Bà Tư xem đi xem lại lắc đầu :
“ Không khéo lộn …giấy này mang tên ông Mỹ chớ không phải tên nội mày…”
Con vợ thằng Đậu ra vẻ hiểu biết :
“ Vậy dì hổng biết gì hết trơn. Ai sang Mỹ cũng phải đổi tên Mỹ hết. Như cô Út nhà con cũng phải đổi tên thành …cái gì …cái gì …Bê Bò đó…”
Bà Tư tròn mắt:
“ Sao kỳ vậy ? Sao người lại lấy tên là “Bò”.
Con vợ thằng Đậu cao giọng ra vẻ hiểu biết :
“ Vậy mới gọi là Mỹ…nghe cô Út kể cả bò cả chó đều cho vô cái Hội gì kỳ lắm…”
Bà Tư lắc đầu không tin :
“ Mày nghe lộn sao chớ … ai lại lấy tên “Bò” bao giờ ?
Con vợ thằng Đậu quả quyết :
“ Cháu nghe cô Út nói rõ ràng mà. Cổ bảo tên cổ là Bê “bò” chứ không phải B “phở”…”. Rõ nhiều chuyện phải không dì ? ”Bò” với “phở” tên nào chả là tên…”
Vừa lúc đó thằng Đậu ở đâu hớt hải chạy tới :
“ Tao nghe nói nội để quên giấy tờ ? Phải hộ chiếu không ? Í chết mẹ, quên hộ chiếu sao lên máy bay ?”
Con vợ thằng Đậu mừng rỡ :
“ May anh Đậu về kịp. Giờ phải phóng xe đuổi theo đưa nội không thì nó đuổi nội về…”
Thằng Đậu giật vội cái bảng trong tay vợ , leo lên xe nổ máy rầm rầm. Con vợ vội nhảy ngay lên sau xe đòi đi theo bị thằng Đậu đuổi :
“ Để tao đi một mình dzọt cho lẹ…dắt díu nhau lỡ việc …”
Nói rồi nó cắm đầu cắm cổ phóng xe trực chỉ Sàigòn tới sân bay Tân Sơn Nhất. May quá, bác Ba Phi còn rồng rắn xếp hàng làm thủ tục. Thằng Đậu gửi xe máy xong phóng tới :
“ Nội ơi…nội quên hộ chiếu nè…”
Bác Ba Phi ruột gan nóng như lửa không hiểu có trót lọt lên máy bay không, giật mình :
“ Hộ chiếu nào ? Hộ chiếu tao đang cầm trong tay với vé máy bay đây . Quên hồi nào ?”
Thằng Đậu vội đưa ra cái bảng, bác Ba Phi vỗ trán nhớ ra nhưng lại nhớ lộn :
“ À phải rồi…cái bảng này con Út nó viết cho tao lúc sắp lên máy bay thì giương lên cho người ta biết…không phải hộ chiếu…”
Thằng Đậu càu nhàu :
“ Vậy mà con vợ con nó bảo nội quên hộ chiếu làm con phóng xe muốn chết, may không chui gầm ô tô…”
Bác Ba Phi mắng :
“ Mày đúng thằng hậu đậu. Nếu bữa nay mày ăn bánh xe ô tô thì tao mất chuyến đi Mỹ thăm con Út…”
Thằng Đậu cãi :
“ Tại nội chớ ? Nội cứ chờ con về đưa đi thì đâu có quên thứ này thứ kia ?”
Bác Ba Phi trợn mắt :
“ Chờ mày hả ? Chờ mày tới sáng mai hả ? Mày đã ngồi vào bàn nhậu thì máy bay nó bay tới Mỹ rồi may ra mày mới đứng dậy ”
Hai ông cháu mải cãi nhau , dòng người xếp hàng đã đưa bác Ba Phi tới quầy thủ tục . Trước khi vào khu cách ly, bác Ba Phi móc túi đưa cho thằng Đậu tờ một trăm tiền Việt, căn dặn :
“ Con Út dặn tao từ lúc này chỉ tiêu tiền Mỹ thôi. Còn tờ tiền Việt này cho mày cầm về đi nhậu !”
Thằng Đậu nhét tiền vào túi, nước mắt vòng quanh :
“ Nội đi nhớ về nghen nội!”
Bác Ba Phi cười lớn :
“ Nhất định tao phải về chớ ở bển làm chi ?”
“Con nghe nhiều người sang bển sướng quá ở lại làm công dân Mỹ luôn .”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Đó là tụi trẻ kìa. Tao già , chân run gối mỏi , còn làm được trò trống gì mà Mỹ nó chứa ?”
Bác Ba Phi vẫy tay chào thằng Đậu , bước tới trình giấy rồi xăm xăm đi qua máy soi. Tít, tít, tít…cô nhân viên an ninh kêu lên :
“ Bác phải bỏ hết những gì là kim loại trong người ra để vào cái giỏ rồi cho qua máy soi bên kia…”
Quái lạ, bác Ba Phi đã lôi hết nào đồng hồ, nào hộp quẹt, nào chùm chìa khoá, túi quần túi áo tuyệt nhiên không có gì nữa mà đi qua khung cửa máy kiểm tra vẫn cứ bíp bíp. Cô nhân viên an ninh đưa máy dò từng chỗ khắp người bác Ba Phi cũng chẳng thấy gì. Bực thiệt, rõ tình ngay lý gian, mình có mang súng ống, dao kéo gì đâu mà cái máy cứ nhắng lên ?
Chợt bác vỗ trán nhớ ra, kêu to :
“ Thôi phải rồi, tôi nhớ ra rồi, tôi có mấy cái răng vàng ở mãi bên trong…”
Nói rồi bác há mồm ra cho cô nhân viên an ninh coi. Cô này che miệng cười rồi trả lại giấy tờ, ra hiệu cho bác đi tiếp.
Tới quầy xếp hàng chờ công an xuất nhập cảnh xét giấy, bác Ba Phi trống ngực thùm thụp. Chỗ này nghe cô Út kể Việt kiều ra vào vẫn phải nhét tờ mười đô vào hộ chiếu đây ? Không làm “thủ tục đầu tiên” nó hành cho chết. Bác Ba Phi thấy tiếc đã đưa thằng Đậu tờ trăm ngàn đồng tiền Việt. Biết vậy cứ giữ lại nhét vô hộ chiếu chắc ăn.
Vậy nhưng cô Út đã dặn “tía không phải Việt kiều, tía là Việt cộng khỏi tiền bạc”, bác lại yên tâm. Bác không biết rằng chỉ nhìn mầu xanh cuốn hộ chiếu người ta cũng thừa biết bác không phải Việt kiều. Bởi vậy bác phục lăn cha công an chưa thèm coi đã hỏi :
“ Bác đi Mỹ thăm thân hay đi công chuyện ?”
Ai chà, cha này giỏi thiệt, chưa coi hộ chiếu đã biết mình là dân nội địa . Vậy càng tốt, càng khỏi mất tiền. Bác trả lời dõng dạc :
“ Tôi đi thăm con gái…con gái tôi là Việt kiều Mỹ…”
Người công an gật gật, rồi chỉ coi hình trong hộ chiếu so với bác ba Phi ngoài đời, chẳng thèm ngó tới cái dấu visa tổ bố lãnh sự quán Mỹ đóng trên hộ chiếu đã cộp dấu trả lại giấy tờ cho bác Ba Phi đi vào khu cách ly. Bác nhẹ cả người. Thôi thế cầm chắc được đi thăm Mỹ rồi. Vào tới đây là hết hỏi han giấy tờ, chỉ cầm thẻ lên máy bay nữa là xong.
Bác Ba Phi liếc đồng hồ, còn những gần hai tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ bay, ghé phòng giải khát làm ly cà phê cái đã. Bác bước vào gian phòng xung quanh toàn kính, đèn đuốc sáng choang, mấy cô phục vụ tha thướt áo dài…gớm gớm…quán phục vụ Việt kiều với người nước ngoài có khác…sang trọng, đẹp đẽ còn hơn cả nhà khách Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Bác Ba Phi chọn bàn trong góc, khoan khoái hít một hơi dài khí máy lạnh rồi rút thuốc lá ra định mồi, cô tiếp viên xinh đẹp đã bước tới :
“ Cảm phiền bác ở đây không được hút thuốc .”
Bác Ba Phi trố mắt :
“ Bán cà phê mà không cho hút thuốc. Vậy hút ở đâu ?”
“Dạ ở đâu cháu không biết…ở đây thì không ạ. Thưa bác, dùng gì ?”
Cô tiếp viên đưa ra tờ thực đơn dày cộp in chữ gì loằng ngoằng. Bác Ba Phi trả lại không coi, dõng dạc :
“ Một ly pặc xỉu đá !”
Đến lượt cô tiếp viên ngớ ra :
“ Pặc xỉu là cái gì ạ ?”
Bác Ba Phi cao giọng :
“ Pặc xỉu là gì mà không biết à? Vậy cô là người nước ngoài hay người Việt đằng mình ? Pặc xỉu là cà phê sữa đó. Có điều nhiều sữa ít cà phê…”
Cô tiếp viên nín cười, mấy phút sau đã bưng lại chiếc ly pha lê trong có cà phê sữa đặt trên cái khay bạc. Bác Ba Phi hít hà, chèn đéc ơi, sang trọng, lịch sự đến thế này là hết cỡ…thợ mộc.
Bác lim dim tận hưởng “pặc xỉu” thơm phức trong chiếc ly pha lê sang trọng , chợt nhìn đồng hồ thấy sắp tới giờ bay vội ra hiệu cho cô tiếp viên tính tiền. Cô gái nở nụ cười thật tươi, uyển chuyển trên đôi giầy cao gót, bưng tới cái khay bạc trên có quyển sổ bìa da, gáy vàng.
Bác Ba Phi thầm reo lên, í mèn ôi, sổ tính tiền mà sang trọng, đẹp đẽ hơn cả sổ vàng của Uỷ ban Nhân dân Phường. Bác so sánh vậy vì năm kia cô Ut về chơi đúng dịp quyên góp bão lụt. Chẳng hiểu cô Út mới trúng cái mánh gì bên Mỹ, cúng luôn ngàn đô, được ghi tên sổ vàng của Phường, bác Ba Phi nhờ vậy cũng được đi theo tới văn phòng Uỷ ban, được tận mắt nhìn cuốn sổ vàng vẫn cất kỹ trong tủ kính. Cuốn sổ đó đã đẹp nhưng so với cuốn sổ tính tiền này còn thua . Bác Ba Phi mở sổ ra trong đó thấy một tờ giấy cáctông trắng muốt. Bác liếc qua rồi hỏi dõng dạc :
“ Ở đây các cô có lấy tiền Mỹ không ?”
Cô tiếp viên nở một nụ cười lành nghề :
“ Dạ có chớ ạ…cửa hàng quốc tế chúng cháu chỉ nhận ngoại tệ thôi ạ..."
Bác Ba Phi reo lên :
" Hèn chi ...con gái tôi nó dặn vào phòng cách lý là chỉ tiêu tiền đô thôi. Vậy 6000 ngàn đồng ly "pạc xỉu" này quy ra đô la là bao nhiêu để tôi trả ?”
Cô gái ngạc nhiên :
“ Dạ bác coi lộn rồi ...Không phải sáu ngàn đồng Việt Nam …đây là 6 đôla Mỹ đấy ạ..”
Bác Ba Phi giật mình :
“ Cô nói cái gì ? 6 đô la ly pặc xỉu này à ? Cô có nhầm không đấy ?”
“ Dạ cháu không nhầm…trong bản tính tiền có ghi rõ dấy ạ…”
Bác Ba Phi rền rĩ :
“ Oi trời ôi… chưa ra khỏi nước mà nó đã cắt cổ tôi. 6 đôla ? Tính ra tiền ta là trăm hai ly pạc xỉu Bóc lột..bóc lột..”
Cho dù có than phiền sao đi nữa, bác Ba Phi cũng vẫn phải móc hầu bao lấy ra tờ 10 đô la để nhận về 4 đô la tiền cắc.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét