Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI ( KỲ 20)

4.
   
 Thằng Tú đến cơ quan tìm tôi, mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Tôi hoảng lên không hiểu có chuyện gì khiến cậu ta phải dứt khỏi những “tấm sơ đồ điện tử”, quá bộ tới đây đột ngột thế? Tuy nhiên, tôi cứ ngồi im chờ Tú uống xong chén nước, dịu bớt cơn nhăn nhó ấy đi.
      - Chị có biết tại sao em phải đi tìm chị không?
      - Làm sao chị biết được.
      - Mẹ bắt em đi đấy.
      Tôi với ấm nước rót cho Tú chén nữa. Tội nghiệp, phóng xe vội quá, nó  ra mồ hôi kiệt cả nước . Hồi này Tú gầy hẳn, tôi nhớ nếp hàng ngày của nó: sáng đi học, chiều thư viện, tối giam trong buồng tới khuya, cứ cái đà ấy có ngày “quá tải”, ốm mất .
      - Chị lạ thật, mai giỗ bố rồi mà chẳng thấy về. Cả ông Bình nữa, cũng mất mặt luôn.
      Tôi ngớ ra, đành chịu trận ngồi cho thằng em mắng mỏ. Lạ thật, sao tôi lại quên một ngày quan trọng  thế. Cái  “số “ của bố tôi rất lạ, bao nhiêu năm chiến trường giáp mặt bom đạn nhưng lại chết tai nạn xe hơi vài tháng sau ngày miền Nam giải phóng. Hai chị em tôi ăn học nên người là nhờ đức chịu đựng phi thường của mẹ tôi. Những năm đầu tiên giỗ bố, cả ba mẹ con quây dưới bàn thờ, khóc đỏ con mắt. Thời gian phai nhạt dần, riêng mẹ tôi cho tới tận bây giờ, hàng năm cứ vào dịp giỗ, bà vẫn nằm liệt trong phòng riêng mặc  hai chị em mua bán, cúng bái. Năm nay con gái lớn đã đi lấy chồng, giỗ bố mất mặt luôn, mẹ tôi tha hồ buồn khổ, nghĩ ngợi.
      -  Mẹ khỏe không ?
     - Nằm suốt cả ngày hôm qua, em phải chui xuống bếp đấy.
      - Khổ, sao không gọi điện cho chị?
      - Gọi mấy lần...chị mất tăm.
      Tôi liếc đồng hồ, sắp tới giờ ra ga tiễn Biên Cương vào thành phố Hồ Chí Minh, thôi kệ, giờ trời có xụp tôi cũng phải về.
      - Em đạp xe qua nhà chị báo anh Bình biết, chị rẽ qua chợ mua thức ăn về nấu cho mẹ.
     Dắt xe ra cổng, tôi chợt trố mắt vì chiếc xe máy chặn ngang trước mặt. Hoàng Minh, chà, cậu ta đến không đúng lúc chút nào. Kể ra vào lúc khác tôi sẵn sàng nhận lời đi uống càphê, tới Hồng Loan hoặc đi xem một cuốn phim “nghiên cứu” cũng được.
      - Xin lỗi nhé, tôi phải về ngay, mẹ tôi ốm.
      - Tôi chỉ xin gặp Vân một phút thôi.
      Trời đất, bệnh si tình đã biến anh họa sĩ mặt lạnh hôm gặp tôi lần đầu thành gã con trai lẽo đẽo đi xe máy theo sau ,nài nỉ tôi vào quán uống một ly cà phê. Thôi được, trái tim phụ nữ hình như không được quá sắt đá, ngồi với anh chốc lát rồi về với mẹ cũng chả sao. Vẻ vui mừng của Hoàng Minh hiện rõ trong cái hấp tấp dựng xe , kéo ghế ngồi và gọi người chạy bàn. Tôi giục:
      - Anh cần gặp Vân có chuyện gì?
      - Khoan đã, chờ cà phê đã.
      Ánh mắt Hoàng Minh làm tôi ái ngại, chàng “bệnh” nặng quá rồi, nhưng tôi giúp gì được ngoài cái nhìn dịu dàng và cảm thông . Mấy ngày qua sau khi ốm dậy, chắc anh phải trằn trọc nhiều đêm mắt mới trũng sâu thế kia. Tôi ân hận đã nhận lời vào ngồi thế này để chịu đựng cái nhìn như con thú bị thương khiến ta không đành lòng dập tắt tia hy vọng mong manh trong đôi mắt ngây dại kia.
      - Anh vẫn còn gầy lắm, nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.
      - Vân có biết không, trời ơi, suốt cả tuần qua hầu như đêm nào tôi cũng chỉ chợp mắt được chốc lát.
      - Anh... đừng nên thế, mình bạn bè với nhau chả hơn ư?
      - Không, Vân đừng nói vậy, tôi không thể sống thiếu Vân được.
      Mắt Hoàng Minh đỏ ngầu làm tôi phát hoảng. Xưa nay tôi rất sợ sự thái quá, nhất về biểu lộ tình cảm, tôi không thể chịu được những màn căng thẳng trên sân khấu trong đó nhân vật như bị đốt cháy lên bởi sự thù hận, khổ đau, hạnh phúc, bởi vậy tôi rất ngại đi xem kịch, cải lương thì tuyệt nhiên không. Có lẽ với tôi không gì khổ tâm hơn phải chứng kiến sự hành hạ con người dù ở bất cứ trạng thái nào.
Nhiều lúc Bình đã phải phì cười khi tôi nổi hứng ngồi xem phim tivi luôn luôn tôi cứ phải quay mặt đi hoặc nhắm mắt lại trước những cảnh đấm đá, tra tấn, tuyệt vọng, chết chóc...
 Còn lâu Hoàng Minh mới hiểu được điều đó, anh cứ mặt ủ mày chau, kể lể anh bị hình ảnh tôi day dứt, cấu xé như thế nào. Ở địa vị tôi, một người con gái khác sẽ rất tự hào và hạnh phúc, ngược lại, tôi chỉ thấy bứt rứt khó chịu, hay là tôi không còn là phụ nữ nữa?
Ý nghĩ  đó làm tôi lo sợ, không dám cắt ngang lời Hoàng Minh, đành cứ ngồi chịu trận nghe anh thổ lộ tâm tình. Thái độ đó làm anh hiểu lầm, anh tưởng sự đau khổ chân thành của anh là một quà tặng vô giá với tôi, anh cứ bộc lộ mãi cái cơn mê điên đó khiến tôi có cảm giác như đang ngồi trước một sân khấu bi kịch. Tôi cố giữ  không để mình quay mặt đi hoặc bịt tai, nhắm mắt như những lúc ngồi xem tivi, tuy nhiên tôi phải làm cái gì đó để rẫy khỏi trạng thái này nếu không tôi sẽ hét lên mất. Tôi nâng tách cà phê lên miệng, và chính tôi cũng không hiểu được là mình tuột tay rơi hay cố tình buông nó xuống vỡ tan. Cô bán hàng chạy tới, tôi lắp bắp :
      - Xin lỗi, xin lỗi...
      Những mảnh vỡ được dọn rất nhanh, một tách cà phê khác được bưng tới. Tôi trố mắt nhìn những vệt đen loang lổ trên nền gạch hoa, Hoàng Minh chợt kêu:
      - Kìa, sao mặt Vân tái đi thế kia?
      - Xin lỗi. Vân xin lỗi...
      Tôi đứng bật dậy, lùi lũi ra cửa, mở rất nhanh khóa xe và đạp đi trên phố cố xóa đi vẻ mặt ngạc nhiên đến ngẩn người của Hoàng Minh khi tôi bỏ anh ở lại với hai ly cà phê gần như còn nguyên vẹn. Bằng một dẫn dắt nào đó tôi không ý thức được tôi cắm cổ đạp xe và khi gần tới cửa nhà, tôi mới bừng tỉnh để mà lo sợ không biết mẹ và em tôi nghĩ thế nào khi tôi mất mặt cả mấy tiếng đồng hồ. Quả nhiên, Tú đón tôi ở cửa, hầm hầm:
      - Chị bảo rẽ vào chợ mua thức ăn cho mẹ, vậy thức ăn đâu?
      - Xin lỗi, chị có việc đột xuất.
      Nó ném vào tôi cái nhìn giận giữ rồi chẳng nói chẳng rằng dắt xe rông mất. Trong nhà, chồng tôi đang ngồi với mẹ và cả hai thấy tôi đều mừng rỡ.
      - Cha con đẻ mẹ cô, giỗ bố mà đi đâu mất mặt?
      - Mai mới giỗ cơ mà, mẹ vội gì?
      Tôi đánh ngón tay ra hiệu cho Bình, anh hiểu rằng tôi có chuyện riêng cần nói với mẹ, anh lủi ra phòng ngoài quét nhà, rửa bát, dọn dẹp như mọi khi. Mẹ tôi rất quý chàng rể vừa trí thức vừa dân dã, mỗi khi hai đứa “nổ ra chiến tranh”, bao giờ mẹ tôi cũng đứng về phe anh. Tôi cúi xuống nhổ tóc sâu và lấy dáy tai cho mẹ, tôi biết những lúc đó bà sung sướng nhất, bởi vậy mỗi lần muốn chuộc lỗi, hoặc xin xỏ gì bao giờ tôi cũng mở đầu bằng hai việc đó. Đầu mẹ tôi bạc trắng gần hết, thực ra nếu không phải cáng đáng gánh nặng bố tôi để lại, bà đâu đã sớm thành bà lão như bây giờ? Tôi nắm bàn tay răn reo nảy ra ý nghĩ bao nhiêu xuân sắc xưa kia của mẹ chẳng mất đi đâu cả, nó chỉ truyền sang tôi thôi, và rồi đến lượt tôi, tôi cũng phải có con để truyền lại cho nó thời xuân sắc của mình chứ. Cái vòng chu chuyển tự nhiên của muôn đời ấy chính mới là đạo đức cao nhất của con người, thảo nào các cụ ta ngày xưa quy tội bất nhân cho những người đàn bà không muốn đẻ. Ông Nietzsche rất có lý khi cho rằng mật ngữ lớn nhất của người đàn bà chính là sự hoài thai. Zarathustra đã nói như thế và mẹ tôi cũng đã nói như thế mỗi khi khuyên tôi phải có một đứa con.
- Giỗ bố năm nay mẹ định chẳng bày vẽ, mời mọc ai đâu...
      Tôi mỉm cười  nghe mẹ nói về bố tôi trong lúc tôi đang nghĩ tới đứa con, một người đã mất, người kia chắc gì đã có, cả hai đều trừu tượng như tiên phật cả thôi, nghĩ  ngợi quá như thế làm gì?
 _______
(*) Triết gia Đức, tác giả cuốn “Zarathustra đã nói như thế”.

                                    (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét