Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 92 )



                                      (tiếp theo)

Tất nhiên ông nhà thơ không đời nào muốn tuổi trẻ miền Nam “hồi sinh” theo kiểu “ bỏ phiếu bằng đôi chân đó”, ông muốn  các em trước hết hãy đi vào …nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê  mà ông kêu to lên như người mới phát hiện ra chân lý :
“ Ôi !Duy vật biện chứng pháp bao nhiêu ngày tháng tôi triền miên trong cái trầm hương  đó toát ra từ cái cốt lõi sự vật.Và mỗi ngày tôi ngắm xung quanh tôi muôn vàn biểu hiện , vô vàn biểu hiện phong phú, rực rỡ của cái người đời gọi là vật chất, cái duy nhất có thật ở đời…”
Ôi, ở miền Bắc sau hơn 30 năm nghiên cứu học tập, chẳng còn mấy ai tin vào cái “biện chứng pháp “ ấy nữa, bởi vậy nhà thơ mới mang nó vào miền Nam, thật đúng là “củi mục bà để trong rương , hễ ai hỏi đến trầm hương của bà”…
Đặt chân rất sớm vào Sàigòn sau Tháng Tư năm 1975, từ hội trường khoá bồi dưỡng chính trị cho gần 400 văn nghệ sĩ  “chế độ cũ”, nhà thơ Lưu Trọng Lư  đi thẳng tới khám Chí Hoà …làm bài thơ “Tìm anh” :
          “ Đập cổng Chí Hoà không thấy bóng
          Tay cầm hoa trắng , đi tìm anh…”
Nhà thơ tìm ai vậy ? Có phải một bạn thơ cũ ngày trước làm việc cho Mỹ-nguỵ hoặc họ hàng thân thuộc có dính dáng tới chính quyền cũ nay bị cách mạng bắt giam ?
          “Qua cầu Công lý nhìn mây nước
          Tưởng thấy hình anh giữa biếc xanh…”
Hoá ra người mà nhà thơ cất công tới tận nhà ngục tìm chính là anh…Nguyễn văn Trỗi, chưa một lần gặp mặt mà chỉ biết tới qua bút ký “ Sống như anh” của Trần Đình Vân.
Trong thời điểm các nhà thơ miền Bắc mới đặt chân vào Sàigòn ngay sau ngày ông Dương văn Minh tuyên bố “bàn giao chính quyền”, cũng nên nhắc tới Huyền Kiêu, một nhà thơ lão thành miền Bắc, khi vào Sàigòn đi ra ngoại ô đã cảm thán làm bài thơ “Gặp người thương binh  nguỵ trên cầu Bình Triệu” với chút cảm thông, lập tức nhà thơ bị phê phán và bị đưa về “ngồi chơi xơi nước “ tại NXB Văn Học. Suốt cả đời thơ, Lưu Trọng Lư tuyệt nhiên không va vấp, không có câu thơ nào làm mếch lòng đảng, không có bất kỳ một “tai nạn nghề nghiệp” nào như rất nhiều đồng nghiệp khác. Ngay cả mấy năm sau, năm 1979, nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc, được lên Cao Bằng để chứng kiến bọn bành trướng Trung Quốc  giết hại các em nhỏ ở một lớp học, được giao làm thơ để tố cáo bọn bá quyền dã man, nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng tính rằng đây chỉ là “ngọn gió quái”, sẽ qua mau, Trung Quốc vẫn “ vừa là đồng chí vừa là anh em”, nên ông làm một bài thơ  giữ kẽ, rất chung chung, không dám nêu đích danh kẻ thù lúc đó là quân xâm lược Trung Quốc :
          Từ chiến địa trở về
          Ngủ một đêm Đèo Gió
          Trăng như vừng gương nhỏ
          Trên tay em gái sàn
          Nước máng từng giọt tràn
          Như đàn tranh tưng tửng
          Hương bưởi gần thoang thoảng
          Nằm nghe gió rúc xa
          Dưới ánh lửa hồng cô giáo Thuỷ
          Nhớ trò, nhớ lớp ngồi ngẩn ngơ.
                                                      Cao Bằng 3-79
Với bọn Khơ me đỏ, Pônpốt, Iêng xary cũng vậy, dẫu sao các “đồng chí” đó vẫn là cộng sản, chửi đích danh đâu có được :
          “Tới đây mắc võng Trường Sơn
          Có thu trước mặt , có xuân bên mình
              … Sáng nay con đến ven rừng
          Thấy cành hoa đẹp vết thương trên người
          Chết rồi còn đỏ làn môi
          Thấy sỗ sàng thân ngọc, con  nghiêng cài áo khuy…”
                                                                     1981                                                                                                                              
Chỉ chung chung thế thôi, đâu dám vạch mặt chỉ tên những đứa nào đã làm nhục mẹ . Cứ “giữ  kẽ “ vậy cho an toàn, biết đâu vài năm nữa các đồng chí đó lại “ bốn phương vô sản đều là anh em” thì sao ? Quả nhiên những bài văn thơ nêu tội ác đích danh bọn Trung Quốc xâm lược đều lặng lẽ biến mất khỏi sách báo, riêng có bài của Lưu Trọng Lư vẫn được in vào tuyển tập. Ca ngợi người anh hùng trong chiến tranh với Khơ me đỏ và Trung Quốc cũng vậy, chẳng bù cho ngày trước lớn tiếng vạch mặt Mỹ- nguỵ, nay không một chữ nào điểm mặt, chỉ tên  quân thù :
          “ Anh không ngồi đếm bao thu còn lại
          Bao tuần lá đổ, vàng rơi
          Khi cánh song anh khép kín cõi đời
          Anh vẫn không tin : mình chết…
          Khi gà mai mỗi ngày còn đập cánh
          Ai tắt được lửa bình minh…”
                                                                  Lẽ nào anh chết- 1981
Cứ làm thơ theo định hướng chiến lược phân biệt “bạn thù” của đảng kiểu “kẻ thù lâu năm của nhân dân ta vẫn là đế quốc Mỹ”, trái tim nhà thơ liệu có còn đập  theo những buồn vui trần thế nữa chăng ? 
Trong những năm chiến tranh, đời sống  dân miền Bắc rất thê thảm, con nít sinh ra không đủ sữa, nhiều người phải giã đậu phọng thành nước cho con bú, triết gia Trần Đức Thảo ngày ngày đạp chiếc xe “Pơ giô” con vịt – tức xe đạp con nít Liên xô từ Khu tập thể Kim Liên tới Thư viện Khoa học xã hội, mang theo cái cạp lồng trong có hai cục bột mì luộc, trên đường ghé nhà ăn tập thể tranh thủ xin… biđông nước chè “một hào ba gói” .
Trong khi đó Lưu Trọng Lư sống trong khu Ba Đình giành cho các quan, mua bán tại cửa hàng Tôn Đản là “chợ vua quan” làm sao thấu hiểu nỗi khổ dân chúng nên thơ ông tuyệt nhiên không  một câu cảm thông những cảnh đời khốn khó . Suốt cả chục năm 1975-1986, ông vẫn  náu mình trong “Hoành sơn nhất đái” - ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng muôn thủa. Năm 1982, một anh bạn đi Pháp về cho coi ảnh chụp …bác Hồ ngủ trưa giữa ổ rơm ngoại thành Paris, Lưu trọng Lư liền cảm khái thành thơ :
                    Giữa ổ rơm :
          Nằm nơi đất lạ, tình không lạ
          Giấc ngủ tìm về giữa ổ rơm
          Một đời gắn bó mùi rơm rạ
          Mắt nhắm còn lo chuyện áo cơm…”
Thế đấy, hàng triệu người già, trẻ con trong những năm tháng đó lấy rơm làm giường sao nhà thơ không buông một tiếng thở dài ? Tiếc thay đó là điều cấm kỵ trong văn chương miền Bắc nên ông cứ ngó lơ, ngậm miệng “giữ ghế” , dân chúng có khổ sở vì “giá, lương, tiền” ông vẫn reo vui :
          “Đẹp lắm!trên đời những vấn vương
          Chao ôi thiên lý một con đường…
          Đi trong trời đất từ duyên ấy…”
Thưa vâng, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội “thiên lý” lắm, nhưng nếu cứ ở khu Ba Đình, hưởng sổ cung cấp Tôn  Đản thì nhà thơ cứ đi mãi được và lại còn hô hào thanh niên :
          “Chút lửa hồng , em hỡi
          Ngày ấy, còn đỏ trên tay
          “ Nào lên đường đi !người trai trẻ !”
          …Ta đi như một hiệp sĩ hôm nào…
                                                                               1986
Thày giáo dạy văn bình giảng bài này cho học sinh ắt hẳn sẽ tán “truyền thống cách mạng vẫn còn trong tay, nào lên đường noi gương các anh hùng liệt sĩ.”. Nhưng lên đường đi đâu, chiến tranh đã qua rồi đâu còn mặt trận nữa ? Chỗ này thì nhà thơ…tắc tị, đành lờ đi chứ còn biết nói sao ? Không lẽ hô hào lên đường làm giàu, cái đó khỏi cần nhà thơ hô hào, hàng chục ngàn các cô gái nông thôn đã chẳng lên máy bay sang Đài Loan lấy tàu rồi đó sao ?
Vậy nhưng thời thế rồi cũng đổi thay, sang kỳ kinh tế thị trường, đề tài “ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng “ xem ra mất khách, dải “Hoành sơn nhất đái “  không còn là nơi dung thân vạn đại cho những con chim chỉ biết hót véo von trong lồng son, cóng sứ. Ngay nhà văn quân đội gạo cội Nguyễn Minh Châu cũng phải đọc “Lời ai điếu cho văn chương minh hoạ”,“theo phong trào” Lưu Trọng Lư cũng viết sách “thị trường”, năm 1989 cho ra đời cuốn hồi ký “ Nửa đêm sực tỉnh”. Ái chà, đọc cái tựa sách cũng đã thấy đậm màu “phản tỉnh” – nửa đêm chợt tỉnh giấc để suy nghĩ gì đây ? Ăn năn, sám hối về quãng đời đã qua ? Xét lại đường lối  văn nghệ của Đảng  đã đưa Lưu Trọng Lư đến chỗ bạt vía nàng thơ ? Không phải, để làm yên lòng tuyên huấn và gây tò mò cho độc giả bỏ tiền mua, sách có ghi rõ phụ đề “ Hồi ký – Nhớ lại những mối tình “. Vậy một mũi tên trúng cả hai đích, ổn thoả đôi đường, Đảng yên tâm mà đầu nậu bỏ tiền in sách cũng yên trí.

                               (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét