(tiếp theo)
Sáng hôm sau, tôi tới cơ quan muộn. Một người ngồi chờ tôi từ đầu giờ : Biên Cương. Lâu lắm gặp lại, anh đổi khác tới mức thoạt nhìn tôi cứ tưởng Việt kiều . Áo pull cá sấu, quần Hara Mỹ, giày Addidas, kính Joyce đổi màu... Chà, từ Sàigon ra, ai cũng cứ như đi nước ngoài về. Ngồi trong tiệm cà phê có treo tấm bản đồ Phi Châu, Biên Cương phì cười:
- Sao cứ nhìn anh đăm đăm thế?
- À, em nghĩ cái kính dâm của anh không hiểu sao lại mang tên một nhà văn nổi tiếng.
- Không phải ông đó đâu, chắc một ông Joyce nào đó.
- Và anh cũng chẳng còn là Biên Cương nhà thơ, chắc một Biên Cương nào đó.
- Anh khác đi thế kia à?
- Xét bề ngoài thì là hai con người khác nhau.
- Vậy em thích ai hơn?
- Cà phê đen và cà phê sữa, cũng cà phê cả thôi.
Biên Cương cười sảng khoái. Cả tôi lẫn anh đều không nhắc tới “mối tình xưa”, điều đó chỉ làm riêng anh kinh ngạc:
- Chẳng lẽ em quên hết rồi sao?
- Em không biết, nhưng nhớ được chuyện gì, anh cứ nhắc lại cho vui.
Biên Cương nhìn tôi như thể bác sĩ nhìn con bệnh, còn tôi quan sát xem bây giờ anh là thế nào? Giàu có (đương nhiên ), tự tin và tỉnh táo (trước không có), nói năng lưu loát và hồn nhiên (hoàn toàn mới có). Nom anh giông giống một người nào nhỉ?
- Lạ thực, em lạ thực.
Tôi rất muốn hỏi anh “em lạ thế nào” nhưng lại sợ phải nghe một màn phân tích thì mệt, tôi lảng chuyện hỏi han hồi này anh sống ra sao? Anh sốt sắng kể tôi nghe “quy luật giá trị đã tác động tới sáng tác của nhà văn”, anh hiện là cây bút ăn khách, đề tài trinh thám vẫn đắt giá nhất, tiếp đến tình yêu các lứa tuổi, chống tiêu cực và sau cùng mới là đề tài chiến tranh.
- Rồi sẽ tới lúc các nhà xuất bản chỉ in những cuốn độc giả chịu bỏ tiền túi ra mua.
Tôi cười thầm cái lạc quan quá sớm của anh, ở chỗ tôi, trong năm tới, người ta vẫn in những cuốn biết trước sẽ bán được bằng chuyển khoản, nghĩa là vẫn thừa đất sống cho mọi người, kể cả các nhà văn không được độc giả mua sách bằng tiền mặt. Tôi trêu anh:
- Ngày trước sách của Kapka bán không được quá 300 cuốn. Vậy nhưng ông vẫn là nhà văn lớn.
Biên Cương cãi tôi đỏ cả mặt. Lúc này mới thấy anh chả khác xưa mấy tý, làm thơ thời sự và viết sách sao bán chạy, suy cho cùng việc viết lách của anh luôn mang tính mục đích, không vô tư như Hồng Loan, như Hoàng Minh. Còn tôi thì sao? Không, tôi không thuộc cả hai thái cực đó, không nhắm bán được như Biên Cương, cũng chẳng muốn lưu lại đời sau như Hồng Loan, tôi chẳng nhằm cái gì cả, thích thì viết.
Biên Cương vẫn nói say sưa về triển vọng đổi mới văn học. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sẽ được xác định một cách rộng rãi hơn, quy luật giá trị sẽ phát huy vai trò chọn lọc tự nhiên góp phần giải quyết tình trạng lạm phát nhà văn, vị trí người cầm bút sẽ được sắp xếp theo đúng các tác phẩm của họ... Tôi lắng nghe anh nói nhưng mắt vẫn không rời những giọt cà phê rơi, những giọt nước mắt đen theo Hồng Loan và lúc này tôi đang thử tìm một hình ảnh khác.
- Rồi đây,các nhà xuất bản sẽ chỉ in sách hay.
Tôi ngước nhìn anh. Ý nghĩ anh giông giống một người nào đó lại lướt qua đầu tôi. Nhưng anh giống ai nhỉ? Tôi cau mày cố lục lọi trí nhớ.
- Ngay Liên Xô người ta cũng đã in lại Bulgakov, Pasternack...
Tôi nhớ ra rồi, anh rất giống chồng tôi. Tôi hớn hở cắt ngang lời anh:
- Vậy chừng nào anh lấy vợ?
Biên Cương chưng hửng vì bị hãm đột ngột, anh nhìn tôi với vẻ tội nghiệp con bé biên tập chỉ biết nhắm mắt vâng theo thủ trưởng, lo vun xới gia đình và chẳng quan tâm gì tới chiều hướng đổi mới.
- Khi nào không còn việc gì làm nữa.
Tôi reo lên:
- May cho em , cứ chờ anh không khéo thành bà cô già.
- Kể cũng lạ , đã có một thời mình yêu nhau.
- Vậy đã sao?
- Không, không sao cả. Nhưng giá như bây giờ mình yêu lại thì cũng hay đấy.
Tôi hiểu anh đùa chứ không phải tán tỉnh, vậy thì tôi cũng đùa:
- Ví dụ bây giờ ta yêu nhau thì sao?
- Anh sẽ dâng tặng em mọi thứ anh có.
- Sao nữa?
- Anh sẽ đưa em đi cuối đất cùng trời.
- Sao nữa?
- Anh sẽ cưới em làm vợ, suốt đời bên nhau.
Tôi phì cười:
- Vậy anh không còn việc gì làm nữa sao?
- Lúc đó chỉ còn mỗi việc là...yêu em thôi.
Tôi đỏ mặt nhưng vẫn gan lì:
- Vậy cũng chẳng có gì mới. Chồng em thừa sức làm cả ngần ấy thứ, bỏ chồng theo anh làm gì mất công.
- Thôi thôi, thua em rồi, mình nói chuyện nghiêm chỉnh đi. Sao em cứ ở lì Hà Nội thế, không đi miền Nam một chuyến.
- Còn phải ở nhà...cơm nước cho chồng.
- Hiền thê ghê quá nhỉ, lúc nào cũng mang chồng ra khoe. Thế mà anh cứ tưởng...
- Tưởng gì? Phá phách, nổi loạn, sống gấp phải không?
- Không, không, tưởng em cũng có chí hướng ?
Chẳng nghĩ ngợi gì , tôi vọt miệng:
- Em cũng viết truyện đấy.
Biên Cương trố mắt :
- Vậy hả? Thật hay đùa đấy?
- Làm gì sửng sốt như con buôn nghe tin đổi tiền thế ? Anh viết được thì em cũng viết được, có gì lạ.
- Không, anh đâu dám chê em. Ở nước ta, ai cũng có thể thành nhà văn , miễn có gan ngồi lì ở bàn viết.
Vậy mà tôi đã “ngồi lì” hết trong thư viện lại đến ở nhà cũng chỉ viết được vẻn vẹn có mỗi một dòng. Cứ tốc độ này, có khi thành bà lão may ra mới xong một cuốn. Ờ, biết đâu cuốn ấy lại giật giải Nobel không chừng.
- Em cười gì thế?
- Chẳng cười gì cả, cười vu vơ vậy thôi.
- Anh còn ở Hà Nội mười ngày nữa, cho anh đọc bản thảo của em được không?
Tôi lắc đầu, lảng chuyện . Anh rút trong cặp cuốn sách mới tinh, đề tặng tôi. “Phương án X. 28”, tiểu thuyết trinh thám, văn chương kế hoạch 2, anh không định làm Simenon Việt Nam, anh nói thế, nhưng đời sống bức bách quá biết làm sao? Tôi giở lướt hơn 300 trang giấy trắng tinh. Người ta đã trả anh 10 phần trăm giá bìa tính ra gấp 10 nhuận bút nhà nước, chữ nghĩa đã bắt đầu “có giá”. Tôi kể ở chỗ tôi một nhà thơ lĩnh nhuận bút một bài tuyển thơ cầm tiền ra phố mua đúng một gói xôi ăn trưa. Biên Cương trừng mắt:
- Vậy anh ta sống làm sao?
- Vẫn sống, không ai chết cả.
Tôi nói anh chuyển đề tài cho bớt nặng nề, quả thực tôi không còn hào hứng chuyện dông dài. Lúc chia tay, anh có vẻ buồn:
- Gặp lại em, anh bỗng hoang mang quá, chẳng hiểu cách sống mình đúng hay sai?
- Mỗi người hãy tự chịu trách nhiệm lấy chính mình.
Tôi nhắc lại lời thằng Tú, Hồng Loan, miệng ráo hoảnh. Lúc Biên Cương đi rồi, tôi ân hận. Vậy nhưng tôi còn biết nói gì hơn?
Ông Trưởng phòng biên tập đang cười ha hả khi tôi cầm cuốn sách trở lại phòng làm việc.
- Cô không về nhanh tiếp một ông dở hơi. Ông ta mang tới đề cương tiểu thuyết “Vụ án viết lại” đòi ký hợp đồng.
- Chắc ông ta chưa biết chức năng nhà xuất bản mình .
- Vậy nói làm gì? Ông ta đòi tạm ứng 20 ngàn, nộp bản thảo đưa 30 ngàn nữa và khi sách đưa sang nhà in phải trả ông ta nốt 100 ngàn. Thế không dở hơi thì là gì?
Tôi đưa ông ta cuốn “Phương án Z.28”:
- Chú biết nhuận bút cuốn này bao nhiêu không?
Con số tôi đưa ra làm ông kinh hoàng:
- Loạn, trả thế có mà loạn xuất bản.
Ông la lối om sòm, lên án những nhà xuất bản chạy theo kinh doanh, những cây bút chạy theo tiền, bỏ rơi thiên chức thiêng liêng của nhà văn.
Chờ ông hết phẫn nộ, tôi mới hỏi:
- Giả thử người ta đặt chú viết một cuốn tiểu thuyết với giá 200 ngàn chú có nhận không?
- Cái chính là viết về cái gì?
- Trinh thám, chống tiêu cực, tình yêu các loại, muốn viết gì viết miễn bán chạy và không gây độc hại .
- Lại còn thế nữa kia ư?
Giọng ông yếu đi nhiều khi nhận ra nếu phải theo cái tiêu chuẩn “đặt hàng” kia, ông vẫn có thể cho ra đời tác phẩm lớn, lưu hậu thế. Mấy ngày sau ông hỏi tôi:
- Biên Cương đã đi chưa?
Rồi ông nói nửa đùa nửa thực:
- Cô hỏi hắn hộ tôi, trong ấy có ai đặt tôi viết một cuốn không?
Sợ ông buồn, tôi không dám nói với tốc độ viết như ông có lẽ không ai bỏ tiền đặt ông cả, khách hàng của những “ông bầu” văn chương ấy thuộc thế hệ nhà văn “đánh máy chữ”, mặc quần Hara, đi xe máy và đeo kính gọng Joyce. Bất chợt tôi nhớ tới vẻ mặt của Biên Cương khi anh hỏi tôi:
- Gặp lại em, anh bỗng hoang mang quá...
Lúc này tôi mới rõ tôi không thể trả lời anh khác cái câu hôm đó, “mỗi người hãy tự chịu trách nhiệm lấy chính mình”, tôi quay mặt đi để khỏi thấy vẻ mặt căng thẳng của ông Trưởng phòng...
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét