(tiếp theo)
Đường phố vào giờ tan tầm, ồn lên dòng người và xe. Lập tức tôi quên ngay ám ảnh nặng nề cuộc nói chuyện với ông Giám đốc vừa nãy, sự náo nhiệt của cuộc sống đang trôi trước mắt làm tôi chợt thèm run một bát bún ốc bà già gánh đôi thúng vẫn ngồi bán trong ngõ nhỏ đầu phố. Món ăn dân dã, cổ truyền này.vị nước bỗng chua chua, màu vàng tươi của con ốc được lôi ra khỏi vỏ một cách khéo léo bằng que sắt mòn vẹt, màu đỏ sậm của ớt xào gợi cho tôi phong vị xa xôi của Hà Nội cổ.
Tôi ngồi bệt xuống chiếc ghế gỗ thấp tẹt, long trọng bưng lên chiếc bát sành lòng dãng đang bốc lên hương vị tổng hòa của món quà đặc biệt mang tính dân tộc không thể hiện đại hóa.
- Gớm gớm, trốn chồng lẻn vào đây ăn quà.
Tôi ngước lên, miệng vẫn không rời bát bún. Hồng Loan như ở dưới đất chui lên, lù lù trước mặt. Hóa ra nó tới cơ quan tìm tôi và người ta bảo cô ta vừa thả bộ đâu đó.
- Tớ đoán không sai, giờ này cậu chỉ có chui vào xó này.
Tôi ruỗi chân, đá cho nó chiếc ghế, lập tức nó cũng bị cuốn hút vào bát bún như tôi cho tới lúc cả hai cùng đứng dậy. “Dân tộc” rồi, giờ đến “hiện đại”, tôi bảo nó vậy và kéo nó rẽ vào quán cà phê. Trong lúc ngồi chờ chiếc phin nhỏ giọt, nó giở ra xem chồng bản thảo tôi đặt trên bàn. Tôi than thở với nó về yêu cầu của ông Giám đốc và hỏi nó có nên nhắm mắt vâng theo ?
- Mỗi người hãy tự chịu trách nhiệm lấy mình.
Tôi cười rũ như hóa rồ.
- Chuyện gì thế?
- Một trùng hợp kỳ lạ, thằng Tú nhà tớ cũng trả lời một câu y như cậu.
- Châm ngôn thời đại đấy.
- Không, không, như thế thì còn gì gọi là chị em, là bạn bè nữa.
- Bữa nay, cậu sao thế ?
- Không sao cả, đời vui quá vậy thôi.
Tự tôi cũng thấy mình vô lý. Tôi cứ đòi nó phải chỉ bảo những điều ngay tôi cũng thấy quá rõ. Vậy còn hỏi làm gì, viên thuốc đắng này, tự mình nuốt ực cái xong. Tôi không làm theo lời ông Giám đốc thì còn khối người khác sẵn sàng thay tôi nhảy vào, ngay cả đến ông nhà văn Trưởng phòng biên tập, thủ trưởng trực tiếp của tôi chắc chắn cũng chả dám chống lệnh ông. Tôi cũng chỉ là một người như mọi người.
- Có chuyện gì chảy nước mắt ra thế ?
- Không, không có chuyện gì.
Tôi nâng tách cà phê lên che đôi mắt ướt. Thôi sang trang đi, chuyện này cũng chẳng là gì, “tự mình chịu trách nhiệm lấy mình”, và tôi ngước nhìn lên tường, ở đó có treo bản đồ Châu Phi.
- Cậu thấy nó giống hình gì ?
Hồng Loan đưa ra trò chơi “trắc nghiệm tư duy hình tượng” quen thuộc của hai đứa từ thời còn sinh viên. Nhiều lân tôi thua nó, chẳng hạn tôi ví mưa trên mái nhà như sàng gạo, còn nó gợi ra hình ảnh “những ngón tay của mưa” và chỉ ngày hôm sau, nó đã đọc tôi nghe:
“Những ngón tay mưa
Dương cầm trên mái...”*
Một bài thơ hay nhưng chẳng dễ gì hiểu được, tôi an ủi :
“Chừng nào làm Giám đốc xuất bản, tớ sẽ in thơ của cậu”.
Nó cười:
“Chính vì vậy sẽ chẳng bao giờ cậu được làm Giám đốc”.
Bây giờ tôi đã là biên tập, và quả thực, cứ theo đà này đến khi nghỉ hưu tôi vẫn là biên tập.
- Sao, trả lời đi chớ ?
Tôi đáp bừa:
- Tớ thấy nó giống giọt cà phê.
Tôi tưởng nó cười, không ngờ Hồng Loan gật gù:
- Được đấy, người da đen và giọt cà phê đen.
- Thế còn cậu ?
- Giọt lệ đen.
Hồng Loan buông một câu chắc nịch. Tôi ngước nhìn lên tường, quả thực trước mắt tôi bản đồ Phi Châu lơ lửng như một giọt nước mắt khổng lồ. “Chúng ta là thế giới... Chúng ta là trẻ thơ...”, ngày nay người da đen đã hát vậy rồi, những nhân vật bi kịch trong “Con đường sấm sét”** chắc đã lùi sâu vào dĩ vãng. Vẻ bần thần của Hồng Loan làm tôi tưởng nó đang làm thơ. Không phải, nó nói một câu bất ngờ :
- Tớ sẽ lấy chồng da đen.
- Ấy chớ, làm thơ thì được, vả lại ai cho cậu sang Phi Châu?
- Không phải chỉ ở Phi châu mới có người da đen.
- Đúng đấy, ngay phòng tớ cũng có một con búp bê da đen.
- Tóc dài phải không ? Tặng tớ đi.
- Tớ sẽ tặng cậu làm quà cưới khi nào cậu lấy chồng da đen.
Hồng Loan tỉnh bơ trước cái cười của tôi. Một thoáng bí ẩn quen thuộc của nó lại hiện ra làm tôi như sống lại thời sinh viên. Nó trẻ lâu quá, còn giữ nguyên được tính cách hồi đó. Ôi, nếu trở lại thời con gái, nhất định tôi sẽ không lấy chồng. Tôi buông một tiếng thở dài não nuột làm nó phì cười:
- Sao hôm nay đã trở về với chồng chưa ?
- Tớ chưa nghĩ tới điều đó.
Quả vậy, ba hôm nay tôi vẫn nằm dài nhà mẹ, ngày ngủ, đêm đọc sách, ghi lăng nhăng mấy dòng nhật ký. Chưa trở về với Bình không phải vì tự ái, cũng không phải ngại va chạm, tôi thích sống một mình vậy thôi. Anh cũng biến mất luôn từ sau hôm tới tìm tôi. Thôi kệ, cứ để anh “độc thân” ít lâu, có thể do vậy mà một luồng gió mới sẽ thổi tới căn hộ ngột ngạt của vợ chồng tôi ?
- Có khi cân bằng không bền sẽ làm gia đình tồn tại được lâu cơ đấy. Tớ thấy khối đôi vợ chồng cãi cọ như cơm bữa mà con cái vẫn cứ sòn sòn.”
- Nhưng tớ lại chưa có con.
Mắt Hồng Loan sáng lên như một phát hiện:
- Hay Vân đẻ đi, phải đấy, khi có con, cậu sẽ thay đổi hoàn toàn.
- Cậu nói y như mẹ tớ vậy.
- Sau này, dù không lấy chồng, nhất định tớ cũng phải có một đứa con.
- Thôi cô ơi đàn ông theo cả bầy, toàn các cậu học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu, cậu có lấy một chồng vẫn còn là ít.
Tôi rủ Hồng Loan về nhà. Nó nâng niu mãi con búp bê da đen với cái vẻ như chính nó đẻ ra. Tôi nằm dài ra giường , lục cặp Hồng Loan đọc những bài báo nó viết, toàn chuyện tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đổi mới tư duy, chống quan liêu bao cấp, chao ôi, sao mà khác xa với thơ của nó thế?
- Những cái này cậu viết có thực lòng không?
- Có chứ, nó là đời sống mà.
- Vậy còn thơ?
- À... thơ lại một cõi khác, là nhật ký của con cá nằm trên mặt đất nhưng lại muốn bay trên trời.
Câu chuyện về thơ chấm dứt khi trong xấp bài báo của Hồng Loan rơi ra bức tranh Hoàng Minh vẽ tôi mấy hôm trước. Quả thực tôi đã quên chàng họa sĩ đã từng làm tôi nổi cáu với chính tôi vì đã xóa bỏ một thời mơ làm văn sĩ. Từ lâu, tôi đã quyết khước từ giấc mộng đó, nó đòi đức tính kiên trì là cái tôi không thể có, vậy nhưng mỗi thành công trong nghệ thuật của bạn bè cùng lứa làm tôi phát điên vì năng khiếu của mình bị bỏ hóa.
Đúng thế đấy, nếu như tôi nhẫn nại ngồi cho đến cùng trước trang giấy và cây bút, nếu như tôi đừng có tản mạn, tập trung năng lượng vào một mục tiêu đó, chắc chắn tôi cũng viết được chả kém gì Biên Cương và có khi còn vượt cả ông Trưởng phòng của tôi nữa. Chao ôi, con cá mất là con cá to, cái năng khiếu của tôi chắc lớn lắm hành hạ tôi khổ sở chả kém gì “con cá” của Hồng Loan phải sống trên mặt đất, lại muốn bay lên trời .
“Tôi phải viết, tôi phải viết...”, thôi thúc đó đã tắt ngấm từ lâu , ngay cả Hồng Loan cũng nghiễm nhiên coi tôi là người “ngoại đạo”.
- Này, tớ thấy Hoàng Minh vẽ cậu cũng khá đấy chứ. Sao cậu có ác cảm với tay ấy thế?
- Ác cảm hồi nào?
- Hôm trước mới xem tranh đã nổi cáu lên, đùng đùng bỏ đi, à mà sao hôm nay lại khác, ngắm nghía kỹ càng?
Tôi đỏ bừng mặt, còn lâu Hồng Loan mới hiểu được tôi.
- Hôm qua Hoàng Minh hỏi tớ đã tặng cậu chưa? Tớ phải nói dối: Vân gửi lời cảm ơn anh.
- Thôi được để nó lại cho tớ.
Hôm sau, tôi hạ ông Gôgôn xuống, treo “tôi” lên đó và mỗi khi nằm trên giường đọc sách, tôi lại bỏ ra ít phút ngắm nghía. Tôi phát hiện ra rằng mấy nét nguệch ngoạc kia dường như lại gợi cho tôi nhiều vẻ mặt trong bức ảnh tôi mà Bình đã phóng to treo trong phòng hai vợ chồng.
Kể ra anh chàng Hoàng Minh này cũng có tài đấy. Tại sao anh không vẽ “thực” , cứ tìm tòi những hình tròn với hình ống ấy làm quái gì? Có đúng do nhu cầu nội tại hay một thứ “hiện đại chủ nghĩa”?
Tôi nhảy xuống giường và đi tới kệ sách lôi ra cuốn “hội họa hiện đại” bỏ xó lâu ngày không sờ tới. Quả thực trong đó nhiều bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới cũng bí hiểm và rối rắm tới mức tôi chẳng hiểu gì. Những người bay lên trời của Chagall, những tảng đá lơ lửng của Magritte... Có lẽ Hồng Loan, Hoàng Minh đang dò dẫm những bước đầu tiên tới cái thế giới cho đến nay vẫn còn xa lạ với thế hệ chúng tôi đó.
_________
· *Thơ Dương Tường
· ** Tiểu thuyết của Peter Abrahams
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét