Phụ Đính
Sách của Thomas C. Kuo, xuất bản 1975 thu thập những tài liệu về Trần Độc Tú từ ngả HongKong, Đài Loan…có gía trị chi tiết sinh họat cuối đời của Trần, khi ông sống trong vùng Quốc Dân Đảng, bề ngòai không tham gia chính trị, từ bỏ chủ nghĩa Mác-lênin, theo nhận xét của T.C. Kuo
Nhưng theo những đồng chí thân cận nhất của ông, thì khác.
Để rộng đường nhận định về nhân vật lịch sử bí ẩn này, chúng tôi dịch bài viết của Trịnh Siêu Lân, người Trốtkít kỳ cựu, thế hệ đầu của những đảng viên Đảng CSTQ.
Trịnh thông thạo tíếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý…ngòai chuyện ông là nhà lý thuyết xuất sắc, ông cũng uyên thâm Hán văn.
Trần Độc Tú có phải là Trốtkít hay không?
(Chúng tôi dịch từ trang 197-202, bài của Trịnh Siêu Lân trong cuốn China’s Urban Revolutionaries của Gregor Benton. Sách xuất bản năm 1996.)
…Đây là câu hỏi khó nhất cho sinh viên nghiên cứu lịch sử Trung quốc cận đại và cho cả những ai tìm hiểu chính trị đương thời của Trung quốc. Địa vị của Trần Độc Tú trong chính trị Trung quốc và thế giới không thể xóa được. Những phỉ báng về ông không thể được lượng thứ.
Cứ thử tưởng tượng những vu cáo về ông mà vài thế hệ đã dùng để phác họa hình ảnh ông! Một người cơ hội chôn vùi cuộc cách mạng vĩ đại, một kẻ phản đảng, một gián điệp cho Quốc Dân Đảng, kẻ phản quốc vân vân. Người sáng lập Đảng Cộng Sản, được bầu 5 lần liên tiếp vào chức Tổng Bí thư, phải chăng là người như thế? Thế mà vẫn còn có người còn dám bảo, lãnh tụ Ngũ Tứ Vận Động năm 1919 lại không phải ông, mà là ai khác kia!
Chuyện xảy ra năm 1979, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, và kỷ niệm 60 năm Cách mạng Ngũ Tứ, tòan thể báo giới bắt đầu cùng nhìn nhận sự lãnh đạo của ông. Từ 1 tháng Bảy, đến 1 tháng Mười cùng năm, báo giới cùng thấy rõ địa vị ông trong việc thành lập Đảng Cộng sản. Viện Bảo Tàng Cách mạng ở Bắc Kinh đã phải trưng chân dung ông, cùng lúc phá bỏ những cấm kị bấy lâu là không được nhắc về liên hệ QTCS và Đảng CSTQ. Các sử gia bắt đầu nghiêm chỉnh nghiên cứu những dữ kiện lịch sử cận đại. Nhiều biên bản lưu hành nội bộ Đảng nhắc chuyện năm 1923, khi Trần tuyên bố là cách mạng tư sản, phải để tư sản lãnh đạo, đã xác định, lại chỉ là để trình bày đường lối của chính QTCS; và từ 1926-27, chính đảng CS theo đường lối phiêu lưu, cũng là theo chính sách QTCS. Và theo Tín Hoa Nhật Báo đòi cáo Trần cùng Lâu Hán thỏa thuận với Đặng Yên Nhân để nhận 300 Mỹ Kim một tháng, bây giờ mói rõ chỉ là sự bôi nhục. Trong quá khứ, khi người ta trưng ra ba bức thư của ông về “Vấn đề Xe lửa Miền Đông” làm cớ cho việc ông phản cách mạng, thì nay việc sáng tỏ, là ban Trung Ương sai, mà ông đúng. Còn chuyện ông làm tay sai cho QDĐ, nhận tiền của Tưởng Giới Thạch, thi rất nhiều, rất nhiều người…chỉ ra được sự sai trái trong chuyện này.
Sau cùng, là chuyện về những người Trốtkít. Sự cấm kị bàn về QTCS nay không còn, nhưng chuyện cấm kị nói về Trốtkít thì vẫn còn. Người ta cùng đua nhau nói cả nhiều thập niên rồi, rằng Trốtkít thế giới và Trung quốc đều là bọn phản cách mạng. Thế thì sao Trần Độc Tú, người sáng lập Đảng Cộng Sản, lại thành kẻ phản cách mạng?
-Người bảo, Trần bị ảnh hưởng tư tưởng của Trốtki, nhưng không gia nhập nhóm.
-Người bảo có gia nhập Trốtkít, nhưng bỏ sau khi bị Quốc Dân Đảng cho vào tù.
-Người bảo, sau khi ra tù, ông đọan tuyệt với tổ chức Trốtkít, tuyên bố không dính dáng gì nữa.
-Người bảo sau khi gia nhập Trốtkít, Trần thấy vấn đề của họ là đi ngược với quần chúng, khi thấy họ chỉ là bọn sát nhân côn đồ, bọn gián điệp quốc tế nên ông bỏ hàng ngũ.
-Người bảo, ông từ bỏ chỉ vài năm trước khi mất…
Và nhiều, nhiều nữa.
Dĩ nhiên cũng có những người biết rõ, rằng người Trốtkít muốn là gì thì là, nhưng không thể nào là phản cách mạng được, và Trần Độc Tú chuyển thành Trốtkít cùng là thành viên tổ chức này là điều mặc nhiên đối với sự khai mở trí tuệ chính trị của ông. Những người biết chắc như thế, lại là những người không dám nói thẳng ra trước công luận..
Theo tôi, tôi thấy không cần bào chữa những vu cáo mà người ta gán cho ông nữa. Tôi chỉ giản dị đưa ra những dữ kiện cùng ý nghĩa thực về sự liên hệ của ông với những người Trốtkít, để nói rằng cứ đưa cáo buộc mà lờ thực tế đi, thì không khác gì những kẻ “bịt tai trộm chuông”, ăn cắp chuông mà mong không ai nghe tíếng chuông.
Không thể nào không nhìn nhận Trần là thành viên của tổ chức Trốtkít, không thể nào không nhìn nhận rằng ngay cả khi ông trong tù, ông vẫn họat động cho Trốtkít, qua những đường dây mật để chỉ đạo họat động. Chúng tôi có đủ tài liệu chuyện này. Tuyên bố của ông sau khi ra tù, là không họat động chính trị, thuần là lời nói ngọai giao cho qua chuyện. Thời kỳ ấy ông còn muốn kết nạp những người tranh đấu cho dân chủ với đủ mọi thành phần, ngòai đảng Cộng sản, ngòai Quốc Dân Đảng… để cùng chống Nhật, nên tránh chuyện nhắc đến Trốtkít. Đã vậy, lúc ấy Bành Thuật Chi đang là lãnh tụ mặt nổi của Trốtkít, ông càng không muốn nói gì thêm. Nhưng rõ là với các tài liệu đương đại còn rành rành, ông không bao giờ bỏ các tổ chức Trốtkít Trung quốc. Trong thư gửi Trần Qúy Chung và đồng chí năm 1938, thư ấy nay vẫn còn lưu, ông vẫn coi tổ chức là của ông lãnh đạo, và ông tin cậy ở Lỗ Thư Phàn, Trần Quý Chung, Triệu Nghi, Hàn Khuông là các cán bộ mà ông tin tưởng, khi ông phê bình gay gắt họ, chỉ vì ông theo dõi họ chăm chút. Cuối 1938 tổ chức Trốtkít giao cho Trần Quý Chung đi từ Thượng Hải đến Giang Tây để gặp Trần Độc Tú, trao tay thư riêng của Trốtki khuyên ông nên rời nước đi lánh nạn. Ông viết trả lời Trốtki, nội dung trong thư, ông coi tổ chức Trốtkít nay là do ông trách nhiệm; lời lẽ rõ ràng nói là ông xem tổ chức này qúy như sinh mạng. Tôi xin trích lại ít câu:
“Cán bộ Đảng Cộng Sản nay vượt xa sộ lượng cán bộ chúng tôi, nhưng họ chỉ là các cán bộ có võ trang cùng các trí thức nhưng không có cơ sở nào nền tảng của giai cấp lao động. Chúng tôi chỉ có số ít năm mươi thành viên ở Thượng Hải và Hongkong, cộng thêm khỏang trăm người rải rác trên tòan quốc.
Cũng nói thêm là chúng tôi không hề ảo tưởng là sẽ tăng trưởng số lượng mau chóng trong tình trạng chiến tranh hiện nay, nhưng nếu chúng tôi theo chiến thuật đúng, chúng tôi sẽ ra khỏi tình trạng yếu kém lực lượng như bây giờ. Ngay khởi đầu chúng tôi ở trên vị trí cực Tả…Một cánh cửa đóng kín trước tổ chức cực Tả kiểu này sẽ không hi vọng gì thu hút thêm thành viên mới, mà dù có, cũng vẫn là trở ngại cho cách mạng Trung quốc……
Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi chuyện chớ ảo tưởng gì về việc chỉ khởi sự lại các họat động sau khi hồi phục các cứ điểm nay đang bị quân Nhật chiếm đóng. Ngay bây giờ, khi quân Nhật còn chiếm đóng nhiều miền trên đất nước, chúng tôi phải khởi sự tiến hành từ những vùng mới, trong vùng hạn hẹp còn sót lại cho chúng tôi…
Nếu cánh cực Tả cứ tách xa quần chúng cùng xa cuộc chiến đâu hiện nay…tiếp tục huyênh hoang đóng vai lãnh vĩ đại, lo tổ chức cấp lãnh đạo không có thực lực gì, để lập vương quốc con con cho mình sau cánh cửa đóng kín, dựa trên danh nghĩa Đệ Tứ Quốc Tế, họ chẳng hòan thành được gì ngòai việc làm tàn lụi danh nghĩa Đệ Tứ Quốc Tế tại Trung quốc.”
Xin qúy vị tự hỏi, lời lẽ trên đây có phải lời lẽ của người đứng ngòai tổ chức Trốtkít Trung quốc?
Ngay sau khi Hòa Ước Hitler-Stalin ký kết, Trần Độc Tú thành nổi giận đến mức ông viết thư cho bạn với lời lẽ không kềm được, nhưng không vì thế mà bảo ông tan vỡ liên hệ với những người Trốtkít.
Tôi có trong tay bài viết của ông ngày 13 tháng Năm 1942, chỉ vài đêm trước khi ông qua đời. Nhan đề là,”Tương lai của giới bị áp bức”, chứng tỏ ông là Trốtkít cho đế cuối đời. Đây là chứng cớ,
“Cho nên theo tôi, trong thế giới đế quốc tư bản, không một dân tộc nào có thể hi vọng gì vào tương lai một khi cứ trong những cánh cửa đóng kín, chỉ dựa vào sức yếu ớt của mình họ, hòng chống được thực tế từ sự gây hấn của đế quốc. Sự hi vọng độc nhất phải nằm trong tay tòan thể các dân tộc bị áp bức. Vấn đề quốc gia chỉ tự nhiện được giải quyết nếu các dân tộc hậu tiến bị áp bức cùng kết hợp khắp nơi lại với nhau, lật đổ đế quốc khắp nơi, thay thế giới cũ bằng thế giới mới căn cứ trên thỏa thuận cùng tạo ra một thế giới mới, xã hội chủ nghĩa quốc tế mà lực lượng lao động thế giới giúp đỡ lẫn nhau.” –Trần Độc Tú, Những bài viết cuối cùng, 13 tháng Năm 1942.
Những dòng trên chứng tỏ Trần Độc Tú trước khi chết tiếp tục cùng quan điểm với Trốtki về cách mạng thế giới, bác bỏ đường lối Xã hội chủ nghĩa trong một xứ của Stalin.
Bài viết có đọan,
“Những người hân hoan với Liên bang Xô viết trong giai đọan đầu, điều đó chúng tôi ủng hộ; những người khác tâng bốc Xô viết trong giai đọan sau, điều đó chúng tôi phản đối. Có sự khác biệt lớn giữa hai giai đọan. Giai đọan trước, Liên bang Xô viết hỗ trợ cho cách mạng Thế giới; giai đọan sau, chỉ cho quyền lợi quốc gia Nga. Từ đó các lãnh tụ Xô viết tự phản bội lý tưởng mình, bỏ rơi chính sách đưa cách mạng thế giới tiến lên, thay vào chỉ là quyền lợi quốc gia, làm những người có suy nghĩ khắp thế giới phải thấy ngày một nghi ngờ và chán nản; trong khi có người còn hi vọng về Nga Xô cho tương lai nhân lọai, rồi thực tế thì thấy Nga Xô chỉ dần trở thành một đế quốc mới. Người nào coi đó là xã hội chủ nghĩa, chỉ là sự bôi nhọ chữ xã hội chủ nghĩa.”
Đọan này, như vậy, cũng tỏ ra sự đồng tình với Trốtki, chống Stalin. Sự khác biệt, là Trốtki coi “Liên bang Xô viết trong giai đọan sau” là “Nhà nước lao động thối nát”, trong khi Trần Độc Tú gạt hẳn đi, coi là một “cường quốc thế giới”. Có nghĩa, là “Liên bang Xô viết trong giai đọan sau” đã thối nát đến mức thành “Đế quốc –Xã hội”; tức là đã thối nát khởi từ khi có Stalin về sau.
Như vậy, Trần Độc Tú nguyên vẹn là Trốtkít cho đến chết, trên cả việc hành động của tổ chức cũng như trên nhận định lý thuyết.
Bây giờ nhìn lại, những “bất công, dàn dựng, lỗi lầm” mà có trong các vụ án Mátcơva thập niên 1930, thực ra đã quét sạch cả một thế hệ cách mạng. Ngay thời này, tên tuổi những nạn nhân vẫn còn bị coi rẻ. Việc đầu tiên, là phải rửa tiếng cho họ.
Không cần phải nói, tôi không đứng trên khía cạnh pháp lý. Chỉ chính ngay trong Xô viết, trong chế độ của Đảng Cộng Sản, phải rửa tiếng cho họ. Cho những người bị gọi là Trốtkít, là Zinoviev-vít, là Bukharin-nít…tức là chính là các nạn nhân. Tôi nói đây là theo dữ kiện lịch sử. Trên chuyện lịch sử, nghĩa là, trên cách nhìn của đại đa số những người hiểu biết trên thế giới, các nạn nhân này đã được rửa tiếng. Mới đây, Giáo Hòang John Paul II rửa tiếng cho Galileo, nhưng đã hàng trăm năm trong qúa khứ, và trong thời gian dài ấy, đâu còn ai thắc mắc chuyện ông bị kết án đúng hay không nữa. Ngày nay, cũng chỉ có nhúm người là mới còn tin vào bản án dành cho người Trốtkít của Mátcơva.
Trong “Mao tuyển”, có chú thích trích lời Stalin như sau, (vol 1, 177, fn. 31) chú thích này biến mất trong ấn bản mới,
“ Trong qúa khứ, bảy hoặc tám năm trước, chủ nghĩa Trốtki là một dạng chính trị trong giai cấp lao động, dạng chính trị chống chủ nghĩa Lênin, đó là sự thật, cho nên chúng sai lầm sâu sắc, tuy cũng là một dạng chính trị…Ngày nay, chủ nghĩa Trốtki không còn là trào lưu gì trong giai cấp lao động nữa, chỉ là một bọn không nguyên tắc gì, không tư tưởng gì, bọn phá họai và chia rẽ, họat động tình báo, gián điệp, sát nhân, bọn là kẻ thù chính của giai cấp lao động, làm việc cho tụi tình báo ngọai quốc.”
Stalin nói những điều trên năm 1937, thời kỳ vụ án Mátcơva. Nhưng trên cơ sở nào để bảo người Trốtkít là “gián điệp, tay sai, sát nhân”? Đúng, là Vishkinsky, người đứng đầu vụ điều tra, mang ra hàng lố những tội ác, nhưng chứng cớ hiển nhiên của họ, bị Ủy ban Dewey gạt bỏ. Ủy ban này công bố hai Bộ hồ sơ rồi chỉ có kết luận là mọi cáo buộc đều không cơ sở, bạch hóa Trốtki là không có tội.. Bỏ Dewey ra, tôi muốn nói chuyện hàng hai, ba chục năm nay mà tôi biết.
Thứ nhất là vụ ám sát Kirov. Ngay cả khi Trốtki đưa ra chứng cớ Stalin giết Kirov rồi đổ thừa cho Đối Lập, nhưng chứng cớ này chưa đủ. Trên hai mươi năm sau, Kútxép người kế chức Stalin, trong Đại Hội Hai Mươi Hai của Liên Xô, xác nhận chính Stalin giết Kirov. Mới đây, trên 20 bức thư của Svetlana, con gái Stalin, thanh minh là chính Beria mới giết Kirov. Vậy thì, không còn ai trên thế giới, kể cả ở Nga, cũng không còn tin Trốtki hay Zinoviev đã giết Kirov.
Stalin cũng giết Tukhashevski, Blucher, cùng hai tướng Nga khác vào tội đã thông đồng với Nazi để phản bội Xô viết. Nhưng cũng tại Đại Hội Đảng trên, Kútxép tuyên bố rằng, đó cũng là sự mạo hóa của Stalin. Stalin ngụy tạo tài liệu, gỉa vờ lọt ra cho Tổng thống Tiệp là Benes. Benes tưởng thật, báo ngược lại cho Stalin, làm thành án tử hình cho các nạn nhân.
Đây chỉ là một trong những “tang chứng”. Sau Thế chiến, khối Đồng Minh mở phiên tòa Nuremberg xử tội phạm chiến tranh Nazi, đã được nhân vật có tiếng là H.G.Wells gửi thư tới Tòa, xin được cung cấp tài liệu vụ Trốtkít cộng tác với Nazi. Không ai cung cấp được điều gì.
Nay tôi xin giới hạn vào 3 điều. Hàng núi hồ sơ đòi làm tang chứng vụ án Mátcơva, đều không có cơ sở, và cả Hồ sơ chất đống của Dewey cũng không mang ra được gì. Ngày nay, ai muốn điều tra kỹ lưỡng thêm vụ Trốtki cộng tác với Nazi thì cứ việc.
Nói về tổ chức Trốtkít Trung quốc, qúa nhiều chứng cứ để tỏ rằng danh tiếng Trốtkít phải được phục hồi. Nay đã rõ, Trần Độc Tú cùng Lâu Hàn đều không dính gì đến vụ Đặng Yên Nhân sắp xếp cho nhận tiền Nhật để họat động gián điệp nữa, điều kỳ cục mà đến nay còn người tin. Đã chứng cớ rằng Trần Độc Tú không hề là tay sai cho Quốc Dân Đảng, hay chó săn cho Tưởng Giới Thạch bao giờ, nhưng vẫn có người tin Trốtkít Trung quốc đã làm chuyện ấy. Mọi cáo buộc cho Trần Độc Tú đã không đứng vững được dưới sự khảo sát tỉ mỉ. Nhưng còn chứng cứ nào để cáo buộc những tổ chức Trốtkít Trung quốc? Liệu có đứng vững được không?
Chúng tôi thưởng niệm ông Trần Độc Tú, khuôn mặt vĩ đại của chính trị Trung quốc và thế giới. Khi tưởng niệm ông, những người Trốtkít chúng tôi tưởng nhớ ông sâu sắc hơn những người khác. Chúng tôi nhớ lại thời ông là Tổng Bí thư cho tổ chức chúng tôi. Chúng tôi coi đó là điều vinh dự.
-Vũ Huy Quang,
(dịch xong ngày 30 tháng Mười, 2012.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét