Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀNỘI (KỲ 35)


                               
                                                                (tiếp theo)   

 Biên Cương vội chuyển đề tài khi nhận thấy câu chuyện “đổi mới tư duy” không hấp dẫn tôi lắm.
      - Em mệt phải không? Em hơi xanh đấy.
      - Thật không?
      - Sao không thật. Phải em đang “ăn giở” không.
      - Bậy, làm gì có chuyện đó.
      Tuy nhiên, Biên Cương làm tôi giật mình. Không lẽ trong tôi đang có những chuyển động âm thầm, chậm chạp chỉ người ở xa về mới nhận ra. Không phải , tôi vẫn ăn ngủ đều , chỉ trục trặc đôi chút trong “chu kỳ” đó là chuyện thường tình.
      - Em cố đọc sớm và trả lời anh trước ngày 25 được không?
      - Hôm nay mấy nhỉ?
      - 15 rồi, còn 10 ngày nữa, thừa thời gian cho cả ông Trưởng phòng biên tập đọc nữa.
      Biên Cương làm tôi chợt nhớ “chu kỳ” của tôi đã quá năm ngày , không, chắc chậm thôi. Tôi cười:
      - Anh cứ làm như ở xứ Long An của anh không bằng. Ngoài này xếp hàng nhanh cũng một năm, có ông chờ cả chục năm!
      Tôi lại phải nghe anh thuyết trình về đổi mới. Anh nói hăng hái và tự tin tới mức tôi phải ngờ rằng có lẽ tôi cổ lỗ quá chăng, bởi vậy tôi đành phải hứa đúng hạn tôi sẽ trả lời dứt khoát kể cả ý kiến ông Trưởng phòng.
      - Thế còn tiểu thuyết của em viết đến đâu rồi?
      - Đúng một dòng chín chữ.
      Biên Cương bật cười, thật khó tin lại có một tốc độ viết chậm kinh hồn vậy. Tôi thú thật tôi định bỏ viết, chắc tôi không có tài, nếu có, ắt tôi đã viết được ít ra là vài chục trang.
      - Không phải đâu, anh an ủi tôi, chưa viết sao biết mình không có tài? Có điều em đừng có cầu toàn, cứ viết đại đi, xem nó thế nào.
      Tôi nói nếu chưa hình dung rõ được nhân vật đi lại, nói năng tôi không thể nặn được dù là một chữ. Tôi kể anh nghe tôi đi tìm nhân vật và đã thất vọng thế nào, từ đó chờ mãi chưa gặp cô gái làm mẫu cho nhân vật của mình. Tôi nói xong, anh nhìn tôi chằm chằm:
      - Em có điên không đấy?
      - Nếu có, chắc vẫn tỉnh hơn anh .
      - Vậy em nên từ bỏ ý định đi tìm nhân vật đi.
      Tôi bảo tôi áp dụng đúng quy tắc “ điển hình hóa” nhà trường dạy và lâu nay không xuất hiện tác phẩm lớn chính vì người ta đã bỏ qua  nguyên lý cơ bản đó. Biên Cương không cãi nữa, chia tay với tôi anh băn khoăn:
“Nếu thực sự em muốn viết, anh khuyên em nên quẳng ba cái nguyên lý đó cho nhà trường.
      - Lúc này em thấy anh giống chồng em thế.Ông nào cũng tưởng mình nhất nên cứ thích dạy dỗ, lên lớp người ta.
Tối hôm đó trời rét và lại mưa nữa, tôi bỏ hẹn đi xem kịch Nhà hát lớn với Biên Cương, gài kín cửa, nhảy lên giường chui vào chăn thò cổ ra đọc bản thảo tiểu thuyết của anh. Thú thực, cuốn “Phương án Z.28” anh tặng tôi năm ngoái chỉ có mỗi chồng tôi đọc rồi chôn luôn trên giá sách. Tính tôi không thích gay cấn, rùng rợn; trang đầu đã thấy xác chết trong phòng vắng, thề là chả đợi tới lúc công an khám nghiệm hiện trường, tôi gấp ngay sách lại không đọc thêm một chữ dù hôm sau Bình đọc mải mê đến quên cả mở tivi và khen “thằng cha này viết hấp dẫn”.
Rất may, cuốn mới này không đụng tới dao găm, súng lục, không có nhân vật nào  “gây án”, toàn người tử tế lương thiện cả thôi. Tôi đọc lướt mấy dòng đầu, sang trang thứ hai tôi đọc chéo, thế rồi dần dà những trang sau tôi bị hút vào truyện và thôi còn đọc nhảy cóc nữa. Hóa ra anh viết không đến nỗi dở, ngược lại, càng về sau càng hấp dẫn .
Tôi đọc quên cả buồn ngủ, gió bật tung cửa sổ, tràn vào phòng, cái rét thấm qua mấy lần chăn, mặc kệ, tôi cứ nằm nguyên trên giường, hăm hở đọc hết trang này sang trang khác, một mạch vừa hết truyện đúng vào lúc mờ sáng. Tôi thiếp đi lúc nào không biết, mãi đến khi nắng bò vào màn tôi mới thức giấc. Bản thảo của Biên Cương lung tung trên giường làm tôi nhớ lại  ấn tượng tối qua. Phải nói với cuốn này, Biên Cương đã vượt khá xa mấy ông nhà văn vẫn có sách in dài dài ở nhà xuất bản trung ương. Lối viết giản dị, câu chuyện chẳng có gì nhưng trình bày thành thực, thành công là ở sự chân thật, không khoa trương, không gân cốt.
       Tôi mang chồng bản thảo tới cơ quan, khoe ngay với ông Trưởng phòng :
      - Một tài năng ra đời.
      - Vậy hả? Phải uống mừng cái đã.
       Ông mở hé túi, rút cái chai bé xíu, dốc ngược hết cũng không đầy chén mời tôi và ngay khi tôi tỏ dấu hiệu từ chối, nháy mắt đã thấy ông úp chén xuống mặt bàn.
      - Chà, rét này phải cả cút mới đủ nóng người.
       Quên béng “một tài năng mới ra đời”, ông kể tối qua vợ ông mua được cặp gà ở ga của ông nhà quê bị móc túi rẻ được ngót trăm bạc so với giá chợ. Bà Ba Cút bán rượu ở phố Huế chiều qua không cho ông ghi nợ nữa vì chiếu theo sổ ông đã uống cả hết cuốn tiểu thuyết hiện đang xếp chữ ở Nhà máy in Tiến Bộ. Ông thở dài:
      - Hôm nay cô không cho tôi tạm ứng trả bà mai hết uống chịu.
      - Chú đã vay tới lần thứ ba rồi đấy.
      - Vậy lần này mới là thứ tư , cô viết phiếu đi.
      - Bao giờ chú đưa bản thảo?
      - Lo gì, chưa viết, chữ còn ở trong đầu , mất đi đâu mà vội.
      Tôi cầm quyển sổ viết cho ông cái phiếu vay tiền, nhắc lại bản thảo của Biên Cương.
      - Chú đọc ngay đi mình in cuốn này chắc xôn xao dư luận.
       Ông nhét ngay cái phiếu vay tiền vào túi, reo lên:
      - Tôi sẽ đọc ngay lập tức, nhưng phải xuống tài vụ lãnh tiền hâm nóng người cái đã. Hoan hô tài năng mới ra đời.
       Ông giơ tay chào, bước ra khỏi phòng. Tôi cất bản thảo của Biên Cương vào tủ, khóa lại, sớm nhất sáng mai ông Trưởng phòng mới đọc được, ấy là nếu ông ấy không say nằm nhà luôn hai, ba ngày . Tôi tiếc cho ông quá, nếu những nơrôn thần kinh của ông không tan trong rượu, ắt hẳn ông sẽ viết được nhiều cuốn hay hơn những cuốn đã làm ông nổi tiếng.
Điện thoại gọi tôi nhận thư . Mới đi gần hai tháng, Bình đã viết  những lá thư gộp lại dày gần cuốn tiểu thuyết. Có thư anh viết theo lối nhật ký ghi từng giờ :
       12 giờ 15 phút ngày...”Anh vừa qua một cuộc họp căng thẳng quyết định rút ngắn thời hạn thiết kế 2 tháng...”
       13 giờ 20 phút “Trời nóng quá, lại bị cúp điện, không ngủ được...”
       22 giờ 30 phút “Anh viết cho em vài dòng suy nghĩ trước khi đi ngủ. Nhớ em quá...”
       Đại để vậy, thư giông giống nhau, chuyện công tác, chuyện ăn ở, nhất là nỗi nhớ tôi. Tôi rất mừng anh đã tìm được công việc để có thể dốc hết năng lực, việc làm một cách hào hứng, rút cuộc, những “chiếc cầu giấy”  đã biến thành thực thể “bêtông sắt thép”, đời vậy vui lắm chứ, buồn sao được.
      - Gớm, vừa nhận được thư chồng có khác, tươi như hoa... .móng rồng.
Tôi va phải bà đánh máy ngay phòng hành chính. Lâu nay , tôi hòa hoãn, thỉnh thoảng  ghé dúi cho bà gói lạc rang, dăm cái kẹo Hải Châu, hoặc thổi mát vài lời khen ngợi, bởi vậy bản thảo tôi đưa xuống, bà đánh ào ào, không  “gấp” cũng thành  “hỏa tốc”.
      - Bưu điện mới tăng giá cước, liệu thằng chồng cô lương có đủ tiền mua tem không?
      - Ra vẻ thư từ vậy thôi cô ơi, vào đó lại không cặp bồ tùm lum.
      Tôi bắt chuyện bà và như vậy không thể nào ngăn được bà lôi tôi vào căn phòng chật hẹp kể lể việc nhà, việc cơ quan và tôi phải lắng nghe  chăm chú không khác gì lúc ông Trưởng phòng nổi hứng ban ơn cho tôi nghe ông đọc bản thảo.
      - Tôi nói cô chuyện này, tuyệt đối không được lộ với ai.
      Tôi lại phải cam đoan tôi chẳng khác gì cái máy điện thoại chưa quay số, cô tha hồ muốn nói gì nói , nó chạy hết vào dây điện .
      - Cô có biết tối qua bà tài vụ đi đâu không ? Đến nhà ông Tổng biên tập đấy...
      Lần lượt từ bà tài vụ đến ông Tổng biên tập bà chuyển sang ông Giám đốc, ông Phó giám đốc, bác lái xe... Chao ôi, nếu cứ tin lời bà thì cơ quan tôi buồn thảm biết mấy. Chả phải thế đâu, báo cáo sơ kết, tổng kết của ông Giám đốc đã nói rõ “hoàn thành vượt mức kế hoạch, đời sống cán bộ công nhân viên được nâng cao, tinh thần đoàn kết tốt, mạnh dạn đấu tranh phê và tự phê, vân vân...
      - Tôi báo cho cô biết kỳ tổng kết này các ông ấy định thịt con chó của ông Thiện đấy. Công đoàn sẽ mua thêm ba con vịt cho chị em nào không ăn được thịt chó.
      Ông Thiện vốn là biên tập , về hưu được năm, sáu năm , sống độc thân trong căn phòng xép góc cơ quan, cạnh khu vệ sinh. Mỗi lần đi ngang, tôi lại thấy ông ngồi cắm cúi trước bàn ngổn ngang tự điển, dịch thuê phụ thêm vào lương hưu  chỉ đủ đong gạo, muối mắm hàng ngày.
Từ lâu rồi ông mang về một con chó nhỏ, thoạt đầu bé quá chẳng ai chú ý . Năm này qua năm khác, diện tích sáu mét vuông của ông không chứa nổi ông và con chó lớn . Bởi vậy, nhiều lần nó giật xích tung tăng chạy ra sân, gây ra biết bao nhiêu lời than phiền trút xuống đầu chủ nó. Nào là con gà nhà bà Gái đang nhảy ổ bị nó đuổi vỡ buồng trứng tịt cả đẻ, nào là nó dám cả gan chạy ra sân sủa ầm trong lúc phái đoàn Hội nhà văn long trọng tới thăm Ban Giám đốc Nhà xuất bản.
Tuy nhiên sức ép buộc tội con Tôky nhà ông Thiện chủ yếu thuộc về phía những ông bợm nhậu như ông Trưởng phòng . Suốt cả một mùa viêm nhiệt vừa qua, ông Thiện chỉ nơm nớp lo chó nhà ông vô tình chạm vào ai đó thì bản án tử hình được thi hành ngay lập tức. Người ta đã viện ra đủ thứ lý do luật lệ cùng các mối hiểm nguy của bệnh chó  dại, may thay, con Tôky dường như đánh hơi được tử thần, ngoan ngoãn vâng lệnh chủ, tuyệt đối không sủa khi cơ quan có khách, không ló mặt ra khỏi sáu mét vuông của chủ nó.
Có lần tôi  tìm tới phòng ông nhờ dịch một đoạn văn ngắn. Vừa ló mặt vào, tôi thoáng thấy con Tôky rời mâm cơm đang ăn với chủ, bổ nhào vào gậm giường. Tôi phải phục ông Thiện đã huấn luyện thay đổi được cả bản năng của nó để trở thành một con vật chỉ biết chạy trốn con người.
Bây giờ mùa viêm nhiệt đã qua, mùa đông đã tới, con Tôky lẽ ra phải được tha bổng chứ? Hay tại ông Thiện đang túng tiền mà con chó của ông thì lại được đặt giá quá cao? Chịu, không thể biết được, vả lại tôi cũng không muốn biết làm gì.

                             (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét