(tiếp theo)
Ấy vậy mà “cảm hứng bốc phét ” của thi sĩ chưa chịu dừng lại, ông tới luôn, “sáng tác ” câu chuyện :
“Sau khi ở cửa Ngọ môn, Bảo Đại tuyên bố thoái vị để được làm người dân của một nước tự do thì một hôm người con gái cũng ở trong hoàng tộc được gọi ra trước một toà án, trước công chúng đông đảo , trẻ trung và nàng đã dõng dạc tuyên bố :
” Người chồng chưa cưới của tôi là một người đáng quý trọng, nhưng duyên chẳng đưa, phận không đẩy, tôi bị ép một bề. Tiền dặm hỏi, tôi xin trả lại. Bây giờ cách mạng đến rồi. Tôi yêu ai tôi lấy người ấy. Đó là việc của tôi. Cách mạng đã giải phóng đất nước, lẽ nào chẳng giải phóng trái tim tôi. Xin cám ơn cách mạng đã mở ra hôm nay cho tôi được nói ra lòng tôi. Tôi chẳng có gì tội lỗi hết , phong kiến bắt tôi bỏ người tôi yêu để lấy người tôi không yêu ”. Quần chúng vỗ tay…nhìn lên các quan tòa, người nào người nấy mặt mày đều hớn hở. Mừng về báo cho tôi biết :” Mừng thắng rồi…”
Tội nghiệp bà mẹ mang nặng đẻ đau bị con gái yêu kết ngay cho cái tội “phong kiến”, một trọng tội thời bấy giờ, và từ lúc đó bà cũng biến luôn khỏi tâm trí đôi vợ chồng trẻ. Tội nghiệp vị hôn phu, cách mạng nổ ra lo giữ cái thân hoàng tộc chẳng xong, còn đâu dám kiện một “nữ chiến sĩ cách mạng” tội từ hôn. Vả chăng đôi uyên ương tiền ăn còn chẳng có lấy đâu ra trả lại “tiền dặm cưới” ?
Cuốn “Nửa đêm sực tỉnh “ của Lưu Trọng Lư không còn là “hồi ức “ nữa, nó là một thứ “truyện tưởng tượng” nịnh cách mạng thì đúng hơn. Tới đây, nhà thơ “hồi ức” toàn chuyện đó. Nào “Như một luồng gió cách mạng thổi tới, tôi được gặp anh Nguyễn Chí Thanh và anh Tố Hữu. Anh Thanh xông xáo, chân thành chân thật. …Tố Hữu mũm mĩm, tráng trẻo thư sinh…các anh là những người còn rất trẻ, rất nhanh nhẹn , linh hoạt, có nhiều tài năng – nhũng con người của mọi tình thế…”- hết mức tán dương. Nào là “chúng tôi ở chung, ăn chung với anh Lưu Quý Kỳ, anh Trần Hữu Dực …”
Thế là “ Hồi ký , nhớ lại những mối tình” của Lưu Trọng Lư đã biến thành hồi ký cách mạng. Thảo nào nó chỉ được xuất bản có một lần thời xoá bao cấp chuyển sang kinh tế thị truờng. Từ đó đến nay chẳng còn thấy ló dạng trên các quầy tầng tầng lớp lớp những sách tái bản của các nhà văn nhà thơ tiền chiến…
Vậy là trên “mặt trận” thơ và văn xuôi, dẫu có hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, nhưng cái cốt lõi làm nên văn chương là giá trị nghệ thuật của nó thì Lưu Trọng Lư chẳng tạo được bao nhiêu để ít ra cũng được báo chí Nhà nước tung hô một thời . Trong khi đó các nhà văn, nhà thơ cùng trang lứa như Nguyễn Đình Thi, Tơ Hồi …lại nổi đình đám với những “Vỡ bờ”, “ Truyện Tây Bắc”, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…tuần nào cũng có bài nghễu nghện trên báo Văn Nghệ. Thêm nữa Hội nhà văn VN là chỗ “quần hùng tụ hội”, những chiếc ghế béo bở đã bị mấy cha từ Việt Bắc trở về chiếm hết, chen chân vào đó dẫu có anh Lành bảo kê, “con nai vàng” dù có vờ ngơ ngác cũng chẳng kiếm được bao nhiêu bổng lộc. Thôi thì “đầu gà hơn đuôi trâu” làm anh hùng nhất khoảnh ở Hội sân khấu lại chẳng hơn xuất Uỷ viên Thường vụ Hội nhà văn ư ? Thế là ông nhà thơ quyết tiến công vào một mặt trận mà chẳng mấy anh nhà văn muốn chen chân : viết kịch , nhất lại là kịch thơ.
Và thế là văn chương Lưu Trọng Lư có một mảng ít người biết nhưng nếu không nhắc tới thì việc đánh giá sự nghiệp thật oan uổng cho thi sĩ lắm. Kịch phẩm hàng đầu của Lưu thi sĩ là “ Tuổi hai mươi” – kịch thơ dài viết trong những năm 1966-1971 mà khi ra đời , thi sĩ Chế Lan Viên đã xỏ ngọt rằng :” Các em mà anh Lư nói đó bây giờ cũng ngoại sáu mươi chứ không còn tuổi hai mươi như anh viết nữa”. Thi sĩ Lưu Trọng Lư nóng mặt, đáp lại rằng “Đây là tôi viết cho lứa tuổi hai mươi còn lứa tuổi sáu mươi phải nhờ ông vậy…”
Vậy Lưu Trọng Lư đã viết gì cho “tuổi hai mươi” ?
Mở màn chị Trăng “giao lưu với các cây Mận, Đào, Xoan , Trúc..”. Chị than thở :
“Từ trong hoàn vũ vô biên
Ta lăn quanh bóng chị dâu hiền
Chị yêu dấu muôn vàn : Chị Đất
Oi nửa mình chị chảy đầy nước mắt
Chìm đi trong bóng tối đặc dày…”
Hoá ra “chị Trăng “ cũng mang nỗi đau…chia cắt, y hệt “cảm hứng thời đại” lúc đó đảng quy định cho văn nghệ sĩ. Nửa đêm về sáng rồi cuộc trò chuyện giữa Trăng và Cây còn rôm rả. Bất chợt ngoài cầu ao có tiếng chân khua xuống nước. Ai vậy nhỉ ? Ai mà giữa đêm hôm khuya khoắt chưa đi ngủ còn ra ngoài ao vầy nước nhỉ ? Cô Đào nói rằng chắc cô con dâu nhà mẹ Xuân, xa chồng không ngủ được nên mới ra tắm ao vậy thôi. Cô Mận mới hỏi rằng bà Xuân có những 3 cô dâu , vậy cô nào “ khó ngủ vì vắng chồng”. Lập tức bác Mít nổi giận “con Mận con Đào hay nói tào lao”, xúc phạm phụ nữ cách mạng :
“ Làng này ai không biết
Ba cô dâu đẹp nhà mẹ Xuân
Tái nhập ngũ một lần
Cả ba ông đều đi bộ đội
Cơm chung nấu một nồi
Con : chẳng con chị con tôi
Xóm dưới làng trên thảy đều mến phục…”
Ba cô vợ bộ đội mẫu mực như vậy, làm gì có chuyện nửa đêm nửa hôm còn ra cầu ao “chao chân” làm gì ? Vậy thì người đó là ai ? Cô Đào dự đoán :
“ Đúng rồi , trót thả măng ( cá măng) với trắm mè sợ măng già sục sạo đêm khuya. Cô kỹ thuật phải ra cầu ao ngồi gác..”
Các cô cãi nhau loạn cào cào, “cô dâu “ bà mẹ Xuân chẳng phải, cô kỹ thuật nuôi cá cũng không, vậy thì ai là người đó ? Cô Trúc lại đoán :
“ Chắc mẹ Đối lo cho con
Sáng nay đã lên đường
Lo cho dâu : hoa đến thì , xuân đợi
Và thương cho mình tóc đã điểm sương…”
Lo lắng trăm bề vậy chắc nửa đêm chẳng ngủ được nên mẹ ra cầu ao rửa chân ? Không phải, bà mẹ VN có con đi bộ đội thì phải hãnh diện tự hào chớ , làm gì có chuyện “lo lắng cá nhân “ vậy ? “Tính kịch” mỗi lúc một tăng cao khi cái bóng người ngoài cầu ao hiện ra là một…ông già . Mà cũng không phải ông già, chính là hồn của bố bà Xuân, tức người ông trong gia đình hiện về thăm con cháu. Lão Mít lập tức nhớ lại cảnh khổ thời phong kiến , trước khi có đảng phát động cải cách ruộng đất :
“Thuở thằng Chánh Yên …mùa vừa chín tới
Sóc trên cây chưa ngửi thấy mùi
Thằng Chánh Yên dẫn xác tới rồi
Lấy sào chọc đếm từng quả…
Quả đầu mùa màng biếu nó
Quả cuối mùa mang biếu nốt mới yên…”
Tội ác địa chủ ghê gớm chưa, nhưng lão Mít cho biết nay đã đổi đời rồi, “thằng Chánh Yên của trời trả đất, giặc Pháp cũng lui rồi..”. Lúc này , người ông mới cho biết ông cũng là dân binh đánh Tây :
“ Một đời ta trải bao nhọc nhằn gian khổ
Mắt từng quen cảnh sống chết chiến trường
Hạt gạo dân binh từng quẩy gnh
Súng trên tay từng gác núi Vụ Quang…”
Vậy là “người ông” đã một đời đánh Tây, cay đắng đủ mùi, lẽ ra chỉ mong con cháu sống thanh bình, sinh con đẻ cái, vậy mà không, ông chỉ trở lại xem con cháu có tiếp nối cha anh “lên đường đánh Tây không hay là an phận thủ thường”. Và ông mừng rỡ khi đứa cháu cũng lại “tay súng lên đường”:
“ Ai thế nhỉ ? Khăn gói lên đường
Lại trên vai khẩu súng
Chắc sắp sửa lên đường…”
Và người ông reo mừng :
“ Chà! dáng đi vẻ đứng hiên ngang
Cháu yêu ta đó!
Đúng rồi : cháu yêu ta đó…”
Ôi chao ôi, ông ơi là ông, sao chỉ thích cháu cầm súng ra chiến trường sao không mong đời cháu sung sướng, mát mặt hơn đời ông ? Quả nhiên, đúng ý ông, đứa cháu cũng sắp lên đường nhập ngũ, nó ra đây để chờ chia tay người yêu. Trong giờ phút ly biệt này, nó nghĩ gì vậy ? Nó không nghĩ vì sao nó phải dứt ruột chia tay mẹ, chia tay người yêu, nó không lo khi nó đi rồi, mẹ già có mạnh khoẻ, người yêu liệu còn trung thành với nó, mà chỉ nghĩ :
“ Thương mẹ khi tắt đèn tối lửa
Cũng thương em khi “việc đội”, “việc đoàn”
Việc chung cũng trọn, việc riêng cũng trọn…”
Vậy là nó chỉ lo người yêu không hoàn thành nhiệm vụ sản xuất chiến đấu của người “em gái hậu phương” chứ đâu có bịn rịn, lưu luyến lúc sắp chia xa . Và rồi người con gái cũng xuất hiện…súng trên vai làm “người ông “ khoái trá:
“Cô nào đấy nữa
Mặt mày coi sáng sủa
Cũng lại súng trên vai…”
Rặt những…súng là súng , đi đến chỗ hẹn người yêu chia tay đi xa, cũng không quên mang súng theo. Cô gái này thật đã làm đúng y boong lời dậy của Mao Chủ tịch :”Bất ái hồng nhan, ái…vũ trang…”.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét