Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

VÊ MỘT THỜI HÀNỘI (KỲ 41)




                                                  
                                                           (tiếp theo)

      Hồng Loan đã quay ra với cô gái tôi đoán là em Hoàng Minh. Gần tới chỗ tôi, cô ta dừng sững, để mặc Hồng Loan đi tới. Nhìn vẻ mặt của nó, tôi cố đoán kết quả.
     - Sao? Hoàng Minh sao rồi?- Tôi hỏi vội vã.
     - Thoát rồi, thoát rồi. Anh chàng đã tỉnh và khăng khăng đòi gặp riêng cậu.
     - Cậu vào đi, Hoàng Minh đang chờ đấy.
     - Chịu thôi, cậu đi với tớ.
      Hồng Loan giao xe cho cô em Hoàng Minh rồi lôi bừa tôi đi. Thôi kệ, muốn ra sao thì ra, tôi chẳng nghĩ nữa, cứ nhắm mắt theo Hồng Loan bước thấp bước cao qua dãy hành lang sâu hút mờ mờ ánh đèn. Tôi co rúm cả người khi bị Hồng Loan đẩy vào căn phòng ở đó có mỗi chiếc giường sắt và bà mẹ Hoàng Minh đang bón sữa cho anh. Tôi đứng ngây giữa phòng như con ngố cho tới lúc Hoàng Minh vẫy tôi lại . Tôi phòng trước cái nhìn giận dữ ném tới từ bà già, nhưng không,  bà chẳng thèm liếc mắt, cũng không nói một lời, cầm chiếc cốc lẳng lặng ra khỏi phòng. Tôi ngồi ghé mép giường trong lúc Hoàng Minh chống tay dậy, dựa lưng vào tường. Anh đã qua được cơn hiểm nghèo và khỏe mạnh hơn tôi tưởng.
     - Một lần nữa tôi thành thực xin lỗi Kiều Vân.
     - Chuyện qua rồi, anh còn nhắc làm gì. Không ngờ anh dại dột thế?
      Hoàng Minh nhếch mép cười, tôi hiểu, biến cố vừa rồi đã làm anh tỉnh ra .
     - Vân nói rất đúng, tôi dại dột quá, nhưng mà là dại dột rất cần thiết. Nó làm tôi nhận ra rất nhiều điều...
     - Anh cần nghỉ ngơi cho khỏe, nghĩ ngợi nhiều không có lợi.
     - Không, Vân cứ để tôi nói hết. Từ cõi chết trở về, điều đầu tiên tôi nhận ra là tôi đã đánh mất sự hồn nhiên, tôi quá nghĩ ngợi, quá cố gắng và không phải bất cứ mục tiêu nào người ta cũng có thể đạt được bằng cố gắng, nhầt trong nghệ thuật và cả trong tình yêu nữa.
      Anh tuyên bố “lấy lại tự do” đấy ; tất cả những điều anh nói, thực ra chỉ rõ một điều  là anh không còn yêu tôi nữa. Lạ thực, lẽ ra tôi phải mừng cho anh chứ, sao lại tức tối thế này. Tôi nói chẳng riêng gì anh đánh mất hồn nhiên và đó là căn bệnh chung của những người như tôi, như anh, như Hồng Loan.
      - Không phải đâu, anh nói, người ta chỉ mất hồn nhiên khi ý thức mục tiêu quá mạnh mẽ. Kiều Vân không như thế đâu...
      Anh nhắm mắt lại vẻ không muốn nói nữa, bà già đã lấp ló ngoài cửa và tôi cũng chẳng muốn nán lại . Tôi chúc anh mau bình phục và rảo bước khỏi căn phòng mà sự có mặt của tôi đã trở nên thừa thãi.
      Hồng Loan vẫn trên xe máy đợi ngoài cổng. Vừa thấy tôi, nó đã vồ vập:
      - Sao? Hoàng Minh thế nào?
      - Hạ màn rồi, thôi thôi, nói chuyện khác.
      Nó nổ máy và vớt vát một câu lửng lờ:
      - Hoàng Minh không chết, nhưng chắc tình yêu với cậu đã chết.
      - Càng tốt, càng đỡ rắc rối.
      Tôi cố cười thật to, nhưng không hiểu sao lòng cứ buồn rũ xuống. Phố đêm im vắng, thoang thoảng mùi hoa sữa, tuy nhiên cả hai đều không còn muốn “lang thang ra ga” như ngày trước, nó phải về ngay với chồng, còn tôi chỉ muốn nằm lăn ra giường ngủ một mạch. Nhưng tôi đã lầm, đêm đó tôi không ngủ được cho dù cố đọc cả mấy cuốn sách rút từ trên giá, cứ mỗi cuốn đọc vài trang lại đổi cuốn khác. Chứng mất ngủ vô duyên cớ này thật lạ khác hẳn với lần trước thường do  buồn phiền hoặc bực dọc gì đấy. Không, đêm nay tôi không buồn, không vui, không nghĩ ngợi, không nhớ nhung, đầu óc trong veo, cố nhắm mắt, chỉ thấy một cái nền tối mờ hệt như trên màn ảnh người ta đang chiếu phim không hình, không cả tiếng.
      Trạng thái đó kéo dài cho tới không chịu nổi, tôi lọ mọ ra bàn rút ngăn kéo lục lọi . Trang bản thảo vỏn vẹn hàng chữ viết dở “Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...”giờ đã dày đặc những chữ ký, những hình vẽ cô gái bằng dăm nét nguệch ngoạc tôi buồn tay ghi lên đó trong biết bao nhiêu giờ phút “cố gắng”suy nghĩ, “cố gắng”  tìm cảm hứng.
      - Không phải bất cứ mục tiêu nào người ta cũng đạt được bằng sự cố gắng, nhất trong nghệ thuật và cả trong tình yêu nữa...
      Hoàng Minh nói đúng, anh đã cố yêu tôi và tôi đã cố viết văn, cả hai đều thất bại, may cho cả hai cùng sớm nhận ra. Từ nay, trong nghệ thuật chắc anh cũng sẽ khác, sẽ không còn “cố gắng” tìm tòi  nữa.
      Tôi lôi tập tranh chân dung Hoàng Minh vẽ tặng, bày liệt trên mặt bàn. Lần đầu tiên tôi phát hiện ra anh đã bỏ qua nốt ruồi trên gò má tôi , mờ nhạt như giọt nước mắt không bao giờ rơi. Tại sao anh không vẽ nó ? Liệu có phải anh không muốn tôi chịu đựng bất hạnh mà cái giọt nước mắt ngập ngừng kia là điềm báo? Quả thực, một thời anh đã yêu tôi tân tụy và say đắm biết bao. Lúc này, những bức tranh anh vẽ dường như đang nhìn tôi không phải bằng cặp mắt của tôi mà của chính anh. Anh không xấu trai như Trương Chi, tôi chẳng sắc nước hương trời như nàng Mỵ Nương, nhưng đêm nay, những giọt nước mắt tôi rơi lã chã trên những bức tranh anh vẽ dường như làm sống lại chút nào đó câu chuyện tình hận cổ xưa. Cơn gió rét bất chợt lùa qua cửa sổ, tôi hoảng hốt cố níu lại cũng không ngăn nổi những bức tranh bay đi và rơi lả tả trên mặt sàn. Không còn đủ sức đứng dậy nhặt lại nữa, tôi đành gục đầu trên mặt bàn trơ trọi. Anh Minh ơi, hãy tha thứ cho em...
   
 SÁU

      “Thử tưởng tượng, bỗng một ngày nào đó, sau những trận mưa lớn kéo dài, tất cả các con sông đều dâng tới mức nước lịch sử, đúng lúc đó, sóng triều tạt vào các  cửa sông đổ ra biển cũng dâng cao nhất.
      Một trăm mét nước sẽ phủ lên làng mạc, ruộng đồng thành phố, sẽ cuốn trôi tất cả nhà cửa, con người, con vật, tiện nghi.”
      Chao ơi, cái cơn hồng thủy bất ngờ đó, cái “cơ hội trùng phục có tính cách lịch sử” đó, cái “sác xuất con khỉ nếu được giao máy chữ cũng có thể đánh ra được Hamlet của Shakespeare” cái một phần ngàn tia khả năng đó... thật không ngờ, nó đột ngột rơi xuống đúng vào tôi, ngớ ngẩn tới mức tôi ngờ vực không biết mình đang tỉnh hay mơ.
      Kể từ lúc đó, không rõ một sức mạnh nào, hẳn từ bên ngoài, đã đun đẩy tôi: từ nhà ra phố, đến cơ quan, tới trạm vé máy bay... Hình như mẹ tôi, Hồng Loan và cả Tú nữa lúc nào cũng kèm sát tôi để thay tôi trả lời, hỏi han của những người xung quanh. Ông Giám đốc, ông Trưởng phòng biên tập, bà Trưởng phòng hành chính, tất cả những người trong cơ quan  bỗng chốc trở nên dễ dãi, dịu dàng. Tôi cứ lặng lẽ di chuyển, chẳng nhìn ai, chẳng nghĩ ngợi gì cho tới lúc cửa máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh đóng lại, xung quanh biến hết những người thân quen, chỉ còn lại tôi chìm đắm vào những cụm mây trắng lơ lửng ngoài cửa kính tròn.
      “Bon voyage, bon voyage...”, sao không ai chúc tôi gở miệng như thế để tôi được đi luôn trong cõi vô cùng theo cụ X, thoát khỏi mặt đất đầy tai ương, bất hạnh ở bên dưới kia?
      Ông khách ngồi bên  đập tay vào tôi, nói điều gì đó, sau cùng ông ấn tay tôi gói bánh, ghé sát vào tai: “tiêu chuẩn của cô đấy ăn đi”. Tôi gật đầu, lầm bầm cám ơn, màu xanh thăm thẳm ngoài ô cửa tròn lại kích thích tôi, bàn tay bỗng xòe ra, gói bánh rơi vào đâu đó. Không còn gì quấy rầy nữa, tôi lại quay ra ngoài, đắm mình trong cái màu xanh thuần khiết, không pha gợn mây, tĩnh lặng, không tạo ra bất kỳ hình tướng nào, cũng không gây nên bất kỳ cảm xúc nào, nó gần như là sự hư vô.
      Ông khách lại cựa quậy, cúi cả người xuống, hình như chạm vào chân tôi. Tôi rụt khẽ lại theo phản xạ, mặc kệ ông đang loay hoay gì đó ở bên dưới.Gói bánh của cô bị rơi này. Ông thở gấp đặt nó lên lòng tôi.Sao cô không ăn đi? cô buồn nôn phải không?Túi nôn họ để đây này. Tôi đành phải bóc gói bánh ra để ông khỏi chăm sóc đến tôi. Bên ngoài, màu xanh đã biến mất, thay vào đó, màu xám buồn tẻ của những đám mây vùn vụt bay qua. Tiếng loa chợt ậm oẹ, sắp tới thành phố Hồ Chí Minh, sắp tới thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy ngần ngại, tôi sắp đi vào “cơn hồng thủy” của chính tôi. Ông khách ngồi bên lại đập tay vào tôi, ông nhắc máy bay sắp giảm độ cao, cần phải đeo dây an toàn, tôi ngoan ngoãn làm theo. Cô về đâu? Đã có xe đón chưa? Chưa có, mời cô đi xe tôi. Tôi cảm ơn và hứa nếu không ai đón, tôi sẽ nhờ xe ông. Ông vui hẳn lên, tôi thấy ông cười lộ ra chiếc răng vàng. Mọi người bổng nhốn nháo đứng cả vậy. Máy bay đã đậu trên đường băng. Ánh nắng hắt qua cửa kính làm tôi thấy bức bối và buồn ngủ. Khoang máy bay đã trống hết, ngay cả ông khách ngồi bên cũng biến đâu mất, còn lại mình tôi vẫn ngồi gà gật trên ghế. Từ cái “tủ lạnh” ngoài Bắc, tôi đã chuyển vào cái “lò bánh mì” trong này, có lẽ sự thay đổi khí hậu đột ngột đã làm tôi lười nhác, không còn muốn nhúc nhích chân tay.
      Nhưng cô chiêu đãi viên có khổ người rất mảnh mai đã đi tới. Cô hỏi tại sao tôi chưa xuống, có phải tôi ốm không? Tôi lắc đầu, tôi không ốm, nếu chị thấy cần, tôi sẽ xuống. Lập tức cô ta nhìn tôi ra ý cảnh giác. Hành lý của tôi có mỗi chiếc túi nhỏ, so với mọi người ai cũng tay ôm, tay xách, tôi lại càng đáng bị ngờ mang đồ quốc cấm lắm chứ? Tội nghiệp, cô lẽo đẽo theo tôi đến tận phòng đợi, ở đó, Điền, anh kỹ sư thủy văn, bạn chồng tôi đang nghểnh người, vẫy tôi rối rít. Tôi lững thững bước lại, khó chịu vì khí nóng trên đường băng sân bay bốc lên mặt. Lúc này, tôi chỉ muốn tất cả mọi chuyện biến đi như giấc mơ và tôi đang trong phòng tắm dội nước ào ào lên khắp người. Điền đã lách đám đông chạy tới. Anh giục tôi cởi áo rét, trời trong này nóng thế, chịu sao nổi. Tôi ngoan ngoãn vâng theo như suốt mấy ngày qua tôi vẫn thường thế với mọi người. Anh có vẻ ngạc nhiên khi tôi lầm lì. Trong trường hợp này, lẽ ra tôi phải cuống lên hỏi han, đúng vậy, lẽ ra tôi phải hỏi cho rõ mọi chuyện nhưng tôi lại ngại câu trả lời của anh xóa sạch đi một phần ngàn tia hy vọng vẫn còn le lói trong tôi.
     
                                                      (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét