi hoang dã”. “
Ơ! nàyTuấn,  Quỳ khác ở chỗ nó đi về xứ những người đã có quê, đang ở giữa quê mà quê thì đã mất, chỉ còn lại một tiếng quê, còn Tuấn  “đi về nơi hoang dã”, là đi về chốn quê mà không phải là quê, chưa quê!  Mà thôi, cho qua chuyện này...! Sáng sớm nay có hai ông bạn văn chương của Quỳ, từ Hà nội vào. Họ ngồi tàu lửa xình xịch hai đêm, vừa kịp sáng, vội đến thắp cho Quỳ mấy nén hương, rồi vội đi gấp vì công chuyện. Bác Ngà ngoài Hà nội, ủy thác mình tiếp họ, nhưng họ vội lảng và đi, thế nên mình không gặp... Chuyện,.. ầy,.. thường!.. lúc này đây mọi người đang nhớ, mới thoắt đó, nay Quỳ đã là thiên cổ, đã ở miền trong xanh, ở cái miền mà suốt một đời mơ ước, vì nó mà Quỳ bỏ tất thẩy. Đoàn Ngọc Trinh đúng, khi ngẫm ra rằng Quỳ sướng, Quỳ không khổ! Quỳ sướng vì đã sống theo ý thích của mình. Trinh hiểu ra,và có lẽ vì, Trinh thì  nợ Quỳ món nợ nhân duyên, còn Quỳ lại nặng nợ văn chương nên Quỳ gác bỏ mọi thứ, kể cả vợ con…Trinh đã nhẫn nhận thực tế có phần phũ ấy, mỗi người gánh một gánh nợ riêng nên chia tay, nhưng cả hai cùng ở vậy, không ai đi bước nữa. Cái quan niệm sướng - khổ của Ngọc Trinh khác hẳn cách nhìn nhận sướng và khổ thường tục ở mình, cho rằng Qùy khổ!  
  Còn hiện giờ, một mình mình đang lắng  Những giờ trôi…/ Những ngày trôi…/ Còn lại trong tôi hình bóng những người bạn tôi một thuở của những ngày đang trôi… tâm trạng này chợt đến khi Dương Thụ tặng mình cuốn café mưa (08. 2010) cũng là tâm trạng lúc này, đang nghiệm thấy Quỳ đang ruổi về Miền Xanh Thẳm để nghe, lắng nghe cho được sự sự vật  hiện tồn sinh trong cõi trong xanh thăm thẳm. Quỳ lắng nghe thiên nhiên, lắng nghe cây cỏ muông thú trong bốn mùa mưa nắng với tất cả sắc màu biến ảo của thời sinh. Quỳ lắng nghe “Câu chuyện còn giấu kín trong lớp vỏ” rồi thấy “những hạt đỗ phồng to lên, nứt vỏ và nẩy những cái mầm mập mạp…”, lặng nghe, quan sát sự sinh thành của một Bé Rơm nhận ra ngay câu chuyện cảm động và nhân bản. Trong Bé Rơm đã có phần thể hiện quan niệm sống của Quỳ “hạnh phúc là được sống theo ý thích, làm theo ước nguyện của mình và được chia sẻ”. Quỳ đã lấy câu nói của H. C. Anđecxen “Anh hãy gắng sao có được óc tưởng tượng, không phải để tạo ra đau buồn,  mà để mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho anh” để làm phương châm sống. Quỳ lắng chuyện Em bé và bông hồng thấy: “Bông hoa tỏa hương dìu dịu, khẽ rung rinh như mời mọc: “Lại đây cô bé, lại đây chơi với tôi  đi”, lắng đàn se sẻ và nghe “lời động  viên của (con) sẻ đầu đàn Cố lên! Cố lên! Sắp  tới bờ rồi” , lặng lẽ quan sát Kiến Nâu và Bọ Ngựa thấy chúng trở thành đôi bạn chí thiết trong truyện Con Chim Xanh, lắng Tiếng Mùa Xuân, lắng tiếng tâm tình trong “Bạn Chí Thân”, nghe tâm trạng con Ky – “người” chia sẻ những nỗi niềm thơ bé của Quỳnh:“Ông ơi  ông, ông bảo thằng Quỳnh nó cứ trêu chọc cháu đây ông”. Con Ky biết giận hờn, biết nghe lời bạn, biết việc phải làm, thực như người,.. Một Quỳnh – con người và một Ky – con vật, cả hai như hòa vào nhau, thông hiểu nhau, hơn hẳn những con người vô cảm, trùm lấp thế giới phằng này, hơn hẳn bọn bạo cuồng vật dục, đã mất hẳn phần nhân tính, đang cố tình không nghe, không hiểu, cố tình gạt phăng sự thông cảm những nỗi người…
  Cái sự nghe và sự lắng của Quỳ, thật đáng ngạc nhiên, có cái phần chút chút tương đồng với Dostoievski – văn hào Nga, như Stefan Zweig đã viết “Goethe người của đôi mắt, theo cách diễn đạt của Wagner, Goethe miêu tả mọi cái bằng cái nhìn, còn Dostoievski, người của đôi tai…ở Dostoievski chúng ta nhìn thấy là bởi chúng ta nghe thấy” (H.A. & đồng nghiệp, t.396)
Nhưng sự lắng và sự nghe của Quỳ khác với cái cung cách nghe của Đốt ở chỗ: kiểu lắng nghe của Quỳ và ở những người theo cái xưa cũ phương Đông là thao tác căn cơ của việc “thiền”: Nghe người, nghe mình, nghe thinh lặng /Nghe ngoài nghe trong thinh lặng âm vang/ Nghe như vậy là trong veo…thinh  không…tịnh lặng và là…/ Về tới cõi yên lành! Mình cũng đã lăm le học cách lắng nghe, lắng nghe theo kiểu nghiệm sinh trong cách sống thường hằng của người Việt, biết thuận hợp với môi sinh, biết vui sống, an nhiên, tự tại cũng là lúc biết tìm và biết thấy “bến Thinh Không”.
Quỳ đã chọn cho mình cách sống theo ý thích, làm theo sở nguyện, không chịu bất kỳ sự khuôn thúc nào dù của đoàn thể hay tổ chức, không chịu lệ thuộc vào bất kỳ ai, kể cả vợ con.  Quỳ phá bỏ những quy ước sống thường tục để được là chính mình, truyện ngắn “Em muốn được là chính mình” là một xác tín.
Cuộc sống Quỳ có chủ định, mà như tình cờ, là “phá chấp”! Phá chấp! kiểu... của ông “Ông Phật sống” – Lưu Công Danh “Ông bỏ hết vàng son/ Bỏ ngôi cao chất ngất/ Trải cuộc sống dị giản / Giản dị tới nguyên thủy con người/ Ông thật – người – người – thật/ Ông đời gương tối giản / Ông đã vuông – tròn với nước non! / Ông còn lo vuông – tròn cho mai hậu”.
 Quỳ sống cô đơn. Sống cô đơn là cách Quỳ tự chọn. Quỳ giành hết thời gian, tâm lực tài trí cho những Miền Xanh Thẳm, những Nàng Công Chúa Biển. Trong mọi cảnh huống Quỳ đều chủ động tạo thế tự do như là một chủ thể cô đơn hóa để sáng tạo. Quỳ cô đơn còn bởi một lẽ khác, ấy là do sống bằng lý tưởng, lý tưởng cộng sản, lại cũng là chứng nhân sự đổ vỡ lý tưởng. Quỳ vốn là một cậu bé con, không chịu lớn, ngơ ngác cả tin nên bơ vơ sống ngay cả trong miền hạnh phúc gia đình, rõ là hiện thân của sự cô đơn, hờn dỗi, dằn vặt, hiện tồn trong nhân hóa, kể cả ông trời! Và cái chết với Quỳ, có thể là sự may mắn của số phận, đã giải thoát Quỳ khỏi cuộc  luân hồi, bất trắc, hàm chứa việc giữ được tuổi thơ trong trẻo, không chịu được sự đời núp bóng cái ngây thơ, trong sáng của tuổi thơ, che đậy sự vô cảm, đầy mưu mẹo để tham, cầu cực...
        Nhìn lại thế hệ chúng mình sau ngày thủ đô giải phóng, ai nấy đều  sống theo lý tưởng, ai nấy đều hăm hở xuống biển, lên rừng, ước mơ xây đời mới. Hoàng Hưng lên Điện Biên làm giáo viên văn hóa cho bộ đội, Vĩnh Sương bỏ học đại học, đi làm công tác đoàn, mình vào Sư phạm, học ngành tiếng Nga, Quỳ thì theo học báo chí ...
        Ngày đó lũ mình, cả một thế hệ hoàn toàn trong sáng, không một mảy may tính toán, so đo, lao vào nền dân chủ mới, ùa vào tham gia mọi cuộc “cải tạo”.., đua theo mọi phong trào, gạt phứt sự vướng bận, phiền toái liên quan tới cái gọi là “tạch sè; tạch tạch sẻ” (tư sản; tiểu tư sản) được cho là lạc hậu, là phản  động, cố mà theo cung cách bần cố nông “thành phần cơ bản”. Thế hệ ấy sống theo lý tưởng, bằng lý tưởng cộng sản, mà ngay từ buổi sơ khai đã là không tưởng, cũng là thế hệ chứng nhân sự đổ vỡ lý tưởng cộng sản.
Ngày nay có  đủ loại bằng cấp học vấn, nhưng cái nền là văn hóa thì mất gốc. Hệ quả, ít nhất ba thế hệ con em người Việt không biết, không hiểu văn hóa là gì…thành ra lũ người vô văn hóa, dẫu có thân xác phì nộn, hoạnh phát, hoạnh tài, vật chất thừa mứa đấy, nhưng tâm hồn teo tóp, khô kiệt, tính linh u mê, từ đó dẫn tới hiện tượng  gần như phổ biến  là cái thiện thua cái ác, kẻ làm càn thắng người chính trực, đồng tiền thống trị trong và ngoài xã hội, tác oai tác quái và đang vào cầu cực kỳ hốt!.
        Lý tưởng, xét về mặt chữ nghĩa, là cái gì đó không có thật, nó được tưởng tượng ra, được vẽ ra, vì thế nó đẹp đẽ, mỹ miều, khác xa, rất xa hiện thực sần sùi, thô lậu, tàn khốc, bạo liệt .  Lý tưởng đổ vỡ, cuộc sống đảo lộn điên khùng, không còn chỗ cho ước mong và hy vọng bám víu, nên bị bơ vơ, và nỗi bơ vơ như Trần Mạnh Hảo hạ bút
“ Nỗi bơ vơ ấy đã cướp đi hạnh phúc trần gian của anh. Trần Hoài Dương theo đảng cũng bơ vơ, theo vợ cũng bơ vơ, theo văn chương càng thấy bơ vơ. Anh đã đi theo đứa trẻ con là tâm hồn mình, chơi tiếp cuộc chơi trốn tìm với hư vô, với cái chết. Trần Hoài Dương, hình như anh chính là biểu tượng của lứa trẻ con U 70 chúng tôi: một thế hệ bơ vơ”
  Ở Quỳ sự thành kính, thành kính phẫn nộ, thành kính yêu thương, sự thành kính ấy trở thành sự bơ vơ, bơ vơ – thành kính. Thành kính trong nguyện ước luôn hướng về mặt trời, hướng về sự sáng và trong, hướng về cõi thiện cũng là cái niệm đích của bút hiệu Hoài Dương.
 Chiều tối, trước ngày tiễn Quỳ đi, Trí Dũng, nhà thơ “Lòng Uông Bí”, dõng dạc điểm mặt :
“ Thế hệ chúng mình thất bại, tất cả mọi thằng đều thất bại,.. Ấy là…chỉ kể những thằng cùng  một lứa với nhau ở Phổ thông Ba. Bằng Việt thì thành cả danh cả chức, nhưng bây giờ thế nào…Nó chỉn chu, tròn trịa,.. Hoàng Hưng thì bây giờ như mất phương hướng cách tân …cũng tại nó… Nó cách mạng cách tân thơ phú cái con khỉ gió. Mày thì…thơ chưa phải là thơ, triết lý vớ vẩn, may cũng có vài câu hay … Ờ, mà hay hay dở còn tùy, được cái mày có chất của mày, có lực của mày.... Quỳ thành công trong nghiệp văn, nhưng thất bại trong cuộc sống. Mà văn chương thì là cái chó gì. Cuộc sống mới là quan trọng. Còn tao! Tao vẫn đi dạy cho vui mà thực thì cũng còn là để kiếm sống. Tao vẫn làm thơ để cho riêng mình đọc, không chỉ có Lòng Uông Bí, nhưng tao đếch thèm gửi cho thằng nào, kể cả mày…Tóm lại bọn mình đều thất bại. Sắp xuống lỗ cả nút rồi…à mà, ngoài thằng Quỳ, có mấy thằng trong bọn minh đi rồi nhỉ? Chỉ khi chui xuống lỗ thì mới không còn thất bại, mà cũng chẳng còn thắng lợi, phải không ?!”
Tôi trả lời Trí Dũng :
“ Còn thì tao vưỡn...đang là, đang “ngâm cứu” những món cũ xưa, meo mốc, kiểu như Lý dịch khó nhằn, còn món thơ thẩn của tao thì vẫn thơ thơ thẩn thẩn, lênh phênh, dạt trôi, sắc thơ tối mịt tối mò, thơ xóm, thơ vườn, vợ chê quá xá. May có Lão Trang gốc Bến Tre, thương tao nên chịu đọc tao, nghe tao, lại còn ân thưởng cho hai chữ: “tri âm và nén chữ”. Còn có một cơ duyên khác, là nhờ cảnh tình tri ngộ của Hà Phương biên tập, Vũ Ân Thy đọc ngẫm, được Nguyễn Mạnh Tuấn hết sức động viên tao viết lách, thỉnh thoảng lại được thằng Nhật Tuấn tuếch toác bốc cho mấy câu, chỉ cho vài chiêu viết  thoắng, do vậy mấy bài viết và thơ của tao mới năm thì mười họa cũng  được trưng lên mặt báo.  Mà này hình như thế hệ mình cả một lũ làm văn thơ chuyên nghiệp đều bắt đầu từ việc làm báo tường cả hồi phổ thông lẫn hồi đại học? Chỉ có mỗi thằng Quỳ mang nghiệp văn chương ngay từ hồi tiểu học...thuộc vanh vách những vần thơ, những áng văn, trì chí cùng văn chương nghiệp quả! …”
        Cùng học theo cái Chân, cái Thiện với Quỳ nên mình đã mon men vào cửa rừng chữ nghĩa văn vẻ này, mót chữ, gom câu của Quỳ, của bạn bè mang về ươm ở vạt nương téo tẹo, ẩn khuất trong khóm dây nhợ sơ khai, lấy vài cành bút vạch mấy vạch con con mong vẽ thành rạch nước, bài viết này cũng là việc sơ phác về thế hệ chúng mình, mem mém mép trên thất thập, tạo ra văn bản này là sự ghi nhận cây hoa Quỳ đã hóa thân thành Hoài Dương – Nhân hóa, thành thiết mộc đinh. Quỳ hãy ghi nhận bài viết này như là Quỳ đã ghi nhận chúng mình có “...tình anh em thân thiết suốt gần nửa Thế kỷ nay... Bạn chí cốt” và đem nó theo, để thỉnh thoảng, lỡ gặp sự buồn, thì mở ra liếc vài dòng cho khuây khỏa.

Mạc Tuấn ĐINH TRẦN TOÁN

 ĐINH TRẦN TOÁN, bút hiệu Mạc Tuấn, sinh 1941, quê Hà Nam. Chuyên nghề giáo học, nghiên cứu việc học, dạy tiếng Nga – ngoại ngữ –văn học Nga – Xô viết theo nguyên lý Âm  – chủ –tịnh và Dương – Khách  – Động của Đông học . Công trình nghiên cứu này đã công bố 17 tháng 8 năm 1990 tại Maxcova và trong tạp chí chuyên ngành “Tiếng Nga ở nước ngoài” và in trong các tạp chí ở trong nước.  .
Đã xuất bản 07 tập thơ có tiêu đế chung  NGHIỆM SINH: N.S 1 Tình Quê; N.S 2 Trăng Quê; N.S. 3 Lời ru & Ấn tượng; N.S 4 Thời gian & Tâm trạng, N.S 5 Rong chơi; N.S 6 Chùm thơ 98; N.S 7 GÓP NHẶT THƠ...hiện đã hoàn thành một loạt bản thảo thơ như Đối thoại & Độc thoại Thiền, rồi làm thơ BA CÚ …Tuyển dịch một số thi phẩm của các tác gia PUSKIN, ÊXENHIN, đã công bố trong các tuyển tập thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét