Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (14)


    

                                                  (tiếp theo)

                                           II.

1.

 “Thử tưởng tượng, bỗng một ngày nào đó, sau những trận mưa lớn kéo dài, tất cả các con sông đều dâng cao tới mức nước lịch sử, đúng lúc đó, sóng triều tại các cửa sông đổ ra biển cũng dâng cao nhất...”
      Trong cơ hội “trùng phục có tính cách lịch sử” đó một trăm mét nước sẽ phủ lên làng mạc ruộng đồng,, thành phố, sẽ cuốn trôi tất cả nhà cửa, con người, con vật, tiện nghi...”
      Chàng kỹ sư thủy văn, người đã tung ra câu hỏi “bạn sẽ làm gì trong cơn hồng thủy” đang ngồi với chồng tôi trong phòng khi tôi hí hửng xách túi trở về.
      Bình tỉnh bơ, làm như tôi mới đi công tác, vui vẻ giới thiệu bạn.
     - Cô Vân còn nợ tôi câu trả lời bữa trước đấy nhé.
      Điền, anh kỹ sư thủy văn, chắc bất ngờ về việc tôi về, cố tạo ra nụ cười thân thiện.
     - Em rửa tay ăn cơm đã, tưởng hôm nay chưa về, anh và anh Điền đã nấu nướng xong cả rồi.
      Thì ra nhân tôi đi vắng, anh mua thịt cầy, rủ bạn về nhậu nhẹt. Nhìn quanh bếp, lung tung rác rến, chai lọ bừa bãi, gói mì chính tung tóe gầm trạn, tôi muốn nổi cơn giận, nhưng khoan, đã tự hẹn từ nay không chấp vặt, chồng nổi hứng mời bạn tới uống ba chén ruợu thì đã làm sao. Điền cùng phòng với Bình, nổi tiếng bẻm mép, chạy áp phe như điên, sống với vợ được hai năm thì ly dị, tính cách hai người ngược nhau, không hiểu sao lại thân nhau. Mâm rượu dọn ra, có đủ món thịt luộc, dồi nướng, chả chìa, dựa mận, kiểu này Điền mới trúng mánh lớn chứ chồng tôi lấy đâu ra tiền.
     - Cô Vân ạ, tôi rủ anh Bình xuống đường kiếm sống, cứ bám mãi vào ba đồng lương kỹ sư chắc chết đói.
     - Anh Bình buôn được em đã mừng. Người ta có số cả đấy, không phải ai cũng chạy áp phe được đâu.
      Điền tợp ngụm rượu:
      - Rất dễ, cô chỉ cần chạy cái vốn năm chỉ cho anh Bình theo tôi một chuyến vào Sài Gòn thì tha hồ tiêu tiền.
      - Chịu thôi! - Bình ngồi im từ nãy mới lên tiếng - nhỡ lỗ một cái, mất cả vốn thì chết. Có chí làm quan, có gan làm giàu, cả hai thứ đó mình đều không có, thôi cứ  chờ nhà nước tháo gỡ bao cấp, nước nổi bèo cũng nổi.
      - Liệu ông chờ được tới ngày đó không?
      Bình cười gượng:
      - Biết đâu cơn hồng thủy của ông lại chẳng tới sớm, lúc đó anh có bạc triệu thì cũng bình đẳng như tôi tay trắng vậy thôi.
      Điền gắp một miếng dồi nướng, trợn mắt nhai ngon lành. Tôi mỉm cười nghĩ ra câu trả lời cho anh rồi, hóa ra cũng giống như chồng tôi đã nói thay tôi thôi.
      - Chừng nào cơn hồng thủy của anh xảy tới, em sẽ ăn một miếng dồi chó.
      - Không không, cô trả lời chưa nghiêm chỉnh...
      Điền lắc đầu quày quạy, gắp một miếng dồi nữa. Bỗng dưng tôi nhớ tới ông Gôgôn - Anh chàng Piôtr Pêtrovits Pêtukhốp béo mập của ông suốt ngày chỉ ăn, chẳng còn hở chút thời gian nào để mà buồn, mà nghĩ ngợi. Anh chàng Điền này cũng có máu hám ăn ngon như vậy, chỉ khác anh ưa “triết lý” và có lẽ trong bữa rượu, anh thường dùng nó để thêm phần gia vị. Quả thực, sau lúc anh cạn đủ ba chén, anh cất giọng giảng giải:
      - Thiên nhiên có những hành vi chính xác đến kỳ lạ, trong nghề thủy văn của tôi, nhiều khi phải kinh ngạc về sự lặp lại của mức nước lên xuống hàng năm. Biển mênh mông là thế, vậy mà thủy triều chỉ cần dâng cao quá giới hạn một mét thôi, có khi cả một thành phố chìm trong nước lụt.
      Bình liếc tôi cười mỉm:
      - Vậy có lẽ đổi thay nhiều nhất là hành vi con người, hôm nay tôi với anh còn là bạn bè, đùng một cái có khi ngày mai đã cấu xé nhau rồi. Anh thử cắt nghĩa xem đó là do đâu?
      Tôi chen một câu cười cợt:
      - Chắc do chúng ta chống chủ nghĩa cá nhân chưa tới nơi tới chốn.
      Điền xua tay:
      - Không phải, nhầm to rồi cô bạn ạ. Thiên nhiên chỉ giở chứng khi cân bằng tự nhiên của nó bị phá vỡ, đốt rừng dễ gây ngập lụt chẳng hạn, con người cũng vậy, phá vỡ cân bằng bên trong, con người dễ nổi điên, thảm họa hạt nhân cũng từ đó mà ra.
      - Vậy theo anh... - Bình hỏi - cái gì giữ được cân bằng bên trong con người? Thượng đế chăng?
      - Ông ta sinh ra và tồn tại cùng với loài người mà cũng chẳng ngăn được thiên hạ chém giết nhau.
      Tôi dấu chai rượu vào hộc tủ, hai anh chàng say thật rồi, cứ đà này, không khéo câu chuyện sẽ dẫn tới một thế giới khác, thế giới phản vật chất như trong truyện viễn tưởng.
      - Hai anh ăn cơm đi, uống thế đủ rồi.
      Tôi bỏ ra ngoài ban công, hết cả hứng vui vẻ khi từ nhà mẹ trở về. Các đấng nam nhi của tôi là thế - chỉ giỏi bàn luận suông, rút cuộc có làm được trò trống gì ? Thôi kệ, mỗi người tự chịu trách nhiệm lấy chính mình, tôi đã có công việc của tôi, mặc chồng, muốn ra sao thì ra.
Ở dưới sân, tôi chợt nhìn thấy ông Giám đốc may mặc, rất lạ, ông ngước lên chào tôi đầy kính trọng. Tôi nhớ ra rằng lần trước Hồng Loan đưa tôi về, thái độ của ông ta cũng như vậy. Tôi bắt đầu nghĩ về ông như một nhân vật tôi sẽ viết. Có lẽ tôi phải viết một cuốn tiểu thuyết về những người trong khu tập thể này - ông cán bộ về hưu hiện làm bảo vệ, ông Giám đốc may mặc, cô diễn viên cửa sổ đối diện sáng nào cũng ra ban công  luyện giọng... và nhân vật chính, rất có thể là chồng tôi, vậy từ nay, với mọi người, tôi sẽ là một chứng nhân, một quan sát viên.
Tôi sẽ mở đầu thế nào đây? Thông thường, người ta giới thiệu bối cảnh xã hội, tả tỉ mỉ nơi xảy ra câu chuyện, lý lịch nhân vật, tuy nhiên, tôi sẽ không theo đúng trình tự như vậy, để gây ấn tượng, tôi sẽ tìm một cách mở đầu khác.
      - Vân ơi vào uống nước.
      Tôi trở vào, bối rối nhìn bàn ăn đã dọn dẹp sạch sẽ. Bình thật buồn cười, lúc nào anh cũng tỏ ra sốt sắng quá mức cần thiết.
      - Sao ăn xong không gọi em vào dọn?
      - Có gì đâu, loáng cái xong ấy mà, em mới về còn mệt.
      Quả dưa hấu Bình bổ thật khéo, đỏ hồng trong đĩa nhựa trắng. Món đầu mùa cao cấp này chắc cũng của Điền. Hóa ra hai người không say như tôi tưởng, họ vẫn chưa dứt câu chuyện về tương lai trái đất. Điền cho rằng thảm họa nhân loại bị tiêu diệt trong một cuộc chiến hạt nhân là không tránh khỏi. Bình ngược lại, vẫn tin vào lương tri con người sẽ ngăn chặn được ngày tận thế. Điền lôi tôi vào cuộc:
     - Ý cô Vân thế nào?
     - Các anh muốn em đùa hay nghiêm chỉnh?
     - Tùy thích, miễn là nói thực.
     - Vậy em nói thực nhé, chuyện đó còn xa xỉ với tất cả chúng ta. Hãy giành nó cho Mỹ, Liên Xô, những người có thể sản xuất hay phá bỏ  vũ khí hạt nhân. Việc cấp thiết của ta bây giờ là “giá, lương, tiền”.
        Bình gật đầu rất nghiêm chỉnh:
     - Sáng nay anh đi chợ, gạo đã lên một trăm rồi đấy.
        Điền bật cười:
        - Còn thịt cầy tuần trước 60, hôm nay đã lên 75.
     Mọi người theo tôi chuyển đề tài. Chồng tôi lạ thật, chuyện gì anh cũng có thể bàn tán say sưa, từ du hành vũ trụ tới chuyện phụ cấp ăn trưa, và với bất kỳ ai, trừ ra mỗi tôi, người gần gũi anh nhất. Thực ra, đó là lỗi tại tôi, cứ mỗi lần anh hăng, tôi lại uể oải. Những lúc như vậy, anh hiểu ngay lập tức, im bặt và bỏ đi chỗ khác làm tôi rất phục cái tính nhạy cảm của anh.
       Tôi nói:
      - Nghệ thuật nói chuyện là biết dừng lại đúng lúc. Cái đó anh rất giỏi.
      - Có gì khó đâu, cứ nhìn mặt em là anh hết muốn nói liền.
      Anh cười sáng khuôn mặt, những lúc thế này, tôi thấy anh đẹp trai và nảy ra ý muốn được ôm ấp, vuốt ve. Anh không hiểu điều đó, lại bốc lên  kể lể, chuyện trò, đến khi tôi chán nghe, anh bỏ đi chổ khác. Phải chăng giữa hai đứa luôn luôn “lệch pha” hoặc bản chất con người là thế, với nhau, họ luôn luôn là “người khác”. Một lần tôi nêu đề tài đó tranh luận với anh. Ý kiến anh chẳng có gì mới, ngược lại, chỉ càng cho vấn đề thêm rối tinh. Rốt cuộc, anh dàn hòa:
       - Mọi sự khởi đầu từ con tim cả, yêu nhau thì cú cũng thơm.
       - Xưa rồi, điều đó xưa lắm rồi ông ơí!
       Tôi “dẹp” anh như thế , nhưng rồi bắc ghế ngồi một mình ngoài ban công, tôi thấy những điều anh nói tất nhiên cũ quá rồi, vậy thế nào là mới, chịu, tôi không nghĩ được, thôi “sang trang”, tôi đuổi theo một ý nghĩ khác nhỏ bé như ngôi sao mờ đang trôi giữa làn mây trên bầu trời.
       Tối hôm đó tôi treo ảnh Gôgôn lên đầu giường, chuẩn bị tinh thần nghe Bình tra hỏi mấy hôm nay vừa rồi đi những đâu, ở nhà ai? Tôi định sẽ hết sức kiềm chế, thôi, chấp làm quái gì, cứ để chồng “xả ra” cho hết, dứt khoát không nổi nóng xách túi đi đâu nữa, cứ ngậm tăm ngồi bàn mà viết mở đầu cuốn tiểu thuyết. Nhưng không, khi anh xuống phố mua thuốc lá về, tôi đã đóng xong tấm ảnh, vứt búa xuống gầm giường, anh đứng ngẩn ra giữa phòng ngắm nghía.
      - Anh biết ai đây không?
      - Mũi khoằm, râu vểnh, cằm hẹp thế kia nếu không là lái buôn thì cũng là...
      Anh nheo mắt, trán cau lại vẻ suy nghĩ  rất căng thẳng. Tôi sốt ruột:
      - Là thế nào?
      - Một anh bịp đời có hạng.
      Tôi rũ ra cười:
      - Nhầm to rồi ông ơi, văn hào vĩ đại của nước Nga đấy, ông Gogol.
      - Phải cái ông có cái áo choàng mà mọi ông nhà văn sau đều từ đó mà chui ra không?
      - Đúng đấy, a, hóa ra anh cũng khá đấy nhỉ?
      - Vậy thì có gì mà phải treo trên đầu giường ngủ thế kia?
      Tôi cau mày, cụt cả hứng:
      - Thích thì treo thế thôi.
      Bình im lặng, lấy ấm ra loay hoay pha trà. Đó, sắp sửa cuộc tra hỏi rồi đó. Có tiếng gõ cửa rụt rè. Trời ơi, một người tôi không hề ngờ tới: ông Giám đốc may mặc ở tầng dưới .
      - Tôi lên chơi có làm phiền gì anh chị không?
      - Sao lại phiền? Bác lên đúng dịp, tôi vừa pha ấm trà ngon.
      Ông Giám đốc may mặc không còn gây khó chịu cho tôi như trước nữa, ngược lại tôi thích thú quan sát ông như một nhân vật sau này sẽ đưa vào tiểu thuyết.
                          (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét