Nhật Tuấn : “Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, theo anh đã có “chuyển giao thế hệ” hay phiên đổi gác” giữa các “nhà văn có tuổi” Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Lê Lựu , Thái Bá Lợi…sang các nhà văn trung niên Trần Đức Tiến ,Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư…chưa ?
Tạ Duy Anh : Kính thưa nhà văn Nhật Tuấn, tôi xin phép được nói thẳng những suy nghĩ của mình và nếu anh thấy bức xúc thì cố mà chịu. Chúng ta sinh ra phải thời mọi thứ cứ hay bị lý luận hoá cho nên bất cứ cái gì, bất cứ hành động, hiện tượng nào cũng phải tìm cách thuật ngữ hoá. Thói quen này có xu hướng tìm định nghĩa chung cho cả những thứ chỉ cảm nhận qua giác quan từng cá nhân riêng lẻ, có giá trị mang tính biệt lập. Tôi có thể dẫn chứng ra đây rất nhiều ví dụ nhưng vì anh đang bàn đến văn học nên tôi sẽ khoanh lại và đi thẳng vào vấn đề. Những cụm từ như Đổi gác, Bàn giao…có xuất xứ từ những việc cụ thể, thô sơ như bàn giao ca trực, đổi ca gác… Sau đó, theo thói quen sính khái niệm, nó được chính trị hoá và trở thành những từ có mầu sắc sang trọng, mầu sắc học thuật. Từ đấy cứ mở miệng là họ nói bàn giao, đổi gác, rất hùng hồn và rất thời thượng. Các nhà quản lý văn học nghệ thuật, một vài nhà lý luận thấy những từ này có vẻ đúng đường lối, thuận miệng, được nhiều lãnh đạo chính trị ưa dùng, tức là kiếm ra lợi lộc bèn hùa vào dùng tràn lan và vô lối sang cả những vấn đề chả dính dáng gì đến hành động tương tự. Làm gì có sự bàn giao, đổi ca, đổi gác trong văn học nghệ thuật! Thứ nhất sáng tác văn học không giống với làm việc trong Hợp tác xã hay bất cứ tập thể nào? Nó là nhu cầu cá nhân và chỉ được thực hiện bởi nỗ lực cá nhân. Không bao giờ có cái gọi là sáng tác tập thể thì làm gì có chuyện bàn giao, đổi gác? Bàn giao cái gì, đổi cho ai? Nhưng còn một thực tế đáng quan tâm hơn là, những nhà văn nhiều tuổi, nếu muốn bàn giao cho những nhà văn ít tuổi hơn, thì họ sẽ bàn giao cái gì, cái gì từ họ thì cũng chỉ có giá trị khi gắn với tên của họ. Chưa kể có nhiều thứ họ phải giấu biệt đi, phá huỷ đi trước khi rơi vào tay người khác. Trong khi đó liệu có nhà văn nào sinh sau đẻ muộn lại muốn nhận bàn giao từ người đi trước? Tự trọng nghề nghiệp và tính chất đặc thù của nó không cho phép anh ta hạ mình như vậy. Nếu anh ta cứ hạ mình thì không ai phải mất thời gian quan tâm đến anh ta làm gì nữa.
Chưa bao giờ tôi nghĩ Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Ngô Tất Tố…là những thế hệ nhà văn khác nhau, trong khi người già nhất (Nguyễn Khưyến sinh 1835) so với người trẻ nhất (Nam Cao sinh 1915) cách nhau chẵn 80 năm! Khi đọc tác phẩm của các cụ chúng ta đâu có quan tâm đến trong số họ ai kế thừa ai, ai bàn giao và ai nhận bàn giao? Nếu có điều đó như anh quan tâm, thì với tiểu thuyết không giống ai Đi về nơi hoang dã, nhà văn Nhật Tuấn có thể phải chờ để nhận bàn giao từ một thế hệ nhà văn hiện còn đang cởi truồng. Tôi nói thế mong anh không phật ý.
Nhật Tuấn :”Và ngày nay, sang thời IT, đã xuất hiện “sự chuyển giao thế hệ ” các anh với 8x , 9x chưa ? Đặc điểm các cây bút @ và những gương mặt tiêu biểu là những ai với tác phẩm gì ?”
Tạ Duy Anh: Với thế hệ hiền lành, tròn trịa, dễ bảo và đã bị quy phạm hoá toàn diện như thế hệ tôi thì anh cứ tha hồ nói chuyện bàn giao, giao ban, đổi ca, đổi gác…chứ với những ông bà 8x, 9x..thì tôi có lời khuyên anh chớ lỡ miệng mà thành nói càn đấy! Họ không bỏ qua cho đâu và lúc đó anh đừng mang đạo đức ra mà doạ họ. Đặc điểm của họ- đây chỉ nói theo cách gàn dở của chúng ta thôi chứ thực ra có tư cách gì mà nhận xét-là họ không nghiêm trọng hoá bất cứ vấn đề gì, kể cả thứ mà chúng ta tôn thờ là tư tưởng, quan điểm và ngôn ngữ. Họ viết không phải để dựa vào đó tìm kiếm nghề nghiệp, tiền bạc hay những thứ mà anh và tôi vẫn cần phải có, chẳng hạn như được đi dự hội nghị toàn comple cà vạt nghe nói dối hay mời đi làm giám khảo, mời vào hội đồng này nọ để tha hồ phán láo, tha hồ thể hiện quyền lực rồi có cơ hội là ăn tiền như ranh. Nói tóm lại là họ tự do hơn nhiều. Tuy nhiên thành tựu được cái gì thì còn phụ thuộc vào trăm thứ phẩm chất cá nhân khác. Tôi thật sự chưa, hoặc có thể là không, thâm nhập được vào thế giới của họ nên không dám nói liều.
Nhật Tuấn : “Anh cũng là một blogger “ăn web, ngủ web” chắc đã đọc nhiều “văn học mạng”. Mới đây, blog “Lão thày bói già” – tức Đinh Vũ Hoàng Nguyên* có nhiều bài viết đặc sắc được nữ văn sĩ Việt kiều Đức Lê Minh Hà khen hết lời :
“Chữ nghĩa của người viết ở đây hệt như nhất dương chỉ, cù nhẹ một cái là khiến bao nhiêu cơ quan đoàn thể trong người đọc nhất loạt khởi động tập trung vào một tư thái duy nhất: cười.
“Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên, văn học Việt Nam đã có thêm sắc màu mới. Có thể không nằm trong những quẫy cựa vô vọng về kĩ thuật nhưng không hẳn không cần thiết và thôi miên không ít người viết không muốn hiểu ra những trào lưu ta kêu gọi nhau hướng tới hôm nay là kết quả của sự vận động tâm thế ở một xã hội thời hiện đại văn minh hơn mình. …”
Còn nữa, blog Phọt Phẹt – tức Tuấn cũng đang nổi tiếng về những bài viết ngắn đậm chất hài hước. Theo anh, xu hướng “văn học bụi “ này, liệu có thành một trường phái xuất sắc ?”
Tạ Duy Anh : Tôi xin cải chính ngay tôi không có khả năng làm một blogger cho ra hồn, đơn giản vì mắt tôi không phù hợp với việc đọc trên mạng. Tôi là hoá thạch cổ của văn hoá đọc văn bản in, tức là về khía cạnh nào đó sắp vào hàng phế phẩm. Và tôi cũng đọc không nhiều “văn học mạng”-ngôn ngữ của anh Nhật Tuấn đấy nhé- nhưng cũng đủ để hiểu đại khái xu hướng tinh thần của nó.
Tôi gọi loại văn học đó là văn học “Phượt”. Anh từng đi phượt chưa? Nếu chưa thì nên đi một lần để thấy nó không đơn giản là bụi đâu anh ạ. Phượt là một phong cách đàng hoàng. Văn học “phượt”-cách gọi riêng của tôi và mong không làm ai mếch lòng-là con đẻ của quá trình dân chủ hoá không thể cưỡng lại được của văn học, văn hoá, với nhiều lựa chọn cá nhân hơn về lối sống, sở thích và được hỗ trợ bởi công cụ không ai có thể ngăn cản là internet. Và nó có nhu cầu thể hiện điều đó bằng văn chương, bao gồm văn xuôi, thơ ca, hò vè, tiểu luận, tiểu phẩm, những phản hồi…tất tật. Nó không quan tâm đến yếu tố thể loại, không quan tâm đến dư luận, không quan tâm đến việc in ấn, không quan tâm đến quy phạm ngôn ngữ và không quan tâm ngay cả độc giả. Ai đọc, đọc như thế nào, thái độ ra sao…nằm ngoài mối quan tâm của nó. Nó chỉ có một mối quan tâm là thoả mãn ý thích người viết và chia sẻ với những người cùng sở thích, cùng quan niệm. Không cần bất cứ một định hướng nào, một ý chí chính trị hay xã hội nào thì nó đã đang và sẽ tồn tại ngang nhiên. Sự can thiệp của nhà nước hay bất cứ tổ chức nào đều vô vọng như ném đá xuống biển! Nó là thứ văn học sắp thành phổ biến và sẽ vô cùng đa dạng về cách thể hiện, tôi chỉ biết đến thế thôi.
Nhật Tuấn :“Nhiều năm nay công việc viết tiểu thuyết dường như bị tắc ở khâu nào đó. Theo anh tắc ở đâu vậy:” thi pháp, cảm hứng chủ đạo, cái dũng của thi nhân “ ?
Tạ Duy Anh : Nếu nội dung câu hỏi trên anh hỏi đích danh về tôi-tức Tạ Duy Anh-thì tôi có thể miễn cưỡng chia sẻ với anh là tôi đang nghỉ ngơi và chưa thấy có dấu hiệu muốn bỏ viết mặc dù nhiều lúc nản. Thế có thể gọi là tắc hay không thì tuỳ anh. Nói thật là tôi cũng chỉ biết hiện trạng một phần bản thân tôi thôi. Nó khó lường lắm. Lúc tưởng tắc tị thì lại là thời điểm ngồi xuống bàn viết. Lúc tưởng viết ngay ra cả cuốn sách thì một câu cũng không nên hồn. Đến bản thân mình mà còn không hiểu hết thì làm sao biết thiên hạ họ thế nào. Tôi không đa cảm như anh để lo cho thiên hạ nhiều thế đâu.
Nhật Tuấn :” Cách nay vài năm , trả lời nữ văn sĩ Phạm thị Hoài về triển vọng văn học “hậu hiện đại “ Việt Nam, tôi có nói : “Tôi hy vọng trên bãi cứt “hậu hiện đại” sẽ mọc lên kỳ hoa, dị thảo …”. Thế còn nhà văn Tạ Duy Anh, anh thấy sao ? Đã có kỳ hoa, dị thảo nào mọc lên chưa ?”
Tạ Duy Anh :” Trước hết tôi muốn biết sau “hậu hiện đại” thì chúng ta sẽ dùng khái niệm gì? Chỉ có ngót nghét một thế kỷ mà có tới hàng chục thuật ngữ phân chia giai đoạn nghệ thuật, chắc kho thuật ngữ sắp cạn kiệt rồi. Vậy thì tôi muốn đề xuất với nhà văn Nhật Tuấn là lờ béng cái “hậu hiện đại” ấy đi. Biết đâu sau đây chúng ta lại sắp về thời hoang dã cũng nên! Khi đó anh sẽ bí đấy! Nếu có kỳ hoa dị thảo thì theo tôi nó chỉ có thể mọc trên loại phân đã bị bọ hung phân huỷ, tức là đã sang loại phân khác, đã hết mùi hoặc không còn mùi ban đầu. Lẽ đời cũng giống như luật tạo hoá thôi anh ạ.
Nhật Tuấn: “Anh có cho rằng văn học VN nghèo nàn tưởng tượng. Phải chăng đó là "tình tự dân tộc" ta ? Nguyên nhân từ đâu ? Do tín ngưỡng :Khổng, Phật, Thiên chúa giáo ...hay do Mác Lênin ? Do vị trí địa lý?”
Tạ Duy Anh :” Nếu xét về hiện tượng thì chúng ta phải là dân tộc giầu trí tưởng tượng mới đúng? Vậy thì chỉ có thể kết luận là chúng ta gặp một trục trặc nào đó về văn hoá, lịch sử nhân chủng hay nỗi mặc cảm về thân phận? Tôi thiên về lý do cuối cùng hơn vì nó có nhiều cơ sở. Thứ nhất là chúng ta ở bên cạnh một hàng xóm khổng lồ và có máu bành trướng tham tàn như nước Tầu (chưa khi nào họ hết thèm muốn nuốt sống chúng ta, hiện tại tham vọng này càng mãnh liệt), thứ hai là chúng ta ngại thay đổi, thứ ba, nguy hiểm hơn, chúng ta dễ thoả mãn với bản thân…(Dễ cả trong những thứ chúng ta tạo ra, cả những thứ chúng ta tiếp nhận: Phật, Nho, Lão, Thiên Chúa, Mác-lê…cân tuốt và nhanh chóng biến nó thành món rẻ, dễ ăn, có thể ăn sống xít cũng không hề gì rồi sau đó tự hào mình có sức tiêu hoá mạnh!). Dễ cũng có nghĩa là sẽ lười, ít động não. Những dấu hiệu này có thể in đậm ở bất cứ đâu trong thế giới tinh thần của người Việt. Tất cả những điều đó đều là hệ quả của cảm giác lép vế! Chúng ta là một dân tộc mặc cảm. Và nói điều này rất khó nghe nhưng hoàn toàn có thể hiểu: Những người mặc cảm thường lại cũng là những người dễ mắc căn bệnh kiêu ngạo.
Nhân đây tôi xin kể hầu anh câu chuyện hài hước nhưng bi thảm này. Hồi tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang Hà Nội và có cuộc phát biểu với sinh viên. Tôi thấy một ông giáo sư cả đời viết dựa theo những điều nhảm nhí để ăn tiền và ăn giải thưởng, tức là nô bộc trăm phần trăm, được mời trên hàng ghế đầu nghe ngài Tổng thống diễn thuyết. Đó là ý định của Ban tổ chức, muốn có những trí thức danh giá ngồi trên ghế khán giả, vừa như ban ân huệ vừa để khoe hàng! (trong khi đó đúng ra là khi có ngài Tổng thống Hoa Kỳ thì phải nhốt hết những ông như vậy lại, không cho ra khỏi nhà). Đáp lại, ông giáo sư này cố ngồi ưỡn…về phía diễn giả. Với văn hoá Mỹ thì điều đó rất bình thường và có lẽ ngài Tổng thống không quan tâm. Nhưng với người Việt thì khó coi quá. Lý giải hành vi đó rất đơn giản. Thứ nhất ông giáo sư nọ muốn chứng tỏ lập trường chính trị, bởi ông biết thể nào các vị lãnh đạo cũng xem tivi. Ưỡn…vào mặt kẻ thù về ý thức hệ là hành động luôn mang tính biểu tượng cao về lập trường! Nhưng có lẽ ông ta làm thế còn để chứng tỏ ông ta coi Tổng thống Hoa Kỳ cũng thường thôi. Thói kiêu ngạo hạ đẳng này có nguyên nhân từ tâm lý ông ta biết mình chỉ là hạt bụi trong con mắt người khác. Vậy thì phải phồng lên trước, coi khinh trước...
Không khó để anh quan sát hiện tượng này, vì nó rất phổ biến trong xã hội chúng ta.
Nhật Tuấn : “ Cảm ơn Tạ Duy Anh…”
24-3-2012
* Rất tiếc Đinh Vũ Hoàng Nguyên tức Lão thày bói già đã ra đi lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23/3/2012 (2/3 âm lịch) vào đúng ngày sinh nhật tuổi 37 trong sự tiếc nuối của đông đảo bạn đọc. Anh như con chim lạ mới đậu xuống cánh đồng văn học đang mùa khô hạn đã vội bay đi, như ngôi sao chưa mọc đã tắt. Cầu chúc hương hồn anh siêu thoát nơi vĩnh hằng..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét