Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (15)


                  
                                
                                         (tiếp theo)

. Quả thực, tối nay ông ăn nói nhún nhường hết sức, khen căn buồng gió mát, cái tivi hình rõ và mịn, than phiền thời giá leo thang, trình độ lạc hậu của công nghệ sản xuất trong nước so với thế giới, từ đó ông chuyển sang đề tài cán bộ quản lý như ông nhất thiết phải đi nước ngoài tham quan “họ làm ăn ra sao” để về đổi mới cái của mình.
Vậy nhưng câu chuyện về những chuyến đi nước ngoài của Bình để chứng tỏ rằng “họ” cũng không đến nỗi “ghê gớm” lắm như ta tưởng lại không được ông hào hứng đón nghe. Ngược lại ông có vẻ sốt ruột về một chuyện gì đó nằm ngoài đề tài đang được nói. Tôi ngồi im quan sát cả hai  và phải thừa nhận rằng cho dù đã huy động hết mọi khả năng giao tế, từ giọng nói, dáng ngồi có chọn lựa tới vốn liếng học vấn, ông Giám đốc vẫn thua hẳn chồng tôi mặc dầu anh nói năng rất hồn nhiên về những chuyện rất bình thường.
Đó, phải có dịp thế này mới biết chồng mình “sáng giá” , cứ đóng cửa nhà so sánh với ông Gogol, ông Đốtstôiépski thì càng ngày càng thấy chồng mình chỉ là một anh chàng vô tích sự.
      - Ở chỗ tôi người ta đang bán vải Jean Sanhgapo, cô Vân muốn may tôi xin mua giúp với giá nội bộ.
      - Kìa, ông hỏi em có cần mua vải Jean không?
      Tôi choàng tỉnh khỏi những suy nghĩ miên man, chẳng còn nhớ mình ngồi trước hai người đàn ông đang vui vẻ chuyện trò. Tôi vội vàng vớ ấm nước rót thêm vào chén và cất giọng vui vẻ:
      - Nếu được bác mua giúp còn gì bằng, tôi cũng đang tính may cho anh ấy một cái quần thật diện.
      - Được, được, để tôi viết giấy, mai cô mang tới mua hai quần cũng được.
      Vẻ sốt sắng, vồn vã của ông bất chợt làm tôi e ngại, tôi biết giá “nội bộ” là thứ “mua như cho”, một hình thức chia chác của các cơ quan dính đến tiền và hàng, ông giám đốc cần gì ở tôi trong vụ này?
 Quả nhiên vẻ bần thần của tôi không lọt qua nổi con mắt tinh tường của ông, chắc ông sợ tôi hiểu lầm về thái độ ông trước đây, ông vội vàng lật ngửa quân bài:
      - Bữa trước tôi thấy cô Vân đưa cô bạn tới đây, cô đó là Hồng Loan con ông Vũ Mai thì phải?
      Tôi hiểu ra rồi, bố đẻ của Hồng Loan là Phó chủ nhiệm một Tổng công ty xuất khẩu may mặc nào đó, chắc là thủ trưởng trực tiếp của ông Giám đốc này .
      - Bác cũng quen Hồng Loan?
      - Dạ không, tôi là... là lính của ông Vũ Mai thôi. Tổng công ty sắp cho một số giám đốc tham quan Cộng hòa dân chủ Đức, giá như được cô Hồng Loan nói với ông nhà cho tôi một tiếng thì tốt quá.
      Tôi liếc Bình, anh lặng lẽ nhìn theo vòng khói thuốc thả lơ lửng trong tiếng hát tivi một bài tiền khởi nghĩa: “Nào anh em nghèo đâu? Liều thân cho đời sống ...Nào anh em nghèo đâu...”. Tôi tưởng anh tỏ thái độ với đề nghị của ông Giám đốc, nhưng không anh buông một câu lửng lơ:
      - Chà, hôm nay đã 19 tháng 8 rồi đấy.
      - Vâng, vâng, chóng vậy,  ngày Quốc khánh sắp tới cơ quan tôi sẽ thưởng cho cán bộ công nhân trong Xí nghiệp một số hiện vật, để mai kia tôi biếu anh chị vài ký mì ăn liền “Hai tôm”.
      Bình quay sang xem tivi đang trình diễn màn múa “ Bộ đội về làng” có ý nhường tôi trả lời ông Giám đốc. Tôi chẳng cần quần Zin cũng chẳng thiết gì mì “Hai tôm” nhưng chối từ một vẻ mặt khẩn khoản thế kia, thực lòng tôi không nỡ.
     - Nói với Hồng Loan thì dễ thôi, chỉ ngại bố nó không nghe.
     - Trời đất, cô thân với cô Loan mà chả hiểu gì cô ấy, nhà con một, cô Loan đòi cái gì bố mẹ chẳng chiều. Nhất trong chuyện này, ông Vũ Mai chọn ai trong hàng ngũ Giám đốc cũng đều được cả.
     - Nếu vậy mai tôi sẽ gặp Hồng Loan.
      Ông Giám đốc mừng rỡ, lập tức ông rút tờ danh thiếp, hí hoáy viết:
     - Cô cầm lấy, mai ghé qua bộ phận cung tiêu Xí nghiệp, tôi sẽ dặn trước chị em gói sẵn cho cô hai tấm vải Jean.
      Ông trịnh trọng đặt lên bàn tấm “các” trắng muốt, in chữ nổi rồi ngồi ngay đơ không biết nói gì nữa trong cái im lặng xem ra đã thành nặng nề. Sự trái  ngược giữa những gì diễn ra trên tivi và ở ngoài đời mang tính hài hước không kém gì tiểu thuyết của ông Gogol khiến tôi phá ra cười.
     -  Này, có gì mà em cười mãi thế ? - Sau cùng chồng tôi đã vào cuộc.
      - Sắp tới bản tin thời tiết, mình thử đố nhau xem mai mưa hay nắng?
      Ông Giám đốc đứng dậy:
      - Tôi xin phép... tôi phải về đi họp...
      - Muộn rồi bác còn họp sao?
      - Họp chứ, Xí nghiệp tôi làm luôn ca đêm.
      Tôi cầm lên tấm danh thiếp:
      - Bác cầm lấy, bọn tôi đã có hai ba cái quần Jean rồi, tuy nhiên sáng mai tôi vẫn giúp bác chuyện đó.
      Tôi không dám nhìn mặt ông, để mặc chồng tiễn ra cửa, tôi lẻn ra ban công bắc ghế nhìn lên trời. Nếu từ một điểm nào đó trong vũ trụ xa mờ kia, có một ai đó nhìn về trái đất, hẳn là tôi, chồng tôi, ông Giám đốc vừa nãy đều thuộc về một thế giới vi mô còn nhỏ hơn cả những con virút trong  giọt nước thí nghiệm. Một “chớp mắt vũ trụ” , nhà Phật gọi là “sát na “nữa thôi, cả ba chúng tôi lại trở về với vô cơ, vậy viết tiểu thuyết làm gì, thiết kế những chiếc cầu thiệt làm gì, tham quan CHDC Đức làm gì thưa các vị? 
Hóa ra con người bình đẳng ở chỗ  đều ham hố và chẳng một ai tước bỏ được nó  ngay cả các bậc đại sư đang ngồi thiền trong các dãy núi Tây Tạng. Vậy thì tôi phải mở đầu cuốn tiểu thuyết này để chứng tỏ mình hãy còn ham hố tức còn là một con người chứ?
      Bình đặt cuốn sách đang đọc xuống, đón tôi quay vào với nụ cười dàn hòa:
     - Sao lại từ chối quà biếu của ông Giám đốc?
     - Anh muốn nhận không?
     - Nhận hay không, có gì quan trọng, anh chỉ muốn biết tại sao em không nhận thôi.
      Câu nói của anh làm tôi rất vừa lòng, anh coi trọng tôi hơn là sự đánh giá hành động, đúng, nhận hay không có nghĩa quái gì, cái chính là tại sao tôi hành động như thế.
     - Em thích thì làm, chẳng vì cái gì hết.
     - Anh lại tưởng lương tâm em nó lên tiếng.
     - Không không, tại lúc đó anh mở tivi to quá nên em không nghe thấy.
      Tôi cười vui và những ngày trục trặc vừa qua tưởng như tan đi hết. Anh không tra hỏi như tôi nghĩ, ngược lại, anh kể cơ quan anh đang cố tìm việc bằng cách mai kia có thể cử anh vào các tỉnh phía Nam chắc đang rất cần phục hồi những chiếc cầu hỏng sau chiến tranh.
      - Anh đi chỉ ngại em không biết xoay xở sao?
      - Không lo, em sẽ về ở bên mẹ.
      Tôi liếc nhìn ra bàn viết khi anh thả màn xuống, thôi được, tôi mới về không nên làm anh buồn. Nửa đêm khi anh ngủ say, tôi sẽ dậy mở đầu cuốn tiểu thuyết. Anh với tay tắt đèn, ghì chặt tôi vào lòng. Anh vội vã và hăm hở tới mức tưởng như suốt mấy ngày qua anh nóng ruột nóng gan chờ tôi về để làm có mỗi  việc đó. Tôi phó mặc thân thể tôi cho anh, và bất chợt tôi nhận ra rằng tôi vẫn hé mắt quan sát vẻ mặt , động tác của anh đang diễn ra trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ góc phòng.
Hoạt lực nào đã làm những cơ thịt trên gương mặt anh dãn ra thế? Anh đang nghĩ gì và cái bộ máy huyền vi của tạo hóa đang hoạt động ra sao trong lúc này?
Cơn rùng mình chung cuộc của anh cắt đứt luồng suy nghĩ của tôi. Anh lăn ra ngủ, miệng he hé, yên ổn như một đứa trẻ mới được bú no. Lúc này, tôi mới nhắm mắt, cố không nghĩ ngợi gì nữa, đúng, trong những trường hợp như thế, tôi không được phép suy nghĩ, ngược lại, tôi phải buông thả đầu óc cho thiên nhiên tiến hành công việc của nó.
Biết đâu, biết đâu mầm mống của một sinh vật nhỏ bé đã lọt vào tôi và đã bắt đầu khu trú trong đó. Hình thù nó ra sao, làm thế nào nó chiến thắng cả triệu đồng đội để tới được đích, duy nhất tồn tại.
Dừng lại, dừng lại, sự suy nghĩ đã tới sát ranh giới mà vượt qua nó không khác gì thủa khai sinh lập địa con người đã mở cái hộp Pandora đựng toàn tai ách, bệnh tật Thượng đế đã trao cho và căn dặn cấm mở.
Than ôi, con người bây giờ bằng “di truyền học”, “vi sinh học”...bằng toàn bộ nền khoa học kỹ thuật hiện đại, họ cũng đang hăm hở mở ra “cái hộp đen” ấy và thảm họa của cơn hồng thủy chẳng phải như anh chàng Điền dự đoán ở “cơ hội trùng phục có tính cách lịch sử” kia, mà chính là tư duy nhân loại đã không xác định  được ranh giới cấm kỵ.
      Tôi mệt nhoài vì những ý nghĩ  “đầu cua tai nheo” cho tới lúc chợt nhớ ra phải trở dậy để mở đầu cuốn tiểu thuyết thì hai mắt đã díu lại, thôi kệ, tôi buông một tiếng thở dài và rơi mình vào giấc ngủ.

            (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét