(tiếp theo)
CHƯƠNG BA
1.
“Thử tưởng tượng, bỗng một ngày nào đó, sau những trận mưa lớn kéo dài, tất cả các con sông đều dâng cao tới mức nước lịch sử, đúng lúc đó, sóng triều tại các cửa sông đổ ra biển cũng dâng cao nhất. Một trăm mét nước sẽ phủ lên làng mạc, ruộng đồng, thành phố, sẽ cuốn trôi tất cả nhà cửa, con người, con vật, tiện nghi...
Chị sẽ làm gì trước cái ngày xảy ra cơn hồng thủy được báo trước đó?
Tôi sẽ làm gì ư?
Lâu rồi, tôi không nghĩ tới câu hỏi đó nữa, nó đã chìm trong vặt vãnh hàng ngày. Vả lại, xác xuất của giả định đó quá thấp không gây nổi một ám ảnh nhỏ cỡ như nguy cơ bệnh ung thư với người nghiện thuốc, cũng chưa đủ huyền hoặc trở thành công án “thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay” của các thiền sư .
Tuy nhiên, tôi chợt nhớ tới khi vào một tối đang đọc sách . Điền, anh kỹ sư thủy văn , người đưa ra câu hỏi đó , đột ngột tới thăm .
- May quá, sợ em về nhà mẹ.
Tôi bảo trước định thế, sau đổi ý kiến chẳng vì lý do gì, thích thì làm vậy thôi.
- Bình khỏe lắm, anh có gặp hắn ở Sài Gòn...
Anh đặt lên bàn gói quà và lá thư chồng tôi nhờ chuyển. Tôi không hào hứng lắm vì tôi mới nhận thư Bình lúc chiều, điều đó dường như đánh một dấu hỏi vào ánh mắt đầy suy nghĩ của Điền.
- Em pha cà phê anh uống nhé?
Tôi đứng dậy, cảm thấy cái nhìn của anh phía sau khi tôi đi vào bếp. Mùa đông đã tới từ vài hôm nay, gió rít ù ù qua khe cửa sổ, tôi tiếc rẻ, chỉ muốn chui ngay vào chăn bông đọc sách. Từ hôm giở rét, tôi rất lười, chập tối là không thiết làm gì, tivi cũng chẳng mở, cứ nằm co trên giường .
Điền ngắm bức ảnh văn hào Gogol treo đầu giường . Anh có dáng vẻ như Bình khiến tôi cảm giác đang trong tối mùa đông khi chồng chưa đi xa.
- Hình như ảnh này em mới treo?
Điền hỏi vẻ như quen thuộc căn phòng này lắm. Tôi nói tôi mới treo sau ngày Bình đi công tác. Anh ngắm nghía và cứ nhăn trán không hiểu đã thấy người trong ảnh ở đâu. Tôi thử đoán điều đó có ý nghĩa gì đối với anh chàng kỹ sư kiêm áp phe này. Chắc anh muốn biểu lộ một cái gì đó. Anh gật gù :
- Anh nhớ ra rồi, ông này đúng là ông Zéczinxki, ông tổ công an Liên xô.
Tôi gật rối rít :
- Đúng, đúng, giỏi thật, anh giỏi thật.
- Nhưng sao em treo ảnh đó ?
- À...anh Bình đi vắng, em sợ... trộm lẻn vào.
Điền cười gượng, chắc anh tưởng tôi ám chỉ anh. Sự thực, tôi vui miệng đùa thôi. Kể ra anh chàng này sẽ là hiền nhân quân tử hay kẻ phản bạn thì cũng tùy thuộc tôi cả. Thôi, hãy cứ để anh là một người bạn tốt của chồng tôi. Tôi vào trong khoác ra ngoài thân thể nở nang đang nổi cộm dưới làn áo sợi mỏng một chiếc áo măngtô len, tránh cho đôi mắt anh khỏi bận rộn, yên tâm ngồi uống cà phê, nói những câu chuyện nghiêm chỉnh .
Quả nhiên khi tôi bước ra, thái độ Điền thay đổi hẳn. Anh tấm tắc khen cà phê ngon, nếu căn phòng này ở tầng trệt, quay mặt ra phố, anh sẵn sàng bỏ vốn mở hiệu cà phê cho tôi đứng bán. Anh nói tình hình trượt giá đang mức báo động đỏ, lương tháng cán bộ không đủ sống một tuần, kiếm tiền ngoài giờ đã trở thành bắt buộc , nhất trí thức.
Tôi ngồi im theo kiểu quan sát nhân vật sẽ đưa vào tiểu thuyết. Hay lắm, khi chưa tìm ra mẫu nhân vật nữ, tôi nghĩ xem có thể dùng anh thành nhân vật nam được không? Tôi nhận ra ngoài dáng vóc, anh có nhiều cái giống chồng tôi, chẳng hạn những đề tài thích nói, dục vọng kìm nén trong mắt, cái nhìn luôn dè chừng nhưng lại rất láu lỉnh, phải chăng đàn ông có một mẫu số chung nào đó.
- Em nghĩ gì căng thẳng quá vậy?
- À...à...em đang nghĩ tới câu hỏi của anh về “cơ hội trùng phục có tính cách lịch sử” của những cơn lũ.
- Anh đã nghe nhiều người trả lời,phần lớn đều thích ăn ngon, sống gấp trước ngày tận thế.
- Vậy đó là câu trả lời duy nhất đúng?
- Không hẳn thế, sẽ có một số người nghĩ tới việc đóng một con thuyền Nôê duy trì sự sống cho hậu thế.
Tôi bật cười:
- Con thuyền Nôe của anh chắc sẽ chìm luôn vì chẳng ai chịu để kẻ được tuyển chọn lên thuyền nếu không phải là mình.
- Không, phải xét chọn đủ nam nữ, cơ cấu ngành nghề, thứ tự ưu tiên...".
Anh kể ra theo danh sách các loại người sẽ được phát tấm vé xuống tàu kiến thiết nước Việt Nam mới sau cơn hồng thủy :
- Trước tiên là triết gia, thày tu và...gái điếm...
Tôi há miệng :
- Sao lại thế ?
Điền cười cười :
- Đó là ba loại người có mặt sớm nhất trong lịch sử loài người và sẽ tồn tại mãi mãi...
- Rồi đến ai nữa ?
- Tất nhiên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bác sĩ, kỹ sư, công nhân, nông dân...
Tôi bật cười :
- Để rồi lại đấu tranh giai cấp, lại xây dựng chủ nghĩa xã hội à ? Có mà loạn !
- Biết sao được. Không đủ ngần ấy thành phần sẽ không thành nước Việt Nam mới...Cái nước ta nó vậy
- Thế còn văn nghệ sĩ ?
Điền lắc đầu :
- Tụi này xếp sau cùng, nhất là...nhà văn cấm không cho lên tàu ...
Tôi kêu lên :
- Ôi, sao anh ghét mấy ông nhà văn thế ?
- Tụi này luôn luôn phá thối, có được tích sự gì đâu ?
Tôi không cãi, cứ để mặc anh say sưa trong quyền lực Thượng đế, sắp xếp một mô hình tối ưu cho nước Việt mai sau.
- Vậy được chưa? - Điền đắc ý hỏi tôi.
Tôi chịu, không biết trả lời sao, với tôi, dù là ông Giám đốc, bác lái xe, nhà thơ X, hay cụ già bán nước trà... ai cũng một con người, chọn người này sống, để người kia chết là một công việc bất khả, khoa học dù có chính xác tới đâu cũng chẳng cân đo nổi con người, nhất thế giới bên trong nó.
- Cô thuộc loại duy cảm.
Anh chỉ mặt kết tội tôi rồi đi tới nhìn lại bức ảnh :
- Ông này chắc không phải Zéczinxki.
- Sao anh biết ?
- Anh nhớ ra rồi, em không phải loại người treo ảnh công an lên đầu giường. Ảnh ai thế ?
- Nhà văn Gogol…
Anh a lên đắc ý, biết ngay mà, loại người như tôi chỉ ái mộ văn nghệ sĩ, lẽ ra tôi phải lấy chồng diễn viên điện ảnh, ca sĩ hoặc xoàng ra cũng nhà thơ, lấy kỹ sư như Bình là hỏng, hỏng.
Tôi tiễn Điền ra cửa vẫn chưa hết buồn cười . Tôi bắt tay anh thật chặt và thở phào, may quá, anh vẫn còn là bạn tốt của chồng tôi. Tuy nhiên tôi cũng không mời anh ghé chơi, sợ lần sau, tôi không còn cho anh “cơ may” thế nữa. Cầu chúc cho anh vừa làm tốt việc kỹ sư, vừa trúng mánh áp phe và một ngày nào đó gặp được cô gái hợp ý, chớ dại dột dính vào loại người như tôi.
Gài cửa thật kỹ, tôi quay về buồng và lúc này tôi mới bóc thư và mở gói quà Bình gửi. Một bộ đồ lót và một bánh xà phòng Camay. Hóa ra cách nhau cả nghìn trùng cây số, anh vẫn còn đầy ám ảnh cái đêm trước khi đi. Anh viết cho tôi như thế và thú thực rằng trong lúc nghỉ ngơi trước khi ngủ, đêm nào anh cũng tưởng tượng ra tôi “ròng ròng anatomie (*)”. Tôi ngẩn ra, không hiểu sao anh ta lại biết cả thơ Hồng Loan, không lẽ nó đã đọc cho anh nghe, không, không đời nào. Vậy mà tôi cứ đinh ninh hiểu chồng tận chân tơ kẻ tóc, tưởng có thể xếp anh lên giá như một cuốn sách đọc rồi.
Mấy ngày sau, đi chơi với Hồng Loan, tôi hỏi chuyện đó, nó trợn mắt :
- Có họa điên tao mới đọc cho lão ấy nghe.
- Lạ nhỉ, sao lão biết ?
- Lão đọc được trong óc cậu đấy, ngày trước cậu chẳng khoe tớ thế là gì ?
- Không , tớ nói đùa cậu thôi.
Tuy nhiên tôi vẫn phân vân, sống với nhau cả hai năm , tôi vẫn nữa tin nửa ngờ, không dám chắc rằng khả năng phi thường đó anh có hay không? Có lúc tôi khẳng định chuyện đó là tưởng tượng, có lúc, như lúc này, tôi lại nghi không khéo chồng mình đọc được ý nghĩ mình thật. Vẻ bần thần của tôi làm Hồng Loan phì cười :
- Coi chừng, có khi lão ấy đọc được thật chứ chẳng chơi. Mẹ ơi, mình nghĩ gì nó cũng biết được hết thì chỉ có chết.
Nó cười đắc chí làm tôi bực mình, thôi không nói chuyện đó, tôi hỏi lâu nay có gì vui không? Nó nhìn tôi, thoáng nghĩ rồi điềm nhiên:
- Tớ sắp lấy chồng.
- Ghê quá nhỉ, vậy mà kín như bưng. Anh chàng nào thế?
- Tớ đã nói với cậu rồi, một anh da đen.
- Thật hả, chừng nào cưới?
Nó đáp gọn thon lỏn :
- Chủ nhật tuần này.
Tôi trố mắt, hai ngày nữa nó lấy chồng, tôi là bạn thân nhất mà không hề hay biết. Con bé này quả thật là bí ẩn. Tôi vội hỏi :
- Cưới ở đâu ?
Giọng nó tỉnh bơ :
- Ở nhà cậu.
Tôi bật cười, điên cả lũ rồi, có trời biết con bạn xinh đẹp của tôi bày trò quỷ gì. Anh chàng bất hạnh nào sẽ là nạn nhân của nó, con ông cháu cha sướng thế đó, cơm áo chẳng phải lo, chỉ lo bày trò nghịch ngợm.
- Tớ nói thực , tớ sẽ cưới ở phòng cậu.
Vẻ mặt đầy long trọng của nó khiến tôi không dám đùa . Nó cũng nhất quyết không tiết lộ gì thêm ngoài yêu cầu sáng chủ nhật tôi phải ở nhà chờ nó tới. Lúc chia tay, tôi vẫn chưa hết băn khoăn.
- Cậu chuẩn bị xong hết chưa? Có cần gì nữa không?
- Cần nhất là cậu phải kín miệng .
Tôi ngơ ngác nhìn theo chiếc xe máy của nó chạy khuất trong phố. Hồng Loan sắp lấy chồng thật ư? Nhưng nó đã yêu đương và đã ăn hỏi ai đâu? Tại sao nó bắt tôi phải giữ kín ?
Tôi rẽ vào nhà mẹ với bao dấu hỏi ngổn ngang trong đầu. Ở gian ngoài, thằng Tú đang tiếp bạn gái. Phép lạ chăng? Những “tấm sơ đồ vi điện tử” của nó đâu ? Hay thần Cupidon đang nổi hứng bất tử, bắn loạn xạ những mũi tên tình yêu bay khắp thành phố làm thổn tức cả những trái tim hêli (**) như Tú và Hồng Loan ? Thấy tôi bước vào, Tú ngẩng lên bẽn lẽn :
- Chị Vân mới về, đây là Trâm, bạn em.
Cô bé ngước lên đôi mắt trẻ con, mặt đỏ tía lúng túng chào tôi. Chết thôi em Tú ạ, rước cái của mặt dán tận xương kia về, tối ngày hầu hạ nó thôi. Em hay nói: “Mỗi người hãy chịu trách nhiệm lấy chính mình “, thì đấy, hậu quả em tự gánh lấy. Tôi bước nhanh vào nhà, chỉ sợ Tú đứng dậy tuyên bố “chủ nhật này cưới” như Hồng Loan thì chắc tôi ngất xỉu. Nghe tiếng tôi nhà ngoài, mẹ tôi đã bắc bếp xào nấu cái gì đó.
- Mẹ ơi, con đói.
- Cha bố cô, cứ thấy mặt mẹ là đòi ăn .
________
(*) Thơ Dương Tường - ngụ ý khỏa thân.
(**) Khí trơ
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét